Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thừa nhận không có thông quan cho du khách đến đại lục trong ngắn hạn
Chính phủ Hồng Kông đã tuân theo chính sách “zero COVID” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gây tác động to lớn đến nền kinh tế của thành phố.
Trong nhiệm kỳ của mình, nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm của Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã cố gắng liên lạc với đại lục để nối lại thông quan cho du khách thông thường giữa Hồng Kông và đại lục. Nhưng cho đến khi rời nhiệm sở, bà thừa nhận rằng chính sách phòng chống đại dịch của Hồng Kông là “ở giữa” đại lục và các quốc gia quốc tế, vì vậy không có bất kỳ sự thông quan nào cho du khách đến đại lục trong ngắn hạn có thể dự đoán trước được.
Hôm 09/06, trong phiên hỏi-đáp cuối cùng của mình tại Hội đồng Lập pháp, bà Lâm đã được hỏi về các đề nghị cho người lãnh đạo kế nhiệm để đối phó với đợt dịch tiếp theo và cố gắng để thông quan hải quan. Bà Lâm cho biết hầu hết các chuyên gia chính phủ không lo ngại về dịch bệnh, vì Hồng Kông đã thiết lập các hàng rào bảo vệ để giảm thiểu một cách hiệu quả các ca bệnh nặng thông qua lây nhiễm tự nhiên và chích ngừa.
Bà Lâm cho biết có những thách thức lớn trong việc nối lại thông quan cho du khách thông thường với Trung Quốc đại lục, bởi vì lý luận và biện pháp phòng chống dịch bệnh của đại lục và ngoại quốc là hoàn toàn khác nhau, và Hồng Kông thì nằm ở giữa. Bà cho biết theo cơ sở của cuộc thảo luận với đại lục từ tháng Chín đến tháng Mười Hai năm ngoái (2021), “khả năng thông quan cho du khách sẽ không thể thực hiện được trong ngắn hạn.”
Để đạt được thông quan cho du khách thông thường vào đại lục, chính phủ Hồng Kông cũng đã giới thiệu ứng dụng bắt buộc “LeaveHomeSafe” (“Rời Khỏi Nhà An Toàn”) để theo dõi nơi ở của từng cá nhân, và hệ thống mã y tế Hồng Kông để kết nối với “mã y tế” từ đại lục.
Bà Lâm cho biết trên chương trình Hong Kong TV hôm 11/06/2022 rằng, bà mong đợi được trông thấy cách nhà lãnh đạo mới sẽ xúc tiến vấn đề trên với chính quyền đại lục.
Với hầu hết các quốc gia đã hủy bỏ hạn chế nhập cảnh, Hồng Kông vẫn đang duy trì các biện pháp cách ly 7 ngày. Bà Lâm thừa nhận bà lo lắng về vị thế đô thị quốc tế của thành phố sẽ bị ảnh hưởng, nhưng bà cần học cách nới lỏng các biện pháp nhập cảnh từ quan điểm của Bắc Kinh.
Về vấn đề thông quan cho du khách đến Trung Quốc trước khi ra nước ngoài, bà Lâm cho biết nếu mất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này với đại lục, thì Hồng Kông cần đánh giá xem họ có thể chấp nhận những khó khăn hiện tại trong bao lâu, đối với những người từ bên ngoài thành phố đến Hồng Kông.
Vì chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Hồng Kông, nên các tổ chức kinh doanh và tài chính ở Hồng Kông đã gây áp lực lên chính phủ để nới lỏng hạn chế nhập cảnh.
Gần đây bà Hoàng Vương Từ Minh (Sally Wong Chi-ming), Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quỹ đầu tư Hồng Kông (HKIFA), cho biết ngành tài chính của Hồng Kông đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách cách ly khi nhập cảnh, nếu tiếp tục duy trì chính sách này, tình trạng kết nối và cạnh tranh của Hồng Kông trên thị trường quốc tế có thể sụt giảm.
Ông Hứa Thụ Xương (David Hui Shu-cheong), chuyên gia tư vấn cho chính phủ Hồng Kông, cho biết có những điều kiện để thông quan cho du khách đến các nước khác, thời gian cách ly tại khách sạn có thể được rút ngắn hoặc thậm chí chuyển thành cách ly tại nhà, giống Singapore và các nước khác. Tuy nhiên việc kiểm soát hải quan ngoại quốc không thể được nới lỏng nếu việc thông quan cho du khách đến đại lục là ưu tiên hàng đầu, vì đại lục vẫn đang duy trì chính sách “zero COVID”.
Kể từ khi ĐCSTQ mở ra kế hoạch du lịch cá nhân của cư dân đại lục đến Hồng Kông và Macau vào năm 2003, ngành du lịch, bán lẻ và các ngành công nghiệp khác của Hồng Kông đã bắt đầu dựa vào du khách đại lục.
Theo số liệu từ chính phủ Hồng Kông, du lịch là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế thành phố. Năm 2018, du khách đại lục chiếm gần 80% tổng lượng du khách, đóng góp khoảng 4.5% vào GDP của Hồng Kông và 6.6% nhân lực trong ngày công nghiệp du lịch. Sau khi đại dịch bùng phát, cả Hồng Kông và Trung Quốc đều thực hiện chính sách nhập cảnh nghiêm ngặt, số lượng du khách đến thăm Hồng Kông đã giảm từ 43.77 triệu người vào năm 2019 xuống còn 65,000 người vào năm 2021.
Việc hạn chế thông quan cho du khách không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch của Hồng Kông, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến ngành bán lẻ dựa vào du khách. Thương hiệu đồ ăn vặt 30 năm tuổi “Ahi Ichiban” đã thông báo đóng cửa hoạt động kinh doanh vào đầu tháng này. Phát ngôn viên của công ty cho biết họ quyết định đóng cửa các cửa hàng do lượng lớn du khách đã bị mất đi sau khi dịch bùng phát và thời điểm nối lại thông quan cho du khách thông thường giữa Hồng Kông và đại lục là không xác định.
Bà Julia Ye là một phóng viên người Úc, gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Bà chủ yếu đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Bà tác nghiệp từ năm 2003.