Ảnh hưởng của Trung Cộng trong các trường học ưu tú của Anh Quốc là mối đe dọa đối với nền dân chủ
Anh Quốc và các đồng minh nên ra luật chống lại việc các trường học bị Trung Quốc mua chuộc.
Các chi nhánh tại Trung Quốc của các trường học Anh đang không duy hộ các giá trị như dân chủ và nhân quyền. Các tổ chức này có khả năng gây ảnh hưởng đến các lớp học của Anh Quốc hơn là ngược lại.
Trong khi thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào vụ thử hỏa tiễn siêu thanh gần đây của Trung Quốc, thì có một sự chuyển hướng chú ý đến quyền lực của Bắc Kinh ít gây ấn tượng hơn nhưng có lẽ quan trọng hơn nhiều đang nằm ngoài tầm mắt của công chúng. Trong một bài báo xuất hiện trên tờ Times of London với nhan đề, “Các trường tư thục hàng đầu của Anh Quốc cho những người cộng sản Trung Quốc dự cuộc” (‘Top English private schools put Chinese communists on boards’), các ký giả điều tra Jacob Dirnhuber và Ben Ellery đã nêu chi tiết mức độ đáng kinh ngạc mà các cá nhân và tổ chức có liên hệ với Trung Cộng đã thâm nhập vào những ngôi trường ưu tú nhất thế giới, bằng cách chi trả hoặc cho vay hàng chục triệu dollar phí cấp giấy phép.
Các trường tiểu học và trung học ưu tú thu hút học sinh từ khắp nơi trên thế giới và trong đó có cả các gia đình giàu có nhất và có thế lực chính trị lớn nhất, từ đó kết nối và tham gia kinh doanh trong suốt quá trình đào tạo, đồng thời tạo dựng các mối quan hệ bằng hữu trọn đời. Sau đó, học sinh của họ được nhận vào các trường đại học hàng đầu, mở ra con đường để gây dựng tầm ảnh hưởng đến các chính phủ và tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu.
Theo hai ký giả Dirnhuber và Ellery, Trường Harrow, nơi đào tạo những thanh niên sau này trở thành Thủ tướng Anh Winston Churchill, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, và Vua Hussein của Jordan, có một chi nhánh tại Hồng Kông với một hội đồng nhà trường gồm bốn đảng viên Trung Cộng cao cấp.
Trường Harrow đào tạo các em học sinh từ 11 đến 18 tuổi, [là độ tuổi] dễ bị tác động. Ngôi trường này chấp thuận cho các thành viên Trung Cộng tham gia vào đội ngũ lãnh đạo giáo dục — một điều thật phi lý. Nhưng có lẽ đó chính là thỏa thuận với ma quỷ mà họ đã làm để nhận được khoản vay không tính lãi trị giá 22.5 triệu bảng Anh (khoảng 31 triệu USD) cho khu học xá tại Hồng Kông của mình.
Theo các ký giả này, để đổi lấy khoản quyên góp trị giá 19 triệu bảng Anh (26 triệu USD), “một công ty có trụ sở tại Cayman do tỷ phú Trung Quốc Daniel Chiu và cố chính trị gia Ian Taylor của [đảng bảo thủ] Tory thành lập”, đã cho phép sử dụng cái tên Harrow. Theo tờ Times, trong số các ủy viên hội đồng quản trị độc lập [của trường Harrow] có cả chủ tịch Viện Nghiên cứu Một quốc gia Hai chế độ, là “một tổ chức cố vấn thuộc Đảng Cộng Sản vận động cho mối liên hệ khăng khít hơn giữa Bắc Kinh và Hồng Kông và ông Johnny Mok, một luật sư đã biện hộ cho cảnh sát Hồng Kông trước những cáo buộc về hành vi tàn bạo vào năm 2016.”
Theo tờ Times, Trung Cộng đã vươn tầm ảnh hưởng ra cả bên ngoài trường Harrow. Trường Dulwich College, chuyên giáo dục các em học sinh từ 0 đến 18 tuổi, có chín cơ sở liên kết với Trung Quốc, nơi mà họ “đưa ra một loạt các chính sách và quy định nhằm biến trẻ em thành những đảng viên.”
Một bí thư của Trung Cộng và một doanh nhân, người chuyên cố vấn cho Bắc Kinh về Tây Tạng, là những thành viên sáng lập khu học xá Trung Quốc đầu tiên của Trường Westminster. Trường Westminster ở London có khả năng đã ra đời từ năm 960 sau Công nguyên, và đào tạo các em học sinh từ 7 đến 18 tuổi.
Theo tờ Times, chi nhánh Thượng Hải của trường Concord College thuộc quận Shropshire đang hợp tác với một doanh nhân là chủ sở hữu một nhà cung cấp của quân đội Trung Quốc. Ông này là ủy viên của Đoàn Thanh niên Trung Quốc, một tổ chức ép buộc các thành viên phải “đẩy mạnh công cuộc thống nhất Tổ quốc” và “giương cao các biểu ngữ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội”. Trường Concord College chuyên giáo dục các em học sinh từ 13 đến 18 tuổi.
Có thể có người cho rằng những trường học của Anh Quốc này có ảnh hưởng tích cực đến Trung Quốc, đưa đến những khái niệm vô cùng cần thiết về dân chủ và thị trường tự do cho hệ thống giáo dục vốn bị kiểm duyệt gắt gao của nước này.
Tuy nhiên, thật nực cười khi cho rằng một vài trường học của Anh Quốc có thể tạo ra bước tiến lớn về ý thức hệ ở Trung Quốc trước những nguyên tắc thâm căn cố đế do Trung Cộng áp đặt. Đặc biệt kể từ khi có luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, thì việc chỉ trích Trung Quốc là một hành vi phạm tội. Các giáo viên tại các trường ưu tú của Anh Quốc không thể mạo hiểm đánh mất quyền tự do của mình để chỉ trích đảng này trong các lớp học ở Trung Quốc hoặc Hồng Kông của họ.
Nhiều khả năng là Trung Cộng sử dụng các trường học ưu tú của Anh Quốc để tạo một lớp vỏ bọc đáng kính và mực thước cho thế giới quan toàn trị của mình, và nhằm xã hội hóa con em của các cán bộ đảng ưu tú để phục vụ cho sự nghiệp chính trị tinh vi ở hải ngoại.
Chẳng hạn như, chủ tịch của Trường Quốc tế Harrow ở Hồng Kông đã nêu trên trang web của trường triết lý của ông là khiến cho giới trẻ Hồng Kông thấm nhuần [tư tưởng] “cống hiến hết mình, đoàn kết, và cảm giác gắn bó thân thuộc đối với Tổ quốc”.
Theo Times, trên trang web của khu học xá Đức Hoành, một chi nhánh của trường Dulwich, bên cạnh các bài viết thông báo về bầu cử bí thư chi bộ và ủy viên ban tuyên giáo, đã “liệt kê một loạt các chính sách và quy định nhằm biến trẻ em thành các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Theo các tác giả này, khu học xá Đức Hoành tuyên bố rằng liên kết đối tác với trường Dulwich sẽ giúp các em học sinh tiếp cận với “các trường đại học hàng đầu trên thế giới, trong đó có cả trường Ivy League”, Cambridge, và Oxford.
Họ cho biết, “Chi nhánh giáo dục của [công ty] Lãng Thịnh vừa điều hành trường [song ngữ quốc tế] Concord ở Thượng Hải vừa hoạt động như một văn phòng tuyển sinh ở hải ngoại cho tám trường học độc lập của Anh Quốc.” “Trang web của họ tuyên bố đã [gửi] hàng trăm học sinh xuất sắc đến các trường trung học tư thục danh tiếng ở Anh và Hoa Kỳ.”
Để duy trì nguồn lợi nhuận từ Trung Quốc, các trường tiểu học và trung học của Anh Quốc sở hữu những chi nhánh sinh lời tại Trung Quốc sẽ ngăn trở những tiếng nói chỉ trích Trung Cộng không chỉ ở Trung Quốc và Hồng Kông, mà còn ở trong các lớp học tại nơi quê nhà của mình. Các khoản đãi ngộ tài chính này có tác động mạnh đến việc họ làm như vậy.
Các ký giả Dirnhuber và Ellery đã thống kê tổng cộng có 20 trường học của Anh Quốc đã thành lập chi nhánh ở quốc tế, chủ yếu ở Trung Quốc, nhờ đó trong vòng 15 năm họ đã thu về 67 triệu bảng Anh (92 triệu USD). Đó là một món tiền lớn đối với các trường đang bị kẹt tiền, đồng thời là chiến lợi phẩm vẻ vang của hiệu trưởng, vốn đa số biện minh cho mức lương cao của bản thân mình là nhờ số tiền họ có thể kiếm được từ các khoản quyên góp và các khoản thu nhập bên ngoài.
Trung Quốc có thể sẽ không tiếp tục duy trì những mối liên hệ lợi lộc với các trường học của Anh Quốc thiên về việc giáo dục các học sinh của họ, ngay cả là những học sinh ở Anh, những chủ đề nhạy cảm như vụ thảm sát Thiên An Môn, mối đe dọa quân sự thường trực của Trung Quốc về một cuộc xâm lược Đài Loan, hoặc tội ác diệt chủng nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và các học viên Pháp Luân Công. Tuy nhiên, vì sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng, nên những vấn đề này ngày càng quan trọng đối với công dân Anh, cũng như công dân của các đồng minh của Anh, gồm Hoa Kỳ và Úc.
Hoa Kỳ, Anh, Úc, và các đồng minh của chúng ta trên toàn thế giới cần ngay lập tức ra luật ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Cộng ở các trường tiểu học và trung học, loại bỏ nguồn tài trợ có liên hệ với Trung Cộng nếu phát hiện ra, và thay thế bằng nguồn tài trợ khác từ tư nhân hoặc chính phủ nếu cần. Mặc dù cần số tiền lớn để tài trợ cho một số ít trường tiểu học và trung học, nhưng chúng chỉ là những món tiền nhỏ trong ngân sách chính phủ của chúng ta, và là những đồng tiền đáng tiêu.
Việc các chính phủ được bầu một cách dân chủ của chúng ta đã không thực thi các biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ con em của chúng ta, và trẻ em ở Trung Quốc và ở các vùng lãnh thổ của họ thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng núp bóng dưới danh nghĩa các trường học ưu tú của Anh là không thể chấp nhận được. Đồng thời chúng ta cũng đang lơ là bổn phận chung của mình trong việc bảo vệ các nền dân chủ và trao trọn vẹn các giá trị dân chủ của chúng ta cho thế hệ mai sau.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Từ Huệ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: