Vương quốc Anh chặn Trung Quốc mua lại công nghệ camera thông minh
Vương quốc Anh đã chặn một công ty Trung Quốc mua lại công nghệ camera thông minh từ một trường đại học của Anh, trong lần đầu tiên sử dụng các quyền hạn an ninh quốc gia mới của chính phủ.
Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng thông báo hôm 20/07 rằng ông đã ban hành một lệnh (pdf) theo Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư, ngăn chặn nỗ lực mua công nghệ cảm biến thị giác từ Đại học Manchester của Công ty Công nghệ Tầm nhìn Vô hạn Bắc Kinh (BIVT).
Công nghệ cảm biến thị giác SCAMP-5 và SCAMP-7, được phát triển bởi Xưởng Đổi Mới của trường đại học, có thể cho phép các ứng dụng thị giác cài đặt mới trong các lĩnh vực như robot, thực tế ảo, công nghiệp xe hơi, đồ chơi, và giám sát.
Nỗ lực chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ này sẽ cho phép công ty Trung Quốc phát triển, thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, và bán các sản phẩm được cấp phép.
Theo quyết định của chính phủ ngăn chặn việc mua lại, bộ trưởng kinh doanh coi công nghệ này có “ứng dụng lưỡng dụng”, nghĩa là nó có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
‘Cần thiết và tương xứng’
Lệnh cho biết: “Có khả năng công nghệ này có thể được sử dụng để xây dựng các năng lực quốc phòng hoặc công nghệ có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Vương quốc Anh.”
Văn bản nêu, do đó, việc ngăn chặn thỏa thuận là “cần thiết và tương xứng để giảm thiểu rủi ro đối với an ninh quốc gia.”
Đại học Manchester cho biết họ đã tuân thủ các quy trình hợp pháp và sẽ tuân theo quyết định của chính phủ.
Phát ngôn viên của trường đại học nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử: “Chúng tôi có các quy trình nội bộ kỹ lưỡng để xem xét các thỏa thuận quốc tế được đề nghị. Những quy trình này đã được tuân theo trong trường hợp này và, theo luật, chúng tôi đã tự nguyện chuyển thỏa thuận này cho chính phủ Vương quốc Anh. Tất nhiên, chúng tôi sẽ tuân theo quyết định đã được đưa ra.”
The Epoch Times đã liên lạc với BIVT để yêu cầu bình luận.
Lo ngại về an ninh
Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 04/01, được cho là sự rung chuyển lớn nhất đối với cơ chế an ninh quốc gia của Vương quốc Anh trong 20 năm.
Đạo luật trao quyền hạn mới cho chính phủ để xem xét kỹ lưỡng và can thiệp vào một số vụ mua lại do bất kỳ ai thực hiện — bao gồm cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư — có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Vương quốc Anh.
Theo luật, ông Kwarteng hiện cũng đang chủ trì một cuộc điều tra về việc Nexperia, một công ty con có trụ sở tại Hà Lan của nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Wingtech Technology, tiếp quản nhà máy đĩa bán dẫn Newport (Newport Wafer Fab).
Việc bán nhà máy vi mạch lớn nhất của Anh, sử dụng 450 nhân viên, cho người Trung Quốc đã thu hút sự phẫn nộ và phản ứng không thể tin nổi ở Anh và các nơi khác, đặc biệt là từ bên kia Đại Tây Dương, nơi có 9 nghị sĩ Hoa Kỳ, trong đó có thành viên Đảng Cộng Hòa đứng đầu trong Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), đã ký một lá thư hồi tháng Tư yêu cầu chính phủ Anh “hành động khẩn cấp” để lật ngược thương vụ mua lại.
Việc tiếp quản “đóng vai trò là một trường hợp thử nghiệm quan trọng” về sự sẵn sàng của Anh trong việc “giải quyết mối quan tâm chung về an ninh liên quan đến công nghệ quan trọng”, bức thư viết.