Anh Quốc: Hãy hủy bỏ thương vụ bán cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán cho Trung Quốc
Theo nguồn tin của CNBC, Trung Quốc sắp giành được quyền sở hữu cơ sở thiết kế và sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán (được gọi là “fab”) lớn nhất nước Anh với mức giá rẻ là 87 triệu USD trong tuần lễ từ ngày 05-11/07. Như là [đặc điểm] điển hình trong các giao dịch dạng này, Bắc Kinh tìm cách kiểm soát đối với fab, cùng công nghệ của cơ sở này càng nhiều càng tốt, thông qua chiến thuật tiệm tiến và các lớp công ty bình phong. Trong thương vụ bán fab này, Vương quốc Anh không thực hiện đúng phận sự của mình với tư cách là một đồng minh dân chủ.
Ông Michael Wessel, Ủy viên Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc, viết trong một thư điện tử: “Giao dịch này nhấn mạnh sự cần thiết của Vương quốc Anh phải phối hợp chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ trong hoạt động đánh giá đầu tư để phù hợp với các mối quan tâm về an ninh của chúng ta. Vương quốc Anh cần trở thành một đối tác mạnh trong việc ứng phó với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị các chuỗi cung ứng quan trọng.”
Các đồng minh của Anh Quốc, như Hoa Kỳ, Ý và Nam Hàn, tất cả quốc gia này đều đã ngừng các thương vụ chuyển nhượng cơ sở fab cho Trung Quốc, [đều] không thể một mình đánh bại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm sở hữu công nghệ vi mạch bán dẫn máy điện toán phức tạp. Chỉ có sự đoàn kết, cùng với việc Anh Quốc đứng vững trước sự thâu tóm công nghệ của Trung Quốc, chúng ta mới có thể đánh bại các hành vi hiếu chiến của Trung Cộng.
Công ty Nexperia, một công ty Hà Lan thuộc sở hữu của Trung Quốc, đang tìm cách mua lại công ty vi mạch bán dẫn của Anh Quốc, có tên là Newport Wafer Fab (NWF). Mức giá này có vẻ thấp, khi Texas Instruments thông báo mua một nhà máy sản xuất Micron bỏ trống ở Utah với giá 900 triệu USD trong tuần này. Nhà máy ở Vương quốc Anh sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận không chỉ mảng sản xuất, mà còn cả một nền tảng ở Anh Quốc mà từ nền tảng này Trung Quốc có thể có được nhân tài và công nghệ hàng đầu của Anh Quốc để thiết kế loại vi mạch bán dẫn tân tiến.
Công nghệ vi mạch bán dẫn máy điện toán, vốn được quản lý một cách chặt chẽ như một tài sản chiến lược quốc gia ở hầu hết các đất nước, sẽ quyết định khả năng cạnh tranh kinh tế và quân sự trong tương lai của Trung Quốc, vì đây là một lĩnh vực mà quốc gia [dưới chế độ] toàn trị này bị tụt lại phía sau. Một khi Trung Quốc không còn phụ thuộc vào Hoa Kỳ và các đồng minh về vi mạch bán dẫn máy điện toán, họ có thể gây sức ép với chúng ta theo những cách khác, mà không sợ bị trả đũa. Trung Quốc đã cố gắng và thất bại trong việc siết chặt [nguồn cung] các nguyên tố đất hiếm (REE) đối với Nhật Bản vào năm 2010. Khi Trung Quốc tăng cường nắm giữ các nguồn lực công nghiệp bổ sung, bao gồm cả sản xuất và công nghệ vi mạch bán dẫn, [thì] khả năng họ chiếm chỗ của Anh Quốc và các đồng minh trên thị trường vi mạch toàn cầu, và sau đó là [khả năng] từ chối [cung cấp] các loại vi mạch bán dẫn đó cho các đồng minh, sẽ tăng lên. Do đó, việc Anh Quốc bán NWF cho Trung Quốc đang tạo điều kiện cho quốc gia [dưới chế độ] toàn trị này có khả năng áp đặt sự cưỡng bức kinh tế hà khắc lên tất cả chúng ta trong tương lai.
Do đó chính phủ Anh Quốc nên hủy bỏ việc bán NWF vì lý do an ninh quốc gia.
Nexperia, công ty có trụ sở tại Hà Lan đang tìm cách mua cơ sở fab của Anh Quốc, thuộc sở hữu 100% của Wingtech Technology, một công ty Trung Quốc. Vào tháng 03/2021, Nexperia đã chiếm các ghế trong hội đồng quản trị của NWF. NWF, là cơ sở sản xuất và phát triển tấm silicon 200mm và chất bán dẫn hàng đầu của Anh Quốc, rất có giá trị do sự thiếu hụt vi mạch bán dẫn trên toàn cầu và cuộc đua của Hoa Kỳ, Đài Loan, Nam Hàn và Trung Quốc nhằm dẫn đầu trong việc sản xuất và thu nhỏ các loại vi mạch bán dẫn thông qua các công nghệ được bảo vệ, chẳng hạn như loại vi mạch dành cho iPad Pro, sử dụng quy trình sản xuất in thạch bản 3 nanomet rất được ưa chuộng.
NWF chuyên về vi mạch bán dẫn được sử dụng trong xe hơi, và tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn đã ảnh hưởng lớn đến các dây chuyền lắp ráp xe hơi trong năm nay. GM, Mercedes, Peugeot, Porsche, Volkswagen, và các nhà sản xuất khác đã phải ngừng chạy các dây chuyền sản xuất, hoặc [phải] đưa ra các lựa chọn công nghệ kém hơn như đồng hồ đo tốc độ bằng cơ, trong các loại xe của họ. Anh Quốc hiện đang sản xuất hơn 50 mẫu xe của hơn 15 nhà sản xuất khác nhau, mà bất kỳ mẫu xe nào trong số này đều có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn giả tạo do Trung Quốc áp đặt, nếu như Trung Quốc có được công nghệ và quy trình sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến.
Một lá thư ngày 18/06/2021 từ Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ của Anh Quốc, Nghị sỹ Quốc hội Tom Tugendhat, gửi cho Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Anh Quốc, Nghị sĩ Kwasi Kwarteng, đã nêu vấn đề về việc Bộ này không đề nghị xem xét đánh giá lại việc bán NWF theo Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư của Anh Quốc. Ông Tugendhat gọi việc Trung Quốc tiếp quản công ty này của Anh Quốc là “một mối lo ngại đáng kể về kinh tế và an ninh quốc gia” và kêu gọi sự cần thiết của việc “tự cung cấp các chuỗi cung ứng chất bán dẫn như một mệnh lệnh an ninh quốc gia”.
Vấn đề gây lúng túng là ở bản chất trao quyền quản trị ở Vương quốc Anh, đất nước mà kể từ năm 1922 đã được chia thành các “quốc gia” bán tự trị (và có khả năng ly khai) gồm Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Bức thư của nghị sĩ Tugendhat phản ánh sự yếu kém tương đối của chính phủ Anh Quốc ở London khi nêu rằng, “ông cũng có thể vui lòng làm rõ liệu ông có tin rằng đây chủ yếu là vấn đề của Chính phủ xứ Wales khi chính quyền ở Cardiff [thủ phủ của Wales] không có thẩm quyền được giao để xem xét các tác động an ninh quốc gia của một giao dịch có tính chất như thế này đối với một bên mua ngoại quốc sẽ gây ra?”
Sự ủng hộ dành cho độc lập của xứ Wales rời khỏi Anh Quốc đã tăng từ mức dưới 20% vào năm 2016 lên trên 30% trong các cuộc thăm dò năm 2021, có thể gây áp lực lên London để xoa dịu các lợi ích kinh doanh của xứ Wales, bao gồm cả những doanh nghiệp muốn làm ăn với Trung Quốc. Trong khi quan điểm [của người dân] tại xứ Wales vẫn còn thấp xa dưới mức ngưỡng để có được quyền độc lập, thì một trong các đảng phái của xứ Wales trong năm 2020 đã đưa ra một bản kiến nghị tại quốc hội Wales về nền độc lập của Wales. Năm 2014, cử tri Scotland đã bác bỏ một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập mà những người ủng hộ nó coi là cơ hội “chỉ-có-một-lần-trong-một-thế-hệ.” Bất chấp thất bại, các cử tri này đã trở lại vào năm 2021 với các đề nghị cho một cuộc trưng cầu dân ý khác về độc lập cho phép Scotland tách khỏi Vương quốc Anh để ở lại trong Liên minh Âu Châu hậu Brexit. Một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập khác của Scotland sẽ đòi hỏi sự đồng ý của London, mà chính phủ của Đảng Bảo thủ có khả năng không cho phép. Tuy nhiên, áp lực của chủ nghĩa ly khai khiến London gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các biện pháp mạnh mẽ chống lại việc các doanh nghiệp ở Scotland và xứ Wales đang tìm cách bán công nghệ cho Trung Quốc.
Trong bối cảnh rối ren về chủ nghĩa ly khai này ở Anh Quốc, ông Tugendhat đang nỗ lực một cách đúng đắn để thống nhất đất nước của mình và gắn kết chặt chẽ hơn hệ thống phòng thủ của quốc gia này với các nền dân chủ khác. Trong một trường hợp đồng minh phối hợp rà soát các hoạt động xuất cảng công nghệ nhạy cảm, bức thư của ông Tugendhat lưu ý rằng Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS) đã hợp tác với chính phủ Nam Hàn để xem xét một nỗ lực tương tự của Trung Quốc trong việc mua một cơ sở thiết kế và sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán, lần này là thông qua Wise Road Capital của Bắc Kinh để mua Magnachip của Nam Hàn. Chính phủ Nam Hàn, không giống như chính phủ Anh Quốc, đã phân loại công ty vi mạch bán dẫn của mình là “công nghệ cốt lõi quốc gia,” do đó việc rà soát là bắt buộc. Vào tháng 03/2021, Ý đã chặn việc bán cho một công ty Trung Quốc một lượng cổ phần kiểm soát trong LPE, một doanh nghiệp về vi mạch bán dẫn của Milan, gọi công ty Ý này là “tầm quan trọng chiến lược.”
NWF có khoảng 53 triệu USD nợ, bao gồm cả nợ HSBC và chính phủ xứ Wales. Trong khi bộ phận thiết kế của công ty về các chất bán dẫn hợp chất có tốc độ nhanh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn sẽ không được đưa vào đề nghị bán, NWF dưới sự kiểm soát của Trung Quốc vẫn có thể phát triển lại các công nghệ này bằng cách sử dụng nhân tài và công nghệ của Anh Quốc, cũng như các quy trình phát triển vẫn còn [đang] ở NWF. Nhân tài và công nghệ của Anh Quốc sẽ nằm trong tầm tay của Bắc Kinh nếu thương vụ mua bán NWF diễn ra thành công. Vì NWF đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát minh ra phương tiện về hợp chất bán dẫn, nên với phần đã chuyển nhượng của NWF, sẽ không khó để làm như vậy [trong việc phát triển các phương tiện về hợp chất bán dẫn] thêm một lần nữa ngay cả khi mảng này chính thức được tách ra khỏi phần bán cho Trung Quốc.
Việc bán NWF nên được hủy bỏ ngay lập tức, vì giao dịch này mang lại cho Bắc Kinh một chỗ đứng quan trọng trong lĩnh vực sản xuất và thiết kế công nghệ cao của Vương quốc Anh. Với những nỗ lực của các đồng minh của Anh Quốc như Hoa Kỳ, Đài Loan, Nam Hàn và Ý, nhằm bảo vệ công nghệ vi mạch bán dẫn khỏi các hoạt động kinh tế hiếu chiến của Trung Quốc, giao dịch này sẽ là một thất bại trong liên minh của Anh Quốc với các nền dân chủ khác nếu quốc gia này làm suy giảm những nỗ lực của các quốc gia đồng minh bằng cách bán các công nghệ chiến lược cho Trung Quốc. Cân nhắc tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn toàn cầu, việc Anh Quốc giao quyền kiểm soát cho Bắc Kinh là một trò lố bịch đối với lợi ích của chính quốc gia này và của các nhà sản xuất xe hơi của Anh Quốc, khiến các cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn chiến lược của nước này gặp rủi ro. Công ty vi mạch bán dẫn NWF cho phép Anh Quốc có một số biện pháp bảo đảm nguồn cung, và không được nhượng bộ trước một đối thủ quân sự và kinh tế có ý định trộm cắp và thực thi thương mại vô đạo đức, chẳng hạn như bán phá giá và giữ lại các nguồn lực kinh tế quan trọng do yếu tố tính chính trị, đều là [những thứ] quá hiển hiện.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách có nhan đề “Tập trung quyền lực” (sắp ra mắt vào năm 2021) và “Không xâm phạm,” đồng thời đã biên tập cuốn sách “Những quyền lực lớn, Những chiến lược lớn.”
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Anders Corr thực hiện
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: