Ẩn sau bộ máy tuyên truyền phức tạp mà ĐCSTQ thao túng là ý đồ truyền bá tư tưởng cộng sản (Phần 3)
Mời quý vị xem Phần 1 và Phần 2 của loạt bài viết này.
Vấn đề chính hiện nay là chính phủ Hoa Kỳ vẫn cần tìm ra một biện pháp hiệu quả để kiềm chế các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ. Do rào cản ngôn ngữ, nên Hoa Thịnh Đốn hay giới truyền thông Mỹ vẫn cần hiểu đầy đủ những gì đang xảy ra trong cộng đồng người Hoa, quy mô cũng như các chiến lược truyền thông bí mật và phức tạp trong việc Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường hải ngoại.
Kể từ khi doanh nhân Hồng Kông kiêm thành viên CPPCC (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc) Hà Trụ Quốc (Ho Chu Kwok) mua lại tờ Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily) hồi năm 2001, lập trường của tờ báo này đã trở nên thân Bắc Kinh. Ấn bản New York của Tinh Đảo Nhật Báo đưa tin các tin thời sự Trung Quốc do trụ sở chính ở Hồng Kông cung cấp, và nội dung ấn bản này luôn ủng hộ Bắc Kinh. Hơn một nửa nội dung tin tức tại Mỹ của ấn bản này đến từ Star Productions, một công ty Trung Quốc ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
Tuy nhiên, phải đến năm 2021, khi ông Hà Trụ Quốc bán Tinh Đảo Nhật Báo cho bà Quách Hiểu Đình (Guo Xiaoting), con gái của Chủ tịch Tập đoàn Kaisa, thì Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mới có thể yêu cầu Tinh Đảo Nhật Báo ghi danh là một “đại diện ngoại quốc,” quy định rằng cứ sáu tháng một lần cơ quan này phải báo cáo các nguồn tài chính và chi tiêu của mình cho chính phủ Hoa Kỳ. Đạo luật Ghi danh Đại diện Ngoại quốc (FARA) có chủ định nhằm cung cấp thông tin cho công chúng và không điều chỉnh hoạt động của các đại diện. Tinh Đảo Nhật Báo chỉ cho biết danh tính đại diện của mình trong một dòng chữ nhỏ ở cuối trang nhất với nội dung: “Tài liệu này được Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tinh Đảo Tân văn New York (Sing Tao Newspapers New York Ltd) xuất bản thay mặt cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tinh Đảo Tân văn (Sing Tao News Corporation Limited). Thông tin cụ thể hơn có thể được thu thập từ Bộ Tư pháp tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn,” nhưng ít độc giả nào sẽ chú ý đến điều đó. Luật pháp có một tác dụng rất hạn chế trong việc ngăn chặn các hành vi xâm nhập của ĐCSTQ và “tác động trong thế giới thực” của sự xâm nhập này.
Kể từ khi được ghi danh là một “đại diện ngoại quốc,” Tinh Đảo Nhật Báo đã trở nên đường hoàng hơn Kiều Báo (Qiao Bao) để làm một cơ quan ngôn luận chính của ĐCSTQ. Vào ngày 09/08/2022, ấn bản Đông phương của Tinh Đảo Nhật Báo đã đăng một bài báo dài 2,000 từ của ông Triệu Kiến (Zhao Jian), Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Chicago, trực tiếp bày tỏ quan điểm của ĐCSTQ về vấn đề Đài Loan và truyền bá cho độc giả của Tinh Đảo những quan điểm ủng hộ Bắc Kinh.
Kiều Báo được ghi danh là một công ty tư nhân tại Hoa Kỳ, còn nguồn vốn và các hoạt động của công ty này vẫn còn là một bí ẩn. Tên chính thức và nhà xuất bản của Kiều Báo New York là Công ty Văn Hóa Thái Bình Dương (Pacific Culture Enterprise Inc). Kiều Báo còn có một tên được ghi danh là Tập đoàn Truyền thông và Văn hóa Á Châu (Asian Cultural and Media Group). Theo trang web ghi danh của Tiểu bang New York, họ đã sử dụng các tên công ty khác nhau trong những năm khác. Đối với người ngoài cuộc, mối quan hệ giữa Công ty Văn hóa Thái Bình Dương, Trung tâm Văn hóa Á Châu (Asian Cultural Center), Tập đoàn Truyền thông Rhythm, và Tập đoàn Truyền thông và Văn hóa Á Châu rất phức tạp vì họ là các công ty tư nhân.
Như báo cáo năm 2018 của Viện Hoover có nhan đề “Ảnh hưởng của Trung Quốc và Lợi ích của Mỹ” đã nêu rằng, rất khó để nhận ra cấu trúc sở hữu của “ngành truyền thông mà đảng này [ĐCSTQ] kiểm soát một phần.” Ví dụ, Tập đoàn Truyền thông và Văn hóa Á Châu kiểm soát các hãng thông tấn thân cộng là SinoVision (Truyền hình Trung Quốc) và tờ Kiều Báo ở Hoa Kỳ vốn có vẻ như là hai công ty tư nhân. Những nhân viên trong công ty này đều đã từng làm việc cho Trung Quốc Tân Văn Xã (China News Service, CNS) thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.
Các nguồn tin của chúng tôi nhấn mạnh rằng những nhân viên này “được chính quyền Trung Quốc cử đến Hoa Kỳ nhằm thiết lập các hoạt động tuyên truyền ở Hoa Kỳ. Với danh nghĩa là một công ty tư nhân, việc tiến hành đóng cửa hoạt động của công ty này thậm chí còn gặp nhiều thách thức về pháp lý và đạo đức hơn so với những thách thức liên quan đến các tập đoàn truyền thông do CHND Trung Hoa trực tiếp sở hữu,” báo cáo cho biết. Báo cáo này cho thấy rằng các nhà xuất bản và các trang web độc lập cũng bị móng vuốt của chế độ Cộng sản này gây ảnh hưởng theo cách tương tự.
Mặc dù báo cáo nói trên của Viện Hoover công nhận rằng việc thành lập Kiều Báo và Truyền hình Trung Quốc là để phục vụ các mục tiêu của ĐCSTQ, nhưng “hầu hết các Tổng giám đốc và các biên tập viên của các hoạt động này đều là biên tập viên và phóng viên tin tức trong nước, đồng thời họ cũng là các quan chức trong Văn phòng Sự vụ Hoa Kiều của Bộ Ngoại giao,” báo cáo này cho biết. “Theo bà Vương Ngải Băng (Wang Aibing), cựu giám đốc điều hành của Truyền hình Trung Quốc, kể từ năm 1990 Văn phòng Sự vụ Hoa Kiều đã cung cấp cho Truyền hình Trung Quốc 800,000 USD mỗi năm và cuối cùng đã tăng khoản trợ cấp này lên từ 2 triệu đến 3 triệu USD mỗi năm. Trong một lá thư gửi cho Văn phòng Sự vụ Hoa Kiều hồi năm 2011, bà Vương đã cáo buộc rằng tình trạng tham nhũng tràn lan đã xảy ra tại cơ quan này.”
Tuy nhiên, do các công ty tư nhân có quyền tự chủ và tự do hoạt động nên luật pháp Hoa Kỳ bất lực trước tình trạng này. Báo cáo này đặt ra nghi vấn: “Nếu luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền của các nhà xuất bản báo chí hoặc trang web để đưa quan điểm chính trị cá nhân của họ vào hãng thông tấn của họ, thì làm sao chính phủ Hoa Kỳ có thể từ chối điều đó đối với các hãng thông tấn thân Trung Quốc?”
Các học giả đề nghị đóng cửa hoặc bán các hãng truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát vốn gây ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ gốc Hoa
Vấn đề chính ở đây không phải là các công ty tư nhân tiêu chuẩn của Mỹ, hay lòng trung thành của họ là đáng khả nghi. Như ông Lim Jim Koon, cựu tổng biên tập của Singapore United Daily News, đã cho thấy trong một bài diễn văn tại Hội nghị chuyên đề Học thuật Quốc tế về Văn minh Trung Quốc và Truyền thông Hoa ngữ Thế giới lần thứ 7 diễn ra hồi tháng 09/2011, “Nhiều tờ báo Hoa ngữ ở hải ngoại hiện hữu như là ‘các tờ báo Trung Quốc ở hải ngoại,’ và trong số đó có một số tờ báo trung thành với Trung Quốc chứ không trung thành với nước sở tại. Về nguồn lực, trong đó có kinh phí, nhân sự, và các nguồn tin tức, họ phụ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp từ Trung Quốc … Thay vì gọi những tờ báo này là ‘báo Hoa ngữ ở hải ngoại,’ thì nên gọi họ là các ấn bản mở rộng ở hải ngoại của các tờ báo Trung Quốc.”
Vậy chúng ta giải quyết vấn đề này như thế nào? Báo cáo của Viện Hoover gợi ý rằng giới chức Hoa Kỳ phải thiết lập “cơ cấu sở hữu” thực sự cho các công ty Trung Quốc nào mua lại hãng truyền thông của Mỹ. Bất kỳ hãng thông tấn nào do các tổ chức ngoại quốc sở hữu hoặc kiểm soát, đặc biệt là những hãng thông tấn nào phục vụ các lập trường của chính phủ ngoại quốc, đều phải ghi danh theo FARA. Hoa Kỳ cũng nên tiến hành một cuộc xem xét toàn diện để đánh giá liệu các tổ chức và các nhân viên của họ nằm ngoài phạm vi quy định của FARA có cần phải ghi danh làm đại diện ngoại quốc hay không. “Ngoài ra, có một lập luận được đưa ra để bảo đảm rằng nhân viên của các tổ chức này được cung cấp một bộ công bố thông tin để họ biết rằng họ đang làm việc cho một tổ chức đại diện cho ngoại quốc.”
Trong một bài xã luận trên Wall Street Journal có nhan đề “Tuyên truyền của Trung Quốc ảnh hưởng đến phương Tây Như thế nào,” ông Seth D. Kaplan, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, cũng đề nghị rằng chính phủ Hoa Kỳ nên yêu cầu các công ty cung cấp thông tin về cơ cấu sở hữu và mối quan hệ tài chính của họ với bất kỳ người Trung Quốc nào hoặc tổ chức mặt trận thống nhất nào của ĐCSTQ, đồng thời buộc các hãng thông tấn nào chịu ảnh hưởng của ĐCSTQ phải “bán hoặc đóng cửa.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times