Ấn Độ ban hành lệnh cấm hơn 200 ứng dụng cờ bạc và cho vay, hầu hết đều có liên hệ với Trung Quốc
Hôm Chủ nhật (05/02), chính phủ Ấn Độ đã ban hành một lệnh cấm hơn 200 ứng dụng đặt trụ sở ở ngoại quốc cung cấp các dịch vụ cho vay và cờ bạc bất hợp pháp, hầu hết trong số đó đều có liên hệ với Trung Quốc, trong một hành động nhằm bảo vệ chủ quyền của quốc gia này.
Theo các bản tin từ nhiều hãng thông tấn, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin đã khai triển quy trình cấm 138 ứng dụng cờ bạc và 94 ứng dụng cho vay được cho là chứa tài liệu gây phương hại đến chủ quyền của Ấn Độ.
Viện dẫn lời một quan chức thạo về vấn đề này, hãng thông tấn địa phương WION đưa tin rằng các nhà chức trách cho biết các ứng dụng này được vận hành từ “các công ty ở ngoại quốc, kể cả Trung Quốc,” gây ra mối đe dọa đối với “sự ổn định kinh tế” của Ấn Độ.
Bộ vẫn chưa tiết lộ đích danh của các ứng dụng bị chặn đó.
Bộ Nội vụ, cơ quan đã điều tra sự việc sau khi có báo cáo về các vụ tự tử liên quan đến các ứng dụng này, đã thúc đẩy lệnh cấm này. Bộ này cũng nhận được khiếu nại từ người dùng cho rằng họ bị sách nhiễu sau khi không trả được các khoản vay mà họ vay được từ các ứng dụng này.
Theo các bản tin, một vài ứng dụng trong số này là do các công dân Trung Quốc điều hành. Những người này đã thuê các công dân Ấn Độ làm giám đốc công ty của họ, và lãi suất hàng năm của mỗi khoản vay đã được nâng lên mức 3,000%.
Những con nợ không trả được các khoản vay của mình cho biết họ đã nhận được những tin nhắn tục tĩu và bị đại diện của các ứng dụng này đe dọa rằng hình ảnh của họ sẽ bị chỉnh sửa và chuyển đến những người quen biết của họ.
Các nhà chức trách cũng phát hiện ra rằng những người dùng đã cài đặt các ứng dụng này thông qua các liên kết hoặc trang web của bên thứ ba, vì các ứng dụng này không có sẵn để tải xuống trên điện thoại thông minh.
Lệnh cấm này tuân theo quy định mới của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ hồi năm ngoái (2022), yêu cầu các bên cho vay kỹ thuật số cung cấp đầy đủ tính minh bạch và quyền kiểm soát cho khách hàng khi cung cấp sản phẩm thông qua các nền tảng kỹ thuật số.
Ấn Độ thực hiện an ninh mạng ‘nghiêm ngặt hơn’
Ấn Độ bắt đầu cấm các ứng dụng của Trung Quốc sau cuộc giao tranh đẫm máu với các lực lượng Trung Quốc vào tháng 06/2020 tại khu vực biên giới Himalaya đang xảy ra giao tranh, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Kể từ đó, quốc gia này đã cấm 267 ứng dụng trong đó có TikTok, Baidu, và WeChat Work.
Hồi tháng Hai năm ngoái, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã ra lệnh cấm 54 ứng dụng di động của Trung Quốc mà họ tuyên bố có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng thông qua camera và micro trên điện thoại, để phục vụ cho các hoạt động gián điệp và giám sát.
Các ứng dụng này gồm từ các trò chơi trên di động đến các ứng dụng trò chuyện video và ứng dụng chụp ảnh chân dung (camera selfie) từ các công ty Trung Quốc như Tencent, Alibaba, và NetEase. Theo tin tức từ truyền thông địa phương, một số ứng dụng này là bản sao hoặc đổi tên thương hiệu từ các ứng dụng đã bị cấm trong các lệnh cấm trước đó.
Ứng dụng phổ biến nhất bị cấm theo lệnh trên là Free Fire, một trò chơi bắn súng chiến đấu sinh tồn (battle royale) thuộc sở hữu của đại công ty về trò chơi Sea có trụ sở tại Singapore. Cổ đông lớn nhất của công ty là đại công ty công nghệ Tencent.
Hồi năm ngoái, ông Pathikrit Payne, một nhà tư vấn nghiên cứu về các vấn đề địa chính trị và chiến lược đang sinh sống tại New Delhi, nói với The Epoch Times: “Ấn Độ hiện đang xem trọng vấn đề an ninh mạng hơn do tốc độ số hóa nền kinh tế ngày càng tăng và mối đe dọa từ các ứng dụng Trung Quốc cũng như thiết bị viễn thông Trung Quốc.”
Những lo ngại của Ấn Độ về rủi ro bảo mật do công nghệ của Trung Quốc gây ra cũng là mối lo ngại với các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ. Họ đã cảnh báo rằng các ứng dụng như vậy có thể được nhà cầm quyền Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng làm công cụ gián điệp, viện dẫn luật pháp ở nước này để buộc các công ty phải hợp tác với các cơ quan tình báo khi được yêu cầu làm như vậy.
Anh Abhishek Darbey, một cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc sinh sống tại New Delhi nói với The Epoch Times rằng, rất nhiều ứng dụng mà chính phủ Ấn Độ cấm từ năm 2020 đã được tái khai triển hoặc được đổi tên dưới tên các công ty khác nhau cho thị trường Ấn Độ.
Anh ấy chỉ ra mối liên kết của Trung Quốc với ứng dụng trò chơi Free Fire bị cấm thuộc sở hữu của công ty Sea. Công ty này do những người sáng lập gốc Hoa thành lập tại Singapore. Những người này sau đó trở thành công dân Singapore.
Mặc dù một số người có thể không nhận thức được mối liên hệ này, nhưng trong trường hợp của trò chơi Free Fire “cho thấy Trung Quốc lợi dụng mọi sơ hở khả thi để thâm nhập thị trường Ấn Độ vì dân số tiêu dùng lớn của quốc gia này.”
Theo anh Darbey, sự hiện diện của các ứng dụng Trung Quốc ở Ấn Độ mang lại lợi thế cho ĐCSTQ, cho phép họ khám phá thị trường Ấn Độ, đồng thời khiến người dân Ấn Độ tiếp xúc với hoạt động gián điệp, trong khi thị trường Trung Quốc vẫn đóng cửa đối với các ứng dụng di động ngoại quốc.
Bản tin có sự đóng góp của cô Venus Upadhayaya
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times