‘Ân điển diệu kỳ, âm thanh ngọt ngào làm sao’
Tiểu sử về bài thánh ca đã trở thành biểu tượng ở Mỹ quốc
Ngày 21/03/1748, cựu quân nhân Hải quân Hoàng gia, thuyền viên John Newton đã lần đầu tiên cầu nguyện sau nhiều năm, khi con thuyền của ông bị xô quật trong một cơn bão dữ dội, bất ngờ ngoài khơi bờ biển Ireland. Sau khi sống sót qua cơn bão và vào được bờ, ông đã ngay lập tức giao phó đời mình cho Đấng Christ, mặc dù trước đó ông là người không có đức tin.
Mỗi năm tiếp theo, ông đều dành ngày 21/03 để suy niệm sâu sắc về tâm linh. Ông cũng dành ít thời gian nghiên cứu thần học và trải qua sự phục hồi đạo đức mạnh mẽ.
Ngay từ nhỏ, Newton đã bộc lộ tính khí nổi loạn. Bởi sự nhanh trí và thói quen cư xử vượt quá giới hạn, nên ông thường xuyên gặp rắc rối. Khi chính phủ yêu cầu ông phục vụ trong Hải quân Hoàng gia, ông thỉnh thoảng bị thuyền trưởng trục xuất và gửi đến các tàu khác nhau vì hành vi bướng bỉnh của mình.
Cuối cùng, ông dừng chân trên một con tàu chạy dọc theo tuyến đường buôn bán nô lệ Đại Tây Dương. Vì tính cách ngang ngạnh sánh ngang với vị thuyền trưởng khét tiếng ngạo mạn, ông đã bị bỏ lại Sierra Leone cùng với các nô lệ, bị buộc phải làm việc trong một đồn điền do người Sherbro bản địa cai quản.
Sau vài tháng, cha ông cuối cùng cũng có thể lần ra dấu vết và giải thoát cho ông. Những năm [sau đó], Newton thỉnh thoảng làm việc cho các con tàu dọc theo tuyến đường buôn bán nô lệ, nhưng các khía cạnh đạo đức liên quan đã đè nặng lên lương tâm ông. Cuối cùng, ông đã trở thành một người công khai theo chủ nghĩa bãi nô và là một giáo sĩ được thụ phong của Giáo hội Anh.
Mặc dù không có bằng đại học để gia nhập nhà thờ một cách chính thức, nhưng ông đã được đề nghị làm cha phó (linh mục) cho một giáo xứ nông thôn ở Quận Buckinghamshire sau khi chủ đất đọc các bài viết về đức tin của ông. Vai trò mục vụ độc đáo này tại giáo xứ Olney tập trung vào cộng đồng và khuyến khích công dân của giáo xứ duy trì mối quan hệ cá nhân với cha phó để được chỉ bảo và thông công.
Ân sủng cứu độ của Thiên Chúa
Newton tin rằng lòng thương xót của Chúa chính là động lực dẫn đường đằng sau trải nghiệm thay đổi cuộc đời ông vào năm 1748 trên con tàu bị bão tàn phá. Trong khi làm việc tại giáo xứ Olney với tư cách là cha phó, ông cũng dành thời gian để viết thơ và các bài hát. Khi hợp sức cùng nhà soạn nhạc chuyên nghiệp William Cowper, vị giáo sĩ tận tâm này sẽ có thêm một sự thức tỉnh tâm linh khác.
Năm 1779, cả vị cha phó được yêu mến này và tác giả Cowper tài năng đều đóng góp các tác phẩm nguyên bản vào bộ các bài thánh ca “Olney Hymns” — bộ bài thánh ca dành riêng cho giáo xứ của Newton. Trong phiên bản lịch sử này, “Ân điển diệu kỳ” (Amazing Grace) đã ra mắt chính thức.
Vốn được dùng làm một phần nhỏ của bài giảng Ngày Đầu Năm Mới vào năm 1773, phần trình diễn ban đầu chỉ có lời bài hát. Các sử gia tin rằng phiên bản đầu tiên của bài thánh ca đầy uy lực này được hát theo phong cách a cappella hoặc được giáo đoàn xướng ca. Và ca từ chân thật, cảm động của Newton được viết với mục đích kể lại câu chuyện của chính ông.
Newton đã viết những lời nhạc mang tính suy niệm này khi ông nghĩ về ân điển của Đấng Christ, và ông muốn chia sẻ trải nghiệm cải đạo sang Kitô Giáo của cá nhân ông như một thông điệp về hy vọng với người dân trong giáo xứ nhỏ bé của ông.
Hát lên lời ca
Mặc dù vào năm 1779, bài thánh ca vẫn chỉ được giới hạn trên các đường phố ở Olney, Buckinghamshire, nhưng một khi bài nhạc này băng qua bờ bên kia Đại Tây Dương, đến Mỹ quốc vào những năm 1880, nó đã được đón nhận rộng rãi.
Bài hát này đến Mỹ quốc đúng vào dịp [đang diễn ra] một trong những phong trào tôn giáo lớn nhất của quốc gia, Cuộc Đại Thức Tỉnh Thứ Hai (Second Great Awakening), dẫn đến các hoạt động phục hưng [tôn giáo] độc lập ở khắp mọi nơi, thu hút hàng trăm người tin theo và tham dự. “Ân điển diệu kỳ” nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong những sự kiện này, đặc biệt là ở miền Nam.
Bài hát này đã mang nhiều giai điệu khác nhau qua nhiều thế kỷ, nhưng chính phiên bản thánh ca “New Britain” vào năm 1835, do nhà soạn nhạc đến từ South Carolina William Walker sáng tác, đã trở thành giai điệu được những người thờ phượng yêu thích. Giai điệu này được kết hợp với lời nhạc của Newton. Thậm chí ngày nay, phiên bản “Ân điển diệu kỳ” này vẫn được coi là phiên bản chính thức và là phiên bản được biểu diễn thường xuyên nhất.
Ở thời hiện đại, các ước tính cho thấy hằng năm, giai điệu quý giá này được biểu diễn khoảng 10 triệu lần. Bài hát này vẫn là một phần cốt lõi trong văn hóa tinh thần, đến mức nhà phê bình âm nhạc và sử gia Gilbert Chase đã nhận xét rằng “không còn nghi ngờ gì nữa, đây là bài hát nổi tiếng nhất trong tất cả các bài thánh ca dân gian.”
Đúng như thông điệp của bài hát và một lần nữa cho thấy rằng vẻ đẹp của nó vượt khỏi vị trí địa lý, “Ân điển diệu kỳ” đã đến với những vùng đất xa xôi hơn, đến với cả các nghệ sĩ chính thống thích hát lại (cover) các bài thánh ca. Nhạc phẩm này đã xuất hiện trên hơn 1,100 đĩa hát của các nhạc sĩ Cơ Đốc Giáo lẫn nhạc sĩ thế tục.
Kể từ khi được Dàn hợp xướng Sacred Harp thu âm chính thức lần đầu tiên vào năm 1992, bài thánh ca có tuổi đời hàng thế kỷ này đã được thu âm hơn 7,000 lần. Bộ sưu tập tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ bao gồm hơn 3,000 bản ghi hình các buổi biểu diễn “Ân điển diệu kỳ” đã được phát hành của nhiều nhạc sĩ và dàn hòa tấu khác nhau.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Time