Âm nhạc Hy Lạp cổ đại: Cuối cùng chúng ta đã biết được âm thanh đó nghe như thế nào
Vào năm 1932, nhà nghiên cứu âm nhạc Wilfrid Perrett đã nhắc lại với thính giả tại Hiệp hội Âm nhạc Hoàng Gia ở London lời của một vị giáo sư về khuynh hướng âm nhạc ẩn danh người Hy Lạp: “Chưa ai từng hiểu tường tận âm nhạc Hy Lạp cổ đại, và sẽ không có ai làm được điều đó. Chuyện này thật điên rồ.”
Thật vậy, âm nhạc Hy Lạp cổ đại từ lâu đã là một bí ẩn điên rồ. Dù vậy âm nhạc đã là phổ biến trong thời Hy Lạp cổ điển, với hầu hết thi ca từ khoảng những năm 750 đến năm 350 sau Công Nguyên—các ca khúc của nhà thơ Homer, Sappho, và nhiều người khác—được sáng tác và biểu diễn dưới dạng nhạc hát, đôi khi kèm theo vũ điệu. Các văn bản văn học cung cấp nhiều chi tiết cụ thể và phong phú về các nốt nhạc, thang âm, hiệu ứng và nhạc cụ được sử dụng. Đàn Lia (Lyre) là nhạc cụ phổ biến cùng với kèn aulos, sáo trúc đôi được thổi đồng thời bởi một người biểu diễn nhưng tạo ra âm thanh như hai chiếc kèn o-boa mạnh mẽ trong buổi hòa nhạc.
Mặc cho lượng thông tin phong phú này, ý nghĩa và âm thanh của âm nhạc Hy Lạp cổ đại vẫn tỏ ra khó nắm bắt đến khó tin. Đó là vì các thuật ngữ và khái niệm được tìm thấy trong các nguồn tư liệu cổ xưa như điệu thức, đẳng âm, dấu hóa, và nhiều thứ khác là rất phức tạp và xa lạ. Cho dù các ký hiệu âm nhạc vẫn tồn tại, có thể được phiên dịch một cách đáng tin cậy, thì nó vẫn ít ỏi và rời rạc. Những gì có thể tái tạo lại trong thực tế thường nghe khá kỳ lạ và không hấp dẫn, vì vậy âm nhạc Hy Lạp cổ đại bị nhiều người coi là một loại nghệ thuật đã thất truyền.
Tuy nhiên những tiến triển mới đây đã lật ngược những đánh giá ảm đạm này. Một dự án nghiên cứu về âm nhạc Hy Lạp cổ đại mà tôi đã tham gia từ năm 2013 cung cấp những hiểu biết sâu sắc tuyệt vời về cách người Hy Lạp cổ đại sáng tác âm nhạc. Nghiên cứu của tôi thậm chí đã dẫn đến các phần trình diễn—và hy vọng rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều màn phục dựng hơn nữa.
Những cách tiếp cận mới
Tình thế đã có sự thay đổi to lớn bởi vì vài năm qua một số nhạc cụ Aulos được bảo tồn rất tốt đã được phục chế bởi những chuyên gia kỹ thuật như ông Robin Howell và những nhà nghiên cứu hợp tác với Dự án Khảo cổ Âm nhạc Âu Châu. Những nhạc cụ này được chơi bởi những nghệ sĩ thổi kèn túi điêu luyện như ông Barnaby Brown và Callum Armstrong, họ cung cấp những hướng dẫn đáng tin cậy về phạm vi cao độ của âm nhạc cổ đại, cũng như về cao độ, âm sắc và các giai điệu riêng của từng loại nhạc cụ.
Trọng tâm của bài nhạc cổ xưa chính là nhịp điệu và nhịp điệu của âm nhạc Hy Lạp cổ đại có thể bắt nguồn từ nhịp thơ. Chúng hoàn toàn dựa trên thời lượng của những âm tiết của một từ, tạo nên khuôn mẫu dài hay ngắn khác nhau. Vì không có chỉ dẫn về nhịp độ cho các bài hát cổ, nên dẫn đến việc có thể bài hát được hát nhanh hoặc chậm. (Cho đến khi phát minh ra đồng hồ đếm nhịp, thì nhịp độ trong mọi trường hợp cũng không phải là cố định và được thay đổi giữa các phần trình diễn.) Tạo lập nhịp độ phù hợp là điều căn bản để âm nhạc nghe thuận tai.
Còn về âm điệu — giai điệu và hòa âm thì sao? Đây chính là điều mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi họ cho rằng “âm nhạc” Hy Lạp cổ đại đã bị thất truyền. Hàng ngàn từ ngữ về lý thuyết của giai điệu và hòa âm đã hiện diện trong các tác phẩm của các tác giả cổ xưa, như triết gia Plato, Aristotle, Aristoxenus, nhà thiên văn học Ptolemy, và Aristides Quintilianus, và một số bản nhạc rời rạc với những ký hiệu âm nhạc cổ xưa lần đầu tiên được biết đến rộng rãi ở Florence vào cuối thế kỷ 16. Tuy nhiên bằng chứng về âm nhạc thực tế này không mang đến ý nghĩa thực sự về sự phong phú của giai điệu và hòa âm mà chúng ta học hỏi được từ những nguồn tư liệu văn chương này.
Nhiều tài liệu nữa với các ký hiệu cổ xưa trên giấy cói hoặc đá thỉnh thoảng được biết đến kể từ năm 1581, và hiện tại có khoảng 60 mẫu vật đang tồn tại. Các học giả như ông Martin West và ông Egert Pöhlmann đã biên soạn, phiên âm và diễn giải cẩn thận [những tư liệu này], họ trao cho chúng ta một cơ hội tốt hơn để hiểu âm nhạc đó nghe ra sao.
Biểu diễn âm nhạc Hy Lạp cổ đại
Tài liệu âm nhạc quan trọng lâu đời nhất, được tìm thấy vào năm 1892, lưu giữ một phần của đoạn điệp khúc trong tác phẩm “Orestes” năm 408 sau Công Nguyên của tác giả viết bi kịch Euripides, người Athens. Tài liệu đó từ lâu đã đặt ra nhiều vấn đề cho việc diễn giải, mà nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng các khoảng âm một phần tư, loại khoảng âm này thường gợi lên cảm giác xa lạ. Âm nhạc Tây phương vận hành [phổ biến] với một cung hoặc nửa cung; nên bất kỳ quãng âm nào nhỏ hơn vang đến tai của chúng ta thì cũng như thể đang được chơi hoặc hát lạc điệu.
Tuy nhiên những phân tích của tôi về khổ nhạc “Orestes,” được xuất bản năm 2018, đã dẫn đến những hiểu biết đột phá. Đầu tiên, tôi đã chứng minh những yếu tố của bản nhạc được thể hiện một cách rõ ràng trong bức tranh chữ: tôi bắt chước ý nghĩa của các từ bằng hình dạng của các dòng giai điệu. Chúng tôi tìm thấy nhịp giảm được đặt thành từ “than thở,” và một quãng lớn hướng lên đi kèm với từ “nhảy lên.”
Thứ nhì, tôi đã chỉ ra rằng nếu các nốt đen có chức năng như “các nốt chuyển tiếp” [hoặc các nốt chuyển tiếp từ hợp âm này sang hợp âm khác], thì sáng tác đó thực tế là có âm điệu (tập trung vào cao độ mà giai điệu thường xuyên nhắc lại). Điều này không quá ngạc nhiên, vì những âm điệu như vậy tồn tại trong tất cả các tài liệu âm nhạc cổ xưa từ những thế kỷ sau, bao gồm cả tác phẩm Delphic Paeans quy mô lớn được bảo tồn trên đá.
Với những dữ liệu từ quan điểm này, vào năm 2016 tôi đã phục dựng âm nhạc được lưu lại từ giấy cói “Orestes” dành cho dàn hợp xướng và kèn đệm Aulos, đặt nhịp độ nhanh như đã được biểu thị về đo nhịp điệu và nội dung lời trong đoạn điệp khúc. Đoạn điệp khúc “Orestes” đã được biểu diễn bởi dàn hợp xướng và người chơi kèn aulos tại Viện bảo tàng Ashmolean, Oxford, vào tháng 07/2017, cùng với những bản nhạc cổ khác được phục dựng lại.
Dần dần tôi nhận ra rằng, trong vài năm tới, hàng chục bản nhạc cổ xưa khác vẫn tồn tại, dù nhiều bản nhạc rất rời rạc, để có thể trình diễn một vở kịch cổ hoàn chỉnh với âm nhạc mang tính lịch sử trong một nhà hát cổ đại như Epidaurus.
Trong khi chờ đợi thì cũng có thể đúc kết điều gì đó đầy hào hứng. Âm nhạc cổ điển Tây phương truyền thống thường được cho là bắt đầu với những bài đồng ca Gregorian của thế kỷ thứ 9 trước Công Nguyên. Tuy nhiên sự phục dựng và trình diễn của âm nhạc Hy Lạp đã chứng minh rằng âm nhạc Hy Lạp cổ đại nên được công nhận là cội nguồn của âm nhạc truyền thống Âu Châu.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times