Âm nhạc đến từ thiên thượng: Hàn sĩ Bắc Tống mộng du đến cung Quảng Hàn
Trong truyền thuyết dân gian, Đường Huyền Tông mộng du đến Nguyệt cung, nghe được Tiên nữ diễn tấu âm nhạc quá đỗi trong trẻo. Sau khi tỉnh lại dư âm vẫn còn thoang thoảng. Lúc Cao Lực Sĩ tấu mời, Huyền Tông đem khúc nhạc Tiên nữ thổi một lần, tiếng sáo réo rắt bay bổng, khác hẳn âm nhạc nơi phàm trần. Thế là lệnh đem nhạc khúc gọi là Tử vân hồi. Huyền Tông đã từng đi cùng đạo sĩ La Công Viễn, du thưởng Nguyệt cung, nghe được tiên khúc Nghê thường vũ y khúc. Ngày kế tiếp, Huyền Tông sau khi tỉnh lại, dựa vào ký ức phổ xuất Nghê thường vũ y khúc, trở thành giai thoại truyền kì người và thần cùng vui múa. Đến thời Bắc Tống, có một vị hàn sĩ cũng có duyên đến Nguyệt cung, ba lần nằm mộng, biết được tiếng trời giữa nhân gian, nguyên lai là đến từ thiên thượng. (Phàm những chỗ hư không phát ra tiếng đều gọi là “lại”, “thiên lại” 天籟 nghĩa là tiếng trời.)
Năm thứ hai niên hiệu Tuyên Hòa thời Bắc Tống (năm 1120), Phương Lạp khởi binh làm loạn, gây nên khủng hoảng khiến quan dân Chiết Tây chấn động sợ hãi. Vì tránh thảm họa chiến tranh, sĩ phu lần lượt rời đi. Tử Đông vốn trước đây ở Tiền Đường, vì tránh binh hỏa chiến tranh, mang theo cả nhà dời chỗ ở đến suối Lương Vô Tích.
Năm sau, Phương Lạp bị bắt. Những người dân ly tán kia, cũng lần lượt trở về quê quán. Tử Đông bởi vì gia cảnh nghèo khó, không thể trở về, trú ngụ trong viện Cổ Bách, chùa Sùng An ở quận Tì Lăng.
Một ngày, anh ta bỗng nhiên có một giấc mộng. Bên ngoài Lam Thủy có một hiên nhà, chủ nhân mời anh ta làm khách. Tử Đông nhìn tuổi tác của người kia khoảng năm mươi, dáng vẻ cao lớn tuấn tú, mặc một thân áo màu đen, hơn nữa còn có râu quai nón. Hai bên sau khi hành lễ với nhau thì an vị, chủ nhân lệnh cho hai nữ tử dùng chén đồng rót rượu. Ông ta nói với Tử Đông: “Từ xưa đến nay, phàm là ca khúc có thanh âm mới, đều là trước tiên tấu lên Thiên Tào, sau đó mới cho tản mát xuống nhân gian. Ngày kia sau khi Đông Nam dừng chiến loạn, có khúc nhạc đầu tiên tên là Thái bình nhạc, ngươi tới trước nghe một chút”. Lập tức lệnh cho hai nữ tử nhảy múa, chủ nhân vỗ tay làm nhịp phách.
Mơ tới đoạn này, Tử Đông giật mình từ trong giấc mộng tỉnh lại. Anh ta còn nhớ rõ năm phách trong đó. Vì thế viết một bài thơ:
Huyền y tiên tử tòng song hoàn, hoãn tiết trường ca nhất giải nhan.
Mãn dẫn đồng bôi hiệu kình hấp, đê hồi hồng tụ tác cung loan.
Vũ lưu nguyệt điện xuân phong lãnh, lạc tấu quân thiên hiểu mộng hoàn.
Hành thính tân thanh thái bình lạc, tiên truyền ngũ phách đáo nhân gian.
(Dịch thơ:
Tiên tử áo đen cùng nha hoàn, chậm hát trường ca mặt hân hoan.
Chén đồng đầy rượu thêm sức hút, áo hồng xoay thấp tựa cung loan.
Lưu khách nguyệt điện gió xuân lạnh, vui tấu khắp trời mộng chưa hoàn.
Nghe nhạc thái bình thanh âm mới, truyền trước năm phách tới nhân gian.)
Bốn năm sau, Tử Đông về đến Hàng Châu. Nhà cửa lúc trước đã bị hủy hoại bởi binh hỏa chiến tranh, thế là ở lại chùa Bồ Đề. Trong thời gian này, anh ta lại lần nữa mơ tới người đàn ông có bộ râu đẹp kia. Vị tiên nhân kia bên hông giắt một ống sáo dài, trong tay cầm sách, giơ lên cho Tử Đông thấy. Giấy trắng như ngọc, dùng màu son mà viết, nhìn qua giống như là nhạc phổ, nhưng vẫn chưa có ca từ.
Người đàn ông cười nói với Tử Đông: Sẽ có ca từ, ngươi chờ một chút. Trước kia, lúc ngươi ở suối Lương, từng nghe qua Thái bình nhạc, có còn nhớ rõ tiếng nhạc chăng? Thế là Tử Đông dựa vào ký ức ngâm nga. Người đàn ông ấy lấy cây sáo ra, lại thổi cùng. Tử Đông cũng có thể ghi lại tiếng sáo, nguyên lai là một đoạn ngắn lặp lại, tức là soạn viết từ khúc xoay chung quanh một chủ đề nào đó, lấy cùng một cung điệu và tên khúc điệu, điền lặp lại mấy lần ca từ. Mơ đến đoạn này, anh ta liền tỉnh dậy.
Không lâu sau đó, Tử Đông mộng đến “cung Quảng Hàn”. Trước cửa cung có hai hồ nước, ao nước trong xanh tịnh khiết, không nổi gợn sóng, đất không có cỏ dại, ngưỡng mộ cung điện nguy nga sừng sững, tựa như động phủ. Cửa cung khóa chặt, có người nói với anh ta: “Chỉ cần kéo dây chuông xuống, gọi Nguyệt tỷ, cửa cung liền sẽ mở ra”. Tử Đông làm theo, quả nhiên cửa cung mở ra, có người dẫn anh ta tiến vào vũ đường, nhìn thấy hai vị tiên tử, đều mặt mày sơ tú, đoan trang tịnh lệ. Sau khi hỏi thăm, Tử Đông biết được các nàng là “Nguyệt tỷ”. Tử Đông đi theo tiến vào đại đường, hành lễ bái lạy với nhau.
Nguyệt tỷ hỏi Tử Đông, trước kia lúc anh ở suối Lương, tiên nhân từng lệnh cho hai nha hoàn ca múa, truyền xuống khúc Thái bình nhạc, phải chăng còn nhớ kỹ? Về sau lại phái người đàn ông có bộ râu đẹp thổi thanh âm mới, có còn nhớ được chăng? Tử Đông trả lời: “Tôi đều nhớ”. Nhân đó dựa vào ký ức ngâm nga. Nguyệt tỷ rất vui sướng, tay lấy giấy ra, viết xuống ca từ cho Tử Đông xem, nói: “Đây là ca từ mới”.
Nguyệt tỷ ca hát khúc mới, thanh âm uyển chuyển giống như Côn Minh trì của nhạc phủ. Tử Đông muốn nhớ thật rõ ràng, nguyệt tỷ mặt lộ vẻ khó xử, nhìn trang giấy trong tay một chút, lời trên đó đều hóa thành màu xanh biếc, tiếp theo tất cả đều biến mất.
Tử Đông hành lễ cáo lui, bỗng nhiên từ trong mộng tỉnh lại, lúc ấy đêm đã khuya, sắp hết nửa đêm. Anh ta chỉ nhớ rõ một câu trong đó: “Thâm thành yểu cách vô ngưng” (Lòng chân thành sâu sắc xa cách mờ mịt chẳng thể nghi ngờ). Mặc dù ghi xuống, nhưng anh ta không hiểu ý nghĩa của nó là gì.
Tử Đông trước sau có ba giấc mộng kì lạ, nhưng sau khi tỉnh lại, đối với diệu khúc của tiên nhân trong mộng đã quên đi hơn phân nửa, duy có khúc thổi sáo của người đàn ông có bộ râu đẹp, anh ta còn nhớ rõ. Thế là dựa vào khúc thổi sao điền ca từ vào, lấy tên là Quế hoa minh, lời rằng:
Nơi thần ở mờ mịt mở cửa động phủ, gặp cung nữ cung Quảng Hàn. Hỏi ta lúc nha hoàn múa ở suối Lương, còn nhớ rõ hay không.
Văn chương tựa bích ngọc, dạy tiên nữ múa theo lời ca trong nguyệt cung. Ánh trăng sáng đầy cửa sổ, người ở nơi nào, âm thanh vĩnh viễn cắt đứt đường đến dao đài.
Về sau, Tử Đông gặp được Trương Bang Cơ, tự mình giảng thuật lại ba giấc mộng kì lạ này cho người đó. Trương Bang Cơ tập hợp ghi chép thành Mặc trang mạn lục, thu nhận câu chuyện của anh ta. Ba giấc kỳ mộng, hàn sĩ nhân gian đến Nguyệt cung, cùng hát với tiên tử thần du. Trong truyện kỳ dân gian vô tình công bố một bí mật, thanh âm tiếng trời giữa nhân gian, nguyên lai đều là đến từ thiên thượng vậy.
Theo Mặc trang mạn lục quyển bốn, Khai thiên truyền tín kí
Do Văn/ Đỗ Nhược thực hiện
Toan Đinh biên dịch
Mời quý độc giả xem bản gốc từ Epochtimes Hoa ngữ.
Xem thêm: