Ấm áp tình người khi các tình nguyện viên giúp đỡ những người tị nạn Ukraine ở Warsaw
WARSAW, Ba Lan – Những lá quốc kỳ xanh vàng tung bay khắp nơi ở Warsaw khi mà những người tị nạn từ Ukraine tràn vào thành phố Ba Lan, trong tình trạng kiệt sức, ám ảnh, và mất mát.
Mỗi ngày, có hàng ngàn phụ nữ và trẻ em đổ về Bến xe Warsaw West từ biên giới Ukraine. Nhiều người khác thì đến bằng hỏa xa.
Cậu thiếu niên Ilya Kosse, 17 tuổi, đang ở một mình tại Warsaw và không nghe tin tức gì từ gia đình trong suốt năm ngày qua. Họ đang bị mắc kẹt ở Mariupol mà không có điện và không thể giao tiếp.
Mariupol, một thành phố ở miền đông Ukraine, nơi đang bị quân Nga bao vây.
Dù vậy, Kosse vẫn viết cho cha mẹ những tin nhắn dài hàng đêm, hy vọng họ có thể sớm đọc được những dòng này.
Kosse nói: “Tôi lập một nhóm trên Telegram cùng với Cha và Mẹ của mình, và mỗi buổi tối, tôi đều viết thư cho họ về những gì tôi nghĩ, về tình hình của tôi, những gì tôi làm.”
“Và trong lòng tôi, tôi hiểu và tin rằng họ đang nghe thấy tôi.”
Lúc cuộc xâm lược của Nga nổ ra, thì Kosse đang học kỹ thuật ở Kyiv; cậu cho biết trường đại học đã làm những gì họ có thể để chăm lo cho sinh viên của mình. Trong 10 ngày qua, hễ còi báo động vang lên thì sinh viên đều chui xuống tầng hầm của trường.
Cuối cùng, Kosse đã thoát ra ngoài. Cậu đã ở Warsaw được năm ngày.
“Tôi nên giữ bình tĩnh vì tôi biết cha mẹ tôi luôn muốn điều tốt nhất cho tôi,” cậu trả lời khi được hỏi về cảm giác của mình khi không thể liên lạc được với cha mẹ.
Cậu đã thử gia nhập lực lượng dân sự Phòng thủ Lãnh thổ Ukraine, nhưng đã được thông báo rằng họ có quá đông tình nguyện viên đến nỗi không có súng cho cậu. Cậu cũng đã đến lực lượng dự bị quân đội và họ nói rằng họ đã có quá nhiều người rồi. Vì vậy, cậu đã đến lều nhân đạo ở Warsaw để giúp đỡ, và thậm chí ở đó, cậu cũng thành thừa.
‘Chúng tôi đã rất run sợ’
Bến xe buýt chính mờ mịt và ảm đạm, chật kín người xếp hàng đổi tiền. Những người khác đi cùng với con của họ, đang ngồi chờ.
Một người phụ nữ cùng con gái và cháu trai của mình từ Kharkiv đã vượt qua biên giới Ukraine hai ngày trước.
“Khi chúng tôi đến đây, chúng tôi đã rất run sợ,” người mẹ từ chối tiết lộ danh tính này chia sẻ, “Giờ đây, hai ngày trôi qua rồi, chúng tôi mới có thể bắt đầu nói về cảm giác đó.”
“Những điều đẫm máu mà quý vị thấy trên các phương tiện truyền thông, chúng tôi đều đã trải qua rồi.”
Người bà cho biết bà có những đứa con vẫn bị mắc kẹt trong các khu vực bị tấn công nặng nề, đang sống trong một căn hầm mà không có thức ăn hoặc quần áo để thay.
Bà nói rằng, “Trạng thái căng thẳng tâm lý này – cách mà nó thay đổi chúng ta – chúng tôi không muốn bất kỳ ai phải trải qua điều đó.”
Cả ba người này hiện có thể sẽ đi sâu hơn vào Âu Châu, nhưng cuộc sống mới của họ vẫn còn quá nhiều điều bỡ ngỡ nên không có gì là chắc chắn cả.
Giúp đỡ người Ukraine
Hôm 24/02, khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine, anh Zoreslav Dmytryszyn, một người Ukraine sống ở Ba Lan, đã lường trước được một cuộc khủng hoảng nhân đạo sắp diễn ra, vậy nên anh đã bắt tay vào hành động.
Anh và vợ đã dựng lên một điểm quyên góp gần nhà và hỏi hàng xóm xem họ có muốn đóng góp bất kỳ vật dụng nào không. Việc này đã nhanh chóng nổi lên thành cái mà ngày nay được gọi là Tổ chức Cứu trợ Tiền tuyến cho Ukraine, một nhóm gồm 130 tình nguyện viên làm việc suốt ngày đêm để mang lại sự thoải mái cho những người di tản khỏi quê hương của họ.
Một căn lều lớn nằm sát bến xe buýt Warsaw West tất bật hối hả với những lữ khách đói rét, và mệt mỏi đang tìm kiếm chỗ nghỉ ngơi. Súp nóng là món phổ biến nhất, nhưng tã lót cũng hết nhanh không kém.
Anh Dmytryszyn nói, “Chúng tôi đã cùng nhau ở đây một tuần rưỡi trước, khi chiến tranh mới bắt đầu, để giúp đỡ mọi người, vì ai cũng đói bụng. Những người đến nơi đây — ai cũng đều lạnh cả. Đầu tiên, chúng tôi đã bắt đầu phát đồ ăn và quần áo ấm.”
“Từ Kharkiv, chúng tôi nhận được tín hiệu rằng mọi người ở đó đơn giản là đang rất đói. Những người ngồi trong các tầng hầm gọi cho chúng tôi, họ không thể thoát ra ngoài vì bị bắn phá [pháo kích], họ không có gì để ăn. Chúng tôi đã gửi cho họ men, bởi vì họ chỉ còn lại bột mì và họ cần men để trộn với bột và nước để làm bánh mì.”
“Họ không có chiếu, túi ngủ, áo ấm, không có ủng, bộ sơ cứu hay kể cả gạc băng bó đơn giản, những thứ cơ bản cũng không có.”
Tổ chức của anh Dmytryszyn quyên góp tất cả các mặt hàng cần thiết và vận chuyển hai đến ba xe tải chở đồ tiếp tế vào Ukraine mỗi ngày, anh cho biết.
Anh không nghĩ là mình sẽ từ bỏ [công việc này] sớm.
Cô Charlotte Cuthbertson là phóng viên cao cấp của The Epoch Times, chuyên đưa tin về an ninh biên giới và cuộc khủng hoảng opioid.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: