Alibaba có thể bị loại khỏi sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ sau khi có tên trong danh sách theo dõi hủy niêm yết
Cổ phiếu của đại công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba (NYSE: BABA) đã giảm 10% hôm 29/07 sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) thêm công ty này vào danh sách các công ty có thể phải đối mặt với việc hủy niêm yết.
Công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ này nằm trong số hơn 150 công ty bị SEC nêu tên có thể bị đẩy ra khỏi các sàn giao dịch của Hoa Kỳ nếu các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ không thể thanh tra những kiểm toán tài chính trong 3 năm liên tiếp.
Những công ty này được xác định theo các yêu cầu của Đạo luật về Trách nhiệm giải trình của các Công ty Ngoại quốc (HFCAA), được ký thành luật vào cuối năm 2020, vốn cho phép các công ty Trung Quốc đến đầu năm 2024 tuân thủ các yêu cầu kiểm toán của Hoa Kỳ. Luật này đã được thông qua để đáp lại việc Bắc Kinh đã từ chối cho phép các nhà quản lý của Hoa Kỳ tiếp cận các tài liệu kiểm toán của các công ty kế toán của họ trong thời gian dài, với lý do giữ bí mật nhà nước. Quốc hội Hoa Kỳ hiện đang xem xét một dự luật có thể đẩy nhanh thời hạn theo HFCAA đến năm 2023.
SEC cho biết cho đến ngày 19/08, Alibaba phải cung cấp bằng chứng phản đối việc họ bị bổ sung vào danh sách SEC được biên soạn theo HFCAA.
Cổ phiếu của công ty này đã giảm khoảng 10% xuống còn 90.40 USD vào lúc 2 giờ 46 phút chiều theo giờ ET hôm Thứ Sáu (29/07).
Đại công ty thương mại điện tử Trung Quốc đã có màn ra mắt bom tấn trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2014 với đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất vào thời điểm đó. Công ty cũng có niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông.
Hôm 26/07, Alibaba thông báo rằng họ sẽ tìm kiếm một niêm yết sơ cấp ở Hồng Kông, tham gia cùng các công ty Trung Quốc khác vốn tìm cách tự bảo vệ mình trước áp lực pháp lý ngày càng cao ở Hoa Kỳ.
Cổ phiếu của công ty này cũng giảm hôm 28/07 sau khi Wall Street Journal đưa tin rằng người sáng lập Alibaba Jack Ma có kế hoạch nhượng lại quyền kiểm soát của mình tại đại tập đoàn công nghệ Ant Group của Trung Quốc, công ty chịu trách nhiệm về ứng dụng thanh toán di động hết sức phổ biến Alipay ở Trung Quốc. Alibaba sở hữu khoảng 33% cổ phần của Ant Group.
Các công ty khác được thêm vào danh sách của SEC hôm 29/07 bao gồm Tập đoàn Mogu, Công ty TNHH Boqii Holding, Tập đoàn Cheetah Mobile và Công ty TNHH Highway Holdings.
Các nhà quản lý Hoa Kỳ đã và đang đàm phán với các đối tác Trung Quốc để đạt được sự tuân thủ HFCAA, nhưng chủ tịch SEC gần đây bày tỏ sự không chắc chắn về triển vọng đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 19/07 với Bloomberg, Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết các nhà chức trách ở Trung Quốc là những người cuối cùng sẽ quyết định xem có cho phép các cơ quan quản lý Hoa Kỳ xem xét các báo cáo kiểm toán đầy đủ của họ hay không.
Ông Gensler nói, “Hiện tại tôi thực sự chưa biết gì về điều này,” khi đề cập đến khả năng đạt được một thỏa thuận. “Đó sẽ là sự lựa chọn của các nhà chức trách ở đó.”
HFCAA được ban hành vào năm 2020 với hy vọng bảo vệ các nhà đầu tư Hoa Kỳ khỏi các hoạt động gian lận của các công ty Trung Quốc vốn không tuân theo các yêu cầu kiểm toán của Hoa Kỳ.
Luật này ra đời sau một vụ bê bối kế toán gây chú ý liên quan đến công ty khởi nghiệp Luckin Coffee có trụ sở tại Trung Quốc. Công ty vào cuối năm 2020 đã đồng ý trả cho SEC một khoản phạt 180 triệu USD để giải quyết các cáo buộc gian lận vì sự phóng đại quá mức doanh thu “một cách cố ý và nghiêm trọng” năm 2019 và nói giảm đi về lỗ ròng. Đầu năm đó, thương hiệu đồ uống này cho biết một cuộc điều tra nội bộ đã phát hiện ra rằng giám đốc điều hành của họ đã khai man doanh thu năm 2019 khoảng 310 triệu USD, khiến Nasdaq phải hủy niêm yết công ty này.
The Epoch Times đã liên lạc với Alibaba để xin bình luận.
Cô Cathy He là một phóng viên ở New York tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước đây cô đã từng là luật sư của chính phủ ở Úc. Cô tham gia The Epoch Times vào tháng 02/2018.