Ai đã lấy mất lương hưu của những người Trung Quốc?
Một ngày cuối thu năm 2014, ánh nắng rực rỡ. Cô Đường Nhụy vội vàng đi xe buýt hơn hai giờ từ Côn Minh, Vân Nam đến Sở Hùng.
Mặc dù đường dài mệt mỏi, nhưng nét mặt cô rạng rỡ. Cô đi thẳng đến Trường cao đẳng Kỹ thuật Sở Hùng. Cô giảng dạy ở đây từ năm 1987 đến năm 2005, chuyên ngành chế tạo máy móc. Sau 9 năm xa cách, cô đi vào cổng chính của trường, cô nhìn thấy trong hồ sen có hai đóa hoa súng tĩnh lặng nở rộ, một đóa màu tím, một đóa màu trắng.
Cô đứng lại nơi đó một lát, rồi đi về hướng tòa nhà “Văn phòng trường.” Cửa phòng làm việc của Hiệu trưởng ở lầu hai đang mở, Chủ nhiệm Văn phòng Trương Ninh đang ở bên trong. Bà Trương Ninh là một phụ nữ xinh đẹp, chín năm không gặp, Đường Nhụy thấy bà già đi rất nhiều. Nhìn thấy cô Đường, bà Trương Ninh có chút sững sờ, bà nói: Cô giáo Đường, cô chẳng thay đổi gì cả. Thoạt nhìn, Đường Nhụy vẫn là dáng vẻ của nhiều năm trước đây, khí chất ưu nhã, sắc mặt hồng nhuận, mỉm cười nhìn bà.
Cô Đường Nhụy nói cho bà Trương Ninh biết, cô đến để xin nhận lương hưu lại lần nữa. Dựa theo các quy định liên quan, cô được 18 năm tuổi nghề, cộng với 2 năm đóng bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ dạy học, cô hoàn toàn đủ điều kiện để nhận lại lương hưu của cô. Châu tự trị Sở Hùng, tỉnh Vân Nam có quy định, chỉ cần 20 năm tuổi nghề là có thể hưởng lương hưu.
Ngày 02/03/2021, cô Đường Nhụy nhớ lại cảnh cô đến đơn vị công tác trước đây để xin nhận tiền lương hưu vào 7 năm về trước và kể với phóng viên Epoch Times. Dựa theo tiêu chuẩn viên chức Trung Quốc năm 2007 để tính toán, tiền lương hưu mỗi tháng của cô phải hơn 3,000 Nhân dân tệ (NDT); dựa theo tiêu chuẩn năm 2020, các giáo viên cùng trường có thâm niên giống như cô, tiền lương hưu tiêu chuẩn là hơn 5,000 NDT. Cô Đường Nhụy nói, tính theo số nhỏ hơn, với mức lương mỗi tháng hơn 3,000 NDT, trong 14 năm qua, cô đã bị mất hơn 500,000 NDT tiền lương hưu.
Sự việc mà cô Đường Nhụy gặp phải chỉ là một hình ảnh thu nhỏ. Từ năm 1999 đến nay, trong quá trình Trung Cộng bức hại học viên Pháp Luân Công, đã có biết bao nhiêu người bị cướp đoạt tiền lương hưu một cách phi pháp? Ai đã lấy đi tiền lương hưu của họ?
Câu chuyện của cô Đường Nhụy
Cô Đường Nhụy bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997, sức khỏe của cô trước đây vốn yếu ớt, sau tu luyện một thời gian đã trở nên khỏe mạnh, thành tích dạy học của cô ngày càng xuất sắc.
Pháp Luân Công là một môn công pháp Phật gia tu luyện thân tâm theo nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn,” bao gồm 5 bộ động tác luyện công nhẹ nhàng uyển chuyển. Tháng 05/1998, Tổng cục Thể thao Quốc gia Trung Quốc đã tiến hành điều tra về Pháp Luân Công tại tỉnh Quảng Đông, và đưa ra kết luận: tổng hiệu quả trừ bệnh khỏe người của Pháp Luân Công đạt 97,9%.
Năm 1998, cô Đường Nhụy được bình chọn là Giáo viên xuất sắc trong lần duy nhất toàn thể học sinh của trường bỏ phiếu bầu chọn.
Lần bình chọn này đã gây ra tiếng vang nho nhỏ. Lúc ấy, toàn bộ chương trình phát thanh truyền hình của Châu tự trị Sở Hùng và các cuộc họp quan trọng của chính quyền địa phương đều bàn tán về đề tài này. Rất nhiều người thân, bạn bè và bạn cùng học của cô Đường đều nghe và xem các tin tức liên quan trên các phương tiện truyền thông.
Trời có mưa gió thất thường. Bởi vì đố kỵ và lo sợ khi số lượng học viên Pháp Luân Công nhiều hơn số lượng đảng viên Trung Cộng, cho nên Tổng bí thư lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã hạ lệnh toàn lực đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20/07/1999.
Năm 2005, cô Đường vì kiên trì tu luyện Pháp Luân Công, đi phát tài liệu giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho người dân, nên bị bắt đưa đến Trại giam Phụ nữ số 2 Vân Nam bức hại và bị kết án 2 năm tù.
Ở trong tù, cô Đường cự tuyệt việc bắt ép từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, nên Trại giam Phụ nữ số 2 Vân Nam đã thông báo cho Trường cao đẳng Kỹ thuật Sở Hùng, đuổi việc cô một cách bất hợp pháp.
Năm 2007, cô Đường được ra tù. Cô tìm đến đơn vị công tác cũ với hy vọng có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, để hai năm sau nhận tiền lương hưu, nhưng không có kết quả. Sau đó, cô tự đóng tiếp tiền bảo hiểm xã hội.
Năm 2009, cô Đường viết một thư khiếu nại, gửi đến Viện kiểm sát Châu tự trị Sở Hùng. Nhưng không có phản hồi.
Sau khi ra tù, cô Đường phải đối mặt với áp lực to lớn về kinh tế, việc duy trì đời sống đều rất khó khăn, vì còn nuôi nấng con trai, cô đành rời khỏi thành phố Sở Hùng, nơi ít có cơ hội tìm được việc làm, đi đến vùng Côn Minh xa xôi để tìm việc làm.
Cũng may trình độ và kinh nghiệm dạy học đã giúp cô. Một trường đào tạo tư nhân ở Côn Minh đã thuê cô. Nhưng chế độ đãi ngộ không bằng với công tác giảng dạy của cô trước đây. Để tiết kiệm, hàng ngày cô chỉ ăn một bữa cơm.
Cô bán căn nhà lớn ở Sở Hùng, mua một căn nhà nhỏ hơn ở thành phố Côn Minh, chuyển hộ khẩu tới sinh sống tại Côn Minh.
Dựa theo quy định của thành phố Côn Minh, chỉ cần đủ 15 năm tuổi nghề, thì có thể nhận được tiền lương hưu.
Cô liền đến Sở Lao động thành phố Côn Minh làm thủ tục xin nhận lương hưu lần nữa. Sở Lao động thành phố Côn Minh trả lời đại ý là, người từng bị kết án hình sự thì không thể giải quyết.
Năm 2014, cô Đường tìm đến Sở Lao động và Nhân sự Châu tự trị Sở Hùng, tỉnh Vân Nam. Nhận được câu trả lời rằng: những người bị kết án vì các nguyên nhân khác, chỉ cần đủ điều kiện về thời gian công tác, sau khi đủ tuổi về hưu, thì đều có thể nhận được tiền lương hưu (tiền bảo hiểm xã hội), nhưng những người bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công, thì không được cấp lương hưu.
Trường hợp như cô Đường Nhụy gặp phải không phải là trường hợp đặc biệt. Không ít học viên Pháp Luân Công sống lưu vong tại nước ngoài đều từng bị Trung Cộng dùng nhiều lý do để khấu trừ lương hưu của họ.
Đây là một sự thật đang diễn ra ở Trung Quốc, một người thân của cô Đường đã từng phạm tội và bị kết án 3 năm tù giam. Sau khi ra tù, đóng tiền cho bảo hiểm xã hội thêm mấy năm, đến tuổi về hưu, vẫn được hưởng tiền lương hưu bình thường.
Cựu nữ doanh nhân Đại Liên: Cắt đứt hoàn toàn nguồn sống của tôi
Cô Vương Xuân Ngạn nói, “từ tháng 06/2017 bắt đầu ngừng phát lương hưu, đến bây giờ đã gần 4 năm rồi, một đồng cũng không có.”
Cô Vương Xuân Ngạn, trình độ đại học, vốn là một nữ doanh nhân ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, có hơn 30 năm tuổi nghề. Sau khi biết tin cô Vương Ngạn Xuân đến Hoa Kỳ, Trung Cộng bắt đầu ra tay chặn lương hưu của cô.
Cô Vương hiện đang cư trú tại Washington DC, Hoa Kỳ. Mặc dù cô có đầy đủ giấy tờ chứng nhận cô đang sinh sống ở Hoa kỳ do các luật sư, chính quyền tiểu bang, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các chuyên gia cấp, nhưng 4 năm qua cô không thể nhận được tiền lương hưu hợp pháp của mình.
Cô nói, “Hoàn toàn cắt đứt nguồn sống của tôi, lương hưu chính là tiền để sinh sống, chỉ cần người còn sống, thì cần phải cấp cho họ. Đây chính là đẩy người vào chỗ chết.”
Bà Dương Thanh Phương hơn 70 tuổi buộc phải đi làm công tại New York
Bà Dương Thanh Phương nói, “tháng 01/2016, tiền lương hưu tăng lên 3,800 NDT, 5 năm bị tổn thất hơn 200 ngàn NDT.”
Bà Dương Thanh Phương, 70 tuổi, nguyên là nhân viên hậu cần kiêm kế toán của Sở Nghiên cứu Khoa học và Bảo vệ Môi trường Thiên nhiên thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, có trình độ đại học, 30 năm tuổi nghề, hiện đang sống tại New York. Từ ngày 01/01/2016 đến nay, bà đã bị Trung Cộng cắt đoạt tiền lương hưu.
Bà Dương cho biết, 5 năm qua, bà không hề nhận được một đồng lương hưu, hiện tại ở New York mỗi tháng đóng 500 USD tiền thuê nhà đều rất khó khăn.
Mặc dù hiện nay chính phủ Hoa Kỳ trợ cấp cho bà mỗi tháng 215USD tiền nhà ở, nhưng để duy trì cuộc sống, một người già 70 tuổi như bà cũng không thể không đi làm thuê.
“Năm 2019, tôi phải tự kiếm tiền, làm hộ lý.” “Lớn tuổi rồi, làm không được nhiều. Hiện giờ vẫn còn làm, nếu không làm thì không trả được tiền nhà.”
Bà Dương cho biết, bà đã dựa theo những yêu cầu của Trung Cộng, cầm những giấy tờ liên quan chứng nhận người đang sinh sống tại Hoa Kỳ, có dấu đỏ và số hiệu của Tổng lãnh sự quán Trung Cộng ở New York đóng, đến Tổng lãnh sự quán Trung Cộng ở New York.
Bà đã hai lần liên lạc với Cục An ninh Xã hội nơi đơn vị công tác trước đây, nhưng nhận được câu trả lời rằng: cần chính người đó về Trung Quốc giải quyết thủ tục.
Tuy nhiên, dưới sự bức hại tàn khốc của Trung Cộng đối với Pháp Luân Công, làm sao bà Dương Thanh Phương có thể về nước được đây?
Như vậy, căn cứ vào những luật liên quan của Trung Quốc, người từng bị kết án hình sự, cuối cùng có thể nhận được lương hưu hay không? Người sống ở nước ngoài, có thể nhận tiền lương hưu hay không đây?
Luật sư: cắt đoạt tiền lương hưu là trái pháp luật
Ngày 09/03/2021, ông Lại Kiến Bình, cựu Luật sư Bắc Kinh, cựu Thạc sỹ Luật của Đại học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc, đã nói với phóng viên Epoch Times rằng, Trung Cộng cắt đoạt tiền lương hưu là trái pháp luật.
Ông nói, “Lương hưu là tiền dưỡng lão của một người sau mấy chục năm khổ cực làm việc mà có được, đây là một loại bảo đảm dưỡng lão cơ bản, hợp đồng liên quan cơ bản, quyền lợi cơ bản về mặt kinh tế của một người, dựa vào đâu mà tước đoạt nó?”
“Lương hưu là tài sản thuộc quyền lợi của mỗi công dân, là tài sản thu nhập hợp pháp cơ bản của công dân, là quyền cơ bản của con người, là quyền lợi không thể bị tước đoạt.”
Ông Lại Kiến Bình cho biết, căn cứ pháp luật, chỉ có một tình huống có thể khấu trừ lương hưu, đó là: trừ trường hợp khi người đó bị kết án, bị tòa án tuyên phạt tiền, trong tình huống phạt tiền hoặc tịch thu [tài sản]. Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống này, thì là đem tiền [lương hưu] phát cho người đó trước, sau đó tiền phạt sẽ được chính người đó giao nộp.
Ông Lại Kiến Bình còn cho biết, Trung Cộng không cấp lương hưu cho người sống tại nước ngoài cũng là trái pháp luật.
“Công dân có quyền tự do cá nhân, sinh sống ở đâu là quyền cơ bản của con người. Người ta muốn đi đến đâu, ai cũng không thể quản được.”
“Luật pháp không có quy định rằng, nhất định người phải ở trong nước mới được hưởng lương hưu.”
“Trừ khi cơ bản là không có quốc tịch Trung Quốc, vậy thì lại là chuyện khác. Chỉ cần có quốc tịch, thì có được quyền lợi này.”
Ông Lại Kiến Bình cho biết thêm, “Trung Cộng bức hại Pháp Luân Công là trái pháp luật, bởi vì quyền tín ngưỡng của học viên Pháp Luân Công là quyền cơ bản của con người.”
“Tôi cảm thấy các học viên Pháp Luân Công rất không tầm thường, vì tín ngưỡng của mình, họ không màng các loại nguy hiểm, [phản đối] chính quyền Trung Cộng, không khuất phục, không sờn lòng, để bảo vệ quyền tự do cơ bản của con người về tín ngưỡng tôn giáo của họ trong suốt nhiều năm. Họ đã chịu đau khổ nhiều như vậy, chịu nhiều khổ cực như vậy.”
“Vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”
Không bao lâu sau khi bắt đầu bức hại, Giang Trạch Dân liền hạ lệnh áp dụng chính sách toàn diệt “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” đối với các học viên Pháp Luân Công.
Tại Trại giáo dục phụ nữ tỉnh Quảng Đông, bà Dương Thanh Phương bị bức thực bằng dụng cụ cố định miệng 27 ngày, cắm ống chuyền thức ăn 81 ngày.
Bà Dương nói, “năm sáu người bắt ấn tôi trên giường rồi cắm ống vào, cái ống có kích cỡ bằng ngón tay cái cứ cắm vào rồi lại lôi ra. Có mấy lần ống cắm đến bên trong khí quản bị ngạt khiến thở không được.” Bà lập tức hiểu được, thì ra có học viên Pháp Luân Công chính là bị bức hại theo kiểu bức thực dã man này, đem cái ống cắm đến bên trong khí quản dẫn đến chết.
Khi vào Trại giáo dục lao động, bà Dương Thanh Phương có thể trọng 80kg, khi được ra trại bà chỉ còn khoảng 30-35kg.
Tại khu nhà giam số 3 Trại giam phụ nữ tỉnh liêu Ninh, cô Vương Xuân Ngạn bị bức hại làm lao động khổ sai trong thời gian dài.
Khu nhà giam số 3 là khu nhà giam nữ có thời gian may quần áo dài nhất trong các nhà tù, có dây chuyền sản xuất, áo quần sản xuất ra chủ yếu đều được xuất cảng đi khắp nơi trên thế giới.
Cô Vương nói, “Khu nhà giam số 3 thường xuyên có người tự sát, khi tôi bị giam nơi đó, có một người tên là Trần Tiểu Lệ, là một cô gái 25 tuổi, do thường xuyên không hoàn thành được giá trị sản lượng nên bị áp lực rất lớn, quá mức chán nản, vào năm 2004 cô ấy treo cổ tự vẫn.”
Ở Trại giam phụ nữ số 2 tỉnh Vân Nam, cô Đường Nhụy đã bị nhiều kiểu tra tấn. Ví như: ngồi trên băng ghế nhỏ, mỗi ngày ngồi 17 giờ đồng hồ, không được cử động. Loại tra tấn bằng hình phạt này đã khiến cho sau mông của cô bị hoại tử một mảng lớn, đau đớn cực kỳ.
Có khi, mỗi ngày cô bị bắt đứng theo tư thế quân nhân suốt 17 giờ, đứng suốt mấy ngày liên tục, hai chân của cô sưng tấy lên rất nhanh, không thể gập lại, không thể bước đi được…
Đóa hoa sen mãi mãi trong tim
Các đồng nghiệp của cô Đường Nhụy tận mắt chứng kiến, việc bị bức hại nhiều năm dường như không để lại bao nhiêu “dấu vết” trên khuôn mặt của cô.
Cô Đường Nhụy nói, sau khi Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc đại lục vào năm 1999, trong tâm cô luôn tràn đầy hy vọng, chưa bao giờ cô cảm thấy sẽ không khởi sắc lên được. Ngược lại, cô cảm thấy càng bị mây đen che phủ thì càng cần phải thể hiện phong thái và tinh thần của đệ tử Đại Pháp chân tu “Chân, Thiện, Nhẫn.”
Cho dù trong khoảng thời gian ăn bữa hôm lo bữa mai, cô Đường Nhụy vẫn luôn tươi cười chào đón với người khác, mọi người đều luôn thấy cô với thần sắc “mặt mày rạng rỡ.” Khi cô đến thăm con trai đang học đại học, bạn bè của con trai cô ở cùng ký túc xá đều nói, mẹ của bạn thật là trẻ đẹp, thật là khí chất, thật là nhanh nhẹn.
Vào ngày cuối thu năm 2014 đó, nhiều vị lãnh đạo của Trường cao đẳng Kỹ thuật Sở Hùng đã không đồng ý gặp mặt cô Đường Nhụy. Tiền lương hưu của cô vẫn không có tin tức y như cũ.
Đi ra khỏi tòa nhà “Văn phòng trường,” cô Đường Nhụy lại đến đứng bên hồ sen trong chốc lát. Cô ngạc nhiên nhìn thấy trong hồ sen có thêm ba đóa sen trắng.
Bông hoa súng lẳng lặng nằm trên mặt nước, dưới ánh mặt trời cánh hoa màu trắng sữa tỏa ra một loại ánh sáng đặc biệt.
Ngắm nhìn bông hoa trong hồ, cô Đường Nhụy thầm ước một tâm nguyện: hy vọng có càng nhiều người xung quanh mình hiểu rõ điều tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và chân tướng người vô tội bị bức hại.
Do Gao Jing thực hiện
Tiêu Minh biên dịch
Xem thêm: