8 nguyên tắc sống tối giản cho con trẻ của chúng ta
Vài bí quyết hướng dẫn con trẻ về giá trị thực sự của vật chất, tánh rộng rãi và trải nghiệm của những bậc tiền nhân.
Đôi khi các con tôi lại là những người hay nhắc nhở tôi về ý nghĩa của việc sống có chủ đích hơn. Hồi còn nhỏ, những nhận xét ngây thơ và vô tư này (thường thật thà đến mức khiến người ta đỏ mặt) cho tôi sự đồng cảm về cảm nhận thế giới xung quanh các con.
Một ngày nọ, con gái tôi đã có một nhận định cho tôi thấy rõ cô bé thực sự nhận thức được sâu sắc như thế nào và tại sao điều đó lại quan trọng. Cô bé đã để ý xem người khác có bao nhiêu “đồ đạc” và kết cục của việc sở hữu quá nhiều đồ đạc như thế nào.
Nhưng ngay từ lúc 6 tuổi, cô bé đã nhận ra sự thay đổi đáng kể trong cách sống mà gia đình chúng tôi lựa chọn.
Chồng tôi và tôi vẫn còn là người khá mới mẻ trong hành trình theo đuổi chủ nghĩa tối giản và chắc chắn không phải là gia đình tối giản xứng đáng được đăng trên tạp chí, nhưng chúng tôi thực hành hàng ngày, tạo thành thói quen và điều đó ảnh hưởng đến mong muốn sống có chủ đích của chúng tôi.
Chúng tôi chọn sống có ít đồ đạc hơn, chỉ chi tiêu vào những gì cần thiết nhất, và quyết định sử dụng thời gian sao cho tốt nhất là những thói quen mà chúng tôi đã chọn để thấm nhuần vào cuộc sống của mình.
Chúng tôi nhận thấy rõ những lợi ích cho bản thân và muốn chia sẻ lối sống này cho bọn trẻ. Do đó, trong bài đăng này tôi sẽ chia sẻ 8 bài học về chủ nghĩa tối giản mà chúng tôi chủ đích muốn dạy trẻ vì các con đang phát triển thành những người có suy nghĩ độc lập hơn.
Những bài học về chủ nghĩa tối giản cho con cái của chúng ta
Hãy trân trọng những gì bạn có
Thật ngạc nhiên khi tâm lý “phải có cho bằng bạn bằng bè” lại bộc lộ mạnh mẽ ở độ tuổi còn quá nhỏ như vậy. Trẻ em để ý những gì mà người khác có và bất chợt lại đứng núi này trông núi nọ. Sở hữu những ước muốn, khát khao là điều rất tự nhiên nhưng chúng ta cố gắng dạy các con mình lòng biết ơn những gì chúng ta đang có – và không mãi truy cầu nhiều hơn nữa – đó là cách sống lành mạnh hơn.
Bạn không cần quá nhiều lựa chọn để được hạnh phúc
Khi đề cập đến bữa sáng và bữa trưa, chúng tôi cố gắng chọn các bữa ăn đơn giản, lành mạnh và hạn chế nhiều món. Tôi nhận ra rằng các con không cần quá nhiều sự lựa chọn thì mới thấy được chăm sóc tốt và hài lòng. Ăn uống lành mạnh một cách nhất quán sẽ tốt hơn là liên tục đổi mới các món ăn.
Nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn
Ba đứa con nhỏ (sắp sửa là bốn đứa) chạy lòng vòng quanh nhà, mỗi bé có sở thích riêng về đồ chơi và hoạt động riêng cho mình. Nhiều năm trước, tôi thường nghĩ rằng để có một “ngôi nhà vui vẻ” chúng tôi cần có những thùng chứa đầy đồ chơi và các con có nhiều lựa chọn để tránh nhàm chán.
Và rồi tôi nhận ra rằng nhiều đồ chơi hơn lại khiến các con choáng ngợp hơn trong khi chơi, chưa kể đến việc phải dọn dẹp nhiều hơn vào cuối ngày.
Chúng tôi áp dụng hệ thống quay vòng đồ chơi (đổi đồ chơi vài tháng một lần) và cho phép mỗi bé có một “ngăn kéo đồ chơi đặc biệt” trong phòng riêng, nơi mà các con chỉ có thể giữ những gì vừa đủ trong chiếc ngăn kéo đó.
Tánh hào phóng
Khi có nhiều anh chị em và những người bạn cùng chơi trong khu phố, những đứa trẻ của chúng ta có nhiều cơ hội thường xuyên để thực hành việc chia sẻ và tánh rộng lượng. Mặc dù chúng ta sẽ còn quan sát thấy một vài hành vi ích kỷ (vì các con vẫn còn là trẻ con), chúng ta vẫn cần giúp các con hiểu rằng những gì khiến các con hạnh phúc cũng sẽ khiến người khác cảm thấy hạnh phúc.
Những lời động viên đơn giản, chia sẻ đồ chơi hay thực hiện một hành động quan tâm bất ngờ là những cách hữu hình mà chúng ta khuyến khích con trẻ sống hào phóng.
Mỗi vật dụng đều có chỗ cất giữ riêng
Khi mỗi đồ dùng được đặt đúng vị trí, nhà cửa sẽ tránh được sự lộn xộn. Khi bạn dạy các thói quen này từ khi các con còn nhỏ, các con sẽ được khuyến khích để đồ đạc trở lại đúng chỗ thay vì để trên sàn nhà hay bàn bếp.
Giới hạn số đồ đạc mà con sở hữu (đồ chơi, quần áo hoặc đồ dùng cá nhân khác) cũng sẽ giúp các con cất giữ những thứ của mình như một thói quen.
Hãy là thành viên giá trị có đóng góp cho ngôi nhà của mình
Cha mẹ đảm nhận hầu hết các trách nhiệm trong gia đình. Nhưng khi con của chúng ta lớn hơn và độc lập hơn, chúng ta trông đợi các con giúp đỡ đảm nhận một số trách nhiệm gia đình. Bằng cách giao cho các con những công việc phù hợp với lứa tuổi, chúng ta đang hướng dẫn cho các con ý thức quý trọng gia đình và tài sản của chính mình.
Trải nghiệm quý báu hơn cả vật chất
Giống như hầu hết trẻ em, các con của chúng tôi chắc chắn thích được nhận đồ chơi và đồ trang sức mới. Chúng tôi muốn dạy con của mình rằng những thứ ấy không giúp chúng ta vui vẻ được mãi. Đồ chơi bị vỡ, quần áo bị thủng và có vết ố bẩn, và những cảm xúc khi có được những thứ đồ đó là niềm vui ngắn ngủi.
Con trẻ sẽ nhớ điều gì nhất về những năm tháng mà các con lớn lên? Hy vọng đó là những kỳ nghỉ gia đình và những chuyến đi dã ngoại trong ngày cùng nhau, nghịch nước trong con lạch vào những ngày hè, những bữa tối Chủ nhật ở nhà bà, những buổi cắm trại ấm áp bên lò sưởi, những đêm xem phim và thưởng thức pizza tự làm, hoặc những buổi hẹn hò 1:1 mà chúng tôi thực hiện riêng với mỗi đứa trong số bọn trẻ.
Lưu lại các sự kiện bằng cách làm cuốn album gia đình hàng năm là một trong những cách yêu thích của chúng tôi để nhìn lại và nhớ về những kỷ niệm vui vẻ mà chúng tôi đã có cùng nhau trong những năm vừa qua.
Sống khác đi vẫn ổn
Điều này chắc chắn sẽ khiến chúng ta mất nhiều năm để nhận ra và thực hành, nhưng chỉ vì những người hàng xóm và bạn bè sở hữu thứ nào đó, không có nghĩa là chúng ta cần phải có như họ thì mới cảm thấy hạnh phúc. Điều khiến người khác hài lòng chưa chắc làm chúng ta hài lòng. Mục đích của chúng ta là dạy cho trẻ biết yêu thương người khác và sống có ý nghĩa hơn việc chúng ta chỉ theo đuổi thú vui của riêng mình.
Y Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times