5 món quà mà con cái ban tặng cho chúng ta
Trong bài viết “Why Bother Having Kids?” (Hà tất phải có con?), tác giả từ Viện Nghiên cứu Gia đình Jim Dalrymple mở đầu bằng những nhận xét tương đồng nhau từ Giáo hoàng Francis và ông Elon Musk. Vâng, hai nhân vật của công chúng [đến từ những lĩnh vực] hoàn toàn khác nhau, nhưng trước thực trạng tỷ lệ sinh con giảm mạnh ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia giàu có, cả hai đều tin rằng thế giới cần nhiều trẻ em hơn.
Giáo hoàng Francis cho rằng nếu thiếu trẻ em, “nền văn minh sẽ trở nên già cỗi,” và ông Musk cũng tán đồng quan điểm đó, “Nếu nhân loại không sinh thêm con cái, nền văn minh sẽ sụp đổ.”
Có lẽ vậy, nhưng ông Dalrymple lại bác bỏ điều ông gọi là “lý luận về An sinh Xã hội.”
“Ai lại chọn sinh con vì để cứu lấy An sinh Xã hội (hoặc nền kinh tế nói chung)?” ông đặt câu hỏi. “Không ai cả.”
Sau đó, ông Dalrymple đưa ra một vài nhân tố khác thúc đẩy việc sinh con và nuôi con. Chẳng hạn, [con cái] chính là khoản đầu tư cho tuổi già, có nghĩa là những người lớn tuổi sẽ trông cậy vào con cái để chăm sóc họ, và mối quan hệ giữa cha mẹ và con là “một trải nghiệm cốt yếu của đời người.”
Đây là những lý do hợp lẽ để sinh con và nuôi dưỡng chúng, nhưng chúng vẫn còn là những lập luận to tát, chưa thể lay động trái tim của các cặp vợ chồng đang cân nhắc trở thành cha mẹ. Để trả lời câu hỏi của ông Dalrymple “Hà tất phải có con?”, chúng ta hãy cùng nhau khám phá những niềm vui và lợi ích mà trẻ em mang lại cho chính chúng ta, theo một cách gần gũi hơn.
Chương trình thực tế của riêng bạn
Chúng ta sẽ bắt đầu với một vài khoảnh khắc.
Nụ cười đầu tiên của bé. Cảnh tượng bé đang chập chững biết đi, mặc tã và bộ áo liền quần, nhún nhảy theo nền nhạc Giáng Sinh. Ngày đầu tiên đến trường. Đứa bé 12 tuổi thực hiện cú đánh đôi và ghi điểm trong cú đánh quyết định. Cô nữ sinh năm hai trung học vụn vỡ vì tình yêu. Chàng trai trưởng thành trở về từ trại huấn luyện tân binh. Cô con gái bước xuống lễ đường, trao lời thề nguyện hôn nhân.
Trên đây chỉ là một vài khoảnh khắc nổi bật từ chương trình thực tế tuyệt vời nhất hành tinh. Chương trình đó vẫn tiếp diễn sau khi các diễn viên đã rời khỏi nhà và bước vào thế giới rộng lớn của người trưởng thành. Cha mẹ, ông bà, cô dì, chú bác, và những người cố vấn khác vẫn còn gần gũi với đứa trẻ sẽ được trải nghiệm một chuỗi dài bi kịch, hài kịch, cùng bao thăng trầm.
Hãy dấn thân, gắn bó cùng các con, và bạn sẽ trở thành một phần của vở kịch đẹp đẽ và có sức ảnh hưởng to lớn này.
Người phá băng
Dắt một em bé đến cửa hàng thực phẩm, và thiên thần nhỏ này sẽ thu hút mọi người muốn đến gần bạn, như thỏi nam châm. Lái xe chở con trai 8 tuổi đến trận bóng đá, và trong lúc cậu hăng say chạy trên sân, bạn ngồi ngoài đường biên, vừa dõi theo cả đội vừa trò chuyện với các cha mẹ khác. Trong khi con gái trình diễn vở “Kẹp hạt dẻ,” và trong các buổi học lẫn buổi tập dượt, bạn có dịp kết giao với các bậc cha mẹ và người thân của các diễn viên múa khác.
Nếu bạn muốn có những người bạn mới, trẻ em sẽ mang họ đến với bạn.
Trưởng thành
Trong hành trình nuôi dạy con cái trưởng thành, bản thân người lớn cũng trưởng thành theo. Đối với cha mẹ hoặc người cố vấn, quá trình này khó nhận ra hơn so với [quá trình trưởng thành] của các con. Tuy vậy, từng hành động nhỏ xuất phát từ trách nhiệm và những khoảnh khắc lo âu ắt hẳn cũng tôi luyện người trưởng thành như rèn luyện trẻ em vậy.
Trong cuốn tiểu thuyết xưa rất hay, có nhan đề “Good Morning, Miss Dove” (Chúng em chào cô Dove), một cô giáo nghiêm khắc với các nguyên tắc vững vàng, “cô Dove đáng sợ,” mắc một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng và cần được phẫu thuật. Nằm trên giường bệnh hồi tưởng lại [cuộc đời], cô mới chợt nhận ra rằng những đứa bé mà cô dạy dỗ suốt ngần ấy năm, bây giờ đã trưởng thành và chăm sóc cho cô, đã đến để yêu thương cô, và cô cũng yêu thương chúng.
Giống như cô Dove, việc dạy dỗ và thể hiện các giá trị đạo đức cho trẻ em cũng giúp rèn luyện những đức tính ấy trong ta. Hơn nữa, trách nhiệm đi kèm trong việc chăm sóc người khác — con cái, cha mẹ lớn tuổi, bạn bè — là chất xúc tác thúc đẩy chúng ta trưởng thành hơn.
Chúng ta nuôi dạy các con trưởng thành, và các con cũng làm điều tương tự cho chúng ta.
Phần tiếp theo cũng hay không kém phần đầu
Mục này dành cho ông bà. Ông bà đã dành thời gian và làm tất cả những gì có thể để nuôi dạy các con trở thành những người lớn vững vàng, có nguyên tắc, và những nỗ lực ấy đã được đền đáp. Các con trai và con gái trưởng thành khiến bạn tự hào.
Và giờ đây các con cũng trở thành bậc cha mẹ.
Với nhiều bậc ông bà, đây mới là khi niềm vui bắt đầu. Bạn không chỉ có thể vận dụng kinh nghiệm từ thời làm cha mẹ, những thành công và thất bại, mà áp lực và gánh nặng khi làm cha mẹ giờ đây đã tan biến. Khoảng thời gian này, bạn có thể chơi ném bóng ở sân sau mà không cần lo lắng những đứa bé đã làm bài tập về nhà chưa, hay thỉnh thoảng chiêu đãi chúng những ly kem soda mà không cần lý do gì. Và nếu bạn từng khao khát trở thành siêu anh hùng, thì giờ đây chính là cơ hội cho bạn.
“Có cháu chắt thật là hời!” tác giả hài kịch Gene Perret chia sẻ. “Tôi cho chúng một vài đồng bạc lẻ, và chúng mang lại cho tôi niềm vui trị giá hàng triệu dollar.”
Những tượng đài của tình yêu thương
Có vài người mà tôi quen thân không có con ruột, bao gồm cả hai người bạn thân. “Chú John” là cha đỡ đầu không chính thức của tám đứa cháu ngoại tôi. Ngoại trừ bé nhỏ mới sinh, ông là nhân vật quan trọng trong cuộc đời của các cháu. Mỗi lần đến thăm, ông đều mang theo những túi quà vặt, chơi bài với chúng hàng giờ liền, và kiên nhẫn lắng nghe mọi người, từ bé nhỏ 6 tuổi tới cả người cháu vừa tốt nghiệp trung học. Họ hàng chú John còn gọi nhóm trẻ sôi nổi này là “gia đình thứ hai của chú.”
Người bạn còn lại của tôi mang niềm đam mê cố vấn và chăm sóc trẻ em đến những người họ hàng trẻ tuổi và các lớp học trường Chúa Nhật trong nội thành mà bà đảm nhiệm. Tương tự như chú John, bà đang giúp trẻ em trưởng thành. Cũng như các cháu tôi sẽ luôn nhớ đến chú John trong suốt quãng đời còn lại, những đứa trẻ kia sẽ mãi khắc ghi hình ảnh về người phụ nữ ấy trong ký ức.
Giống như hai người bạn của tôi, tất cả chúng ta, những người gắn bó với trẻ em, đều có cơ hội để lại dấu ấn cho tương lai và cả thế giới, những ký ức cùng những bài học mà chúng ta để lại sẽ trở thành tượng đài của chúng ta.
“Cảnh ông bà nhảy múa tại lễ cưới của tôi là một trong những điều đẹp đẽ nhất mà tôi từng chứng kiến.” “Dì Ginny thường xuyên bảo tôi hãy luôn làm việc chăm chỉ và không bao giờ bỏ cuộc.” “Ông đã dạy cha cách bắt cá, giống như cha đang dạy con bây giờ.” “Bạn của mẹ tôi, dì Sadie Beth, có thể khiến tôi cảm thấy tốt hơn bất kể có chuyện gì buồn. Hãy để tôi ôm bạn như dì Sadie Beth.”
Những đứa con mà chúng ta nuôi dạy và dìu dắt sẽ khiến [hình ảnh về] chúng ta sống mãi ngay cả khi ta đã rời khỏi thế gian. Nếu chúng ta chia sẻ với chúng điều tốt đẹp nhất của bản thân, ký ức về chúng ta sẽ còn đọng lại mãi trong trái tim của con cháu và những thế hệ tiếp theo.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times