Bản tin đặc biệt

5 điều cần biết về các lệnh bịt miệng đối với cựu Tổng thống Trump

Cựu Tổng thống Trump đang phải đối mặt những hạn chế về ngôn luận của mình, điều này có thể ảnh hưởng sâu rộng đến cách ông bảo vệ bản thân và tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử cạnh tranh với Tổng thống Biden.

Cựu Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với hai lệnh hạn chế gây tranh cãi về ngôn luận khi ông phải chống lại nhiều cáo trạng vốn có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng về chiến dịch tranh cử tổng thống của ông. Thật khó để xác định hậu quả cuối cùng từ các lệnh bịt miệng ở Hoa Thịnh Đốn và New York đối với ông sẽ là như thế nào, nhưng chúng đã làm dấy lên những tranh luận về việc các ứng cử viên chính trị có thể bị hạn chế như thế nào khi tranh cử.

Khi các lệnh này được tòa án đưa ra, thì có năm điều dưới đây mà quý vị cần suy xét:

1. Lệnh ở Hoa Thịnh Đốn là chưa từng có tiền lệ

Lệnh bịt miệng của Thẩm phán Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan hạn chế khả năng cựu Tổng thống Trump nói về vụ án đó và các sự kiện cơ bản của vụ án. Giả sử rằng cựu Tổng thống Trump giành được đề cử của Đảng Cộng Hòa, thì đối thủ chính của ông hiện được cho là người mà chính phủ của ông này đang truy tố ông Trump vì đã thách thức kết quả của cuộc tranh cử trước đó của họ.

Đội ngũ pháp lý của cựu Tổng thống Trump đã trích dẫn hai vụ việc giống với trường hợp của thân chủ của họ nhưng hoàn toàn không tương đồng về quy mô của một cuộc bầu cử tổng thống. Một vụ liên quan đến việc tòa phúc thẩm đảo ngược một lệnh bịt miệng đối với cựu Dân biểu Harold E. Ford (Dân Chủ-Tennessee). Năm 1987, Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 6 đã ra phán quyết rằng ông Ford “có quyền tranh đấu chống lại sự tổn hại rõ ràng đối với danh tiếng chính trị của mình trên báo chí và trước tòa án của dư luận, cũng như trong phòng xử án và trên sàn của Quốc hội. Ông sẽ sớm chuẩn bị để tái tranh cử.”

Tòa án này nói, “Các đối thủ của ông sẽ tấn công ông như một người phạm trọng tội bị truy tố. Ông sẽ không thể đáp trả tương xứng nếu lệnh của Tòa án Địa hạt vẫn được giữ nguyên. Ông sẽ không thể thông báo cho cử tri biết quan điểm của mình.”

Tương tự, cựu Tổng thống Trump có thể gặp phải những trở ngại trong việc chia sẻ quan điểm của ông với hàng triệu người đã bỏ phiếu cho ông vào năm 2020.

Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 5 cũng từng bảo vệ một lệnh bịt miệng hồi năm 2000, phán quyết rằng họ cho phép cựu Ủy viên Bảo hiểm Louisiana Jim Brown “biện bác, mà không bị cản trở, những cáo buộc của các đối thủ liên quan đến cáo trạng của ông trong suốt” cuộc tranh cử giành chức vụ của ông.

Phán quyết đó nói rằng tòa án cấp dưới “đã tạo ra những chiếu cố đặc biệt cho chiến dịch tái tranh cử của ông Brown bằng cách dỡ bỏ hầu hết lệnh này (ngoại trừ các đoạn ghi âm nghe lén) trong suốt thời gian vận động tranh cử.”

Cựu Tổng thống Donald Trump (giữa) ngồi trong phòng xử án trong phiên tòa xét xử gian lận dân sự tại Tòa án Tối cao Tiểu bang New York ở thành phố New York hôm 06/11/2023. (Ảnh: Jabin Botsford-Pool/Getty Images)
Cựu Tổng thống Donald Trump (giữa) ngồi trong phòng xử án trong phiên tòa xét xử gian lận dân sự tại Tòa án Tối cao Tiểu bang New York ở thành phố New York hôm 06/11/2023. (Ảnh: Jabin Botsford-Pool/Getty Images)

2. Các lệnh có thể hạn chế cách ông Trump vận động tranh cử

Lệnh của Thẩm phán Chutkan cho phép cựu Tổng thống Trump chỉ trích theo cách thông thường đối thủ tiềm năng của ông, Tổng thống Joe Biden, nhưng hạn chế khả năng ông nhắm vào một số cá nhân nhất định trong vụ án. Tùy thuộc vào cách Tổng thống Biden và những người khác nói về vụ án, điều đó có thể cho thấy cựu Tổng thống Trump khó có khả năng tự bảo vệ bản thân trong chiến dịch tranh cử.

Lệnh bịt miệng này cấm “việc nhắm mục tiêu” vào các nhân chứng và những người khác có liên quan đến vụ án, điều này đã khiến nhiều người, bao gồm cả Liên minh Tự do Dân sự Mỹ quốc(ACLU), chỉ trích rằng nó mơ hồ đến mức vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Hiến Pháp của cựu Tổng thống Trump. Các luật sư của ông lập luận rằng lệnh này tạo ra một “ràng buộc trước” và quá nhiều sự không rõ ràng xung quanh việc ông có thể phản ứng thế nào trước những lời chỉ trích liên quan đến vụ án hoặc các sự kiện liên quan đến vụ án.

Thẩm phán Chutkan bác bỏ những lập luận đó, cũng như những lo ngại rằng việc bà sử dụng cụm từ “các bên liên quan” là quá mơ hồ khi mô tả lệnh này áp dụng cho ai. Thay vào đó, bà nói rằng phiên điều trần hôm 16/10 và văn bản của lệnh ban đầu đã cung cấp đủ thông tin làm rõ về ai và những gì nằm trong phạm vi mà lệnh này áp dụng.

Một trong những luật sư của cựu Tổng thống Trump trong phiên tòa xét xử gian lận dân sự ở New York cũng lập luận tương tự rằng lệnh bịt miệng do Thẩm phán Tòa án Tối cao Tiểu bang New York Arthur Engoron áp đặt là vi phạm quyền tự do ngôn luận của cựu Tổng thống Trump — điều mà Thẩm phán Engoron cho là không thuyết phục.

Cả Thẩm phán Engoron và Thẩm phán Chutkan đã nhắc tới tầm quan trọng của việc bảo vệ nhân viên tòa án khỏi bị quấy rối. Thẩm phán Chutkan cũng lập luận rằng các tuyên bố của cựu Tổng thống Trump đã gây ra hành vi quấy rối trước đó và quan trọng là phải hạn chế ngôn luận của ông để duy trì tính toàn vẹn của phiên tòa.

Cũng không rõ liệu những kháng nghị của cựu Tổng thống Trump có thành công hay không, vì các chuyên gia pháp lý lập luận rằng các thẩm phán có toàn quyền quyết định mức độ họ có thể hạn chế ngôn luận của bị cáo trong các vụ án hình sự. Bất chấp điều đó, đội ngũ pháp lý của cựu Tổng thống Trump vẫn đang cố gắng.

Cựu Tổng thống Donald Trump rời đi sau khi diễn thuyết trong một cuộc vận động tranh cử tại Phi trường Khu vực Waco ở Waco, Texas, hôm 25/03/2023. (Ảnh: Brandon Bell/Getty Images)
Cựu Tổng thống Donald Trump rời đi sau khi diễn thuyết trong một cuộc vận động tranh cử tại Phi trường Khu vực Waco ở Waco, Texas, hôm 25/03/2023. (Ảnh: Brandon Bell/Getty Images)

3. Hướng tới kháng cáo

Đội ngũ pháp lý của cựu Tổng thống Trump cho biết họ sẽ kháng cáo lệnh bịt miệng của Thẩm phán Engoron.

Họ đã kháng cáo lệnh bịt miệng trong Khu vực Hoa Thịnh Đốn của Thẩm phán Chutkan. Ông Dean Sauer, cựu tổng biện lý Missouri và là một trong những luật sư của cựu Tổng thống Trump, đã thay mặt ông đệ đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực Hoa Thịnh Đốn.

Vụ án dự kiến ​​sẽ được xét xử vào ngày 20/11 bởi một hội đồng gồm ba thẩm phán, trong đó có hai thẩm phán do cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm và một thẩm phán do Tổng thống Biden bổ nhiệm. Lệnh bịt miệng này hiện bị tạm dừng để những thẩm phán này xem xét xem liệu lệnh có vi phạm Tu chính án thứ Nhất hay không.

Ông Roger Severino, một cựu quan chức chính phủ cựu Tổng thống Trump và hiện là phó chủ tịch chính sách đối nội của Quỹ Di sản, cho rằng cựu tổng thống có thể không có cơ hội lớn để thắng khi kháng cáo.

5 điều cần biết về các lệnh bịt miệng đối với cựu Tổng thống Trump

Ông nói với The Epoch Times: “Với bản chất chính trị của khu vực DC, thật khó để biết liệu quý vị có thắng được ở đó hay không.”

Nếu các luật sư của ông kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, thì cựu Tổng thống Trump sẽ đối diện với khối đa số bảo tồn truyền thống 6–3 mà ông đã chịu trách nhiệm phần lớn trong việc thiết lập.

“Tối cao Pháp viện là một vấn đề khác,” ông Severino nói, và lưu ý rằng tòa án này “đã rất, rất hoài nghi về các vụ truy tố thù địch nhắm vào các chính trị gia.” Ông chỉ ra bản án tham nhũng dành cho cựu Thống đốc tiểu bang Virginia thuộc Đảng Cộng Hòa Bob McDonnell đã bị tòa án này hủy bỏ. Ông McDonnell cũng đã bị truy tố bởi biện lý đặc biệt Jack Smith, người đang truy tố cựu Tổng thống Trump.

Do tính chất chưa từng có của lệnh bịt miệng ở Hoa Thịnh Đốn, có khả năng các thẩm phán sẽ thụ lý vụ việc của ông. Tối cao Pháp viện cũng nổi tiếng trong việc bảo vệ các quyền theo Tu chính án thứ Nhất nhưng mà, thật khó để dự đoán tòa án cao nhất của quốc gia sẽ hành động như thế nào. Đáng chú ý, cựu Tổng thống Trump đã chỉ trích tòa án này hồi năm 2020 khi họ từ chối thụ lý vụ kiện của Texas về kết quả bầu cử tổng thống.

“Tối cao Pháp viện thực sự đã làm chúng ta thất vọng,” ông viết trên Twitter vào thời điểm đó. “Không có Trí Tuệ, không có Can Đảm!” Trong một dòng tweet khác, ông gọi quyết định đó là một “sự thất bại nghiêm trọng của công lý.”

Biện lý đặc biệt Jack Smith đến để đưa ra nhận xét về một bản cáo trạng mới được dỡ niêm phong dành cho cựu Tổng thống Donald Trump tại Hoa Thịnh Đốn hôm 01/08/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Biện lý đặc biệt Jack Smith đến để đưa ra nhận xét về một bản cáo trạng mới được dỡ niêm phong dành cho cựu Tổng thống Donald Trump tại Hoa Thịnh Đốn hôm 01/08/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

4. Hình phạt cứng rắn cho hành vi bất tuân

Việc không tuân theo lệnh của tòa án có thể dẫn đến những hình phạt tương đối nặng, như đã biết. Thẩm phán Engoron đã phạt cựu tổng thống 15,000 USD vì hành động của ông sau khi áp đặt lệnh bịt miệng trong phiên tòa đó.

Cựu Tổng thống Trump có thể bị tòa án buộc tội coi thường và đưa vào tù nếu vi phạm các lệnh trong cả hai vụ án. Trong vụ án ở Hoa Thịnh Đốn, cựu Tổng thống Trump cho thấy ông không muốn từ bỏ việc tranh đấu, nhưng không rõ liệu ông có cố tình vi phạm lệnh của Thẩm phán Chutkan khi lệnh đang có hiệu lực hay không.

5 điều cần biết về các lệnh bịt miệng đối với cựu Tổng thống Trump

Trong khi chỉ trích thẩm phán, ông nói với một đám đông ở Iowa rằng “điều họ không hiểu là tôi sẵn sàng vào tù nếu đó là điều cần thiết để đất nước chúng ta giành chiến thắng và quay trở lại chế độ dân chủ.”

Một số điều không rõ ràng xung quanh các hình phạt của ông bắt nguồn từ sự không rõ ràng xung quanh bản thân lệnh bịt miệng ở Hoa Thịnh Đốn. Khi Thẩm phán Chutkan dỡ bỏ lệnh tạm hoãn hành chính đối với lệnh bịt miệng của bà, bà tuyên bố rằng cựu Tổng thống Trump đã đưa ra những tuyên bố mà “gần như chắc chắn” sẽ vi phạm lệnh này nếu như lệnh không được dỡ bỏ tạm thời.

Bà nói đến một bài đăng trên TruthSocial, trong đó cựu Tổng thống Trump ám chỉ cựu chánh văn phòng của ông, ông Mark Meadows, sẽ là một kẻ hèn nhát nếu chấp nhận thỏa thuận nhận tội với văn phòng biện lý đặc biệt.

Theo Thẩm phán Chutkan, một tuyên bố khác, “Các Phiên tòa xét xử Sai lạc do Đối thủ Chính trị của chúng ta khởi xướng,” đã không vi phạm lệnh bịt miệng. Như bà lưu ý, lệnh bịt miệng của bà cho phép cựu Tổng thống Trump tấn công bản chất của việc truy tố. Tuy nhiên, lệnh này yêu cầu ông không nhắm vào biện lý đặc biệt hoặc nhân viên của vị biện lý này.

Cựu Tổng thống Donald Trump trò chuyện với giới truyền thông sau khi làm chứng trong phiên tòa xét xử gian lận dân sự tại Tòa án Tối cao Tiểu bang New York ở thành phố New York hôm 06/11/2023. (Ảnh: ADAM GRAY/AFP qua Getty Images)
Cựu Tổng thống Donald Trump trò chuyện với giới truyền thông sau khi làm chứng trong phiên tòa xét xử gian lận dân sự tại Tòa án Tối cao Tiểu bang New York ở thành phố New York hôm 06/11/2023. (Ảnh: ADAM GRAY/AFP qua Getty Images)

Trong khi đó, những lệnh bịt miệng của Thẩm phán Engoron cấm những tuyên bố nói về các thành viên trong đội ngũ nhân viên của thẩm phán và những tuyên bố liên quan đến những cuộc trao đổi bí mật giữa ông và các nhân viên của ông. Mặc dù lệnh bịt miệng ở New York dễ hiểu hơn của Thẩm phán Chutkan nhưng lại tạo ra sự nhầm lẫn.

Thẩm phán Engoron đã phạt cựu Tổng thống Trump 5,000 USD sau khi một bài đăng chê bai vị lục sự của thẩm phán vẫn còn trên một trong những trang web vận động tranh cử của cựu tổng thống.

Khoản tiền phạt 10,000 USD được đưa ra để đáp lại một bình luận của cựu Tổng thống Trump bên ngoài phòng xử án. Đội ngũ pháp lý của ông khẳng định bình luận đó đang nói đến cựu luật sư Michael Cohen, người đã làm chứng chống lại ông, nhưng Thẩm phán Engoron không đồng tình và cho rằng cựu Tổng thống Trump đã lại chỉ trích vị lục sự chính của ông.

5. Không làm tổn hại đến độ nổi tiếng của ông

Cựu Tổng thống Trump có muốn bị buộc tội coi thường không? Đó là câu hỏi mà một số người đang đặt ra, do cách mà ông đáp lại những lệnh bịt miệng này.

Mặc dù những hậu quả pháp lý và tài chính có thể nặng nề, nhưng những hình phạt có thể nâng cao mức độ nổi tiếng của ông nếu như các xu hướng vẫn tiếp tục diễn ra như trước đây. Những người thăm dò ý kiến nói với The Epoch Times rằng cựu Tổng thống Trump đã chứng kiến một sự bứt phá trong các cuộc thăm dò kể từ khi bị truy tố, ngay cả khi một số con số cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ việc truy tố ông.

Ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa, Thống đốc Florida Ron DeSantis diễn thuyết tại một cuộc vận động tranh cử ở Des Moines, Iowa, hôm 06/11/2023. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)
Ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa, Thống đốc Florida Ron DeSantis diễn thuyết tại một cuộc vận động tranh cử ở Des Moines, Iowa, hôm 06/11/2023. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Phần lớn sự ủng hộ dành cho ông dường như đến từ những cử tri của ông, vốn vẫn trung thành kiên định. Nhưng những cuộc đối đầu trực tiếp gần đây cho thấy vào năm 2024, cựu Tổng thống Trump sẽ đánh bại Tổng thống Biden. Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump đã và đang giành được ưu thế trong cuộc tranh cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa khi đối thủ chính nhưng bị ông bỏ xa, Thống đốc tiểu bang Florida Ron DeSantis, đã mất dần sự ủng hộ.

“Bất chấp các cáo trạng và các vấn đề pháp lý, bất chấp điều mà một số người coi là ngôn ngữ cay nghiệt đến mức các thẩm phán đã đe dọa ông ấy, thì số lượng người ủng hộ ông ấy vẫn không hề giảm,” ông Tim Malloy, một nhà phân tích thăm dò ý kiến của Đại học Quinnipiac, nói với The Epoch Times. “Các con số của ông ấy thực tế đã tăng lên.”

Cẩm An biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription