19 viện sĩ của hai học viện hàng đầu Trung Quốc qua đời vào tháng Mười Hai
Vào tháng Mười Hai, 19 viện sĩ của hai học viện hàng đầu Trung Quốc, Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) và Học viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE), đã qua đời vì “căn bệnh” không xác định, một thống kê cao gấp sáu lần so với số người tử vong trung bình trong những năm qua.
Các bản tin chính thức tránh đề cập đến nguyên nhân của những trường hợp tử vong này, dường như là một nỗ lực để che đậy những ca tử vong do COVID-19 gây ra.
Nhưng Airfinity, Cơ quan Dữ liệu Y tế có trụ sở tại Vương quốc Anh, đã cập nhật dữ liệu hôm 30/12, cho thấy khoảng 11,000 người ở Trung Quốc đang qua đời mỗi ngày vì COVID, nâng tổng số ca tử vong vì căn bệnh này lên 110,000 ca vào tháng Mười Hai.
Theo các cáo phó được các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đăng tải, trong 12 ngày từ 15/12 đến 26/12, 13 viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc đã qua đời vì “bệnh tật”. Những người này gồm:
- Chuyên gia truyền thông sợi quang Triệu Tử Sâm (Zhao Zisen) (91 tuổi),
- Chuyên gia kỹ thuật môi trường và chất lượng môi trường nước Thang Hồng Tiêu (Tang Hongxiao) (91 tuổi),
- Chuyên gia phân tách và chiết luyện kim loại đất hiếm Trương Quốc Thành (Zhang Guocheng) (91),
- Chuyên gia công nghệ laser Triệu Y Quân (Zhao Yijun) (92 tuổi),
- Chuyên gia vật liệu phi kim loại vô cơ Cố Chân An (Gu Zhenan) (86 tuổi),
- Chuyên gia cơ khí kết cấu và kỹ thuật dân dụng Long Ngự Cầu (Long Yuqiu) (96 tuổi),
- Nhà sinh thái học và nhà lâm nghiệp học Lý Văn Hoa (Li Wenhua) (90 tuổi),
- Nhà khoa học về động vật hoang dã Mã Kiện Chương (Ma Jianzhang) (86 tuổi),
- Chuyên gia phẫu thuật nhi khoa Trương Kim Triết (Zhang Jinzhe) (102 tuổi),
- Chuyên gia công nghệ tuabin chịu nhiệt Vương Trọng Kỳ (Wang Zhongqi) (90 tuổi),
- Kiến trúc sư kiêm giáo sư tại Đại học Thanh Hoa Quan Triệu Nghiệp (Guan Zhaoye) (93 tuổi),
- Chuyên gia hàn cho kỹ thuật sản xuất hàng không vũ trụ Quan Kiều (Guan Qiao) (87 tuổi),
- Chuyên gia kỹ thuật dầu khí Lý Khánh Trung (Li Qingzhong) (92 tuổi).
Tổng cộng sáu viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc đã qua đời vào ngày 6, 23 và 25/12, bao gồm:
- Ông Lư Cường (Lu Qiang), 86 tuổi, chuyên gia người Trung Quốc về điều khiển tự động và động lực học của hệ thống điện, đồng thời là giáo sư tại Đại học Thanh Hoa;
- Ông Trương Hữu Thượng (Zhang Youshang), 97 tuổi, nhà hóa sinh và sinh học phân tử người Trung Quốc;
- Ông Tưởng Hoa Lương (Jiang Hualiang), 57 tuổi, nguyên giám đốc Viện Khoa học Dược phẩm Thượng Hải;
- Ông Ngô Thừa Khang (Wu Chengkang), 93 tuổi, một chuyên gia về động lực học khí thể nhiệt độ cao
- Ông Đồng Thản Quân (Tong Tanjun), 88 tuổi, y học gia Trung Quốc;
- Ông Hoàng Khắc Trí (Huang Kezhi), 95 tuổi, nhà vật lý và giáo sư tại Đại học Thanh Hoa.
Hầu hết những người đã qua đời đều là đảng viên ĐCSTQ, và một vài người thuộc các đảng thiểu số, chẳng hạn như Liên đoàn Dân chủ và Học xã Cửu Tam, được công nhận là tồn tại vì đảng này rõ ràng ủng hộ và công nhận vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ.
Việc tuyển chọn viện sĩ có trộn lẫn yếu tố chính trị
Vào năm 2022, ít nhất 53 thành viên của CAS và CAE đã qua đời theo thống kê chưa đầy đủ.
CAS và CAE, còn được gọi là Song Viện, vốn tập hợp các nhà khoa học và chuyên gia có thể phục vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và được hưởng đặc quyền là viện sĩ trọn đời. Hệ thống tuyển chọn viện sĩ này chắc chắn có đưa vào các yếu tố chính trị.
Ông Tạ Vịnh (Xie Yong), phó tổng biên tập Tạp chí Hoàng Hà (Huanghe) ở tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc, đã xuất bản một bài báo trên tạp chí quốc tế Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại (Modern China Study) vào năm 2022 thảo luận về sự khác biệt giữa các hệ thống viện sĩ hàn lâm dưới sự cai trị của ĐCSTQ và dưới sự cai trị Trung Hoa Dân Quốc.
Năm 1948, trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền, cách thức tuyển chọn viện sĩ cho Academia Sinica (Viện Hàn lâm Nghiên cứu Trung ương, hay Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan), dựa trên nguyên tắc duy nhất là thành tựu học thuật.
Các viện sĩ được các trường đại học lớn, các tổ chức nghiên cứu, các học hội chuyên nghiệp, và những người nổi tiếng được kính trọng trong giới học thuật đề cử. Do đó, các ứng cử viên đều là những học giả hạng nhất vào thời điểm đó. Theo ông Tạ, ngay cả ông Quách Mạt Nhược (Guo Moruo) và ông Mã Ngân Sơ (Ma Yinchu), dù cả hai người này đều có lập trường chính trị thân Cộng, những cũng được bầu làm viện sĩ.
Ngược lại, các phương pháp tuyển chọn của Viện Khoa học Trung Quốc vào năm 1955, lúc đó nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, đã đưa các cân nhắc chính trị vào các tiêu chí tuyển mộ. Đối với các viện sĩ thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội, các ứng cử viên được yêu cầu phải ủng hộ chủ nghĩa xã hội và Đảng Cộng sản.
Vào thời điểm đó, tất cả các cựu viện sĩ của Academia Sinica chưa rời khỏi đại lục vào năm 1949, năm ĐCSTQ lên nắm quyền, về căn bản đã trở thành viện sĩ của Viện Khoa học Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Hồ Tiên Phù (Hu Xianfu), một nhà sinh vật học nổi tiếng vào thời điểm đó, đã bị loại khỏi danh sách viện sĩ vì chính quyền ĐCSTQ cho rằng ông có quan điểm học thuật chống Liên Xô.
Sau đó, ông Hồ phải chịu đau khổ về cả thể chất lẫn tinh thần trong Đại Cách mạng Văn hóa, và cuối cùng qua đời vào năm 1968 ở tuổi 75 trong một căn phòng rộng 10 mét vuông (khoảng 108 bộ vuông).
Trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, nhiều viện sĩ bị đưa ra đấu tố, bị chụp mũ là là học giả phản động, sau đó họ đã bị bắt bớ và thậm chí bị bức hại đến tử vong.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times