150 nhóm nhân quyền tuần hành phản đối sự cai trị của ĐCSTQ
Hơn 150 nhóm ở khoảng 90 thành phố trên khắp thế giới đã tập hợp để phản đối việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền khi chế độ này kỷ niệm 71 năm cai trị Trung Quốc.
Liên minh toàn cầu được thành lập ngày 1/10, ngày kỷ niệm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp quản Trung Quốc năm 1949, là sự kết hợp đa dạng của người Tây Tạng, người Hồng Kông, người Đài Loan, người dân tộc Mông Cổ, người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo, người Kazakhstan và những người bất đồng chính kiến Trung Quốc đang lưu vong, mỗi người đều có những bất bình chống lại chế độ đàn áp cộng đồng của họ.
Họ nói với The Epoch Times rằng, sự đàn áp mà họ phải đối mặt đã tiết lộ cho thế giới thấy bộ mặt thật của ĐCSTQ: một chế độ coi thường nhân quyền và gây ra những mối đe dọa cho thế giới.
Hạ nghị sĩ Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) cho biết trong một bài diễn văn trước Điện Capitol của Hoa Kỳ, “Không thể chỉ vì ĐCSTQ đang cai trị Trung Quốc mà có thể được bỏ qua và miễn trừ trách nhiệm trước công lý.”
“Họ không phải chịu trách nhiệm khi đàn áp, xây dựng các trại tập trung, tất cả những điều khủng khiếp mà quý vị đã biết, cho dù đó là Pháp Luân Công, cho dù đó là bạn bè của chúng ta ở Mông Cổ, cho dù họ đang chiếm đóng Tây Tạng,” ông Perry tiếp tục [chỉ trích], khi đề cập một cách tương ứng đến cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với [Pháp Luân Công], môn tu luyện [Trung Quốc] cổ xưa, [việc Bắc Kinh làm] xói mòn phong tục văn hóa Mông Cổ, và đàn áp các Phật tử Tây Tạng.
Ông Perry cũng nói thêm rằng, “Tất cả những chuyện này phải chấm dứt, và đó là hoạt động tội phạm cần phải được cả cộng đồng thế giới nhận thấy, và đứng lên chống lại, và Hoa Kỳ phải dẫn đầu.”
Sáng ngày 1/10, Hạ nghị sĩ Perry đã đệ trình một dự luật chỉ rõ ĐCSTQ là một “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”, và loại bỏ quyền miễn trừ quốc gia đối với các quan chức ĐCSTQ – điều này sẽ cho phép họ bị xét xử ở tòa án Hoa Kỳ để truy cứu trách nhiệm hình sự, theo một bản sao của dự luật mà The Epoch Times có được.
“Chúng ta phải là thế hệ đối đầu và đánh bại, cũng như chấm dứt chế độ ĐCSTQ tà ác,” ông nói.
Khác với vài năm trước đây, các nhà hoạt động nói rằng họ cảm thấy một cảm giác đoàn kết mới khi các nhóm khác nhau đều chứng kiến sự đàn áp độc tài gần đây của ĐCSTQ, chẳng hạn như đề xuất xóa bỏ việc dạy tiếng Mông Cổ trong các trường học ở Nội Mông, những vụ bắt giữ hàng loạt các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, và các chính sách đàn áp ở Tây Tạng và Tân Cương.
Anh Pema Namgyal, một sinh viên Tây Tạng 26 tuổi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tâm lý học, là một trong số hơn 150 người biểu tình tham gia một cuộc tuần hành trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, kêu gọi đưa ĐCSTQ ra trước công lý.
“Điều này không liên quan gì đến cá nhân người dân Trung Quốc, mà chỉ liên quan đến bản thân nhà cầm quyền,” anh nói. Anh Namgyal sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, và sau đó cùng cha mẹ nhập cư đến New York để tị nạn.
Trong khi đó, anh Rinchen Namgyal, thành viên hội đồng quản trị của nhóm vận động Sinh viên vì một Tây Tạng Tự do (Students for a Free Tibet) có trụ sở tại New York, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của thế giới tự do thành lập một liên minh đa phương để “điều tra độc lập tình hình ở các khu vực do Trung Quốc chiếm đóng”.
Anh Rinchen Namgyal nói, với hồ sơ [vi phạm] nhân quyền của ĐCSTQ, Liên Hiệp Quốc nên ngăn chặn ĐCSTQ tham gia vào Hội đồng Nhân quyền. Hồi tháng 4, một đại biểu ĐCSTQ đã được bầu vào nhóm tham vấn của Hội đồng, vốn [có quyền] chỉ định những người giám sát nhân quyền của Hội đồng.
Một phụ nữ tự nhận mình là người Hồng Kông cho biết, sự lừa dối là đặc trưng cho 71 năm cai trị của ĐCSTQ.
“Họ nói ‘đồng ý’ với mọi thứ trước khi ký một thỏa thuận, nhưng lại thay đổi lời hứa của mình ngay sau đó,” bà nói khi đề cập đến Tuyên bố chung Trung-Anh mà [ĐCSTQ] đã hứa để quê hương bà, vốn là một thuộc địa cũ của Anh Quốc, có một mức độ tự do cao dưới thời Bắc Kinh cai trị cho đến năm 2047.
Mặc dù cha bà đã kể cho bà nghe về “những điều xấu xa” của ĐCSTQ từ khi bà còn nhỏ, nhưng chỉ đến năm ngoái, khi hàng triệu người ở Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ (hiện đã bị thu hồi), thì bà mới hoàn toàn nhận ra mức độ chuyên chế của Bắc Kinh. Bà cho biết việc Bắc Kinh nhanh chóng áp dụng luật an ninh quốc gia sâu rộng đã trở thành hồi chuông cảnh báo đặc biệt.
“Chúng ta từng có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhưng bây giờ thì chúng ta không có gì cả,” bà nói.
Bà Nicole Sara, một nhà hoạt động đã sống ở Hồng Kông 11 năm, gọi “Ngày Quốc khánh” của Trung Quốc là “ngày tang tóc”.
“Theo như tất cả những người quan tâm đến [sự kiện này], thì chẳng có gì để ăn mừng cả. Đối với rất, rất nhiều người, đây chỉ là bước khởi đầu của sự tàn phá,” bà nói với The Epoch Times.
“Các chế độ tà ác đến rồi cũng đi”, bà nói và tin rằng một ngày nào đó ĐCSTQ sẽ sụp đổ. “Một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhìn lại và thấy vết nhơ này trong lịch sử Trung Quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Nicole Hao.
Bài báo đã được cập nhật để phản ánh số lượng mới nhất của các thành phố tham gia [tuần hành].