11 cách lấy lại nguồn năng lượng cho cơ thể
Nếu bạn thường cảm thấy mệt mỏi, thì có thể khí của bạn đang bị cạn kiệt. Dưới đây là một số cách bạn có thể thực hiện để giúp khôi phục nguồn khí dồi dào và lấy lại nguồn năng lượng cho cơ thể.
Nếu bạn thường có cảm giác giống như Dorothy lạc trong cánh đồng anh túc trên con đường đến xứ Oz, thì bạn không hề đơn độc. Những người gặp khó khăn với chứng mệt mỏi thường mô tả tình trạng này theo nhiều cách. Một số người không thể rời khỏi giường vào mỗi buổi sáng, nhưng họ sẽ ổn khi bắt đầu một ngày mới. Một số người cảm thấy bị sụt giảm năng lượng trong ngày cho đến khi gần như kiệt sức vào bữa tối. Lại có người chỉ cảm thấy mệt mỏi sau bữa ăn. Và cũng có những người thấy kiệt sức cả ngày.
Theo y học Tây phương, một số nguyên nhân của chứng mệt mỏi có thể bao gồm: bệnh thiếu máu, các vấn đề về tuyến giáp, đường máu thấp, và chứng mệt mỏi kinh niên. Tuy nhiên, nếu không phải do những tình trạng này, bác sĩ có thể gặp khó khăn để tìm ra nguyên nhân tại sao bạn mệt mỏi như vậy.
Trong Trung y, có nhiều tình trạng có liên quan đến chứng mệt mỏi, nhưng tất cả những trường hợp này đều có một số yếu tố do sự suy giảm Tỳ khí. Tỳ theo quan niệm Trung y là một hệ thống tiếp nhận thức ăn, tiêu hoá và chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và chất dinh dưỡng cần cho hoạt động chức năng của cơ thể.
Khí, đôi khi được gọi là năng lượng, đóng nhiều vai trò trong cơ thể. Một trong số đó là làm biến đổi và cần thiết cho các quá trình như tiêu hoá. Khí cũng giúp làm ấm cơ thể. Cơ thể có một khoảng nhiệt độ tương đối hẹp xấp xỉ 98°F (36,67°C). Hoạt động của khí giúp cơ thể duy trì ở mức nhiệt đó. Khí lưu chuyển và cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động trong cơ thể, từ nhu động ruột cho đến sự vận động của các cơ và gân. Khí cũng có đặc tính bảo vệ tương tự như hệ miễn dịch; giúp chống cảm lạnh, cảm cúm, và nhiễm trùng. Và cuối cùng, khí giữ mọi thứ ổn định trong cơ thể: nâng đỡ các nội tạng, đảm bảo dòng máu lưu thông trong mạch máu, giữ thai nhi trong tử cung, và thức ăn trong đường tiêu hoá.
Bạn có thể nghĩ rằng: “Vậy những điều này có liên quan gì đến chứng mệt mỏi của tôi?” Câu trả lời là nếu bạn thường cảm thấy mệt mỏi, thì khí của bạn đang bị cạn kiệt, và bạn cũng có nguy cơ mắc những triệu chứng khác. Cho nên ngoài việc không thể rời khỏi chiếc giường, bạn có thể luôn cảm thấy lạnh, tiêu hoá kém, dễ bị bầm tím, dễ bị cảm lạnh mỗi khi ra ngoài, hoặc thậm chí các cơ bị đau hoặc yếu.
Có một số nguyên nhân khiến nguồn cung cấp khí của bạn bị cạn kiệt. Ăn uống kém, các vấn đề tiêu hóa, bệnh tật, làm việc quá độ, căng thẳng và cảm xúc mạnh, và thậm chí cả cơn đau kinh niên cũng có thể làm cạn kiệt nguồn khí của bạn. Tin tốt là có một số điều bạn có thể thực hiện để giúp khôi phục nguồn khí dồi dào, bao gồm:
- Ăn uống lành mạnh thực sự: Thực phẩm phải tốt cho sức khỏe chứ không nhất thiết phải là những thực phẩm phong phú, đắt tiền ở nhà hàng. Hãy ăn nhiều trái cây có màu sẫm và rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu. Đồng thời ăn ít protein mỗi bữa ăn và ăn sáng đầy đủ.
- Bổ sung đủ chất xơ trong chế độ ăn của bạn: Chất xơ làm chậm quá trình hấp thu đường khi ăn và ngăn ngừa sự sụt giảm đường máu đột ngột. Chất xơ cũng tốt cho quá trình tiêu hoá.
- Kiểm tra vấn đề tiêu hoá của bạn: Nếu bạn đang gặp phải những triệu chứng như ợ chua, chướng bụng, nghẹn ở cổ họng, đau dạ dày, kém ăn, đầy hơi, buồn nôn, táo bón hoặc phân lỏng, điều này có nghĩa là hệ tiêu hoá của bạn đang cần hỗ trợ. Một hệ tiêu hóa hoạt động tốt sẽ giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng hiệu quả hơn. Châm cứu và Trung Y thực sự có thể giúp ích cho bộ phận tiêu hoá.
- Ngủ đủ giấc: Điều này có vẻ không khó thực hiện, nhưng bạn cần phải ngủ đủ 7 hoặc 8 giờ mỗi đêm. Nếu bạn ngủ ít hơn, khí của bạn sẽ bị tổn hại. Trung y cũng có thể giúp ích trong vấn đề này.
- Kiểm tra huyết áp: Mệt mỏi là dấu hiệu nhận biết của cao huyết áp.
- Vận động: Tập thể dục trong lúc bạn đang mệt nghe có vẻ hơi bất thường, nhưng thử vận động một chút sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng (theo quan niệm Trung Y). Bạn không cần hoạt động quá mạnh mẽ. Hãy thử đi dạo, đạp xe, hoặc chơi tennis.
- Co giãn cơ: Hoạt động này giúp tiếp thêm sinh lực cho cơ và giúp vận chuyển các chất tốt hơn.
- Gọn gàng: Bừa bộn khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Việc này giống như ngôi nhà của bạn đang mắc phải chứng khó tiêu. Loại bỏ những những thứ vụn vặt không cần thiết sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhàng và tràn đầy năng lượng hơn.
- Loại bỏ căng thẳng: Tránh xa những căng thẳng trong công việc làm tiêu hao năng lượng của cơ thể.
- Học cách nói không: Nói không với việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Điều đó gây mệt mỏi, căng thẳng, và tiêu hao năng lượng. Hãy học cách nói không theo cách tốt nhất có thể.
- Hòa mình vào thiên nhiên: Việc này sẽ tiếp thêm sinh lực và giúp cải thiện tâm trạng và động lực của bạn.
Bài viết này được đăng lại từ AcupunctureTwinCities.com
Lynn Jaffee là một bác sĩ châm cứu được cấp phép và là tác giả của “Các bước đơn giản: Thực hành Trung y để có sức khỏe tốt hơn.”
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: