YouTube chặn tài khoản của lãnh đạo kế nhiệm của Hồng Kông
Viện dẫn việc tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, YouTube đã gỡ kênh của ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), ứng cử viên duy nhất vận động tranh cử vị trí đặc khu trưởng Hồng Kông.
Mặc dù không có đối thủ, nhưng ông Lý cũng bắt đầu quảng bá chiến dịch tranh cử của mình trên YouTube và Facebook. Tuy nhiên, YouTube, do Google điều hành, đã chặn kênh của ứng cử viên được Bắc Kinh hậu thuẫn này hôm 20/04 theo các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với ông Lý.
Theo South China Morning Post, Google cho biết họ “tuân thủ lệnh trừng phạt hiện hành của Hoa Kỳ và thực thi các chính sách liên quan theo Điều khoản dịch vụ của mình.”
“Sau khi xem xét và nhất quán với các chính sách này, chúng tôi đã chấm dứt kênh YouTube Johnlee2022”, phát ngôn viên của Youtube cho biết thêm.
Ông Lý nằm trong số hơn chục quan chức Hồng Kông và Trung Quốc hứng chịu sự trừng phạt của Hoa Thịnh Đốn hồi năm 2020 vì vai trò của họ trong việc thực thi một bộ luật an ninh quốc gia hà khắc đã được Bắc Kinh sử dụng để dập tắt sự bất đồng chính kiến xảy tại trung tâm tài chính này.
Là quan chức an ninh hàng đầu của thành phố, ông Lý đã chủ trì một cuộc trấn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm 2019 và giám sát việc thực hiện luật an ninh do Bắc Kinh áp đặt một năm sau đó.
Hồi tháng Tư năm ngoái (2021), Bắc Kinh bổ nhiệm ông Lý vào vị trí trưởng bộ phận an ninh cấp cao thứ hai của thành phố, trở thành quan chức an ninh đầu tiên đảm nhận vai trò này. Ông Lý đã từ chức vị trí này hồi đầu tháng này sau khi tuyên bố ứng cử vào vị trí đặc khu trưởng Hồng Kông. Là ứng cử viên duy nhất được Bắc Kinh chấp thuận tham gia cuộc tranh cử ngày 08/05, ông ta đã nắm chắc vai trò này.
Văn phòng chiến dịch tranh cử của ông Lý bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Google, đồng thời cho biết trong một tuyên bố rằng việc chấm dứt này “sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm mạnh mẽ của ông ấy trong việc tiếp tục bảo vệ an ninh quốc gia.”
Kể từ khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực hồi tháng 06/2020, nhiều nhân vật ủng hộ dân chủ đã bị bắt hoặc bị kết án, đào thoát ra hải ngoại, hoặc bị đe dọa im lặng trong khi các cuộc biểu tình bị cấm. Theo luật này, các nhà chức trách có thể trừng phạt bất cứ điều gì mà Bắc Kinh cho là ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc thông đồng với các thế lực ngoại quốc với mức án tù cao nhất là chung thân.
Các hãng thông tấn của thành phố cũng trở thành mục tiêu của đạo luật này. Một tờ báo ủng hộ dân chủ nổi tiếng, Apple Daily, đã cho in ấn bản cuối cùng hồi tháng 6/2021 sau trụ sở của họ bị đột kích và tài sản và tài khoản ngân hàng quan trọng bị phong tỏa. Hai hãng thông tấn khác, Stand News và Citizen News, cũng bị buộc phải đóng cửa trong bối cảnh cuộc đàn áp.
Việc Bắc Kinh liên tục đàn áp các quyền tự do trong thành phố đã thu hút sự lên án của quốc tế.
“Sự khác biệt giữa Hồng Kông và các thành phố ở Trung Quốc đại lục đang thu hẹp do sự đàn áp liên tục từ CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa],” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hồi đầu tháng Tư.
Ông nói thêm: “Cuối cùng, Bắc Kinh sẽ buộc nhiều người giỏi nhất và sáng giá nhất của thành phố phải đào thoát, làm hoen ố danh tiếng của Hồng Kông và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của họ.”
“Do đó, vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu và được miễn thuế của Hồng Kông sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng.”
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: