Yêu con gái đúng cách: Tìm niềm vui và gắn kết với các cô con gái tuổi teen
Năm 2012, Kari Kampakis đang nuôi dạy bốn cô con gái sắp tuổi teen và viết blog về điều đó. Một trong những bài đăng của cô có tiêu đề “10 sự thật mà các cô gái trẻ nên biết”, đã lan truyền nhanh chóng và một nhà xuất bản đã liên hệ để chuyển thể nó thành một cuốn sách.
“Điều đó như vừa mở ra một cánh cửa”, Kampakis cho biết khi cô vừa xuất bản cuốn sách mới nhất của mình: “Yêu con gái đúng cách: 10 cách để tìm niềm vui và kết nối với con gái tuổi teen của bạn”. Kampakis vừa là một blogger, một tác giả vừa là một diễn giả có các cô con gái hiện đang ở lứa tuổi vị thành niên.
Lời khuyên của cô cuối cùng dẫn đến chủ đề về sự kết nối, cho dù đó là giữa cha mẹ và con gái, hay dạy con gái cách tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài trong một nền văn hóa bất ổn.
Những bà mẹ khác nói với Kampakis rằng khi họ bắt đầu đọc bài viết của cô, họ cảm thấy cô ấy đã đem những suy nghĩ luẩn quẩn trong đầu họ và chuyển thành lời. Kampakis đã khơi gợi cuộc trò chuyện để họ có thể tâm sự với các cô gái của mình về những chủ đề khó nói, khó thảo luận. Họ nhận ra rằng họ không đơn độc, như nhiều bậc cha mẹ thanh thiếu niên thường nghĩ.
Một khó khăn khó lường
Gần như tất cả các tin nhắn mà Kampakis nhận được từ các bà mẹ trên Facebook và các cô gái trên Instagram đều nói về cùng sự vật vã đau khổ: Đó không phải mạng xã hội hay con trai hay căng thẳng trong những năm học chạy đua thành tích của họ, mà là tình bạn.
“99% trong số họ gặp khó khăn với tình bạn, và thường là khó khăn trong một nhóm bạn, điều này thật đáng buồn”, Kampakis nói. Dù cô đi công tác đến một thành phố lớn hay thị trấn nhỏ, những cô gái mà cô gặp đều có chung nỗi đau về tình bạn.
“Điều đó thực sự khiến tôi hiểu ra và đó là lý do tại sao tôi viết rất nhiều về tình bạn: một người bạn thực sự sẽ như thế nào và làm thế nào để trở thành một người bạn tốt, chỉ vì thế hệ này thực sự đang vật lộn để xây dựng và giữ gìn tình bạn bền chặt.”
Sự tử tế xây dựng nên những tình bạn tốt nhất
Các cô gái kể với Kampakis rằng một điều đã giúp các em nhiều nhất đó chính là một điểm trong cuốn sách đầu tiên của cô: Sự tử tế quan trọng hơn sự nổi tiếng.
Các cô gái luôn nói với tôi: “Cháu muốn nói về sự khác biệt giữa những người bạn đích thực và những người bạn 50/50. Điều đó đã giúp cháu thấy rằng cô ấy là một người bạn 50/50, bạn ấy rất dễ thương vào một số ngày thôi, và rồi không như vậy nữa vào những ngày khác”. Các em chia sẻ rằng lòng tử tế đã giúp các em đầu tư thời gian và năng lượng vào những tình bạn thực sự của mình, những tình bạn sẽ tồn tại hàng chục năm sau đó.
Aristotle nói tình bạn là “một điều tuyệt đối cần thiết trong cuộc sống”. Rất nhiều nghiên cứu về sức khỏe và hạnh phúc chỉ ra rằng sự gắn kết xã hội bền chặt và ấm áp là chìa khóa cho một cuộc sống tốt đẹp.
Đến trung học cơ sở, các cô gái chơi với nhau thành nhóm, có xu hướng tăng lên vào đầu năm và trở thành nhóm bạn cố định lâu dài ở mọi cấp lớp.
Kampakis nói: “Tôi sẽ nói rất nhiều điều đau lòng mà tôi thấy rất nhiều cô gái đang gặp phải vấn đề trong tình bạn của họ là họ đang cố gắng hòa hợp trong nhóm bạn không phù hợp”.
Có thể con người chỉ chạy theo đám đông phổ biến, cô ấy nói, nhưng ở một số trường học có đám đông phổ biến là những người tốt, còn ở những trường khác thì không. “Đôi khi nếu danh tiếng là mục tiêu của một cô gái nào đó, và rồi cô lại chơi trong một nhóm bạn không phù hợp cho danh tiếng đó và bạn bè của cô lại không đối xử tốt với cô.”
Bởi vì sự gắn bó với nhóm bạn phù hợp nằm trong danh sách ưu tiên của bọn trẻ, chúng sẽ cam chịu bị phớt lờ hoặc lo lắng về việc liệu chúng có bị bỏ rơi hay không, và chúng có thể sẵn sàng chịu đựng điều này trong suốt bốn năm trung học.
Đó là một bức tranh khác nếu bọn trẻ coi trọng lòng tốt. “Nếu lòng tốt là quan trọng đối với tôi, tôi không quan tâm bạn bè của mình có nổi tiếng hay không, tôi không quan tâm bạn bè của mình có phải là nhóm bạn tuyệt vời nhất trong trường hay không. Họ là những người bạn đích thực và họ sẽ ở đó vì tôi”, Kampakis nói. “Nếu bạn coi trọng lòng tốt, bạn sẽ không kết giao với những người bạn xấu tính. Bạn sẽ có những tiêu chuẩn cao hơn cho những người bạn mà bạn đang tìm kiếm”.
“Nếu bạn đang nhìn vào bức tranh lâu dài đó, điều gì sẽ giúp bạn có một tình bạn kéo dài 20 hoặc 30 năm, tất cả đều tóm gọn lại ở “lòng tốt”. Có một số người bạn thực sự đi cùng bạn rất xa, những người mà thực sự quan tâm và tốt bụng với bạn.”
Kampakis nói thêm rằng có lẽ lòng tốt, hay sự tử tế là thứ mà con người ngày càng coi trọng khi về già.
Những mâu thuẫn
Khi Kampakis còn đi học, tình bạn là lối thoát khỏi thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Nhưng ngày nay, đối với rất nhiều cô gái, tình bạn lại luôn là nguồn gốc của sự căng thẳng.
“Chúng ta đang sống trong thời đại này, nơi chúng ta đang theo đuổi những mục tiêu, ước mơ hoặc không phải lúc nào cũng ưu tiên các mối quan hệ của mình”, cô nói. “Và chúng ta cũng đang sống trong thế giới của những mối quan hệ ‘một lần’. Chúng ta nổi đóa với ai đó và chúng ta buông bỏ họ, thay vì cố gắng hòa giải”.
Đó là một cú đánh và bạn bỏ ra ngoài; hoặc có thể bạn đã khiến ai đó trong nhóm bạn tức giận và trước khi tìm ra lý do, bạn đã bị xóa khỏi cuộc trò chuyện nhóm và giờ bị nhóm bạn ở trường bỏ rơi.
“Đó là lý do tại sao tôi đang cố gắng dạy các cô gái giải quyết xung đột. Hãy giải quyết nó, rất nhiều lần bạn có thể giải quyết những vấn đề này cùng nhau. Đó chỉ là một phần của quá trình lớn lên, cùng nhau trưởng thành” cô nói. “Có những cách lành mạnh để vượt qua những thử thách đó.”
Thật không dễ dạy dỗ, bởi vì thế hệ này đã lớn lên và mong đợi một giải pháp khắc phục nhanh chóng: Nếu một tình bạn không hòa hợp nữa, họ sẽ thử một tình bạn khác. Ngoại trừ đôi khi không còn ai khác, và nếu bọn trẻ quá nhanh chóng cắt đứt quan hệ với bạn bè, chúng sẽ không bao giờ phát triển sâu sắc và bền chặt trong các mối quan hệ của mình.
Thử mở rộng các mối quan hệ
Ngoài việc dạy con gái trở nên tử tế và khuyên cha mẹ về cách khuyến khích điều này, Kampakis khuyên các con gái nên tạo ra một mạng lưới quan hệ rộng lớn, đừng chỉ đổ tất cả năng lượng của bạn vào nhóm bạn chủ yếu nào đó mà tổn thương đến bạn khác, hãy tốt bụng với tất cả mọi người.
“Kết bạn với mọi người”, Kampakis nói. Bị đuổi khỏi một nhóm bạn là điều rất khổ sở vì các cô gái sau đó không còn nơi nào để đi và không có ai để nói chuyện. Bọn trẻ phớt lờ những người khác, và bây giờ không ai khác muốn trở thành bạn của chúng.
“Nếu bạn mở rộng mối quan hệ, bạn có bạn trong lớp khiêu vũ của mình, bạn ở nhà thờ, bạn trong giờ thể dục và bạn trong trường. Nếu bạn có các nhóm bạn thân khác nhau, thì nếu một nhóm khiến bạn thất vọng, bạn luôn có một nơi để đến.”
Nhưng thậm chí với tất cả những lời khuyên hữu ích mà Kampakis có thể đưa ra, cô biết mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ở các thị trấn nhỏ, các lớp học có thể thực sự ít sĩ số và không có nhiều người để kết bạn. Ở trường trung học cơ sở, nơi mà lòng tốt không thấy nhiều thì đó có thể là một năm cô đơn. Mỗi lớp đều có động lực riêng, Kampakis đã trải nghiệm.
Thậm chí đó cũng không phải là điều gì tồi tệ.
“Điều quan trọng là các em phải biết rằng mình sẽ không phát triển mạnh trong mọi môi trường. Các em có thể có trải nghiệm tuyệt vời ở trường trung học cơ sở và thực sự chật vật ở trường trung học, hoặc trải nghiệm đại học tuyệt vời và vật lộn khi họ ra khỏi trường đại học; ở một thị trấn mới và không thể kết bạn”, Kampakis nói. “Và quan trọng là vì điều đó đúng với tất cả chúng ta: Một số mùa học việc kết bạn dễ dàng hơn những mùa khác.”
“Nhưng ngay cả trong một mùa học khó khăn, nếu bạn nhìn nhận nó theo cách để cải biến mình thành một người tốt hơn, phát triển nhân cách và đức tin của mình, thì những mùa học đó cũng không lãng phí. Bạn thực sự có thể mong đợi rất nhiều sự phát triển cá nhân trong những mùa học đó và học hỏi thêm nhiều điều về bản thân, cũng như mẫu người bạn muốn trở thành.”
Hướng dẫn những giá trị
Trước khi các cô con gái của Kampakis bước vào tuổi thiếu niên, cô đã không quên nhìn vào thế giới mà các con sẽ bước vào và những lựa chọn mà các chàng trai và cô gái tuổi teen đang phải đối mặt. Cô nhận thấy rằng những lựa chọn được đưa ra trong những năm tháng thiếu niên quan trọng đó có tác động lớn đến cuộc sống tương lai của người ta. Cô muốn giúp con gái mình và những bà mẹ khác hướng dẫn con cái của họ cách chuẩn bị cho chúng đối mặt với những tình huống khó khăn mà không chỉ mù quáng đi theo đám đông vào con đường mà chúng có thể hối tiếc sau này.
“Tôi chỉ biết rằng chúng ta được tạo ra để làm nhiều hơn thế, chúng ta được tạo ra để làm việc đúng đắn chứ không phải điều dễ dàng”, Kampakis nói.
Cô đã học được, khi cô lớn lên thời niên thiếu đầu đời của mình, rằng trong khi những đứa trẻ nhỏ cần cha mẹ “giám sát” nhiều hơn, thì thanh thiếu niên dường như cần một người hướng dẫn hơn (còn khi chúng lớn hơn, tiến vào đại học, thì có lẽ cần một người cố vấn). Cô nhắc đến cuốn sách “The Teenage Brain” (tạm dịch: “Bộ não tuổi teen”), cuốn sách ví bộ não của tuổi teen như một chiếc Ferrari, tất cả đều “rồ ga” lên mà chẳng đi đến đâu. Nhiệm vụ của cha mẹ là chỉ cho con đi đúng hướng.
Nhưng tất nhiên, thanh thiếu niên không phải lúc nào cũng ở gần bạn để chỉ cho chúng đi đúng hướng và hiếm khi bọn trẻ nhờ cha mẹ chỉ dẫn ngay từ đầu. Kampakis cho biết đây là lý do tại sao việc dạy cho trẻ em những giá trị tốt đẹp, chẳng hạn như lòng thiện lương, sự tử tế và tính kỷ luật tự giác, đặc biệt là trong những năm đầu tiên thậm chí trước khi chúng ở tuổi vị thành niên, lại quan trọng như vậy.
“Khi chúng lớn lên và trở thành thanh thiếu niên, tất cả những lựa chọn mà chúng đưa ra đều nằm ngoài hệ thống giá trị của chúng”, cô nói. “Điều đó khiến tôi bị ảnh hưởng bởi giờ đây tôi có thể thấy bức tranh toàn cảnh hơn về tuổi thiếu niên, rằng những lựa chọn, những người bạn mà bọn trẻ muốn, tất cả đều bắt nguồn từ những giá trị mà chúng có. Vì vậy, những giá trị đó thực sự tạo ra sự khác biệt theo mong muốn của chúng, những người bạn mà chúng muốn ở bên cạnh, ước mơ và mục tiêu cho cuộc đời của chúng; nó thực sự bắt nguồn từ những giá trị đó”.
Khi cha mẹ không ở bên cạnh để hướng dẫn bọn trẻ, hệ thống giá trị thấm nhuần trong họ sẽ trở thành chiếc la bàn bên trong để đưa ra quyết định trong những năm đầy biến động này. Kampakis cho biết ngày nay các bậc cha mẹ có thể dễ dàng quên đi mức độ căng thẳng của thanh thiếu niên, bởi vì chúng thực sự đang phải đối mặt nhiều hơn so với những gì cha mẹ chúng đã làm trong những năm thiếu niên. Ngoài việc cơ thể và nội tiết tố thay đổi, tình bạn cũng thay đổi, văn hóa của họ thiên về thành tích nhiều hơn, và những bài học từ mạng xã hội về dạy cách không ai có thể mắc sai lầm liên tục.
Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ
Kampakis giải thích trong cuốn sách mới nhất của cô, viết về các quy tắc và mối quan hệ, giữ gìn mối quan hệ bền vững với bọn trẻ sẽ giúp ích rất nhiều. Cô hiểu nó khó khăn đối với cha mẹ như thế nào, không quá khoan dung nhưng cũng không quá nghiêm khắc. Nhìn bên ngoài các thanh thiếu niên đã đủ đầy, nhưng bọn trẻ vẫn đang tìm hiểu nhiều thứ. Thêm vào đó, ý tưởng “dài hạn” của chúng có thể là năm năm, cho đến hết trung học và vào đại học. Cô đã nghe nhiều cô gái nói với cô rằng điều gì đó mà cha mẹ bảo các con làm chỉ có ý nghĩa vài năm sau đó.
“Chúng ta cố gắng giảm bớt sự kiểm soát”, Kampakis nói. “Và để chúng ta đóng vai trò hướng dẫn đó trong cuộc sống của chúng, bọn trẻ phải tin tưởng vào lời khuyên của chúng ta.”
“Chúng ta phải có sự giao tiếp cởi mở. Chúng ta có thể đưa ra luật lệ cho bọn trẻ cả ngày, nhưng nếu chúng ta không có mối quan hệ cởi mở đó, mà chúng dẫu có biết rằng chúng ta đang mong muốn hạnh phúc lâu dài cho chúng, thì bọn trẻ sẽ cũng không nghe lời chúng ta; chúng ta có thể cho các con lời khuyên, nhưng nó không thấm, chúng sẽ không ghi nhớ nó. Và sau đó chúng sẽ nhận được lời khuyên từ một người nào đó mà bọn trẻ cảm thấy giống chúng. ”
Điều này có nghĩa là hãy thực sự lắng nghe con bạn, hãy dừng lại và lắng nghe trước khi phản hồi. Điều này cũng yêu cầu tôn trọng quyền riêng tư của các con, vì nếu chúng thấy bạn đã lặp lại những gì chúng đã chia sẻ với bạn, thì chúng sẽ không lặp lại điều đó nữa. Nếu bọn trẻ cảm thấy an toàn, chúng sẽ chia sẻ những điều mà chúng thậm chí không nói với bạn bè của mình.
Thời gian gặp nhau giữa cha mẹ và con cái có thể làm nên điều kỳ diệu cho việc này, và nó không nhất định phải là điều đặc biệt gì cả. Thông thường, Kampakis kiểm tra lịch để xem liệu cô và con gái có thể có thêm 20 hoặc 30 phút giữa các hoạt động và cuộc hẹn, và liệu có thể ghé vào một quán cà phê sau cuộc hẹn với bác sĩ trước khi đưa con trở lại trường không. Những khoảng thời gian này cộng lại rất có ý nghĩa.
Cô ấy cũng khuyên các bậc cha mẹ nên rủ con cái của mình đến chỗ nào đó mà chúng quan tâm và sau đó cứ tiếp tục rủ chúng, bởi vì chúng sẽ từ chối đến chỗ này, chỗ nọ mà không cần suy nghĩ nhiều về nó, nhưng rốt cuộc chúng sẽ nói đồng ý, như cô đã nghe từ nhiều phụ huynh.
“Bọn trẻ có thể đáp lại theo cách mà bạn không mong đợi”, cô nói.
Nếu Kampakis có vẻ có tất cả những lời phù hợp để giúp các bậc cha mẹ và thanh thiếu niên nhìn thấy bức tranh lớn và cái nhìn xa hơn, thì phần lớn những điều này bắt nguồn từ đức tin của cô. Kampakis nhớ một linh mục từng nói với cô rằng “tình yêu muốn những gì tốt nhất cho ai đó lâu dài.”
Sự cần thiết của lòng bao dung
Kampakis cho biết thông điệp lớn nhất trong cuốn sách mới nhất của cô là “Phận làm cha mẹ chúng ta dựa trên sức mạnh chứ không phải thất bại.”
“Nếu chúng ta đang cảm thấy thất bại, thì đừng ở lại đó. Tất cả chúng ta đều cảm thấy thất bại trong năm nay, nhưng hãy đừng dậm chân ở đó, hãy chăm sóc tốt bản thân về mặt tâm trí, thể chất và tinh thần để chúng ta có thể là sức mạnh cho gia đình mình”, Kampakis nói.
Đối với nhiều gia đình, đại dịch đã mang thời gian đến để làm mới lại và ở bên nhau, nhưng năm học mới vẫn bận rộn, với việc học kết hợp trực tuyến và trực tiếp sau năm tháng cách ly đã làm gián đoạn các năm cuối cấp ba và các sự kiện, và [việc này] tiếp tục không chắc chắn. Gia đình cô cũng đang cố gắng tìm lại nhịp sống.
Mới hôm trước, cô gọi điện cho người cha 84 tuổi và bật khóc trên điện thoại; cô cảm thấy tốt hơn sau đó, mặc dù tình hình của cô không thay đổi. Thanh thiếu niên ngày nay cũng cần sự hỗ trợ ổn định và vững chắc như vậy từ cha mẹ của chúng.
Nhưng sức mạnh không nhất định đến từ một mình chúng ta; cô nói điều chúng ta thực sự cần là lòng bao dung của Chúa.
“Nếu bạn mắc lỗi, không sao cả. Hãy lật trang và tiến về phía trước tốt hơn, Chúa vẫn nhìn nhận và không để nó bị lãng phí”, cô nói. Kampakis biết rằng nhiều phụ nữ mắc kẹt trong vòng quay của sự xấu hổ sau khi đối mặt với những sai lầm của họ, và điều đó sinh ra tuyệt vọng, nhưng đó không phải là thực tế.
“Nuôi dạy con cái dựa trên đức tin là cách chúng ta có thể có hy vọng đó, rằng có ai đó đã phạm sai lầm khủng khiếp nhưng đều có rất nhiều người đã vượt qua, cho dù đó là trong Kinh thánh hay trong lịch sử, họ tiếp tục sống một cuộc sống tuyệt vời và sử dụng nỗi đau đó cho một mục đích sau này. Tôi nghĩ rằng những đứa trẻ của chúng ta đang lớn lên trong một thế giới mà chúng sợ chết khiếp và chúng được biết rằng một sai lầm có thể hủy hoại toàn bộ cuộc đời của chúng.”
“Không ai trong chúng ta có một con đường thẳng trong cuộc sống, nhưng những lựa chọn tốt hơn sẽ mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm, chúng ta đều đi sai đường và luôn có một bước ngoặt.”
“Nếu bọn trẻ có thể hiểu điều này ở tuổi thiếu niên của chúng thì điều đó thực sự giúp chúng đi đúng hướng”.