Yêu cầu bảo đảm an ninh kiểu NATO của Ukraine gặp nhiều phản ứng lãnh đạm
Đề xướng gần đây của Ukraine về bảo đảm an ninh kiểu NATO trong đó các nước bảo lãnh sẽ cam kết can thiệp quân sự nếu Ukraine bị tấn công cho đến nay vẫn chưa được đáp ứng nhiệt tình và ít chi tiết.
Đức cho biết họ sẵn sàng cung cấp một số hình thức bảo đảm an ninh nhưng không cam kết can thiệp quân sự, trong khi Tòa Bạch Ốc cho biết họ đang “thảo luận liên tục” với Ukraine về việc bảo đảm cho đất nước này vẫn “có chủ quyền và an toàn” nhưng họ cũng không đưa ra bất kỳ cam kết can thiệp quân sự nào.
Ba Lan cho biết họ sẵn sàng đóng vai trò là một nước bảo đảm an ninh và các quốc gia phương Tây khác đã bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi đối với một số loại bảo đảm an ninh cho Ukraine, nhưng đến nay vẫn có ít chi tiết cụ thể, khi các cuộc thảo luận tiếp tục dựa trên một công thức mà sẽ khiến Kyiv yên tâm rằng họ sẽ không bị bỏ lại một mình trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công khác trong tương lai.
Không lặp lại ‘sai lầm’ của Bản ghi nhớ Budapest
Các nhà đàm phán Ukraine hôm thứ Ba (29/03) đã trình bày một đề xướng về một cơ chế tương tự như điều khoản phòng vệ lẫn nhau trong Điều 5 của hiệp ước NATO, coi một cuộc tấn công vào một thành viên là một cuộc tấn công vào tất cả.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng đây phải là một hiệp ước quốc tế được ký kết bởi tất cả các quốc gia — các nước bảo đảm an ninh, mà sẽ được phê chuẩn, để không lặp lại sai lầm đã từng có trong Bản ghi nhớ Budapest,” ông David Arakhamia, trưởng phái đoàn đàm phán của Ukraine cho biết, theo một tuyên bố.
Ông Arakhamia đang đề cập đến Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 được ký kết bởi Nga, Ukraine, Hoa Kỳ, và Anh, và các quốc gia khác. Văn kiện này cam kết bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để đổi lấy việc Kyiv đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình. Vào thời điểm đó, Ukraine có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới.
Tuy nhiên, hiệp ước Budapest đã không yêu cầu các bên bảo lãnh cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Kết quả là trong cuộc xâm lược của Nga năm 2014, khi Crimea bị chiếm và quân đội Nga tiến vào Donbas, Kyiv đã nhận được một phản ứng yếu ớt vô hiệu, theo quan điểm của Kyiv.
Lo lắng một hiệp ước mới sẽ không đi đến cam kết hỗ trợ quân sự, Ukraine muốn tất cả bảo đảm an ninh được ký kết như một phần của một thỏa thuận hòa bình với Nga phải là “thực chất” và bao gồm các cam kết ràng buộc về mặt pháp lý từ các bên bảo lãnh để can thiệp quân sự.
“Chúng tôi muốn điều đó trở thành một cơ chế quốc tế hoạt động nhằm bảo đảm an ninh thực chất cho Ukraine,” ông Arakhamia nói.
Chỉ cần ‘sự bảo vệ thực chất’ khỏi các cuộc tấn công trong tương lai
Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một tuyên bố rằng họ chỉ quan tâm đến một hiệp ước an ninh “sẽ mang lại cho họ những đồng minh đáng tin cậy và sự bảo vệ thực chất chống lại bất kỳ hành động xâm lược nào trong tương lai.”
Theo đề xướng, một cuộc tấn công vào Ukraine sẽ yêu cầu các nước bảo lãnh cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kyiv, bao gồm cả việc vận chuyển vũ khí và thực thi vùng cấm bay.
Trong cuộc xung đột hiện tại, các đồng minh phương Tây của Ukraine đã cung cấp vũ khí phòng thủ cho Kyiv nhưng đã không vận chuyển những vũ khí thường được coi là tấn công, chẳng hạn như xe tăng và phi cơ chiến đấu MiG-29 của Ba Lan vốn đã được thảo luận rất nhiều.
Ông Zelensky đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh phương Tây đóng cửa bầu trời Ukraine, nhưng họ không sẵn lòng làm như vậy với tiền đề rằng điều này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các lực lượng NATO và Nga và khơi mào Đệ tam Thế chiến.
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm thứ Tư (30/03) rằng các quan chức Ukraine và một nhóm luật sư quốc tế đang tham vấn với các nước bảo lãnh an ninh tiềm năng trong tương lai của Ukraine.
Trong khi hiệp ước sẽ để ngỏ cho bất kỳ quốc gia nào tham gia, các nhà đàm phán Ukraine đã đặc biệt kêu gọi các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đóng vai trò là những bên bảo lãnh chính, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, và Ba Lan.
‘Rất sẵn lòng’ nhưng ít chi tiết
Ông Zelensky cho biết ông đã điện đàm với Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư và họ đã thảo luận về viện trợ quân sự cho Ukraine cũng như các bảo đảm an ninh.
Trong khi ông Biden vẫn chưa đưa ra bình luận về đề xướng bảo đảm an ninh, giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc Kate Bedingfield cho biết hôm thứ Tư rằng chính phủ “đang thảo luận liên tục với phía Ukraine về những cách mà chúng tôi có thể giúp bảo đảm rằng họ có chủ quyền và an ninh” nhưng “không có gì cụ thể về một bảo đảm an ninh mà tôi có thể nói vào lúc này.”
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với đài truyền hình công ARD hôm thứ Tư rằng “nếu cần bảo đảm, thì Đức sẽ ở đó và đưa ra bảo đảm,” nói thêm rằng Berlin “đoàn kết hoàn toàn, 100%” với Kyiv.
Nhưng bà không nói rõ liệu các bảo đảm này có mở rộng thành một cam kết can thiệp quân sự theo kiểu NATO hay không.
Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết hôm thứ Tư rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói với Tổng thống Zelensky rằng Berlin “rất sẵn lòng” đóng vai trò là nước bảo đảm an ninh cho Ukraine nhưng còn quá sớm để thảo luận chi tiết về việc vai trò đó sẽ bao hàm những gì.
Đại sứ của Anh tại Liên Hiệp Quốc, bà Barbara Woodward, cho biết đất nước bà sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các bảo đảm an ninh, nhưng Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab đã bày tỏ đôi chút miễn cưỡng.
“Chúng tôi sẽ xem xét rất cẩn thận bất cứ điều gì mà ông Zelensky nói rằng ông ấy cần,” ông Raab nói với đài BBC hôm thứ Tư. “Nhưng theo tôi, chúng tôi sẽ không đơn phương lặp lại các cam kết của NATO vốn áp dụng cho các thành viên NATO.”
Ông Raab nói thêm: “Chúng tôi sẽ không lôi kéo Nga vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.”
Ngoại trưởng Ba Lan tại Phủ Thủ tướng Jakub Kumoch nói với hãng truyền thông Ba Lan TVP hôm thứ Tư rằng Ba Lan sẵn sàng đóng vai trò là nước bảo lãnh, mặc dù thông tin chi tiết vẫn còn ít ỏi.
“Ba Lan là một quốc gia có trách nhiệm, một quốc gia anh em với Ukraine, vì vậy chúng tôi đã đồng ý để Ukraine đưa chúng tôi vào đề xướng của họ với tư cách là một trong những nước bảo đảm an ninh,” ông Kumoch cho biết.
Ông Kumoch cho biết thêm rằng các đồng minh NATO khác sẽ được đưa vào nhóm các bên bảo lãnh và nếu tình hình trở nên gay go, “Ba Lan sẽ không đơn độc trong việc bảo vệ Ukraine.”
Ba Lan là đồng minh trung thành của Ukraine trong cuộc xung đột, là nơi đón nhận số lượng lớn nhất những người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh và là nhà cung cấp vũ khí chính cho Kyiv.
Ông Vladimir Medinsky, một phụ tá của Tổng thống Nga Putin, xác nhận rằng các nhà đàm phán Nga đã nhận được đề nghị của Ukraine, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.
Ông cho biết đề xướng này “sẽ được nghiên cứu trong thời gian tới và báo cáo với tổng thống, sau đó Moscow sẽ đưa ra phản hồi.”
Ông Medinsky nói đề xướng của Ukraine sẽ được “nghiên cứu”, chuyển tới ông Putin, và Moscow sẽ có phản hồi.
Một quan chức cao cấp của Ukraine hôm thứ Tư cho biết Nga và Ukraine sẽ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tuyến vào ngày 01/04.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: