Ý đang quay lưng lại với Trung Cộng
Một thông tin nóng hổi đã xuất hiện trên nhiều trang web Hoa ngữ nổi tiếng hôm 07/06 tuyên bố rằng Thủ tướng Ý Mario Draghi đã thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ Ý trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến của đài Radiotelevi-sione Italiana (RAI). Các tin tức của Trung Quốc cho rằng Ý đã nhầm lẫn sự bùng phát COVID ở Milan, Genoa và Venice vào mùa hè năm 2019 với bệnh cúm thông thường.
Điều này nhanh chóng bị phanh phui là tin tức giả mạo. Đại sứ quán Ý tại Bắc Kinh đã ra thông cáo vào chiều ngày hôm đó (07/06), nói rằng “Đại sứ quán Ý kiên quyết khẳng định rằng những nhận xét của Thủ tướng ở trong nội dung bài báo là hoàn toàn dối trá và thông tin đó không có cơ sở.”
Điều này xảy ra ngay sau vụ việc mới đây, hôm 31/03, Ý đã phủ quyết nỗ lực tiếp quản LPE của Bắc Kinh, một nhà sản xuất chất bán dẫn có trụ sở tại Milan.
Không có cách nào để biết liệu báo cáo sai lệch về nguồn gốc của COVID-19 có phải là đòn trả đũa từ Bắc Kinh đối với thỏa thuận bị hủy bỏ hay không, nhưng chắc chắn điều này không làm dịu đi căng thẳng giữa hai nước.
Chuyên gia: 5 lý do khiến mối bang giao Trung Quốc-Ý đang nguội lạnh đi
Việc Ý ngăn chặn thương vụ mua lại của Trung Quốc là một sự thay đổi đột ngột đối với quốc gia Âu Châu vốn đang phát triển mối bang giao thân thiết với Trung Cộng ở Bắc Kinh.
Năm 2019, nước Ý dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Giuseppe Conte, đã trở thành quốc gia G7 đầu tiên tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, đi ngược lại lời khuyên của Hoa Kỳ và các thành viên khác trong nhóm G7.
Vào năm 2020, khi đại dịch xảy ra, Ý là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Âu Châu. Trung Quốc đã tặng 31 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân và bộ dụng cụ xét nghiệm virus cho Ý hồi tháng 03/2020, cùng với một chục chuyên gia y tế đến Ý để hỗ trợ các hoạt động y tế.
Ý cũng là một trong những thành viên EU thân Trung Quốc nhất trong những thập kỷ gần đây. Từ năm 2000 đến năm 2019, Ý đã nhận được 15.9 tỷ EUR (19.25 tỷ USD) từ các khoản đầu tư của Trung Quốc, trở thành nước nhận đầu tư lớn thứ ba ở Âu Châu. Những rắc rối tài chính gần đây chứng kiến nhiều công ty có trụ sở tại Trung Quốc mua lại một số doanh nghiệp Ý. Tính đến năm 2020, hơn 400 tập đoàn Trung Quốc đã nắm giữ cổ phần trong 760 công ty Ý trong “các lĩnh vực chiến lược hoặc có lợi tức cao.”
Một trong những thương vụ mua lại nổi tiếng nhất là câu lạc bộ bóng đá AC Milan với giá 740 triệu EUR (788 triệu USD), trước đây thuộc sở hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.
Nhưng sự thay đổi trong cách tiếp cận với Trung Quốc không gây ngạc nhiên cho các chuyên gia như Phó giáo sư Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), Trưởng Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế của Đại học Đạm Giang ở Đài Loan. Ông Trịnh nói với The Epoch Times rằng, “Điều này chứng tỏ sự thất bại trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc ở Âu Châu. Có năm lý do tại sao điều này chắc chắn xảy ra.”
Ông Trịnh cho biết, mặc dù chiến lược ‘ngoại giao khẩu trang’ của Trung Quốc đã giúp giảm bớt một số tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp [vật tư] tức thời cho Ý, thì nước này không thể quên rằng việc Trung Quốc che đậy sự bùng phát virus corona đã gây ra thảm họa ngay từ đầu. Người Ý đã chứng kiến 4 triệu ca nhiễm COVID-19 và gần 127,000 ca tử vong vì căn bệnh do virus của Trung Cộng gây ra. Đại dịch đã tàn phá nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Ý, khiến thu nhập bình quân đầu người giảm 13% vào năm 2020 trong khi nền kinh tế suy giảm gần 11%. Những chiếc khẩu trang miễn phí không đủ để xua tan những khó khăn.
Thứ hai, ông Trịnh nói rằng trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã tự tạo tiếng xấu trong đạo đức kinh doanh và cách ứng xử của mình, đồng thời cho biết thêm rằng các doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc nổi tiếng là vi phạm các quy định và thỏa thuận địa phương, điều này gây bất bình sâu sắc cho người dân Âu Châu–những người coi trọng sự chính trực.
Ông nói thêm rằng, “Tiền của Trung Quốc đã được chào đón nhiệt tình ở Ý khi biên bản ghi nhớ BRI được ký kết vào năm 2019. Nhưng từ đó trở đi đất nước này đã không tìm thấy lợi ích vật chất nào từ sự hợp tác song phương. Ngược lại, một số công ty Ý có tuổi đời hàng thế kỷ đã trở nên sa sút hoặc thậm chí phá sản sau khi bắt đầu hợp tác với Trung Quốc.”
Thứ ba, theo ông Trịnh, “chính sách ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc đã làm mất đi nhiều người hâm mộ trước đây. Nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của EU hồi tháng 03/2021 về tội diệt chủng của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt này “không dựa trên điều gì khác ngoài những lời xảo ngôn và thông tin sai lệch.” Bộ này yêu cầu Brussels “tự suy ngẫm về bản thân [và] đối mặt thẳng thắn với mức độ nghiêm trọng do sai lầm của mình”, đồng thời ngừng “can thiệp vào công việc nội bộ [của Trung Quốc].”
Ông Trịnh cho biết vị thế chính trị của ông Draghi là yếu tố thứ tư. Ông Draghi, người có thái độ rất thân thiện với Hoa Kỳ và EU, đã mô tả chính sách ngoại giao của mình là “mạnh mẽ ủng hộ Âu Châu và mối quan hệ đối tác giữa Tây Âu và Hoa Kỳ (Atlanticist), phù hợp với các cột mốc lịch sử của nước Ý.” Trái ngược với người tiền nhiệm của mình, ông Draghi, người mới đắc cử hồi tháng 02/2021, đã thể hiện quyết tâm rõ ràng trong việc tìm kiếm sự liên minh với Hoa Kỳ. Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Draghi đã tái khẳng định tư cách thành viên của Rome trong NATO và tình bằng hữu lịch sử giữa Ý và Hoa Kỳ. Ông Trịnh nói rằng việc phủ quyết thỏa thuận LPE được coi như một tín hiệu cho thấy chính phủ mới đang tập trung vào việc kiềm chế ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Bắc Kinh ở Ý.
Cuối cùng, ông Trịnh chỉ ra rằng môi trường toàn cầu đang quay lưng lại với Trung Quốc. Nỗ lực quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm kiềm chế sự bành trướng toàn cầu và vi phạm nhân quyền của Trung Cộng, cũng như cuộc điều tra về vai trò của Trung Quốc trong việc gây ra bùng phát đại dịch, đã khuyến khích các nước G7 công khai lên tiếng và hành động chống lại những hành vi tàn bạo của Trung Cộng, điều mà họ đã né tránh trong nhiều năm vì lo ngại làm tổn hại đến mối quan hệ làm ăn của họ với Trung Quốc. Trong khi đó, Âu Châu ngày càng cảnh giác hơn nhiều về mối đe dọa mà Trung Cộng gây ra đối với an ninh quốc gia sau khi các công cụ thâm nhập của Trung Cộng như Huawei và Viện Khổng Tử bị phơi bày.
Ý vẫn bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền ở hải ngoại của Trung Cộng
Tuy nhiên, tình cảm của công chúng đối với Trung Cộng có thể mất một thời gian để thay đổi, vì nhiều hãng thông tấn quốc gia Ý đã thường xuyên đăng tải nội dung ủng hộ nhà cầm quyền này và tư duy của các ký giả của họ đã bị sự tuyên truyền của Trung Cộng thâm nhập khá sâu. Ông Francesco Galietti thuộc tổ chức tư vấn Policy Sonar có trụ sở tại Rome nói với hãng thông tấn Breitbart rằng “Trung Cộng đã xâm nhập 100% vào giới truyền thông Ý.”
Hãng thông tấn Breitbart cũng tiết lộ trong một bản tin hôm 07/06 rằng một loạt video về “Những câu nói Kinh điển của ông Tập Cận Bình” bằng tiếng Ý, do Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc thuộc sở hữu của Trung Cộng phát triển, đã được phát sóng trên kênh Mediaset và hãng thông tấn Hoa ngữ Cinitalia của Ý.
Bản tin này cho biết, “Cơ quan Báo chí Liên kết Quốc gia (ANSA) của Ý, tương đương với hãng thông tấn The Associated Press hoặc Agence France Presse, cũng đã xuất bản tới 50 bài báo bằng tiếng Ý mỗi ngày từ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng. Một lần nữa, ANSA không tiết lộ với độc giả của mình rằng chính phủ Trung Quốc điều hành và phê chuẩn tất cả nội dung của Tân Hoa Xã.”
Tờ báo quốc gia Ý Il Giornale đã thường xuyên đăng tải nội dung tuyên truyền của Trung Cộng kể từ năm 2019. Một bài báo vào tháng 05/2021 trên tờ Il Giornale gợi ý rằng các báo cáo về tội ác diệt chủng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ của Trung Cộng chỉ là một “sự thao túng truyền thông đối với các sự kiện” được tạo ra để sử dụng “các mối quan tâm về nhân quyền” nhằm thúc đẩy nghị trình về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, lặp lại đường lối của đảng bộ Trung Cộng.
Bản tin của Breitbart cũng lưu ý rằng một tạp chí do Cinitalia xuất bản “công khai thừa nhận rằng họ sản xuất nội dung tiếng Ý của mình theo liên kết với Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý.”
Tờ Il Giornale thuộc sở hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, người từng chỉ trích Trung Cộng cho đến khi ông bán câu lạc bộ bóng đá AC Milan cho các nhà đầu tư Trung Quốc với giá 788 triệu USD vào năm 2017 vì những vấn đề về tài chính. Kể từ đó, nội dung có liên hệ với Trung Quốc của tờ Il Giornale rất giống với nội dung tuyên truyền của Trung Cộng.
Kỷ nguyên mới trong mối bang giao EU-Trung Quốc
Các thành viên EU, bao gồm Ý và Hungary, đang bắt đầu đẩy lùi sự áp bức của Trung Cộng cả về mặt kinh tế lẫn chính trị.
EU đã lên án hồ sơ nhân quyền của Trung Cộng trong một hội nghị hồi đầu năm nay, và Pháp đã cử một chiến hạm và tàu ngầm đến Biển Đông để tuần tra “tự do hàng hải” hồi tháng 02/2021.
Hôm 22/05, theo Baltic News Service, Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis cho biết trong một tuyên bố rằng quốc gia Baltic này không coi mình là một phần của nền tảng “17+1” của Bắc Kinh đối với các nước thành viên EU và năm nước Balkan nữa. Ông cho biết nền tảng của Trung Quốc “gây chia rẽ” theo quan điểm của EU và kêu gọi các thành viên EU theo đuổi “cách tiếp cận 27+1 hiệu quả hơn nhiều” để giao tiếp với Trung Quốc.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban–người được cho là đã xây dựng tình bằng hữu với Trung Cộng, bao gồm các dự án kinh doanh liên doanh lớn, và nhiều lần ngăn chặn các tuyên bố của EU tố cáo hồ sơ của Trung Cộng về vấn đề nhân quyền trong năm nay–đã phải đình chỉ một dự án đã được lên kế hoạch với Đại học Phúc Đán của Trung Quốc trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình lớn trong tháng này. Kể từ đó, chính phủ của ông đã công bố một cuộc trưng cầu dân ý về dự án này.
Tác giả Pingping Yu là một nhà văn, dịch giả và là nhà nghiên cứu cho The Epoch Times từ năm 2007. Lĩnh vực của cô bao gồm nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến Trung Quốc, tập trung nhiều vào vấn đề nhân quyền, kinh tế và kinh doanh.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Pingping Yu thực hiện
Với sự đóng góp của Sophia Lam
Nguyễn Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: