Giọt nước mắt lớn nhất trên thế giới

Gan khai khiếu ở mắt, nước mắt là dịch của gan, hầu hết các vấn đề về nước mắt đều liên quan đến gan. Gặp gió chảy nước mắt là do gan khí thu liễm không đủ; nước mắt chảy giàn giụa không chỉ là do chức năng thu liễm khí của gan kém mà còn do phế khí không đủ, không thông được thủy đạo, có một số là do tắc tuyến lệ; chứng khô mắt là do gan huyết không đủ, dương khí hư gây nên.

Một nữ kỹ sư máy tính 56 tuổi bị cận thị nặng, nước mắt luôn chảy giàn giụa, gặp gió là chảy nước mắt, bác sĩ nhãn khoa cho biết cô bị bệnh đục thủy tinh thể. Mắt trái đã được phẫu thuật nhưng rất khô, bệnh đục thủy tinh thể lại đang từ từ hình thành, vài năm nữa có thể phải phẫu thuật lại; bệnh đục thủy tinh thể ở mắt phải vẫn chưa đến mức phải phẫu thuật. Bởi vì thường xuyên chảy nước mắt, cho nên gây ra đau đầu, mắt dễ mỏi, ngoài ra còn gây ra các vấn đề như dị ứng mũi và mất ngủ.

Trong “Hoàng Đế Nội Kinh” có viết: “Nhân thập nhị kinh tam bách lục thập ngũ lạc, kỳ huyết khí giai thượng vu diện nhi tẩu không khiếu, kỳ tinh dương khí thượng tẩu vu mục nhi vi tinh.” (Tạm dịch: Người có 12 kinh 365 lạc, khí huyết đều chạy lên mặt đến các khiếu, tinh dương khí đi lên ở mắt làm cho mắt sáng). Mắt có liên quan đến các kinh mạch của toàn thân, cho nên từ mắt có thể chẩn đoán ra bệnh trong thân, cũng có thể từ mắt trị liệu bệnh tật trong toàn thân, vì thế về sau đã phát triển thành Nhãn châm học (châm cứu mắt) và Mống mắt học (iridology).

Điều trị bằng phương pháp châm cứu:

Châm huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu, huyệt Tinh Minh trên mặt, huyệt Dưỡng Lão trên tay, huyệt Quang Minh trên chân, tạo thành một mạng mạch lưới khí hình vuông tụ hợp chảy vào mắt.

Mắt là biểu hiện bề ngoài của các cơ quan nội tạng, là bộ phận mà não phân tán ra nhiều nhất, do đó, não lấy huyệt Mục Song, các cơ quan nội tạng sử dụng các huyệt Hợp Cốc, Tam Âm Giao, Túc Tam Lý, Bách Hội để bổ trợ; chứng mất ngủ châm các huyệt Thần Môn, huyệt Thái Trùng; chứng nước mũi chảy ngược, nước niêm mạc mũi không chuyển hóa được, cũng sẽ làm tăng dịch mắt, mũi và ống lệ ứ đọng tích nước, nên châm ở các huyệt Hợp Cốc, Khúc Trì, Tinh Minh, Nghinh Hương; cùng với các huyệt vị liên quan đến việc thủy dịch không trao đổi chuyển hóa được như Đầu Lâm Khấp, Túc Lâm Khấp, Thừa Khấp, Dũng Tuyền, Thủy Tuyền, mỗi lần lần lượt châm huyệt, tùy theo triệu chứng mà thêm hoặc bớt.

Tiếp đó dặn dò bệnh nhân này, khi chờ máy tính đang chạy dữ liệu, thì dùng mắt nhìn mũi 5 giây, sau đó lại nhìn về phía trước 5 giây, như vậy có thể giảm mỏi mắt, hơn nữa phải nhân cơ hội nhắm mắt mấy giây, nhắm mắt có thể dưỡng gan, nhìn lâu làm tổn thương gan huyết. Nên hạn chế dùng các thức ăn chiên nướng, vị cay nóng, phải đi ngủ trước 11 giờ tối.

Sau một tháng châm cứu, tình trạng chảy nước mắt đã giảm, mắt bớt khô mỏi. Qua lại thăm khám một thời gian dài, tương đối quen thuộc, nên cô ấy nói chuyện tâm sự. Cô nói rằng cô ấy tu theo Phật giáo đã nhiều năm, nhưng thân tâm vẫn không thể an định, thường chán nản không vui, buồn rầu hay rơi lệ.

Một ngày nọ, tôi hỏi cô ấy rằng: “Cô có biết giọt nước mắt lớn nhất trên thế giới nằm ở đâu không?”

Cô lắc đầu nói câu hỏi này rất thú vị. Thế là tôi hỏi: “Cô có biết Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng hỏi các đệ tử một câu không? Ông hỏi đệ tử rằng: Một giọt nước phải làm thế nào mới không khô cạn? Kết quả các đệ tử đều không trả lời được. Cô đoán thử xem nào?”

Cô lại lắc đầu, đôi mắt mong chờ chăm chú nhìn tôi. Tôi đáp: “Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng, hãy đem nó thả vào trong sông, hồ, biển lớn.”

Tôi lại hỏi: “Cô có biết biển có nghĩa là gì không?”

Vị kỹ sư này cảm thấy khó hiểu, đây dường như không phải là câu hỏi.

Tôi bắt đầu giải thích: “Chúng ta tách chữ Hải (海: biển), bên trái là ba giọt nước (氵), bên phải phía trên là chữ nhân (人), phía dưới là chữ mẫu (母). Mà mẹ của loài người là ai? Là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế, Thánh Allah, các Đấng Phật, Đạo, Thần, gọi chung là Phật Tổ. Thế nên biển là nước mắt của Phật Tổ, là giọt nước mắt to lớn nhất trên thế giới. Khoa học hiện nay cũng đã phát hiện thành phần của nước mắt và của nước biển rất giống nhau. Vậy vì sao Phật Tổ lại rơi xuống giọt nước mắt khổng lồ như thế?”

Cô ấy vẫn nhìn tôi mà không biết trả lời như thế nào. Tôi nói tiếp: “Bởi vì Phật Tổ nhìn thấy con dân của Thiên Quốc rơi rớt xuống phàm trần chịu khổ, đắm chìm trong mê không biết quay trở về!” Cô ấy nghe xong thì cúi đầu.

Tôi lại nói tiếp: “Cô có biết Đức Phật đã từng rơi nước mắt từ bi đau khổ nhất không? Cách đây 2,500 năm, Ma vương Ba Tuần đã nói với Đức Phật: ‘Vào thời kỳ mạt Pháp, ta sẽ phái con cháu của ma quỷ mặc áo thầy tu đến phá hoại Phật Pháp’. Chính là cái gọi là ‘Thí như sư tử trùng, hoàn phệ sư tử nhục’ (như sâu bọ trong thân sư tử lại cắn rỉa thịt sư tử). Lúc ấy, sau khi Đức Phật nghe xong, Ngài đã rơi lệ! Ngài báo trước cho các đệ tử biết có 50 loại âm ma sẽ xâm nhập vào Phật giáo, ý đồ hủy diệt hoàn toàn Phật giáo.”

Cô ấy nghe xong thì hết sức cảm thán.

Bài viết do Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung (Giám đốc phòng khám Trung y Minh Tuệ) thực hiện

Vương Thư Lâm biên tập

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn