Xung đột Trung – Ấn leo thang, Ấn Độ nổ súng cảnh cáo
Hôm 7/9, quân đội Ấn Độ đã nổ súng cảnh cáo binh lính tuần tra của quân đội Trung Quốc tại khu vực biên giới Trung – Ấn, đây là lần nổ súng đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 1975 đến nay.
Phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc cho biết, đây là sự khiêu khích quân sự nghiêm trọng; truyền thông Ấn Độ trích dẫn nguồn tin quân sự cho biết, phía quân Ấn Độ nổ súng cảnh cáo là nhằm để tránh cho một cuộc xung đột đẫm máu diễn ra lần nữa tại thung lũng Galwan.
Cuộc đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan ngày 15/6 là sự leo thang căng thẳng nhất ở biên giới Trung – Ấn, khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng; Trung Quốc đến nay chưa công bố số lượng và thông tin cụ thể về binh sĩ thiệt mạng.
Ấn Độ nổ súng cảnh cáo, Trung Quốc cáo buộc “khiêu khích quân sự nghiêm trọng”
Cuối ngày 7/9, quân đội Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc rằng hôm 7/9 quân đội Ấn Độ đã vượt qua khu vực núi Shenpao (Thần Pháo) ở bờ nam hồ Pangong thuộc phía tây biên giới Trung – Ấn.
Trung Quốc lên tiếng cho rằng, quân đội Ấn Độ đã “nổ súng đe dọa” đối với lính tuần tra của Trung Quốc vốn dĩ đến đàm phán, và Trung Quốc “buộc phải thực hiện các biện pháp đối phó nhằm ổn định tình hình ở khu vực đó”.
Tuyên bố này gọi hành vi của quân đội Ấn Độ là “hành vi khiêu khích quân sự nghiêm trọng”.
Từ năm 1975 đến nay, ở ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) Trung – Ấn đều không có phát sinh xung đột dẫn đến phải nổ súng.
Cho đến nay, phía chính phủ Ấn Độ chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Theo tờ “India Today”, các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ xác nhận có vụ nổ súng xảy ra ở biên giới Trung – Ấn.
Từ ngày 29/8 đến nay, tình hình biên giới Trung – Ấn ngày càng căng thẳng. Tuần trước, Bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết, ngày 29/8 quân đội Trung Quốc đã thực hiện “hành động khiêu khích” tại biên giới, cố gắng thay đổi hiện trạng ở bờ nam hồ Pangong. Việc này buộc Ấn Độ phải có hành động trước để có lợi thế. Từ đó, Ấn Độ đã chiếm giữ một số vị trí cao điểm quan trọng trong khu vực Chushul (còn được dịch là Chushuer).
Tờ “Thời báo Ấn Độ” (The Hindu) cho hay, tuyên bố ngày 7/9 của Trung Quốc cho thấy tình trạng căng thẳng vẫn đang tiếp tục ở khu vực biên giới phía nam hồ Pangong. Dự kiến, Ngoại trưởng của hai nước Trung, Ấn sẽ gặp gỡ nhau tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Moscow vào ngày 10/9. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của cả hai nước đã gặp nhau trong Hội nghị các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng cuộc đàm phán không đạt được tiến triển.
Truyền thông Ấn Độ: Để tránh lặp lại thảm kịch ở Thung lũng Galwan
Truyền thông Ấn Độ trích dẫn thông tin độc quyền của “Vệ binh Ấn Độ” (Guarding India) cho biết, hôm 7/9 quân đội Ấn Độ đã giành lại quyền kiểm soát núi Shenpao gần bờ nam của hồ Pangong từ Trung Quốc.
Theo nguồn tin, vụ nổ súng ở biên giới Trung – Ấn diễn ra vào ngày 6/9 theo giờ địa phương, lúc đó quân đội Trung Quốc mang theo vũ khí thô sơ tiến về phía đóng quân của quân đội Ấn Độ khu vực núi Shenpao, khe núi Spanggur, gần làng Chushul.
Phía Ấn Độ đã xem xét và nhận định rằng, binh lính Trung Quốc ý đồ phát động một cuộc va chạm khác tương tự như vụ ở thung lũng Galwan. Sau khi hiểu được ý đồ của Trung Quốc, quân đội Ấn Độ bắt đầu đưa ra cảnh cáo rõ ràng, yêu cầu binh lính Trung Quốc phải quay về ngay lập tức. Theo báo cáo, thì lúc ấy binh lính của Ấn Độ ở khu vực đó chỉ có khoảng 30 – 40 người, còn lính Trung Quốc có khoảng 200 người.
Nhưng binh lính quân đội Trung Quốc không quan tâm đến lời cảnh cáo và tiếp tục tiến lên. Để tránh xảy ra một cuộc xung đột đổ máu khác tương tự như cuộc xung đột hồi tháng 6, binh lính của Ấn Độ lựa chọn nổ súng cảnh cáo.
Tin tức cho rằng, quân đội Ấn Độ nổ súng để tránh binh lính Trung Quốc khiêu khích, cũng là khiến đối phương hiểu rằng quân đội Ấn Độ tuyệt đối sẽ không đồng ý để một bi kịch khác xảy ra như ở thung lũng Galwan.
Trong cuộc xung đột ở thung lũng Galwan, cả hai bên đều chưa nổ súng.
Tác giả: Lâm Yến