Xung đột Nga – Ukraine: Đài Loan bị sao lãng
Trong khi căng thẳng đang gia tăng giữa Hoa Thịnh Đốn và Moscow vì một cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga vào Ukraine, vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ hậu thuẫn bên nào.
Vì Trung Quốc có quan hệ thương mại và đầu tư với cả ba quốc gia và Liên minh Âu Châu, nên có thể Bắc Kinh sẽ không tham dự vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc có thể lợi dụng vấn đề Ukraine để làm sao lãng việc chiếm Đài Loan.
Kể từ năm 2014, các nhà lãnh đạo Nga đã viện dẫn những lý do lịch sử và văn hoá để biện minh cho việc vì sao họ tin rằng Ukraine thuộc về Nga. Trước lễ kỷ niệm 30 năm ngày Liên Xô sụp đổ, Tổng thống Vladimir Putin và cựu Tổng thống Dmitry Medvedev đã ra các thông cáo báo chí, tuyên bố chủ quyền của Nga đối với Ukraine.
Belarus và Ukraine đóng vai trò là vùng đệm giữa Nga và NATO. Do đó, Nga phản đối việc Ukraine gia nhập NATO, điều mà họ coi là mối lo ngại về an ninh.
Một đại diện của Tòa Bạch Ốc cho biết trong một cuộc họp báo hôm 06/12/2021 rằng Nga đã điều các nhóm tác chiến quy mô lớn tới biên giới Ukraine. Và giới truyền thông đưa tin rằng số binh sĩ này của Nga vào khoảng 100,000 người.
Quan chức cao cấp này nói rằng Hoa Kỳ sẽ gửi quân đội tới nếu các đồng minh ở Đông Âu yêu cầu, nhưng sẽ ưu tiên các biện pháp trừng phạt để giải quyết thách thức này. Các nguồn lực quân đội của Hoa Kỳ ưu tiên tập trung vào việc chống lại Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và Ngũ Giác Đài không muốn đối mặt với các cuộc chiến trên cả hai mặt trận.
Kẻ khó lường trong cuộc xung đột tiềm tàng ba bên này là Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là: liệu mối bang giao giữa Trung Quốc và Ukraine có đủ quan trọng để họ bênh vực Ukraine không? Hay liệu Trung Quốc sẽ đứng về phía Nga, đẩy Hoa Kỳ, NATO và EU chống lại cường quốc quân sự lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rằng mối bang giao của đất nước ông và Bắc Kinh đã mang lại cho Bắc Kinh nhiều thương vụ thông qua một “chiếc cầu nối tới Âu Châu”. Ukraine là một thành viên của Sáng Kiến Vành Đai Và Con Đường (BRI, còn được gọi là Một Vành Đai, Một Con Đường) và đã hợp tác với Trung Quốc trong các trương trình cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc xây dựng sân bay, đường bộ và đường sắt. Ukraine vẫn im lặng trước nạn diệt chủng người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, thậm chí còn xóa tên nước mình khỏi một văn kiện đa phương của Âu Châu lên án hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine với tổng giá trị thương mại song phương là 15.4 tỷ USD, chiếm 11% GDP của Ukraine trong năm 2020. Ukraine xuất cảng nguyên liệu thô tới Trung Quốc trong khi thâm hụt thương mại rất lớn, và nhập cảng thành phẩm và công nghệ. Đầu tư của Trung Quốc vào Ukraine rất ít, với 47 triệu USD từ đại lục và 60 triệu USD từ Hồng Kông. Nhiều dự án do Bắc Kinh công bố chưa bao giờ thực sự diễn ra. Các khoản đầu tư hiện có không tăng thêm giá trị cho nền kinh tế của Ukraine.
Việc Ukraine không đáp ứng được các yêu cầu về quản trị đất nước, chẳng hạn như các biện pháp chống tham nhũng và chế độ tư hữu hóa, khiến nước này không vay nợ được từ những nhà cho vay truyền thống. Và kết quả là Ukraine quay sang Trung Quốc. Các khoản cho vay từ Bắc Kinh thường đi kèm với các ràng buộc chính trị, nhưng không có yêu cầu nào với việc cải thiện nền dân chủ. Mặc dù các khoản vay không minh bạch, nhưng Ukraine được cho là gần đây đã vay 400 triệu USD từ Trung Quốc. Ngoài ra, Ukraine còn các khoản 372 triệu USD vay từ năm 2011 cũng như 1.5 tỷ USD từ năm 2012 từ Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc.
Tất nhiên sự tham gia kinh tế của Trung Quốc với Nga còn lớn hơn nhiều. Năm 2020, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga đã vượt 12 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga cả về xuất cảng và nhập cảng, với tổng kim ngạch lên tới 180 tỷ USD trong năm 2020. Hai nước cam kết tăng con số này lên 200 tỷ USD trong 4 năm tới. Trung Quốc là nhà nhập cảng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nga là nhà xuất cảng dầu lớn thứ hai của Trung Quốc với tổng doanh số năm 2020 là 23.8 tỷ USD và xuất cảng năm 2021 vượt 36 tỷ USD.
Nga là một thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và BRI. Cả Trung Quốc và Nga là một phần của BRICS, viết tắt của các nền kinh tế giữa Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Hơn nữa, gần đây Nga và Trung Quốc đã gia hạn một hiệp ước hữu nghị 20 năm tuổi. Hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận và tuần tra quân sự chung, nhưng không có một thỏa thuận phòng thủ chung chính thức.
Mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đạt tổng cộng 560 tỷ USD vào năm 2020, trong đó Hoa Kỳ bị thâm hụt rất lớn. Ngoài thương mại, hai quốc gia cũng là đối tác đầu tư lớn của nhau. Năm 2020, Hoa Kỳ đầu tư tổng cộng 123.9 tỷ USD vào Trung Quốc. Trong cùng năm, Trung Quốc đầu tư 38 tỷ USD vào Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng nằm trong top 10 nhà cung cấp dầu mỏ, xuất cảng năm 2020 đạt hơn 6 tỷ USD.
Một số nhà quan sát tin rằng, nếu chiến tranh nổ ra ở Ukraine, thì Bắc Kinh sẽ không bênh vực cho Kiev. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Bắc Kinh và Moscow đã đồng ý xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên là Power of Siberia từ Nga đến Trung Quốc, cho thấy Trung Cộng không sẵn sàng đứng về phía Ukraine.
Mặt khác, đứng về phía Nga để chống lại Ukraine sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU. Thương mại năm 2020 của Trung Quốc và EU là hơn 586 tỷ USD và tổng vốn đầu tư là 7.4 tỷ USD. Trong tương lai, có vẻ như Trung Cộng muốn tăng cường gắn kết kinh tế với Âu Châu.
Một khả năng khác là Trung Cộng đang đợi Hoa Kỳ bị níu chân trong một cuộc xung đột quân sự ở Âu Châu, trước khi Trung Cộng tiến hành tấn công Đài Loan. Nga sẽ là một đối thủ đáng gờm với Hoa Kỳ – và tiến hành chiến tranh với cả Trung Quốc và Nga sẽ là một hành động tự hủy diệt. Do đó, nếu Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc xung đột tiềm tàng Hoa Kỳ-Nga, thì có thể chính phủ ông Biden sẽ không ngăn cản Trung Quốc chiếm Đài Loan, vì điều đó có nghĩa là một cuộc chiến tranh huỷ diệt khi chống lại các cường quốc quân sự lớn nhất.
Nếu Hoa Kỳ để mình bị cuốn vào một cuộc xung đột quân sự ở Âu Châu, thì chính phủ Hoa Kỳ có thể thiếu động lực để cùng lúc chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc) và “A Short Course on the Chinese Economy” (Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc).
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: