Xuất hiện tham quan 3 tỷ NDT cho thấy điều gì?
Hôm 27/2, tờ “Trung Quốc Kỷ kiểm Giám sát Báo” đã đăng một bài viết dài tiết lộ nội tình vụ tham nhũng hơn 3 tỷ NDT của Lý Kiến Bình, một quan chức cấp Cục ở Nội Mông. Số tiền liên quan đến vụ án được mệnh danh là “lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử đấu tranh chống tham nhũng của Nội Mông” cuối cùng đã được công khai.
Ngày 23/11/2019, Nội Mông tổ chức Đại hội giáo dục cảnh thị toàn khu vực, cho trình chiếu bộ phim giáo dục cảnh thị “Đánh mất khát vọng thuở đầu và cái giá phải trả”. Bộ phim nói về “vụ án lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử đấu tranh chống tham nhũng của Nội Mông” – vụ án Lý Kiến Bình.
Lý Kiến Bình bị điều tra vào tháng 9/2018, bị khai trừ khỏi Đảng và ra khỏi công chức vào tháng 8/2019 rồi chuyển sang cho cơ quan tư pháp. Thế nhưng rốt cuộc Lý Kiến Bình đã tham nhũng bao nhiêu tiền? Khi ấy, Trung Cộng không công bố.
Lý Kiến Bình hủ bại như thế nào?
Theo báo cáo, Lý Kiến Bình giữ chức Bí thư Ban Công tác Đảng, Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Hồi Hột trong vòng 7 năm, từ tháng 3/2011 đến tháng 9/2018.
Giai đoạn này, Lý Kiến Bình bắt đầu từ việc lợi dụng chức vụ, giúp người khác ký hợp đồng công trình để nhận tiền vật, về sau càng tận sức biến quyền lực trong tay thành tiền, số tiền (tham nhũng) đã tăng dần từ hàng chục nghìn NDT lên hàng trăm nghìn NDT, dần dần lên đến hàng triệu NDT, hàng chục triệu NDT và thậm chí là hàng trăm triệu NDT. Cho đến trước ngày bị điều tra, Lý Kiến Bình vẫn đang chuẩn bị chuyển đi hơn 200 triệu NDT tiền quỹ.
Lý Kiến Bình không chỉ biến các công ty cấp dưới của mình thành “túi tiền” và “máy rút tiền” cá nhân, mà còn mượn danh nghĩa người khác để thành lập công ty do bản thân thực sự kiểm soát. Lý Kiến Bình đã tự ý thành lập hàng chục “công ty ma” lớn nhỏ khác nhau, bao gồm tổng công ty trên bề mặt và cả các công ty con cấp một, cấp hai, cấp ba để bịt mắt che tai thiên hạ. Dưới sự bày mưu tính kế trực tiếp của Lý Kiến Bình, những công ty này đã thâu tóm các dự án để kinh doanh qua lại, một lượng lớn vốn nhà nước thường xuyên được lưu động giữa những công ty này, bề mặt giả vờ làm việc này, nhưng thực chất lại làm việc khác, cuối cùng “công” hóa “tư”, rồi biến thành tài sản cá nhân.
Theo những gì Lý Kiến Bình thú nhận, thì ngoại trừ một phần tiền dùng để đánh bạc, phần lớn số tiền còn lại được dùng để mua và sưu tập tranh thư pháp nổi tiếng, đồ cổ bằng ngọc, đồ trang sức bằng vàng, đồng hồ quý hiếm, và một số lượng lớn các loại rượu nổi tiếng của Trung Quốc và nước ngoài. Hầm rượu của Lý Kiến Bình cất giữ lên đến hàng chục nghìn chai rượu nổi tiếng đủ loại.
Lưu Kỳ Phàm, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật kiêm Giám đốc Ủy ban Giám sát Khu tự trị Nội Mông, đã tóm gọn các vấn đề tồn tại trong vụ án của Lý Kiến Bình trong “thập loạn” (mười cái loạn): loạn lập công ty, loạn lập chức vụ, loạn tuyển nhân viên, loạn ký thỏa thuận, loạn vay vốn, loạn mở tài khoản, chế độ tạp loạn, quản lý hỗn loạn, thể chế rối loạn và giám sát tản loạn.
Chuyện Lý Kiến Bình điên cuồng tham nhũng cho thấy điều gì?
Tôi cho rằng chí ít cũng cho thấy rõ sáu điểm:
Thứ nhất, Giang Trạch Dân là hậu đài chống lưng cho việc đề bạt trọng dụng những phần tử tham nhũng nhất Trung Cộng, Giang không đổ thì có chống tham nhũng thế nào cũng vô dụng
Tham nhũng toàn diện và triệt để của Trung Cộng là bắt đầu từ thời Giang Trạch Dân nắm quyền. Kể từ khi ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng vào tháng 1/2013 đến nay, có gần 500 quan chức cấp cao từ cấp Phó tỉnh (Bộ) trở lên đã bị điều tra và xử lý. Phần đông trong đó đều là được đề bạt trọng dụng vào thời Giang Trạch dân đương quyền hoặc đã về làm “Thái thượng hoàng”. Ví như những thân tín của Giang Trạch Dân là Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương; Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Trung Cộng, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương; Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên Tổng cục Chính trị Đảng Trung Cộng kiêm bí thư Thành ủy Trùng Khánh,v.v… đều là những nhân vật vừa tham nhũng nghiêm trọng vừa được đề bạt trọng dụng.
Khi còn làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, tôi đã nhiều lần nghe Giang Trạch Dân nói trong các phiên họp toàn thể của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Khi ấy, với tư cách là lãnh đạo tối cao của Đảng, Chính quyền và Quân đội Trung Cộng, và là “Thái thượng hoàng” nắm thực quyền thời ông Hồ Cẩm Đào còn đương chức, Giang Trạch Dân là “tối thượng” của tất cả các quan chức Trung Cộng vào thời điểm đó. Chính vì cái “tối thượng” bất chính này mà đã dẫn đến nạn tham nhũng như lũ phá đê của Trung Cộng, nước tràn thành họa, vô phương vãn hồi. Thế nhưng, cho đến nay, hậu đài chung cho các phần tử tham nhũng nhất Trung Cộng là Giang Trạch Dân vẫn chưa bị bắt.
Lý Kiến Bình hay những nhân vật như ông ta nghĩ: Chống tham nhũng của Trung Cộng không phải là chống tham nhũng thực sự, mà là chống tham nhũng có chọn lọc; chống tham nhũng có chọn lọc chính là chỉ “bắt những kẻ vận rủi”. Nhưng “vận rủi” suy cho cùng cũng chỉ là một con số rất nhỏ, đại đa số các tham quan đều vô sự. Đã biết như vậy mà có quyền còn không dùng, đợi khi qua nhiệm kỳ thì chẳng còn tác dụng gì nữa, cho nên kiếm chác được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Thứ hai, Lý Kiến Bình đã phản ánh đầy đủ tác dụng “hình mẫu vừa làm quan vừa kinh doanh” của Giang Miên Hằng, con trai Giang Trạch Dân
Sau khi đàn áp phong trào sinh viên trong sự kiện “Lục Tứ” vào năm 1989, Trung Cộng đã đưa ra “Quyết định về thực hiện một số việc được quần chúng quan tâm trong thời gian tới”. Điều thứ hai trong đó quy định: “Kiên quyết ngăn cấm con cái của cán bộ cấp cao làm kinh tế.” Tuy nhiên, sau khi đảm nhận cương vị lãnh đạo tối cao Đảng, Chính quyền và quân đội Trung Cộng, Giang Trạch Dân đã dung túng cho con trai Giang Miên Hằng vừa làm quan vừa kinh doanh.
Giang Miên Hằng liên tiếp giữ chức Giám đốc Viện nghiên cứu Luyện kim Thượng Hải, Phó chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc, Chủ tịch Chi nhánh Thượng Hải của Viện Khoa học Trung Quốc và Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Thượng Hải. Tháng 9/1994, Giang Miên Hằng trở thành người đại diện theo pháp luật của Công ty Đầu tư Liên hợp Thượng Hải. Lĩnh vực đầu tư của công ty bao gồm nhiều ngành như viễn thông, tài chính, y học. Một nhân sỹ thuộc giới kinh doanh Thượng Hải cho hay, các chức vụ cấp giám đốc của Giang Miên Hằng nhiều vô số kể, đến cả Dự án đường hầm và cầu sông Dương Tử, Thượng Hải (Shanghai Yangtze River Tunnel Project) mà Giang Miên Hằng cũng có một chân trong ban quản trị dự án.
Giang Miên Hằng đi đầu trong việc vừa làm quan vừa kinh doanh, xây dựng hình mẫu cho cán bộ các cấp của Trung Cộng. Từ đó, chuyện quan viên các cấp trên toàn quốc vừa làm quan vừa kinh doanh đã phát triển mạnh thành phong trào. Kết quả tất yếu sẽ dẫn đến các giao dịch quyền-tiền, quyền-sắc và quyền-quyền (mua quan bán chức) ở khắp các lĩnh vực. Giang Miên Hằng đã được bách tính mệnh danh là “Trung Quốc đệ nhất tham”.
Bên trên có Giang Miên Hằng dẫn đầu, thì bên dưới xuất hiện Lý Kiến Bình cũng chẳng có gì lạ.
Thứ ba, giáo dục chống tham nhũng, pháp chế, trừng trị tham nhũng,… của Trung Cộng toàn bộ đều vô hiệu
Giáo dục chống tham nhũng của Trung Cộng dường như năm nào cũng nói, tháng nào cũng nói, ngày nào cũng nói, hội nghị nào cũng nói, cuộc họp nào cũng nói; còn xuất bản nhiều sản phẩm liên quan như sách, băng đĩa, tài liệu tuyên truyền; mở nhiều hội thảo, triển lãm, giáo dục cảnh thị, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Tuy nhiên, hiệu quả thu được rất ít, hầu hết tất cả các quan chức bị điều tra xử lý đều đã từng lên bục phát biểu hùng hồn, cao giọng “chống tham ô, đề phòng thoái hóa biến chất”, thế nhưng toàn là nói một đằng làm một nẻo.
Trung Cộng đã chế định một số lượng lớn các luật và quy định về chống tham nhũng, tuyên bố rằng phải khiến các quan chức “không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng”. Có một số đơn vị đã biên soạn cả “Sổ tay liêm chính” phát cho mỗi người một cuốn, có cuốn dày mấy chục trang, có cuốn thậm chí dày mấy trăm trang. Nhưng bất kể luật lệ đề ra rõ ràng đến mấy, cũng quản không nổi cái tâm của tham quan.
Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, nhiều quan chức cao cấp của Trung Cộng đã bị kết án tù chung thân, tử hoãn (tử hình hoãn thi hành án), tử hoãn sau giảm xuống tù chung thân, thậm chí tử hình lập tức thi hành. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trừng trị này đều có rất ít tác dụng răn đe. Ví như Bạch Hải Tuyền, cựu Phó Bí thư Ban Công tác Đảng của Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Hồi Hột , người từng làm việc với Lý Kiến Bình, đã bị điều tra vào năm 2014 và bị truy tố vì tội tham ô 170 triệu NDT vào tháng 12/2016. Tuy nhiên, việc này không mảy may có tác dụng cảnh tỉnh đối với Lý Kiến Bình, Lý Kiến Bình không những không bớt tham nhũng, không dừng tham nhũng, mà thậm chí còn trở nên càng ngày càng táo tợn.
Thứ tư, thể chế “đảng lãnh đạo tất cả” của Trung Cộng chính là “lồng ấp” để nạn tham nhũng sinh sôi nảy nở
Trung Cộng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đông Tây Nam Bắc của Trung Quốc, đảng lãnh đạo tất cả”. Lãnh đạo của đảng không phải là lãnh đạo chung chung mà là “lãnh đạo tuyệt đối”. Đảng quản mọi việc, đảng “lãnh đạo tuyệt đối” mọi việc, điều này tạo điều kiện cho quan viên trong đảng, đặc biệt là những lãnh đạo cao nhất của đảng tham nhũng tuyệt đối trong mọi lĩnh vực.
Đảng quản việc dùng người, cho nên Lý Kiến Bình đã tuyển dụng trái quy định 862 người, đợt tuyển dụng đông nhất lên đến 324 người, khiến số lượng quan chức từ 77 người tăng lên 868 người, dẫn đến hiện tượng “Đào thải ngược – người xấu ở lại người tốt ra đi” trở nên phổ biến.
Đảng quản lý kinh doanh, cho nên về phương diện môi trường kinh doanh, Lý Kiến Bình nhúng tay can thiệp ở khắp mọi nơi, dẫn đến biến mất hoàn toàn sự cạnh tranh công bằng tại những khu vực phát triển. Các dự án mà Lý Kiến Bình nhắm đến đều được bật đèn xanh từ đầu đến cuối, các dự án không được nhắm đến thì kể cả có lợi ích rõ ràng cũng không được triển khai.
Đảng “lãnh đạo tuyệt đối” tất cả, cho nên Lý Kiến Bình liền biến lĩnh vực được phân công quản lý thành “lãnh địa riêng” của bản thân, lộng quyền bá đạo, hung hăng càn quấy, khiến “Khu phát triển kinh tế và công nghệ quốc gia” của thủ phủ Khu tự trị Nội Mông đứng trước bờ vực tan hoang.
Thứ năm, Lý Kiến Bình bị điều tra và truy tố cũng chỉ là “khoắng nước sôi cho đỡ trào”, trị ngọn mà không trị gốc
Lưu Kỳ Phàm, bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Khu tự trị Nội Mông, đã tóm tắt vấn đề của Lý Kiến Bình trong “thập loạn”. Lưu Kỳ Phàm nói: Lý Kiến Bình phải chịu trách nhiệm chính cho vấn đề “thập loạn”, nhưng các thành viên ban lãnh đạo và những người phụ trách các ban ngành cũng phải chịu trách nhiệm ở các mức độ khác nhau.
Khu phát triển kinh tế và công nghệ Hồi Hột là một trong 219 khu phát triển kinh tế và công nghệ quốc gia đã được Hội đồng Nhà nước phê duyệt, được biết đến như “cánh đồng thử nghiệm cải cách, cánh cửa khai phóng đối ngoại, khu tập trung các cụm công nghiệp và công nghiệp dịch vụ hiện đại, khu mở đường cho đổi mới khoa học công nghệ, khu kiểu mẫu cho quy hoạch tổng thể thành thị nông thôn, và đỉnh cao tăng trưởng kinh tế trọng yếu”, là “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của Nội Mông.
Khu phát triển này xuất hiện “thập loạn” dưới sự lãnh đạo của Lý Kiến Bình, thì các lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy và Chính quyền thành phố Hồi Hột có phải chịu trách nhiệm không? Các lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ và chính quyền Khu tự trị Nội Mông có phải chịu trách nhiệm không? Các lãnh đạo có liên quan của Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng và Ủy ban Kiểm tra, Giám sát Kỷ luật Trung ương có chịu trách nhiệm không? Ai đã đề bạt trọng dụng Lý Kiến Bình thành người đứng đầu Khu phát triển? Ai chịu trách nhiệm tiến hành quản lý và giám sát Lý Kiến Bình? Lý Kiến Bình có đưa tiền cho các lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy và Chính quyền thành phố Hồi Hột, có đưa tiền cho các lãnh đạo chính của Đảng bộ và Chính quyền khu tự trị Nội Mông không? Lý Kiến Bình có đưa tiền cho quan chức cấp cao ở Bắc Kinh không?
Tất cả những điều này đều không thấy nhắc đến trong các báo cáo liên quan đến vụ án Lý Kiến Bình. Xảy ra vấn đề thì đều là trách nhiệm của Lý Kiến Bình và các quan chức cấp dưới. Chẳng phải nói là “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” sao?
Thứ sáu, căn bệnh ung thư tham nhũng của Trung Cộng đã vô phương cứu chữa
Liên quan đến vụ án Lý Kiến Bình, vào đầu tháng 11/2019, truyền thông đại lục đã đưa tin đây là “vụ án lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử đấu tranh chống tham nhũng của Nội Mông.” Nhưng thế nào là án lớn? Trung Cộng một mực kéo dài, kéo, kéo, kéo mãi cho đến hiện tại mới nói ông ta tham nhũng hơn 3 tỷ NDT.
Tính đến hiện tại, nếu xếp thứ tự các quan chức tham nhũng trên 100 triệu NDT được Trung Cộng báo cáo công khai, thì có số tiền tham nhũng lớn số một là Lại Tiểu Dân, cựu chủ tịch Tập đoàn Hoa Dung, người bị xử tử cách đây không lâu, với 1.788 tỷ NDT; đứng thứ hai là Trương Trung Sinh, cựu phó thị trưởng thành phố Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây, với 1.17 tỷ NDT; đứng thứ ba là Triệu Chính Vĩnh, cựu bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây, với 717 triệu NDT; quan chức có số tiền tham nhũng cao nhất ở Nội Mông là Dương Thành Lâm, cựu chủ tịch Ngân hàng Nội Mông với hơn 600 triệu NDT. Số tiền tham nhũng của Lý Kiến Bình vượt quá tổng số tiền tham nhũng của tất cả các quan chức Trung Cộng đã được báo cáo công khai!
Đối với Trung Cộng, việc có công bố số tiền tham nhũng của Lý Kiến Bình hay không xác thực là một vấn đề nan giải. Không công bố, cứ lấp liếm mãi như vậy thì nói không xuôi; còn nếu công bố ra, thì số tiền cũng lớn quá. Vào năm 2017, Trung Cộng công khai tuyên bố “đã hình thành hình thế chống tham nhũng mang tính áp đảo”; vào năm 2018, Trung Cộng cũng tuyên bố rằng “chống tham nhũng đã đạt được thắng lợi vượt bậc”. Thế nhưng, bất luận chống thế nào, Lý Kiến Bình và những người như Lý Kiến Bình vẫn y nguyên, thích gì làm nấy, tham ô như cũ.
Lý Kiến Bình chỉ là một quan chức cấp cục. Nội Mông rất gần Bắc Kinh, nếu lãnh đạo Cục Giám sát của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thật sự muốn giám sát thì không phải “xa quá không với tới được”, mà là chuyện ngay trong tầm tay. Khu phát triển do Lý Kiến Bình lãnh đạo nằm ngay trong tầm mắt của Đảng ủy và Chính quyền Khu tự trị Nội Mông, ngay trong tầm mắt của Thành ủy và Chính quyền thành phố Hồi Hột, chỉ cần thực sự muốn giám sát, thì mọi lúc mọi nơi đều có thể giám sát được. Tuy nhiên, ngay trước mắt tất cả những “cơ quan giám sát” này, Lý Kiến Bình tham nhũng như ở chỗ không người, rốt cuộc đã tham nhũng hàng trăm nghìn NDT, hàng triệu NDT, hàng chục triệu NDT, hàng trăm triệu NDT, cuối cùng lên đến 3 tỷ NDT. Theo ước tính, 3 tỷ NDT này cũng là “con số thu nhỏ” sau nhiều lần Trung Cộng cân đo đong đếm.
Vụ án tham nhũng Lý Kiến Bình đã minh chứng đầy đủ rằng: Căn bệnh ung thư tham nhũng của Trung Cộng đã lan ra toàn diện, có uống thuốc gì cũng vô tác dụng, không một ai có thể cứu vãn.
Do Gao Yi thực hiện
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: