Xuất cảng của Trung Quốc sang Nga giảm sau cuộc xâm lược Ukraine
Theo dữ liệu chính thức hôm 13/04, xuất cảng của Trung Quốc sang Nga đã giảm trong tháng Ba – một dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc có thể đang thận trọng hơn khi giao dịch với Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai.
Dữ liệu cho thấy các công ty Trung Quốc đã bán hàng hóa trị giá 3.8 tỷ USD cho Nga trong tháng Ba, giảm 7.7% so với một năm trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 05/2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vốn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, nhập cảng từ Nga tăng 26.4% so với một năm trước.
Mặc dù dữ liệu về hàng hóa nào được nhập cảng sẽ có vào cuối tháng, nhưng Trung Quốc thường mua dầu, khí đốt tự nhiên, than và các sản phẩm nông nghiệp từ Nga.
Đổi lại, Trung Quốc bán cho Nga thiết bị điện tử, thiết bị giao thông, máy móc, điện thoại di động, xe hơi và các sản phẩm tiêu dùng khác.
Thông thường, nước này mua từ Nga nhiều hơn bán cho Nga.
Trong tháng Ba, Trung Quốc đã mua 188,000 tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng – được sử dụng để tạo ra điện và nhiệt – từ Nga, giảm so với 273,000 tấn một năm trước đó, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Bloomberg đưa tin, trong khi Trung Quốc liên tục tăng nhập cảng khí đốt từ Nga kể từ năm 2019, khi Moscow bắt đầu vận chuyển khí đốt đến nước này thông qua đường ống Power of Siberia do Gazprom điều hành, thì lượng khí đó vẫn chưa bằng 11% lượng khí đốt mà Trung Quốc nhập cảng từ nhà cung cấp hàng đầu của họ là Úc trong tháng Ba.
Tuy nhiên, việc nhập cảng khí đốt đó có thể đã chậm lại vì các vấn đề khác nhau trong tháng Ba, chẳng hạn như bảo trì đường ống và sự bùng phát gần đây của COVID-19 trong nước, dẫn đến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng chiến lược “zero-COVID” hà khắc và thực thi các cuộc phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ hơn tại các cảng nhập cảnh.
Thượng Hải ghi nhận 26,330 trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận hôm 13/04, một kỷ lục hàng ngày mới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Bloomberg cho rằng nhập cảng khí đốt từ Nga có thể tăng thêm 3 tỷ mét khối vào mùa hè này, từ 10 tỷ mét khối vào năm 2021, trong nỗ lực theo kịp hợp đồng cung cấp hiện có giữa hai quốc gia. Gazprom được ký hợp đồng để cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt hàng năm cho đến năm 2025.
Nhìn chung trong năm 2021, thương mại của Trung Quốc với Nga đã tăng 36% lên 147 tỷ USD, theo dữ liệu được công bố vào tháng Một từ Tổng cục Hải quan của ĐCSTQ.
Chính quyền ở Bắc Kinh đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính do Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản áp đặt lên Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine của họ. Và đầu tháng này, ĐCSTQ đã cùng với Ấn Độ, quốc gia cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow, bỏ phiếu trắng khi biểu quyết thông qua một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án việc Nga xâm lược Ukraine và yêu cầu nước này chấm dứt ngay các hoạt động quân sự tại Ukraine.
Hồi tháng Hai, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và họ đặt ra kế hoạch nâng kim ngạch thương mại song phương lên tương đương 250 tỷ USD vào năm 2024.
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy các công ty Trung Quốc có thể đang tỏ ra hoài nghi liên quan đến thương mại với Moscow và đang lựa chọn tuân theo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này trong nỗ lực bảo vệ trước những tổn thất có thể xảy ra trong giao dịch với Nga.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin cho biết hôm 12/04 rằng các số liệu giao dịch mới nhất được đưa ra khi nền kinh tế Nga đang trên đà giảm hơn 10% vào năm 2022, đánh dấu sự sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội lớn nhất kể từ những năm sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: