Xuất cảng của Đài Loan đã bùng nổ vào năm 2021
Xuất cảng của Đài Loan đã bùng nổ vào năm 2021, đặc biệt là sang Trung Quốc, chiếm 42.3% tổng kim ngạch xuất cảng. Các quan chức Đài Loan gần đây đã điều chỉnh ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ 6.09% lên 6.28%, với cả 2 con số đều đạt mức cao nhất trong 11 năm. Các chuyên gia cho rằng thặng dư thương mại của Đài Loan với Trung Quốc tiếp tục tăng cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Đài Loan là rất lớn.
Theo số liệu mới nhất do Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê công bố hôm 27/01, nền kinh tế Đài Loan đã tăng trưởng với tốc độ 6.28% trong năm 2021, cao hơn 1.9% so với dự báo đưa ra vào tháng 11.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng 6.09% ước tính năm ngoái đã rất cao. Sau khi công bố các số liệu, Phó Tổng thống Đài Loan Lai Ching-te hôm 28/12/2021 cho biết công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Đài Loan trong 2 năm qua tương đối suôn sẻ. Do đó, đất nước này ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nền kinh tế hoạt động tốt hơn các nước khác. Đài Loan đã đứng đầu trong “Bốn con hổ Á Châu” (Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông) trong hai năm liên tiếp. Ông Wu Daren, Giám đốc điều hành của Trung tâm Kinh tế Đài Loan tại Đại học Trung tâm Quốc gia, cho biết lý do chính dẫn đến thành tích kinh tế nổi bật của Đài Loan trong năm ngoái là do xuất cảng sản xuất và đầu tư tư nhân của nước này đều tăng rất mạnh.
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Đài Loan là xuất cảng. Theo nền tảng thông tin đầu tư MacroMicro, xuất cảng của Đài Loan chiếm hơn 60% tổng GDP, với các linh kiện điện tử, thông tin và truyền thông, và các sản phẩm nghe nhìn là những sản phẩm xuất cảng chính.
Về xuất cảng sản xuất, đóng góp lớn nhất là ngành bán dẫn. Ngành công nghiệp bán dẫn được biết đến như là trụ cột của nền kinh tế Đài Loan, với TSMC là nhà sản xuất nổi bật nhất. Do tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn toàn cầu, vị trí chiến lược của TSMC đã tăng lên, khiến chất bán dẫn trở thành mặt hàng xuất cảng tăng trưởng nhanh nhất ở Đài Loan.
Nguồn đầu tư tư nhân quan trọng nhất là sự tiếp tục mở rộng đầu tư của các công ty công nghệ như TSMC và các chuỗi cung ứng liên quan. Riêng TSMC đã đầu tư 30.04 tỷ USD vào năm 2021, chiếm khoảng 4% trong tổng số 760 tỷ USD nền kinh tế Đài Loan. Ngoài ra, ngành viễn thông tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G, ngành hàng không đang mở rộng năng lực và đầu tư vào nội địa hóa chuỗi cung ứng, và chính phủ đang xúc tiến đầu tư vào các cơ sở năng lượng xanh công cộng; tất cả đều đang đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, ông Wu cho biết, việc Trung Quốc kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng và sự bùng phát dịch bệnh ở Đông Nam Á cũng đã mang lại lợi ích đáng kể cho Đài Loan; và sự gia tăng nhu cầu nội địa ở Đài Loan đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp trong ngành bắt đầu mở rộng các nhà máy của họ, điều này đã thúc đẩy ngành xây dựng.
Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Đài Loan
Thị trường xuất cảng lớn nhất của Đài Loan là Trung Quốc. Theo Bộ Tài chính, thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) chiếm 42.3% tổng kim ngạch xuất cảng của Đài Loan vào năm 2021, thấp hơn một chút so với mức cao nhất trong 10 năm là 43.9% được thiết lập vào năm 2020, và bỏ xa thị trường xuất cảng lớn thứ hai và thứ ba là ASEAN và Hoa Kỳ, lần lượt chiếm 15.7% và 14.7%.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tổng kim ngạch xuất cảng của Đài Loan sang Trung Quốc (trừ Hồng Kông) lên tới 249.999 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 24.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi tổng kim ngạch nhập cảng của Đài Loan từ Trung Quốc lên tới 78.364 tỷ USD, tăng 30.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại của Đài Loan với Trung Quốc đạt 171,6 tỷ USD, tăng 31,1 tỷ USD so với năm 2020.
Theo Bộ Tài chính Đài Loan, xuất cảng sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) năm ngoái đạt tổng cộng 188,906 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng thời kỳ năm 2021, trong khi nhập cảng từ Trung Quốc là 84,171 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng thời kỳ năm 2021. Thặng dư thương mại của Đài Loan với Trung Quốc năm ngoái là 104.735 tỷ USD, cũng vượt mốc 100 tỷ USD.
Nhà kinh tế học Đài Loan và nhà bình luận kinh tế và chính trị kỳ cựu Wu Jia Long nói với The Epoch Times rằng việc Đài Loan được hưởng thặng dư thương mại với Trung Quốc, tiếp tục tăng, không có nghĩa là Đài Loan phụ thuộc vào Trung Quốc, mà là Trung Quốc phụ thuộc vào Đài Loan. Xét về chuỗi cung ứng công nghệ, Đài Loan là thượng nguồn và dây chuyền sản xuất của Trung Quốc ở hạ nguồn. Thặng dư thương mại của Đài Loan với Trung Quốc phản ánh nhu cầu hoặc sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Đài Loan.
Vào tháng 05/2021, Bộ Kinh tế Đài Loan đã dành một tiêu đề nổi bật để bác bỏ cách giải thích của cựu Tổng thống Mã Anh Cửu về “sự phụ thuộc của Đài Loan vào Trung Quốc”, trong đó tuyên bố rằng “sự tăng trưởng xuất cảng sang Trung Quốc được thúc đẩy bởi xuất cảng chất bán dẫn, nhưng đó là sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Đài Loan.”
‘Phép màu kinh tế 2.0’
Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê đã duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế tháng 11 là 4.15% cho năm nay, nhưng sự bùng phát của biến thể omicron kể từ đầu năm đã làm dấy lên lo ngại về việc liệu nền kinh tế có thể duy trì được mức tăng trưởng 4% trong năm nay không.
Tuy nhiên, ông Wu Jia Long cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chuyển từ quan hệ hữu nghị sang đối đầu. Với việc nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc tách ra, các ngành sản xuất rút khỏi Trung Quốc và Đài Loan phải đối mặt với những thay đổi cơ cấu thường kéo dài khoảng 20 năm, ông ước tính rằng “phép màu kinh tế Đài Loan” kéo dài 20 năm trong nửa cuối thế kỷ trước có thể xảy ra một lần nữa.
Ông Wu nói rằng trong trường hợp tăng trưởng cao, mọi người sẽ lo lắng rằng thời kỳ căn bản đã tăng đủ rồi và sẽ không dễ dàng để duy trì mức tăng trưởng cao như cũ trong năm tới. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với sự thay đổi cơ cấu, các doanh nhân Đài Loan đang quay trở lại với số lượng lớn và dòng vốn đang chảy ngược trở lại, “trước đây chúng tôi thấy dòng vốn chảy ra hàng năm, dòng chảy này đã kéo dài gần 20 năm rồi, điều đó không thể kết thúc sau hai năm.”
Ông Wu nhấn mạnh rằng việc các doanh nghiệp Đài Loan rời Trung Quốc đại lục là điều không thể tránh khỏi, một số quay lại Đài Loan và một số quay lại các nước khác. Về lý do quay trở lại, ông nói, “Một mặt, các doanh nhân Đài Loan phải tránh thuế quan của Hoa Kỳ bằng cách tái xuất hàng hóa của họ. Mặt khác, tình trạng thiếu hụt tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến mức như câu nói: “đói ăn đến mức giết gà lấy trứng” và chắc chắn sẽ có hành động chống lại các doanh nghiệp Đài Loan và các doanh nghiệp đại lục.
“Ngoài sự trở lại của các doanh nghiệp Đài Loan, ngành bán dẫn và năng lượng xanh cũng sẽ tiếp tục thu hút đầu tư. Không chỉ vậy, Đài Loan có chuỗi cung ứng hoàn thiện nhất thế giới nên các lĩnh vực công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, siêu vũ trụ và chất bán dẫn thế hệ thứ ba đều sẽ thu hút đầu tư đáng kể.”
Ông Wu không đưa ra ước tính cụ thể về tăng trưởng kinh tế của Đài Loan vào năm 2022, nhưng ông nói rằng “Không cần phải lo lắng về nhu cầu nội địa của Đài Loan, vì làn sóng thứ hai của kỳ tích kinh tế Đài Loan, kéo dài 20 năm trong nửa sau của thế kỷ trước, sẽ đến một lần nữa, và chúng ta có thể gọi nó là ‘Phép màu kinh tế Đài Loan 2.0.’”
Ngành công nghiệp bán dẫn
Bloomberg đưa tin hôm 27/01 rằng TSMC sẽ xây dựng các nhà máy mới trong năm nay để giảm bớt tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, với mức đầu tư dự kiến lên tới 40 tỷ đến 44 tỷ USD. Khoản đầu tư này tương đương với khoảng 5% trong nền kinh tế 760 tỷ USD của Đài Loan, vì vậy triển vọng tăng trưởng của Đài Loan vào năm 2022 vẫn lạc quan.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, nhà nghiên cứu Liu Pei-jin thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết, trước xu hướng chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số, các ứng dụng bán dẫn đang ở khắp mọi nơi và nhu cầu đang tăng lên. Thị trường chất bán dẫn sẽ tiếp tục phát triển trong năm nay, ở cả Đài Loan và toàn cầu, và TSMC, công ty đi đầu trong các quy trình sản xuất tiên tiến, sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa trong năm nay.
Bà cũng cho rằng cuộc chiến công nghệ Mỹ -Trung sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho Đài Loan. Với việc Hoa Kỳ áp đặt nhiều biện pháp kiểm soát và hạn chế quyền truy cập vào các thiết bị hoặc vi mạch bán dẫn quan trọng thông qua các đồng minh của mình, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang đình trệ và thị trường tiêu dùng cuối cùng của nước này chắc chắn phụ thuộc vào nguồn cung cấp bán dẫn của Đài Loan.
Ký giả Joyce Liang của Epoch Times đã đóng góp vào báo cáo này.
Bà Winnie Han tường thuật về tin tức Trung Quốc cho The Epoch Times.
Bình Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: