Xây dựng lại Tốt hơn khiến mức sống ngày càng giảm, nhưng hãy cứ ban hành lần nữa!
Một doanh nhân từng hỏi một nhà lãnh đạo lao động nổi tiếng rằng ông ấy muốn gì cho những người lao động của mình. Vị lãnh đạo này trả lời, “Nhiều hơn nữa.” Những chính sách khuyến khích nhằm tăng chi tiêu của chính phủ và kiểm soát nền kinh tế cũng có cùng câu trả lời này, nhưng thêm vào từ quyền lực.
Một vấn đề xảy ra khi một công ty không có khả năng chi trả nhiều hơn và nhu cầu chi trả ấy dẫn đến phá sản. Ví dụ kinh điển là sự sụp đổ hồi năm 1966 của tờ New York Herald Tribune. Các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn cho biết họ muốn nhiều hơn. Ban quản lý của tờ báo này đã trả lời rằng: “Nếu muốn thêm nữa, tờ báo sẽ bị buộc phải đóng cửa và mọi người sẽ mất việc làm.” Các lãnh đạo nghiệp đoàn không nghe và thế là tờ báo này lập tức đóng cửa vĩnh viễn.
Tương tự, khi các chính trị gia bỏ phiếu để chuyển nhiều nguồn lực hơn từ khu vực tư nhân sang chính phủ, thì hầu như tất cả mọi người đều phải gánh chịu sự bất lợi.
Cuốn sách “Quốc Gia Giàu, Quốc Gia Nghèo” (“Rich Nation, Poor Nation”) xuất bản năm 2017 của tôi trình bày chi tiết những tác động đáng buồn trong quá khứ của những chính sách như vậy. Ví dụ, trong các năm từ 1900 đến 2015, có năm chu kỳ, tổng cộng là 52 năm, khi các chính sách của Hoa Kỳ tăng chi tiêu liên bang, các quy định, và sự kiểm soát đối với nền kinh tế và các thị trường. Kết quả cuối cùng là kinh tế đình trệ hoặc tệ hơn. Nền kinh tế hùng mạnh của Hoa Kỳ đã hành xử như một quốc gia kém phát triển, với mức sống của người lao động không thể cải thiện trong suốt 52 năm.
Ngược lại, hầu hết (87%) của quá trình tăng mức sống từ năm 1900 đến năm 2015 chỉ diễn ra trong vòng 50 năm. Đây là những năm khi thuế suất được cắt giảm và các nguồn lực được chuyển từ chính phủ trở lại khu vực tư nhân.
Bắt đầu từ việc phong tỏa vào năm 2020, đã có sự thay đổi liên tục trong việc kiểm soát nền kinh tế, chuyển từ khu vực sản xuất tư nhân sang khu vực chính phủ phi sản xuất. Chi tiêu liên bang trong giai đoạn phong tỏa đã tăng 2.1 ngàn tỷ USD trong năm 2020. Bất chấp sự phục hồi trong năm 2021, Đạo luật Xây dựng lại Tốt hơn (Build Back Better) của Tổng thống Biden phân bổ 200-400 tỷ USD mỗi năm cho chính phủ liên bang trong vòng 10 năm tới.
Xây dựng lại Tốt hơn đã làm gì cho nền kinh tế Hoa Kỳ? Đạo luật này đã hạ thấp mức sống.
Năng suất và số giờ làm việc là hai chỉ số quan trọng của nền kinh tế. Năng suất đo lường mức độ hiệu quả của nền kinh tế. Trong năm trước khi xảy ra đại dịch (2019), năng suất của Hoa Kỳ tăng 2%, phù hợp với mức sống tăng mạnh. Trong năm sau, khi Xây dựng lại Tốt hơn được thông qua, năng suất giảm hơn 2%.
Đây là lý do tại sao mức sống lại một lần nữa bị giảm sút.
Chính phủ ông Biden tự hào về mức tăng việc làm. Họ không nên tự hào. Biểu đồ sau đây cho thấy tổng số giờ làm việc trong khu vực kinh tế phi nông nghiệp tư nhân. Trong quý 2 năm nay, số giờ làm việc tăng trở lại vẫn chưa khớp với số giờ làm việc trong năm 2019. Hơn nữa, tình trạng không đi làm do có trợ cấp của chính phủ tài trợ đã dẫn đến tổng số giờ làm việc thấp hơn 9% so với số giờ tiềm năng tính trên số người trong độ tuổi lao động.
Thảo nào diễn ra tình trạng thiếu lao động.
Số giờ làm việc thực tế và tiềm năng trong khu vực kinh tế phi nông nghiệp tư nhân
Bất chấp tác động tiêu cực của đạo luật Xây dựng lại Tốt hơn, chính phủ ông Biden đang đang tăng cường đẩy mạnh các chính sách phá hoại hơn nữa.
Chẳng hạn, hồi tháng trước (07/2022), 24 thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện và 14 thành viên tại Thượng viện đã giúp Quốc hội thông qua Đạo luật Chips cho nước Mỹ. Đạo luật này bao gồm 280 tỷ USD trong 10 năm tới để tái phân bổ các nguồn lực từ khu vực tư nhân vào các lĩnh vực được các chính trị gia ưa thích. Đạo luật này cũng bao gồm khoản tăng thuế đáng kể lên tới 328 tỷ USD trong vòng 10 năm và trao quyền cho chính phủ nhiều hơn trong việc kiểm soát giá thuốc theo toa và vô số mặt hàng khác.
Sự thay đổi đang diễn ra trong việc kiểm soát nền kinh tế này — từ phân bổ các nguồn lực theo thị trường sang phân bổ theo các sắc lệnh chính trị — sẽ tiếp tục làm xói mòn mức sống. Nền kinh tế Hoa Kỳ đang chuyển động nhanh chóng theo hướng bị giới tinh hoa chính trị kiểm soát thay vì các lực lượng của thị trường.
Một người có tư duy có thể hỏi, “Những chính trị gia này có ngu ngốc không?”
Câu trả lời là, không, họ rất thông minh. Nhưng họ cũng đã bị thỏa hiệp.
Các chính trị gia tiếp tục bỏ phiếu cho các dự luật cho phép các bằng hữu, gia đình, và đồng nghiệp của họ tái phân phối hàng ngàn tỷ USD tiền thuế. Những đối tượng được lựa chọn nhận khoản chi tiêu ưu đãi của chính phủ đều rất sẵn lòng thể hiện sự cảm kích của họ bằng những khoản đóng góp hào phóng cho chiến dịch tranh cử. Việc này là tư lợi trắng trợn. Chừng nào việc này còn tiếp tục, thì hậu quả chủ yếu là làm suy yếu mức sống của hầu hết người lao động, và trong quá trình này, sẽ làm suy yếu nền dân chủ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Robert J. Genetski là một diễn giả, tác giả, nhà bình luận chuyên mục, và là một trong những nhà kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ. Ông đã giảng dạy môn kinh tế học tại Trường Kinh doanh Sau Đại học thuộc Đại học Chicago và NYU. Cuốn sách gần đây nhất của ông có nhan đề “Rich Nation, Poor Nation: Why Some Nations Prosper While Others Fail” (Quốc Gia Giàu, Quốc Gia Nghèo: Tại Sao Một Số Quốc Gia Thịnh Vượng Trong Khi Một Số Quốc Gia Khác Lại Thất Bại). Trang web của Tiến sĩ Genetski là ClassicalPrinciples.com.