WHO lên án cuộc xâm lược của Nga gây nên khủng hoảng y tế ở Ukraine
WHO bác bỏ bản đề nghị phản đối của Moscow
Hôm thứ Năm (26/05), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua một nghị quyết nói về cuộc khủng hoảng y tế xuất phát từ cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, đồng thời bác bỏ một bản đề nghị phản đối tương tự từ Nga, vốn không đề cập đến vai trò của nước này trong cuộc chiến.
Bản đề nghị dự thảo “Tình trạng khẩn cấp về y tế ở Ukraine và các quốc gia tiếp nhận và cho người tị nạn lưu trú, xuất phát từ cuộc xâm lược của Liên bang Nga” đã được thông qua với 88 phiếu thuận, 12 phiếu chống, và 53 phiếu trắng trong kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ.
Bản đề nghị ban đầu (pdf) được công bố hôm 23/05, do Hoa Kỳ và 46 quốc gia khác, trong đó có Anh, Úc, Đức, Pháp, Nhật Bản, và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra, lên án cuộc tấn công quân sự của Nga bắt đầu hôm 24/02, và yêu cầu WHO “xem xét tạm thời đình chỉ tất cả các cuộc họp khu vực” ở nước này cho đến khi đạt được một giải pháp hòa bình và Nga rút các lực lượng của mình ra khỏi Ukraine.
Bản đề nghị không yêu cầu WHO đình chỉ quyền biểu quyết của Nga tại cơ quan này.
Bản nghị quyết nói về “tình trạng khẩn cấp về y tế đang diễn ra” bao gồm “chấn thương tâm lý và thương tích liên quan đến xung đột,” sự lây lan các bệnh truyền nhiễm, suy giảm sức khỏe tâm thần, nạn buôn bán người; và các dịch vụ y tế bị gián đoạn cho những người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, và người già. Bản nghị quyết cho biết thêm rằng nghị quyết không chỉ nói đến những người ở bên trong Ukraine mà còn cả những người dân Ukraine tị nạn sang các nước láng giềng.
Nghị quyết kêu gọi “Liên bang Nga ngừng ngay lập tức bất kỳ cuộc tấn công nào vào các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc y tế khác” và “tôn trọng đầy đủ và bảo vệ tất cả các nhân viên y tế và nhân viên nhân đạo chuyên trách nhiệm vụ y tế.”
Hơn nữa, bản đề nghị khuyến khích các nước thành viên tăng cường đóng góp cho các chương trình khẩn cấp của WHO tập trung vào Ukraine.
Bản đề nghị tương tự của Nga (pdf) cũng lên án “các cuộc tấn công nhắm vào dân thường và các đối tượng y tế,” đồng thời kêu gọi “tất cả các bên tôn trọng và bảo vệ nhân viên nhân đạo, cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện vận chuyển và vật tư của họ và bảo đảm sự an toàn và tiếp cận không bị cản trở của nhân viên nhân đạo,” mà không đề cập đến cuộc xâm lược của Nga và vai trò của quốc gia này trong cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Theo Reuters, khi các thành viên của WHO đều bác bỏ bản đề nghị này, bà Yevheniia Filipenko, đại sứ của Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, đã gọi bản đề nghị phản đối của Nga, cùng ký tên với Syria, là một “thực tế thay thế méo mó”.
Ông Alexander Alimov, phó đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc, gọi bản đề nghị của phương Tây là “bị chính trị hóa, phiến diện và thiên vị”.
WHO đã và đang theo dõi tình hình Ukraine thông qua Hệ thống Giám sát Các cuộc tấn công nhắm vào Chăm sóc Y tế (SSA).
Dựa trên dữ liệu của SSA, kể từ khi Nga xâm lược, đã có 263 vụ tấn công, 75 người thiệt mạng, và 59 người bị thương liên quan đến chăm sóc y tế ở Ukraine.
Ngoài số này, có 238 vụ tấn công ảnh hưởng đến các cơ sở chăm sóc y tế, chẳng hạn như vụ đánh bom bệnh viện phụ sản ở Mariupol. Dữ liệu đã ghi nhận 29 vụ tấn công nhằm vào phương tiện giao thông và nhân viên làm việc trong lĩnh vực này, 77 vụ tấn công ảnh hưởng đến vật tư, và 17 vụ tấn công nhắm vào các bệnh nhân.
Hầu hết các cuộc tấn công đều liên quan đến vũ khí hạng nặng và đã xảy ra hồi tháng Ba.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã ủng hộ Moscow trong hai cuộc bỏ phiếu. Đặc phái viên của nước này, ông Yang Zhilun, tuyên bố rằng WHO không phải là nền tảng phù hợp để thảo luận về các vấn đề y tế của Ukraine.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.