Walmart đối mặt với phản ứng dữ dội ở Trung Quốc vì sản phẩm của Tân Cương biến mất
Đại công ty bán lẻ của Mỹ Walmart Inc. trở thành công ty phương Tây mới nhất vướng vào cơn bão phẫn nộ của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc – sự phẫn nộ này không có gì lạ – sau khi công ty con của họ bị cáo buộc rút các sản phẩm Tân Cương ra khỏi kệ hàng tại các cửa hàng tại địa phương.
Các hãng thông tấn Trung Quốc cho biết kho bán lẻ Sam’s Club, một bộ phận của Walmart, đã phản ứng bằng cách giảm lượng hàng xuống mức thấp.
Tuy nhiên, điều đó đã không thể dập tắt cơn giận dữ của người tiêu dùng Trung Quốc. Cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc hôm 31/12 đã cáo buộc công ty này là “ngu ngốc và thiển cận.”
Tranh chấp bắt nguồn từ một tuần trước khi các thành viên của Sam’s Club cho biết không có kết quả nào hiển thị khi họ tìm kiếm các sản phẩm với từ khóa “Tân Cương” trên ứng dụng của công ty. Theo đánh giá của Epoch Times, các sản phẩm liên quan, bao gồm chà là đỏ, nho khô, táo, và dưa mật được trồng ở Tân Cương, đã không xuất hiện hôm 31/12 trên ứng dụng tìm kiếm.
Theo The Wall Street Journal, một số sản phẩm từ khu vực này vẫn có sẵn tại một cửa hàng Walmart địa phương ở Bắc Kinh.
Ảnh chụp màn hình các kết quả tìm kiếm đã lan truyền trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Hashtag #CancelCardOfSam đã tạo ra gần 500 triệu lượt xem kể từ hôm 29/12 trên nền tảng giống Twitter này.
Tác động đối với Walmart, công ty đã tạo ra doanh thu 11.43 tỷ USD ở Trung Quốc trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/1, vẫn còn chưa rõ. Theo trang web của hãng này, trong số 423 đơn vị bán lẻ Walmart hoạt động tại Trung Quốc, 36 cửa hàng là Sam’s Club,
Hãng truyền thông Trung Quốc Jiemian News cho biết họ không tìm thấy khách hàng nào vào ngày 29/12 đăng ký hoàn tiền tại một cửa hàng địa phương ở quận Thạch Cảnh Sơn, Bắc Kinh, không phù hợp với các thông tin phản hồi trực tuyến tràn lan. Một thành viên là nhân viên khẳng định gần đây cửa hàng đã không thấy sự tăng đột biến đối với việc rút tư cách thành viên.
Sam’s Club Shijiangshan là cửa hàng lớn thứ hai trong số chuỗi nhà kho trên toàn thế giới về số lượng bán hàng và là cửa hàng thứ hai được mở tại Trung Quốc.
Hôm 31/12, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Trung Cộng đã cáo buộc Sam’s Club tẩy chay các sản phẩm của Tân Cương và cố gắng “xoa dịu” cuộc tranh cãi bằng cách giữ im lặng.
Hai ngày trước đó, Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản trực thuộc Trung Cộng cũng kêu gọi công chúng tẩy chay các cửa hàng chỉ dành cho thành viên.
Cơ quan này cho biết thông qua tài khoản mạng xã hội chính thức của mình: “Trung Quốc không bao giờ thiếu siêu thị.”
Kêu gọi này được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden ngày 23/12 ký dự luật cấm nhập cảng từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về lao động cưỡng bức và các vụ lạm dụng khác – những cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ. Điều khoản này có hiệu lực sau 180 ngày kể từ ngày ban hành.
Chủ nghĩa dân tộc thái quá
Các nhà phê bình cho rằng ĐCSTQ coi việc thổi phồng tinh thần dân tộc chủ nghĩa là một phương pháp cơ bản để tập hợp nhân dân và củng cố quyền cai trị của mình.
Ông Li Yuanhua, cựu phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô, cho biết: Chính quyền trung ương ở Trung Quốc đã khuấy động “tình cảm dân tộc điên cuồng” bằng cách cáo buộc các thực thể ngoại quốc “xúc phạm Trung Quốc.”
Ông nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng: “Một mặt, Bắc Kinh hy vọng sẽ kích động các phong trào quần chúng để thể hiện sự ủng hộ ở quê nhà và khơi dậy chủ nghĩa dân tộc. … Mặt khác, họ hy vọng sẽ cảnh báo các doanh nghiệp ngoại quốc ở Trung Quốc đứng về phía Trung Cộng trong các vấn đề toàn cầu.”
Nhưng một số người nói rằng họ tham gia tẩy chay chỉ để chạy theo trào lưu.
Một thành viên nói với truyền thông Trung Quốc: “Tôi mua thẻ thành viên nhưng chưa tiêu nhiều, cảm thấy hụt hẫng. Tôi muốn tận dụng cơ hội này để hủy bỏ nó một cách đơn giản.”
Một người khác viết trên mạng xã hội: “Không hủy bỏ tư cách thành viên không có nghĩa là anh/chị không yêu nước.”
Tuần trước, Intel đã khơi dậy nhiệt tình dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp không cung cấp sản phẩm hoặc lao động từ khu vực Tây Bắc Tân Cương, nơi hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại tạm giam.
Ông Feng Chongyi, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết: “[Trung Quốc] đã lạm dụng khái niệm này [xúc phạm Trung Quốc] để đàn áp các bài phát biểu chính trị có quan điểm bất đồng chính kiến.”
Những thách thức đã đến với các thương hiệu quần áo vào đầu năm nay.
Vào tháng Ba, Liên đoàn Thanh niên Cộng sản đã chỉ trích tuyên bố cũ của H&M về việc cấm bông Tân Cương. Các công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đã xóa các sản phẩm và cửa hàng của công ty này khỏi nền tảng của họ. Nike, Tommy Hilfiger, Converse, Puma, và Calvin Klein cũng đã gây ra một cuộc tẩy chay hoàn toàn và mất các đại sứ thương hiệu trong chiến dịch này.
Với sự đóng góp của Reuters
Bà Rita Li là ký giả của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2018.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: