Wall Street đặt cược vào Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị không ổn định
Các ngân hàng và các công ty quản lý quỹ lớn nhất Wall Street đang tăng cường sự hiện diện ở Trung Quốc, ngay cả khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang leo thang.
Các giám đốc quản lý tài sản của Hoa Kỳ đang thực hiện những biện pháp để thiết lập một thị trường tiền tiêu. BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã nhận được sự chấp thuận của Bắc Kinh để thành lập một quỹ mạo hiểm Trung Quốc với sự hợp tác của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Temasek, quỹ đầu tư vốn nhà nước của Singapore. Trong khi đó, Vanguard, một quỹ đầu tư thụ động lớn của Hoa Kỳ, tuyên bố hồi tháng 8 rằng họ sẽ chuyển trụ sở chính ở Châu Á từ Hồng Kông sang Thượng Hải.
Các ngân hàng Hoa Kỳ như JPMorgan Chase và Citigroup cũng đã công bố kế hoạch thành lập các bộ phận quản lý quỹ tại Trung Quốc.
Nói về các công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự định nắm toàn quyền sở hữu [công ty] liên doanh chứng khoán Trung Quốc của mình, theo tạp chí kinh doanh đại lục Tài Tân (Caixin). Mặc dù Goldman Sachs hiện sở hữu 51% cổ phần của Công ty TNHH Chứng khoán Goldman Sachs Gao Hua, nhưng theo những người thạo tin thì kịch bản sẽ là mua lại [cổ phần từ] đối tác trong nước của mình.
Các ngân hàng khác có quyền sở hữu đa số (51% trở lên) đối với các liên doanh Trung Quốc bao gồm Nomura Holdings của Nhật Bản, Credit Suisse và UBS của Thụy Sĩ, và Morgan Stanley của Hoa Kỳ.
Những biện pháp của các nhà quản lý đầu tư và ngân hàng ở Wall Street được đưa ra khi Bắc Kinh thực hiện các bước tiến tới việc mở cửa thị trường vốn và ngành dịch vụ tài chính khổng lồ nhưng được bảo hộ nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Năm 2017, Bắc Kinh lần đầu tiên tuyên bố rằng họ sẽ cho phép sở hữu nước ngoài chiếm đa số trong các công ty dịch vụ tài chính, và vào tháng 7/2019, họ nói rằng Trung Quốc sẽ xóa bỏ tất cả các hạn chế về sở hữu nước ngoài vào năm 2020 liên quan đến các công ty môi giới, chứng khoán và bảo hiểm.
Tuy nhiên, các ngân hàng và nhà quản lý đầu tư ở Wall Street đang đổ xô vào Trung Quốc ngay cả trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chính trị gia tăng trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Năm nay, chính quyền TT Trump đã đặt mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc dưới sự tăng cường giám sát. Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Huawei và một nhóm các công ty Trung Quốc khác có quan hệ với quân đội và chính phủ, đồng thời tăng cường nỗ lực loại bỏ các kẽ hở về quy định cho các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ. Trung Quốc đã trở thành đối thủ của Hoa Kỳ trên các mặt trận then chốt như thương mại quốc tế, công nghệ và hệ tư tưởng.
Trải thảm chào đón
Vì sao Trung Quốc hiện đang tự do hóa ngành tài chính của mình? Đầu tiên, nó được chỉ định bởi thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc giai đoạn một được công bố hồi tháng Giêng. Một trong những quy định nêu rõ rằng Trung Quốc phải xóa bỏ tất cả các hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với các ngành chứng khoán, quản lý quỹ và hợp đồng tương lai và xóa bỏ mọi “kìm kẹp mang tính phân biệt đối xử”.
Một trong những lĩnh vực mà chính quyền TT Trump gây áp lực lên Bắc Kinh có liên quan đến sự tương hỗ trong việc tiếp cận thị trường. Gần đây nhất, bên cạnh các dịch vụ tài chính, TT Trump còn tập trung vào việc thiếu sự tương hỗ đối với các phương tiện truyền thông bằng cách đặt ra các hạn chế đối với các hoạt động truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Truyền thông Trung Quốc có thể tự do xuất bản và phổ biến quan điểm của họ ở Hoa Kỳ, trong khi các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ không có quyền tự do như vậy ở Trung Quốc.
Trung Quốc cũng cần thu hút đầu tư để duy trì nguồn cung USD. Các công ty Trung Quốc có khoản nợ gần 2 nghìn tỷ USD cần phải trả bằng USD. Và kể từ năm 2019, các ngân hàng Trung Quốc đã cạn kiệt nguồn USD, theo nguồn tin ban đầu từ The Wall Street Journal. Trong khi tính đến tháng 8/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People’s Bank of Chine) có 3,2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối và có thể can thiệp nếu cần, tính xác thực của số tiền đó đã bị một số nhà nghiên cứu nghi ngờ.
Cân nhắc lợi và hại
Có rất nhiều rủi ro cho các công ty Wall Street tìm cách hoạt động tại Trung Quốc.
Sự cố gần đây trong thương vụ bán lại TikTok vẫn đang bỏ ngỏ của ByteDance là một ví dụ điển hình về sự can thiệp của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể phá vỡ một thỏa thuận bán lại công ty này, cuối cùng dẫn đến hoàn tất việc hủy hoại sự định giá của TikTok (do chính quyền TT Trump khởi xướng). Chứng kiến các quỹ đầu tư như Sequoia Capital và KKR phải đối mặt với những khoản hạch toán nợ xấu khổng lồ, liệu các nhà đầu tư khác có ngần ngại bỏ vốn vào công ty khởi nghiệp được ưa chuộng kế tiếp của Trung Quốc không?
Tham nhũng là một quả bom tiềm ẩn khác mà các ngân hàng Wall Street đã kích hoạt. Vào năm 2016, JPMorgan đã bị các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ phạt vì cái gọi là “chương trình con trai và con gái” (“sons and daughters program”), thuê người thân của các quan chức ĐCSTQ để giành được hợp đồng cho các chi nhánh ở Trung Quốc của họ. Đó là một vết nhơ cho JPMorgan và các ngân hàng toàn cầu khác, những ai đã từng thực hiện các chiêu trò tương tự với hy vọng tranh thủ sự ủng hộ của các quan chức địa phương. Liệu các công ty con thuộc sở hữu 100% vốn của các công ty tài chính nước ngoài có thể cạnh tranh hiệu quả trong tương lai hay không?
Ngoài ra còn có các vấn đề về ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và các mối quan tâm khác có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà đầu tư. Khách hàng chủ yếu của một ngân hàng Trung Quốc là các công ty nội địa Trung Quốc, nhiều công ty trong số đó có cấu trúc quyền sở hữu và các vấn đề quản trị không rõ ràng. Và việc phục tùng ĐCSTQ — một chế độ với hồ sơ ngược đãi nhân quyền khủng khiếp — để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường sẽ không tăng thêm điểm ESG cho ngân hàng. Sự kiện “Hoa Mộc Lan” gần đây của Walt Disney Co. là lời nhắc nhở mới nhất rằng hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc mang lại những rủi ro đáng kể về danh tiếng.
Giả sử cuối cùng các dự án liên doanh với Trung Quốc sẽ tạo ra lợi nhuận cho công ty mẹ, thì việc thu hồi tiền mặt thường xuyên là một thách thức đối với các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc. Bắc Kinh duy trì các biện pháp kiểm soát vốn nước ngoài nghiêm ngặt, có nghĩa là các nguồn vốn chảy vào và ra khỏi Trung Quốc được kiểm tra kỹ lưỡng. Ngoài thuế và các điều kiện tiên quyết khác, các công ty còn đối mặt thêm với những khó khăn khi trả cổ tức cho công ty mẹ. Tuy nhiên, với các nguồn lực pháp lý và tuân thủ pháp lý sẵn có cho các công ty Wall Street, đây có thể là một vấn đề tốn kém – nhưng sau cùng vẫn có thể giải quyết được.
Dù gì đi nữa, Trung Quốc có thể sẵn sàng phá luật để bảo vệ các công ty chứng khoán địa phương.
Vậy lợi ích là gì? Đó là một phần của mảng dịch vụ tài chính trị giá 45 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, và các khoản hoa hồng liên quan đến việc cơ cấu nợ và kêu gọi vốn, quản lý đầu tư, và tư vấn mua bán và sáp nhập. Wall Street đang dựa vào thương hiệu và bề dày kinh nghiệm để nhanh chóng chiếm lấy thị phần.
Các doanh nghiệp đang đặt cược dài hạn rằng tăng trưởng ngành trong tương lai có thể sẽ đến từ phương Đông, chứ không phải từ phương Tây. Và nếu ĐCSTQ sụp đổ trong tương lai, xu hướng đó sẽ chỉ tăng tốc và một số rủi ro này có thể biến mất.
Đó có thể là một chiến lược hợp lý, mặc dù trong ngắn hạn thì chiến lược này có mức độ bấp bênh và rủi ro cao.
Tác giả: Fan Yu