Vương quốc Ả Rập Thống nhất phóng phi thuyền lên Hỏa Tinh
Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã phóng phi thuyền đầu tiên lên Hỏa Tinh vào ngày 20/7, trong một nỗ lực nhằm phát triển khoa học công nghệ và giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.
Phi thuyền thăm dò vũ trụ Hy Vọng đã khởi hành từ Trung tâm Không gian Tanegashima của Nhật Bản lúc 1:58 sáng giờ UAE / 6:58 giờ Nhật Bản, ngày thứ Hai (20/7) (21:58 GMT ngày Chủ nhật, 19/7) cho hành trình dài bảy tháng tới Hỏa Tinh. Tại đó, nó sẽ bay quanh quỹ đạo và gửi các dữ liệu về trái đất.
Ảnh do trung tâm thăm dò mặt trăng và dự án vũ trụ của Cục Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc cung cấp cho Trung tâm Thông tấn Tân Hoa Xã vào ngày 23/8/2016, cho thấy một ý tưởng thiết kế phi thuyền đổ bộ Hỏa Tinh 2020 của Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã qua AP)
Phi thuyền đầu tiên này của người Ả Rập ban đầu dự kiến sẽ khởi hành vào ngày 14/7, nhưng đã bị trì hoãn hai lần do thời tiết xấu.
Chỉ hơn một giờ sau khi được phóng, phi thuyền thăm dò đã triển khai các tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho các hệ thống và thiết lập kênh liên lạc vô tuyến với trái đất.
Hiện tại có tám phi thuyền đang hoạt động khám phá Hỏa Tinh. Một số đang bay quanh quỹ đạo, còn một số khác đã hạ cánh trên bề mặt của nó. Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang lên kế hoạch thực hiện thêm phi thuyền nữa trong năm nay.
Ảnh minh họa được cung cấp bởi Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho thấy tàu thăm dò ExoMars 2016 đang hướng tới sao Hỏa. (D.Ducros/ESA qua AP)
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Cao cấp, bà Sarah Amiri, chương trình lên Hỏa Tinh của UAE tiêu tốn 200 triệu USD. Mục đích của nó là cung cấp một bức tranh đầu tiên hoàn chỉnh về bầu khí quyển của sao Hỏa, và để nghiên cứu sự thay đổi theo từng ngày và từng mùa.
UAE đã thông báo các kế hoạch này lần đầu tiên vào năm 2014 và đã khởi động một Chương trình Không gian Quốc gia vào năm 2017 để phát triển chuyên môn trong nước. Với dân số 9.4 triệu người, trong đó phần lớn là lao động nước ngoài, nước này thiếu các cơ sở khoa học và công nghiệp so với các nước phát triển khác về khoa học không gian.
Họ đang có một kế hoạch đầy tham vọng nhằm định cư trên sao Hỏa vào năm 2117. Hazza al-Mansouri đã trở thành người UAE đầu tiên đi vào vũ trụ hồi tháng 9/2019, khi ông bay tới Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Bức ảnh do hãng thông tấn Kyodo chụp vào ngày 20/7/2020 cho thấy hỏa tiễn H-2A mang theo phi thuyền thăm dò Hy vọng, do Trung tâm vũ trụ Mohammed Bin Rashid (MBRSC) ở Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) phát triển để thám hiểm Hỏa Tinh, bay lên không trung sau khi khởi động từ bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima nằm trên hòn đảo phía tây nam Tanegashima, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo / qua Reuters)
Để phát triển và xây dựng phi thuyền thăm dò Hy Vọng, trung tâm không gian Mohammed Bin Rashid (MBRSC) của UAE và Dubai đã làm việc với các viện nghiên cứu của Hoa Kỳ.
Trung tâm không gian MBRSC ở Dubai sẽ giám sát cuộc hành trình của tàu vũ trụ trong suốt 307 triệu dặm với tốc độ trung bình 75,186 mile mỗi giờ.
Theo Lisa Barrington