Vương Hữu Quần: Vì sao ông Tập Cận Bình không ngừng tập trung quyền lực?
Ngày 11/03, tại lễ bế mạc kỳ họp thứ Tư của Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 của Trung Cộng, ông Tập Cận Bình đã có những hành động mới trong việc tập trung quyền lực, gây sự chú ý rộng rãi trong và ngoài nước.
Ông Tập đã tập trung quyền lực như thế nào? Tại sao ông Tập phải không ngừng tập trung quyền lực? Kết quả sẽ như thế nào? Bài viết này cố gắng đưa ra một số thảo luận sơ bộ về vấn đề này.
Biểu hiện rõ rệt việc tập trung quyền lực của ông Tập
Kể từ khi trở thành lãnh đạo của Trung Cộng, tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 18 vào tháng 11/2012, ông Tập đã thực hiện ít nhất chín hành động chính trong việc tập trung quyền lực cá nhân.
Thứ nhất, nắm quyền lực tối cao của Đảng, Chính phủ và Quân đội.
Một mình ông Tập nắm giữ ba chức vụ cao nhất về Đảng, Chính trị và Quân đội của Trung Cộng: Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Trung Cộng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Thứ hai, dùng người của mình làm người đứng đầu tại hơn mười Ủy ban
Ông Tập còn kiêm luôn các chức vụ Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia, Giám đốc Ủy ban Cải cách sâu và toàn diện của Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương, Chủ tịch Ủy ban An ninh mạng và Thông tin Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Pháp quyền Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Trung ương và Trưởng nhóm lãnh đạo công tác đối với Đài Loan của Trung ương, Trưởng nhóm lãnh đạo Quân ủy Trung ương về cải cách sâu rộng Quốc phòng và Quân đội, Chủ nhiệm Ủy ban hòa hợp phát triển hòa hợp quân-dân Trung ương, Tổng chỉ huy Trung tâm Tác chiến Liên hợp của Quân ủy Trung ương.
Thứ ba, xác lập vị trí “Tập hạt nhân” thông qua chiến dịch chống tham nhũng đả hổ diệt ruồi.
Sau khi ông Giang Trạch Dân trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng năm 1989, ông được ông Đặng Tiểu Bình “phong” làm “Giang hạt nhân.” Từ năm 2002 đến năm 2012, ông Hồ Cẩm Đào giữ chức Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Trung Cộng trong 10 năm, ông vẫn chưa bao giờ trở thành “Hồ hạt nhân.” Nhiều vấn đề lớn về đối nội và đối ngoại của Trung Cộng vẫn do “Giang hạt nhân” quyết định.
Bắt đầu từ tháng 01/2013, ông Tập đã phát động chiến dịch đả hổ chống tham nhũng và đã bắt giữ một nhóm quan chức cao cấp của đảng, chính phủ và quân đội, trong đó có ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. Hầu hết họ đều được ông Giang Trạch Dân đề bạt và trọng dụng. Đến tháng 10/2016, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Sáu của Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng khóa 18, ông Tập cuối cùng đã trở thành “Tập hạt nhân.”
Thứ tư, sửa đổi hiến pháp để suốt đời làm chủ tịch nước.
Ngày 11/03/2018, kỳ họp đầu tiên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 13 của Trung Cộng đã thông qua việc bãi bỏ quy định Chủ tịch nước “không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.” Đây là lần sửa đổi đầu tiên trong 36 năm qua của Hiến pháp năm 1982.
Thứ năm, các quan chức cao cấp báo cáo công tác cho Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Ngày 27/10/2017, sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc Trung Cộng lần thứ 19, hội nghị lần đầu tiên của Bộ chính trị đã ra quyết định: Ủy viên Bộ Chính trị Trung Cộng, Bí thư Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ đại biểu Nhân dân toàn quốc, Đại hội đại biểu Nhân dân, Quốc vụ viện, thành viên đảng bộ Chính Hiệp toàn quốc và Bí thư Đảng bộ của Tòa án tối cao và Viện kiểm sát tối cao, hàng năm phải báo cáo bằng văn bản với Ban chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Theo đó, vào tháng Hai năm nay, 52 quan chức cao cấp từ cấp phó nhà nước trở lên đã báo cáo bằng văn bản với ông Tập, bao gồm 24 thành viên Bộ Chính trị, 5 Ủy viên Quốc vụ viện, 9 Phó chủ tịch và tổng thư ký của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, và 11 Phó chủ tịch Ủy ban Chính hiệp toàn quốc, cho đến Bí thư Ban bí thư Trung ương Vưu Quyền, Bí thư Đảng bộ của Tòa án tối cao Chu Cường, và Bí thư Đảng bộ của Viện kiểm sát tối cao Trương Quân.
Thứ sáu, nhắc lại “Đảng lãnh đạo tất cả”
Câu nói “Đảng lãnh đạo tất cả” lần đầu tiên được xuất hiện trong một quyết định được Bộ Chính trị Trung Cộng thông qua vào ngày 01/09/1942. Đến 30/01/1962, ông Mao Trạch Đông đã nhắc lại câu nói này tại Hội nghị Công tác Trung ương.
Sau khi lên nắm quyền, ông Tập đã nhắc lại câu nói này và nhiều lần nhấn mạnh: “Trong đảng, chính quyền, quân đội, nhân dân, học giả, đông tây nam bắc, đảng lãnh đạo tất cả.” Tháng 10/2017, câu này được viết vào Hiến chương mới sửa đổi của Trung Cộng. Đến tháng 03/2018, Điều 1 trong Hiến pháp mới sửa đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bổ sung “Sự lãnh đạo của Đảng là đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.”
Tháng 10/2019, cuốn sách “Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi công tác” của ông Tập Cận Bình được xuất bản. Cuốn sách được ông Tập biên soạn từ tháng 11/2012 đến tháng 07/2019 và gồm 70 chương.
Thứ bảy, sửa đổi “Luật tổ chức” của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc.
Hôm 11/03, Kỳ họp thứ Tư của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 13 của Trung Cộng đã thông qua dự thảo sửa đổi “Luật tổ chức” Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc. “Luật Tổ chức” sau sửa đổi trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, trong thời gian diễn ra bế mạc đại hội, có thể cách chức các Phó thủ tướng, Ủy viên hội đồng nhà nước, Phó chủ tịch Quân ủy và Ủy viên Quân ủy. Đây là lần sửa đổi đầu tiên sau 39 năm kể từ khi luật này được ban hành lại và thông qua vào năm 1982.
Bằng cách này, ông Tập có thể sử dụng thân cận của mình là Thường vụ Bộ Chính trị và Chủ tịch Ủy ban Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Lật Chiến Thư, để thay thế Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ, Phó Chủ tịch Quân ủy và các thành viên Quân ủy lúc cần thiết khi ông nhận thấy những người kia có vấn đề. Khi thay thế bằng những người mà ông cho là đáng tin cậy, ông Tập đã tiến thêm một bước nắm Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương vào tay mình.
Thứ tám, “Hai điều bảo vệ” được xác định là kỷ luật chính trị quan trọng nhất.
Trong tập san “Cầu thị” của Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng đăng bài viết, “Để giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, việc đầu tiên là phải đạt được “Hai điều bảo vệ” (1. Là kiên quyết giữ vững vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và trong toàn Đảng, 2. Kiên quyết giữ vững vai trò lãnh đạo và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng).” Đây là “Kỷ luật chính trị và các quy tắc chính trị quan trọng nhất.”
“Địa vị hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình chính là giữ vững quyền lực và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương Đảng. Muốn giữ vững quyền lực và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương Đảng, trước hết phải giữ vững vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. “Hai điều bảo vệ” có nội hàm và yêu cầu rõ ràng, đó là để bảo vệ vị trí hạt nhân của Tổng bí thư Tập Cận Bình, đối tượng chính là Tổng bí thư Tập Cận Bình chứ không phải ai khác.”
“Hai điều bảo vệ” đã được ghi vào trong “Điều lệ thực hiện kỷ luật của Trung Cộng” khi được sửa đổi vào năm 2018. Cho đến nay, đã không ít quan chức cao cấp của Trung Cộng đã bị điều tra và giải quyết vì vi phạm nghiêm trọng “Hai điều bảo vệ.”
Thứ chín, không có người kế nhiệm nào được chỉ định.
Trước đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thông lệ bổ nhiệm người kế nhiệm. Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền cách đây hơn 8 năm, ông vẫn chưa chỉ định người kế vị. Mặc dù đã có nhiều suy đoán khác nhau về người kế nhiệm ông Tập, nhưng đều chưa được thực hiện. Năm nay, ngay cả giới truyền thông Hoa Kỳ cũng nói: Người kế nhiệm ông Tập Cận Bình chính là Tập Cận Bình.
Thông qua Chín biện pháp chính nói trên, việc tập trung quyền lực của ông Tập Cận Bình chỉ đứng sau nhà độc tài Mao Trạch Đông trước đây của Trung Cộng.
Lý do ông Tập không ngừng tập trung quyền lực
Có bốn lý do chính:
Thứ nhất, Trung Cộng có một “Chính phủ ngầm.”
Trước khi ông Tập lên nắm quyền, ông Hồ Cẩm Đào đã cầm quyền được 10 năm, nhưng do Trung Cộng đã có một “Chính phủ ngầm” do ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng đứng đầu. Các tay chân của ông Giang và ông Tăng trải dài từ trung ương đến địa phương, từ trong nước ra đến nước ngoài. Ông Hồ Cẩm Đào chỉ là một con rối, không có nhân sự của mình. Ngay cả người đại tổng quản Trung Nam Hải của ông là ông Lệnh Kế Hoạch, khi đó là Chánh văn phòng Trung ương Trung Cộng, cũng là người của ông Giang và ông Tăng, cho nên mới nói “Chính lệnh không ra khỏi Trung Nam Hải.”
Trước khi ông Tập lên nắm quyền cũng không có ai là tay chân của ông. Vào thời điểm đó, nếu ông Tập không hạ mình và không nghe theo ông Giang và ông Tăng thì cũng không thể trở thành người đứng đầu của Trung Cộng. Sau khi ông Tập lên nắm quyền đã phát động chiến dịch chống tham nhũng để giành lấy quyền lực từ tay ông Giang và ông Tăng. Ông Tập đã bắt giữ một nhóm người được hai ông này đề bạt và trọng dụng. Tuy nhiên, trước Đại hội Trung Cộng lần thứ 19, ông Tập cho rằng mình đã nắm quyền thành công, nên đã thỏa hiệp với ông Giang và ông Tăng là không bắt hai người này. Cây chưa đổ thì khỉ chưa giải tán. Cho nên “Chính phủ ngầm” này luôn muốn lật đổ ông Tập.
Thứ hai, mưu đồ làm lãnh đạo nhiệm kỳ 3 liên tiếp tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Trung Cộng.
Đến năm 2022, chức vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng hai nhiệm kỳ liên tiếp của ông Tập sẽ hết hạn.
Năm tới, Trung Cộng sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20, vì các chức danh như Ủy viên Trung ương Trung Cộng, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Cộng, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Cộng đều sẽ cần chuyển giao cho người ở nhiệm kỳ mới.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc Trung Cộng lần thứ 20 sẽ quyết định việc bố trí nhân sự của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 14 và cho “Nhất phủ lưỡng viện” [1] vào năm 2023. Tại kỳ họp đó, Chủ tịch nước, đại biểu Đại hội Nhân dân toàn quốc, Quốc vụ viện, Tòa án tối cao và Viện kiểm sát tối cao đều sẽ cần đổi người.
71 năm cầm quyền của Trung Cộng đã đẩy “Chủ nghĩa tôn thờ quyền lực” lên đến cực điểm, có quyền lực thì sẽ nổi danh, có tiền, có mỹ nữ, có nhà sang, có địa vị và có sức ảnh hưởng, nên có quyền lực thì sẽ có tất cả. Mất quyền lực, hoặc thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực, có thể trở thành tù nhân hoặc thậm chí bị xử tử.
Đối với các quan chức Trung Cộng mà nói, quyền và lợi, thậm chí có mối liên hệ chặt chẽ với sự sống và cái chết. Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Trung Cộng, rốt cuộc ai sẽ lên và ai sẽ xuống? Quan chức cao cấp Trung Cộng chắc chắn sẽ bắt đầu một cuộc chiến sinh tử mới và là cuộc chiến một mất một còn.
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến ông Tập không ngừng tập trung quyền lực, chính là để giành chiến thắng trong cuộc tranh đấu nội bộ và giành chiến thắng trong việc nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Trung Cộng.
Thứ ba, không có cảm giác an toàn và lo lắng bị tính sổ.
Hôm 04/03, Đại hội Chính Hiệp toàn quốc Trung Cộng khai mạc, đoạn truyền hình trực tiếp của CCTV cho thấy hiếm khi có hai “tách trà” ở bên phải bàn làm việc của ông Tập, và những người khác chỉ có một tách trà. Hơn nữa, nam tiếp tân rót “trà” cho ông Tập chỉ phục vụ một mình ông Tập, còn các tiếp tân khác phải phục vụ hàng chục đại diện hoặc thành viên ủy ban. Ngoại giới đặt câu hỏi rằng liệu nước mà ông Tập uống có khác với những người khác không (có thể trong người không khỏe), hay là để đề phòng có người hạ độc?
Hôm 10/02, một ngày trước đêm giao thừa Tết Nguyên đán của Trung Quốc, khi Trung Cộng tổ chức Đại hội mừng năm mới tại Đại lễ đường Bắc Kinh, một số nam thanh niên mặc đồ đen, mặt hướng về các quan chức của Trung Cộng tham dự đại hội, họ ngồi xung quanh bàn chính, nơi có tám vị lãnh đạo cao cấp nhất ngồi, rõ ràng là để giám sát các quan chức cao cấp ngồi gần bàn chính để bảo đảm an toàn cho ông Tập.
Trong hơn tám năm kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, bảy quan chức quân sự và chính trị cấp cao ở khu cảnh vệ Bắc Kinh đã bị thay thế, thay đổi tới bốn Tư lệnh: Trịnh Truyền Phúc, Phan Lương Thời, Vương Xuân Ninh, Phó Văn Hóa; ba Chính ủy đã bị thay: Cao Đông Lộ, Khương Dũng, Trương Phàm Địch. Tại sao? Vì ông Tập không tin tưởng bất cứ ai!
Ông Tập đã nắm quyền hơn tám năm và gần 500 quan chức cao cấp từ cấp phó tỉnh (bộ) trở lên đã bị điều tra và truy tố. Rất nhiều người bị kết án ở tù, tử hoãn, tù chung thân, có người thậm chí đã bị kết án tử hình và hành quyết rất nhanh chóng. Những người này và các “hổ con,” “hổ cháu,” “hổ già” và “hổ vương” đằng sau họ, đều hận ông Tập đến tận xương. Nếu ông Tập bị những người này lật đổ quyền lực, họ sẽ trả thù gấp đôi đối với ông Tập và cả già trẻ lớn bé nhà ông ta.
Đêm khuya 05/03/2016, mạng tin tức Tân Cương Vô Giới đã công bố một bức thư ngỏ “yêu cầu ông Tập từ chức,” trong thư có ba chỗ đe dọa sự an toàn cá nhân của ông Tập và gia đình ông.
Đoạn đầu tiên đề cập đến việc yêu cầu ông Tập từ chức, là vì “Suy nghĩ đến sự an toàn của ông và gia đình.” Đến đoạn thứ hai từ dưới lên viết: “Chúng tôi lo ngại rằng cách [chống tham nhũng] của ông sẽ gia tăng thêm cuộc đấu tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng, và cũng có khả năng mang đến những mối họa tiềm ẩn đến an toàn của ông và gia đình.” Đoạn cuối đề cập, “vì sự an toàn của ông và gia đình,” đề nghị ông “từ chức khỏi tất cả các chức vụ của đảng và nhà nước.”
Năm 2020 là năm có nhiều lời kêu gọi ở trong và ngoài nước nhất, như các lời mắng chửi Tập, phản Tập, lật đổ Tập, yêu cầu Tập từ chức, chính biến, binh biến, thay người… Nên cảm giác bất an của ông Tập ngày càng mạnh.
Thứ tư, ngày tàn của Trung Cộng đang đến gần.
Vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Trung Cộng đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sinh tồn cực lớn.
Ngày 20/07/1999, sau khi nhà độc tài Trung Cộng Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại lớn đối với các học viên Pháp Luân Công có tín ngưỡng vào “Chân, Thiện Nhẫn,” Trung Cộng đã bắt đầu bước tới sự tham nhũng, hủ bại toàn diện và triệt để.
Sau khi ông Tập lên nắm quyền vào tháng 11/2012, nhiều mâu thuẫn sâu sắc mà Trung Cộng tích lũy trong vài thập kỷ qua đã bùng phát một cách toàn diện. Đến năm 2020, do Trung Cộng che giấu dịch bệnh v.v. dẫn đến “virus Trung Cộng” từ Vũ Hán lan ra khắp thế giới, Trung Cộng đã rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có. Cho đến nay, Trung Cộng đã trở thành đảng chính trị tham nhũng nhất trên thế giới, không có thuốc chữa và không ai có thể phục hồi được.
Trung Cộng đã vô phương cứu chữa, và các triệu chứng dẫn đến sự diệt vong của nó đang hiển hiện ra. Ông Tập không thể nghĩ ra bất kỳ chiêu nào cao siêu để cứu vãn vận mệnh Trung Cộng trước sự sụp đổ tất yếu. Dưới áp lực khủng khiếp như núi Thái Sơn, ông Tập liên tục hướng về phía tả, học tập từ Mao Trạch Đông, quay trở lại “Cách mạng Văn hóa,” tập trung quyền lực, tập trung quyền lực và tập trung quyền lực hơn nữa.
Phần kết luận
Việc ông Tập Cận Bình liên tục tập trung quyền lực có thể mở đường cho việc cầm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc Trung Cộng lần thứ 20. Tuy nhiên, nếu cái gì cũng quản, thì tất nhiên cái gì cũng quản không tốt, cái gì cũng quản, quyền lực tập trung tuyệt đối chắc chắn sẽ dẫn đến tham nhũng hủ bại tuyệt đối. Việc Mao Trạch Đông và Stalin tập trung quyền lực đã mang lại những đại thảm họa chưa từng có. Nếu ông Tập tiếp tục đi theo con đường của Mao Trạch Đông và Stalin, thì điều đó là cực kỳ nguy hiểm.
[1] theo baidu.com, nhất phủ chỉ chính phủ, lưỡng viện chỉ pháp viện (tòa án) và viện kiểm sát
Do Gao Yi thực hiện
Sương Sương biên dịch
Xem thêm: