Vương Hách: Trung Cộng vì sao muốn tranh đứng đầu về cấy ghép nội tạng?
Sáng sớm ngày 26/02, ông Tang Vận Kim, 57 tuổi, chuyên gia cấy ghép gan, Phó viện trưởng Tập đoàn Y tế Đại học Thanh Đảo, đã đột ngột “qua đời”, nguyên nhân cái chết của ông “không tiện tiết lộ”, rất kỳ quặc.
Kỳ quặc hơn chính là, loại sự kiện này liên tiếp diễn ra trong những năm gần đây. Ví dụ: ngày 04/05/2007, ông Lý Bảo Xuân, 44 tuổi, chuyên gia cấy ghép thận của tại Đại học Quân y số 2 Thượng Hải, nhảy từ tầng 12 của Bệnh viện ghép thận xuống đất và tử vong; ngày 16/03/2010, ông Lê Lỗi Thạch, 84 tuổi, Viện sỹ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, chuyên gia nổi tiếng thế giới về bệnh thận, Phó viện trưởng Bệnh viện đa khoa Quân khu Nam Kinh, đã nhảy khỏi tòa nhà 14 tầng của mình và tử vong; ngày 13/10/2013, ông Khương Húc Sinh, 50 tuổi, Giám đốc Bệnh viện cấy ghép gan Tề Lỗ thuộc Đại học Sơn Đông, đã cắt cổ, mổ bụng tự sát tại nhà. Bài viết này cuối cùng sẽ giải thích những điều kỳ quặc như đã đề cập ở bên trên.
Đối lập với sự kỳ quặc đến kỳ dị như nói ở trên, đó chính là ý đồ muốn tranh vị trí đứng đầu thế giới về cấy ghép nội tạng của Trung Cộng. Người phát ngôn và cũng là người thực hiện cho ý đồ này chính là Hoàng Khiết Phu, 70 tuổi, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Trung ương. Hiện nay ông đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Cấy ghép và hiến tạng Trung Quốc, Chủ tịch Quỹ phát triển Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc.
Năm 2018, ông Hoàng Khiết Phu đã nói trên Đài truyền hình Trung ương Trung Cộng rằng, “Cấy ghép tạng của Trung Quốc sẽ nhanh chóng đứng đầu thế giới”. Vào ngày 20/11/2020, sau hội nghị Diễn đàn Khoa học cấy ghép tạng (TSS) 2020, ông Hoàng Khiết Phu đã nói thêm khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ “Tin tức Bắc Kinh” rằng, việc cấy ghép tạng của Trung Cộng “vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội”, hy vọng đến năm 2023, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về cấy ghép tạng. Ông Hoàng đã lập kế hoạch cho mục tiêu quốc gia đứng đầu thế giới, bao gồm: tăng các ca cấy ghép tạng lên 50,000 ca mỗi năm (Hoa Kỳ hiện nay hơn 30,000 ca), phát triển 300 bệnh viện cấy ghép tạng (hiện nay là 173 bệnh viện), điều phối viên hiến tặng nội tạng đạt 5,000 người v.v…
Điều này xem như là một “giấc mộng Trung Cộng” huy hoàng khác. Như vậy, dựa vào đâu Trung Cộng lại muốn tranh vị trí đứng đầu về cấy ghép tạng? Ít nhất có hai nguyên nhân.
Thứ nhất, Trung Cộng tuyên bố rằng: số lượng các ca hiến và cấy ghép tạng ở Trung Quốc đại lục ổn định đứng thứ hai thế giới; hiện nay trên thế giới đã thực hiện những ca cấy ghép tạng loại nào thì ở Trung Quốc đại lục cũng đều đã thực hiện, một số kỹ thuật cấy ghép tạng như kỹ thuật cấy ghép gan tự thân, kỹ thuật cấy ghép tạng không thiếu máu cục bộ, kỹ thuật cấy ghép gan trẻ em, đã có sự đột phá, dẫn đầu thế giới; tạo ra “kinh nghiệm Trung Quốc” về hiến tặng và cấy ghép tạng. Mặc dù năm 2020 dịch bệnh hoành hành khắp nơi, nhưng ông Vương Hạ Thắng, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Cộng cho biết, tính đến cuối tháng 11/2020, số lượng thực hiện phẫu thuật cấy ghép tạng ở Trung Quốc đại lục vẫn cao đạt tới 16,307 ca.
Thứ hai, lừa dối và dùng lợi ích dụ dỗ ngành công nghiệp cấy ghép tạng quốc tế. Vì nghi ngờ rất lớn về tính hợp pháp của nguồn tạng trong việc cấy ghép tạng của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2006 mãi cho đến năm 2015, trên thế giới vẫn luôn có chính sách “ba không” khiến cho Trung Cộng lúng túng: không công nhận thành quả cấy ghép lâm sàng của Trung Quốc, không cho phép các bác sỹ Trung Quốc đăng tải các bài viết, báo cáo cấy ghép tạng lâm sàng trên các tạp chí y khoa uy tín của quốc tế, không đồng ý các chuyên gia cấy ghép tạng của Trung Quốc gia nhập tổ chức cấy ghép tạng quốc tế. Dĩ nhiên là vẫn có bác sỹ cấy ghép tạng của Trung Quốc tham gia các hội nghị quốc tế, nhưng họ đều giống như những con chuột vậy, đến nghe một chút sau đó lặng lẽ rời đi. Nhưng dưới những nỗ lực chi tiết của Trung Cộng, Trung Cộng đã nhiều lần lừa dối mê hoặc cộng đồng quốc tế. Về vấn đề này có 4 sự kiện để nhận biết.
Thứ nhất, tháng 08/2016, Hội nghị cấy ghép tạng quốc tế, là một hội nghị học thuật lớn nhất và có uy tín nhất về cấy ghép tạng hai năm mới tổ chức một lần, lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc (Hồng Kông). Ngày đầu tiên của hội nghị còn tiến hành thảo luận chuyên đề về Trung Quốc, điều này được xem như là lần đầu tiên Trung Cộng lên tiếng trước giới cấy ghép tạng quốc tế.
Thứ hai, tháng 10/2016, Trung Cộng tổ chức “Hội nghị hiến tặng tạng quốc tế Trung Quốc”, đây là hội nghị quốc tế về lĩnh vực hiến tặng và ghép tạng đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc đại lục. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lúc bấy giờ là bà Trần Phùng Phú Trân (Margaret Chan), người Hồng Kông, đã nói trong bài phát biểu qua video rằng, “đánh giá cao sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực hiến tặng và cấy ghép tạng.”
Thứ ba, tháng 02/2017, Hoàng Khiết Phu dẫn đầu đoàn tham dự “Hội nghị thượng đỉnh chống buôn bán tạng toàn cầu” do Học viện Khoa học Giáo hoàng Vatican tổ chức; năm 2018 các chuyên gia của Trung Cộng lại tham gia Hội nghị thượng đỉnh về đạo đức thực hành toàn cầu do Học viện Khoa học Giáo hoàng Vatican tổ chức (đây là hội nghị học thuật đạo đức chuyên ngành có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu quốc tế, mục đích nghiên cứu và thảo luận về hiện trạng và xu thế tội phạm xâm phạm an toàn thân thể bao gồm buôn bán tạng toàn cầu).
Thứ tư, tại Hội nghị cấy ghép tạng quốc tế được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha năm 2018, Trung Cộng cử hơn 150 chuyên gia tham dự và phát biểu giao lưu; theo đề xuất của Trung Cộng tại Hội nghị tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, Ủy ban đặc biệt về hiến tặng và cấy ghép tạng và cơ thể người của Tổ chức Y tế Thế giới được tuyên bố thành lập, ông Hoàng Khiết Phu được đề cử làm Chủ tịch danh dự của Ủy ban, ông Hoàng Hải Ba, người phụ trách hệ thống máy tính về chia sẻ và phân phối tạng người của Trung Quốc, giữ chức Ủy viên, cả Trung Cộng và Hoa Kỳ đều có hai thành viên trong ủy ban này. Hoàng Khiết Phu đã tuyên bố trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc rằng, “Lần này xem như Trung Quốc chính thức bước lên vũ đài cấy ghép tạng thế giới.”
Hai lời nói dối trắng trợn
Sở dĩ Trung Cộng có thể phá vỡ sự tẩy chay của quốc tế, là nhờ tác dụng cực lớn của hai lời nói dối trắng trợn của họ.
Lời nói dối thứ nhất là liên quan đến vấn đề nội tạng của tử tù. Ở Trung Quốc từ xưa tới nay việc hiến tặng bộ phận cơ thể người vô cùng ít ỏi. Mặc dù vào năm 1984, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Dân chính cùng nhau ban bố “Quy định tạm thời liên quan đến việc sử dụng thi thể hay nội tạng của tội phạm bị tử hình”, cho phép sử dụng nội tạng của tử tù để cấy ghép; nhưng chính quyền Trung Cộng khăng khăng phủ nhận.
Từ năm 2000 đến nay, số lượng các ca cấy ghép nội tạng hàng năm tại Trung Quốc tăng vọt nhanh chóng, nội tạng của tử tù không thể nào đáp ứng được nhu cầu đó. Ví như, xét theo số liệu từ năm 2000 đến 2002 và năm 2008, có khoảng 6,000 đến 6,500 tử tù cung cấp nội tạng; nhưng trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2006, số lượng các ca cấy ghép nội tạng tăng lên với mức độ rất lớn, mỗi năm có 12,000 – 20,000 ca (1). Như vậy, Trung Cộng hẳn phải có một nguồn cung cấp nội tạng khác ổn định, quy mô lớn, chất lượng tốt và sẵn có để cung cấp bất cứ lúc nào, nhưng đối với vấn đề này thì Trung Cộng lại giấu kín như bưng. Mãi cho đến năm 2006, “Epoch Times” ở nước ngoài đã đưa ra ánh sáng việc Trung Quốc thực sự có kho cung cấp nguồn nội tạng người sống khổng lồ bí mật, thì vấn đề này mới được dư luận biết đến và quan tâm.
Việc đưa ra ánh sáng này như muốn lấy mạng của Trung Cộng, trở thành tử huyệt của Trung Cộng. Đương nhiên là Trung Cộng dùng mọi cách để chối quanh, nhưng chỉ điều này căn bản là chưa đủ; nhằm chuyển hướng sự chú ý, Trung Cộng cuối cùng thừa nhận sử dụng nội tạng của tử tù, đồng thời cố gắng dùng nội tạng tử tù nhằm che đậy sự tồn tại của kho cung cấp nội tạng sống. Trung Cộng mượn miệng Hoàng Khiết Phu để tuyên bố, bắt đầu từ 01/01/2015, việc sử dụng nội tạng tử tù để làm nguồn cung cấp cấy ghép sẽ hoàn toàn chấm dứt, công dân tự nguyện hiến tặng nội tạng sau khi qua đời trở thành kênh duy nhất để sử dụng cấy ghép nội tạng.
Lời nói dối thứ hai là vấn đề công dân Trung Quốc tự nguyện hiến tặng nội tạng. Tỷ lệ người dân Trung Quốc tự nguyện hiến tặng nội tạng cực thấp, ví như, từ cuối năm 1977 đến cuối năm 2009, trong khoảng thời gian 30 năm, ở Trung Quốc đại lục chỉ có 130 công dân hiến tặng nội tạng sau khi qua đời; lại như sau khi Trung Quốc thành lập hệ thống hiến tặng nội tạng toàn quốc vào năm 2009, đến năm 2013, hàng năm vẫn chỉ có vài trăm người tự nguyện hiến tặng nội tạng của mình. Mà từ sau khi Trung Cộng tuyên bố sẽ hoàn toàn chấm dứt sử dụng nội tạng tử tù từ năm 2015 trở đi, thì tỷ lệ hiến tặng lại tăng cao.
Theo “Báo cáo phát triển cấy ghép nội tạng Trung Quốc năm 2019” của Quỹ Phát triển Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc cho thấy, từ 01/01/2015 đến 31/12/2019, có tổng cộng 24,112 trường hợp công dân Trung Quốc hiến tặng nội tạng sau khi qua đời đã được hoàn thành. Năm 2019, đã hoàn thành 5,818 trường hợp hiến tặng tạng sau khi công dân qua đời, và 19,454 ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng. Tỷ lệ hiến tặng tạng trên một triệu dân đã tăng từ 2.01 vào năm 2015 lên 4.16 vào năm 2019.
Những số liệu này ngoài sức tưởng tượng, đã khiến dư luận nghi ngờ. Một báo cáo nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc (Australian National University) năm 2019 đã phát hiện, số lượng nội tạng hiến tặng mà chính quyền Trung Cộng công bố bao năm qua là số liệu được hạn định dựa theo một phương trình định sẵn, không mấy khả năng xảy ra trong thực tế. Tiến sĩ Hồ Tông Nghĩa, chuyên gia Y tế cộng đồng Hoa Kỳ, đã nghiên cứu báo cáo của Đại học Quốc gia Úc, và cho rằng báo cáo này hết sức hợp lý khi nghi vấn đối với số liệu của Trung Cộng: “Báo cáo cho thấy (số liệu hiến tặng nội tạng ở Trung Quốc) có hai vấn đề, một là số liệu này quá “gọn gàng”, giống như là nó được tính ra từ một giá trị xác định nào đó, về phương diện thống kê học thì điều này khó có thể xảy ra; hai là việc hiến tặng và phẫu thuật cấy ghép không thể trùng khớp với nhau.”
Trung Cộng mổ cướp nội tạng sống: sự thật rõ ràng, chứng cứ vô cùng xác thực
Nếu số liệu về hai vấn đề nội tạng của tử tù và công dân Trung Quốc tự nguyện hiến tặng là đều do Trung Cộng ngụy tạo nên; vậy mà hiện nay, số lượng phẫu thuật cấy ghép nội tạng hàng năm ở Trung Quốc rất lớn, vậy nội tạng đến từ đâu?
Trên thực tế, từ sau khi Thời báo Epoch Times vạch trần “tội ác chưa từng có trên hành tinh này” – Trung Cộng mổ cướp nội tạng của học viên Pháp Luân Công còn sống với quy mô lớn vào năm 2006, dư luận quốc tế luôn đặt ra rất nhiều nghi vấn liên quan đến hệ thống cấy ghép nội tạng của Trung Quốc, như:
- Thực sự có việc Trung Cộng giết hại các học viên Pháp Luân Công là chủ yếu, ngoài ra còn có người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và tín đồ Cơ đốc giáo cùng những người dân Trung Quốc khác bằng cách mổ cướp nội tạng sống để cấy ghép không?
- Việc mổ cướp nội tạng sống rốt cuộc có quy mô thực tế lớn bao nhiêu?
- Việc mổ cướp nội tạng sống là do Giang Trạch Dân đích thân hạ lệnh?
- Mổ cướp nội tạng sống là do các bệnh viện riêng lẻ cấu kết với cảnh sát và tư pháp tiến hành, hay còn là tội ác có tính hệ thống trên toàn quốc?
Năm 2003, Tổ chức Quốc tế điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG, gọi tắt là “Điều tra Quốc tế”) được thành lập, sau hơn một thập kỷ liên tục điều tra hệ thống, đã đưa ra kết luận như sau (https://www.zhuichaguoji.org / node / 124628 ):
- Mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công còn sống là tội ác cấp quốc gia của Trung Cộng do Giang Trạch Dân ra lệnh.
- Nguồn cung chính cho kho cung cấp nội tạng của người còn sống ban đầu bị nghi ngờ là hàng triệu học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện bị bắt phi pháp.
- Sau năm 1999, ngành cấy ghép nội tạng của Trung Quốc phát triển bùng nổ.
- Một lượng lớn bằng chứng cho thấy ở Trung Quốc có tồn tại kho cung cấp nội tạng của người còn sống khổng lồ.
- Sau năm 2006, Trung Cộng không những không ngừng mà còn gia tăng việc mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công còn sống, xuất hiện hai lần cấy ghép nội tạng gấp (khẩn cấp) với số lượng lớn.
- “Sử dụng nội tạng tử tù và chỉ sử dụng nội tạng của người tự nguyện hiến tặng sau năm 2015” là trò bịp bợm khác nhau trong thời kỳ khác nhau.
- Phân tích lượng lớn dữ liệu cho thấy: Phần lớn các học viên Pháp Luân Công đang còn sống bị Trung Cộng mổ cướp nội tạng hành hạ cho đến chết.
- Học viên Pháp Luân Công còn bị dùng để làm thực nghiệm cơ thể người, và bị hóa nhựa thành tiêu bản cơ thể người.
- Mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công còn sống là sự tiếp nối lịch sử giết người của Trung Cộng.
Nói tóm lại, đây là tội ác diệt chủng cấp quốc gia, tội ác chống lại nhân loại! Kết luận điều tra này đã được đông đảo các nhà nghiên cứu độc lập quốc tế công nhận; đặc biệt còn được “Tòa án Nhân dân Độc lập” có uy tín của Anh Quốc (Independent People’s Tribunal/China Tribunal) ra phán quyết và kêu gọi ủng hộ.
“Tòa án Nhân dân Độc lập” là tòa án nhân dân đầu tiên trên thế giới tiến hành lấy lời khai về tội ác “mổ cướp nội tạng sống của Trung Cộng”. Tòa án này được “Liên minh Quốc tế về chấm dứt lạm dụng cấy ghép tạng ở Trung Quốc” (International Coalition to End Transplant Abuse in China, viết tắt là ETAC) đề xuất và được thành lập vào ngày 16/10/2018 tại London. Tòa án này chủ yếu điều tra trong quá trình “cưỡng bức thu hoạch nội tạng” diễn ra ở Trung Quốc (forced organ harvesting in China), chính quyền nhà nước, hoặc các cá nhân, cơ quan, tổ chức được chính quyền nhà nước chấp thuận có phạm tội hình sự hay không, trừng phạt như thế nào, và ai sẽ đảm nhận việc trừng phạt.
“Tòa án Nhân dân Độc lập” do đại luật sư của Vương Quốc Anh (Queen’s Counsel) và Kiểm sát trưởng Tòa án hình sự Quốc tế của Nam Tư cũ là Hiệp sỹ Nice (Geoffrey Nice QC) giữ chức Chủ tịch, đã hai lần cử hành phiên điều trần công khai vào tháng 12/2018 và tháng 04/2019 với tổng cộng 5 ngày, và ngày 17/06/2019 tại London cử hành phiên chung thẩm và ra phán quyết rằng “Trung Cộng phạm vào tội ác chống lại loài người”, trong đó bao gồm: “tội mưu sát, tội diệt chủng”. Tòa án đã chỉ ra rằng, “cưỡng bức mổ cướp nội tạng của Trung Cộng” đã tiến hành trong nhiều năm với quy mô rộng lớn ở Trung Quốc, đồng thời học viên Pháp Luân Công luôn là một trong những nguồn cung cấp nội tạng chính. Các hãng truyền thông chủ lưu của Tây phương như Đài phát thanh Anh Quốc (BBC), Đài phát thanh Quốc tế Pháp Quốc (France Radio), tờ “Nhật báo Người bảo vệ” (Guardian) của Anh Quốc đã thực hiện đưa tin trực tiếp từ phiên tòa.
Ngày 01/03/2020, lần đầu tiên “Tòa án Nhân dân Độc lập” công bố “Báo cáo toàn văn phán quyết” dài 160 trang, đồng thời kèm theo lời kể và lời khai của nhân chứng dài 300 trang, cũng chỉ ra tất cả các bằng chứng điện thoại được đệ trình cho Tòa án Nhân dân Độc lập, bao gồm cả việc bằng chứng điện thoại được đề cập đến trong báo cáo đều đã được “người điều tra độc lập xác nhận, đảm bảo độ tin cậy về nội dung và nguồn gốc.”
Trong báo cáo có những chứng cứ mới khiến cho người ta phải khiếp sợ, cho thấy Trung Cộng đang tiếp tục thực hiện các hoạt động “mổ cướp nội tạng sống” do nhà nước hậu thuẫn, và những người tu luyện Pháp Luân Công là nạn nhân chính. Tòa án này còn tuyên bố rằng, “Trung Cộng mổ cướp nội tạng” là một trong những hành vi tàn ác nghiêm trọng nhất trong thế kỷ này.
Hiện nay, phán quyết của “Tòa án Nhân dân Độc lập” đã được một số chính phủ và tổ chức quốc tế thông qua, và ngày càng trở thành nhận thức chung của cộng đồng quốc tế.
Lời kết:
Qua nội dung thảo luận ở trên, bài viết này cuối cùng trả lời hai vấn đề dưới đây.
Thứ nhất, tại sao Trung Cộng muốn trở thành quốc gia đứng đầu về cấy ghép nội tạng? Ngoại trừ một số nguyên nhân (như thông qua cấy ghép nội tạng để kéo dài mạng sống của các lãnh đạo Trung Cộng; lấy lợi ích để thu hút và thu mua chính khách của các quốc gia trên thế giới cần cấy ghép nội tạng, trong hoàn cảnh nguồn nội tạng khan hiếm trên phạm vi toàn thế giới; thu được lợi nhuận khổng lồ từ chuỗi ngành cấy ghép), mục đích quan trọng hơn là che đậy và tẩy trắng tội ác mổ cướp nội tạng người sống của nó, từ đó vô hình trung biến tội ác chưa từng có này thành “tình người”, biến tội ác thành “sự nghiệp”. Trung Cộng luôn tin tưởng rằng “lời nói dối càng lớn thì càng khó nhìn thấu”, dùng kế “dối trời qua biển” (man thiên quá hải). Thế nhưng, thực có thể “dối” được “Trời” sao? Chẳng qua là Trung Cộng đang lừa mình dối người mà thôi.
Thứ hai, nhóm người như Tang Vận Kim vì sao lại chết một cách khác thường như vậy? Một khi ngành cấy ghép nội tạng của Trung Quốc có nhiều nội tình đen tối như vậy, nhóm người Tang Vận Kim là những nhân vật chủ chốt trong đó, thì đương nhiên rất khó mà không phạm tội ác, những việc kinh khủng trong đó chỉ có tự bản thân mình biết mà thôi.
Ở đây xin được cung cấp một bằng chứng. Cuối năm 2020, “Điều tra Quốc tế” đã công bố một phần lời chứng “Lục Thụ Hằng đã dùng tên thật tố cáo với Tổ chức điều tra Quốc tế về tội ác của Trung Cộng mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công”, trong đó có nhắc đến việc bà Chu Thanh, chị của chị dâu Lục Thụ Hằng, là bác sĩ ngoại khoa lâu năm, đã từng làm phẫu thuật ngoại khoa lâm sàng rất nhiều lần. Nhưng sau vài lần tham gia mổ cướp nội tạng sống của học viên Pháp Luân Công, thì làm không được nữa, bởi vì bà luôn gặp ác mộng nên không dám làm nữa. Bởi vì khi bà Chu Thanh cầm dao mổ xuống, người bị mổ lấy nội tạng không được chích thuốc tê (nhằm đảm bảo chất lượng cho các phần nội tạng, không phải chỗ nào cũng có thể gây tê, những chỗ nào cần lấy nội tạng thì không thể gây tê, muốn nội tạng càng tươi thì càng không thể gây tê), sẽ đau đớn vô cùng, họ sẽ liều mạng kêu gào!
Dĩ nhiên, cái chết khác thường của nhóm người Tang Vận Kim không phải là không có nguyên nhân; thế nhưng, chúng ta không thể không đau xót mà đặt ra câu hỏi: Hiện nay Trung Cộng đang muốn tranh đoạt vị trí quốc gia đứng đầu về cấy ghép nội tạng, thì còn phải tạo ra bao nhiêu người như “Tang Vận Kim”? Bác sỹ tham gia cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, thực sự cam tâm đi theo con đường của Tang Vận Kim sao?
Chú thích:
- “Phạm nhân tử hình” không thể đủ để thực hiện đám mây hình nấm trên thị trường cấy ghép nội tạng Trung Quốc
https://www.minghui.org/mh/articles/2010/1/6/215793.html - Báo cáo của Đại học Australia: Dữ liệu hiến tạng của Trung Quốc có thể bị làm giả
https://www.rfa.org/mandarin/yataibaodao/renquanfazhi/xql-11152019105947.html
Do Gao Yi thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Xem thêm: