Vương cung Thánh đường St. Mark tại Venice, Ý: Một tuyệt tác kiến trúc
Từ lúc bình minh cho đến hoàng hôn, các bức tranh khảm vàng ở mặt tiền của Vương cung Thánh đường St. Mark (St. Mark’s Basilica) tại Venice tỏa sáng lung linh muôn vẻ. Ánh nắng thay đổi không ngừng mang lại hiệu ứng tráng lệ vô tận cho các bức tranh mô tả về hoạt động tôn giáo.
Các bức tranh khảm được thực hiện đầu tiên vào năm 1071, và dần được hoàn thiện trong tám thế kỷ để trang trí khoảng 9500 thước vuông từ trong ra ngoài của đại thánh đường, phản ánh sự pha trộn giữa thiết kế Ý và Byzantine nguyên bản.
Bên cạnh tranh khảm, phần lớn đại thánh đường được trang trí bằng vàng, nhiều đến mức từ thế kỷ 11 trở đi, nó được biết đến với tên gọi “Chiesa d’Oro” hay “Nhà Thờ Vàng”.
Về kiến trúc
Vương cung Thánh đường St. Mark được thánh hiến vào năm 832. Cuối thế kỷ thứ 10, nhà thờ bị hư hại vì hỏa hoạn. Việc trùng tu đại thánh đường (như) hiện tại bắt đầu từ năm 1063, tạo nên một kiến trúc pha trộn Hy Lạp và Byzantine được cho là chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Nhà thờ Hagia Sophia cũ (ngày nay là nhà thờ Hồi Giáo) ở Istanbul, sau đó được biết đến là thành phố Constantinople của Đế chế Đông La Mã (Byzantine).
Ngày nay, vương cung thánh đường là một trong những công trình điển hình nhất của thiết kế Italo-Byzantine. Các loại hình nghệ thuật và kiến trúc khác nhau ở khắp vương cung thánh đường thuộc các thời đại và địa điểm khác nhau, tạo nên một cấu trúc độc đáo đặc biệt. Chẳng hạn ở phía mặt tiền, các bức tượng và hàng cột đứng dọc theo các cổng vào được trang trí bằng các dải chạm khắc hẹp theo phong cách Romanesque, rất phổ biến từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 11. Phong cách Venice và Byzantine cũng được phản ánh trong nhiều bức tranh khảm của vương cung thánh đường.
Một số kiến trúc và nghệ thuật Byzantine cổ trong vương cung thánh đường là những tác phẩm nguyên bản từ phương Đông. Ví dụ, trong cuộc Thập Tự Chinh Thứ Tư, người Venice đã mang về thành phố của mình nhiều đồ khảm, phù điêu, cột và đầu cột sau Chiến thắng Constantinople năm 1204. Một số vật phẩm đáng chú ý là tượng Madonna Nicopeia, lớp men của bàn thờ bằng vàng, và bốn con ngựa đồng mạ vàng từ Hippodrome.
Mặc dù có vẻ ngoài là phong cách Byzantine, nhưng phần còn lại của nghệ thuật và kiến trúc “Byzantine” được chế tác bởi những nghệ nhân Venice.
Cho đến năm 1807 vương cung thánh đường vẫn là nhà nguyện của Tổng trấn. Nhưng sau khi Cộng Hòa Venice sụp đổ vào năm 1797, vương cung thánh đường đã trở thành nhà thờ chính của thành phố và là nơi ngự trị của giáo chủ, một vị trí tương tự như giám mục.
Nhân viên The Epoch Times
Phương Du biên dịch
Xem thêm: