Vụ Vạn Thịnh Phát: Cơ hội nào giúp bà Trương Mỹ Lan thoát án tử?
Sau hơn một tháng xét xử và nghị án, hôm 11/4 tại Sài Gòn (Việt Nam), Tòa án thành phố đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 đồng phạm.
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản và bị buộc bồi thường hơn 673,800 tỷ đồng.
Đây là mức phạt cao nhất trong quy định hiện hành liên quan đến tham nhũng. Vậy sau phán quyết, bà Lan có cơ hội thoát án không?
Về vấn đề này, một luật sư thuộc Đoàn luật Sài Gòn cho biết, tòa mới tuyên ở cấp sơ thẩm và bản án chưa có hiệu lực thi hành. Trong thời hạn 15 ngày sau khi tòa tuyên án, bà Lan có quyền kháng cáo lên Tòa án cấp cao tại thành phố.
Ngoài ra, trong vòng 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có quyền gửi đơn lên Chủ tịch nước xin giảm án.
Tại Việt Nam, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định một số trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình bao gồm:
- Phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
- Người đủ 75 tuổi trở lên;
- Người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ nhưng sau đó nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ….
Như vậy, trong các phiên phúc thẩm, thi hành án tới đây, nếu bà Lan nộp lại ít nhất 3/4 số tiền đã bị cáo buộc tham ô thì sẽ không bị thi hành án tử hình, hình phạt sẽ chuyển xuống chung thân.
Dự kiến tăng nhân sự thực hiện việc thu hồi tài sản vụ án
Liên quan đến việc thu hồi tài sản của vụ án, chiều 12/4, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó tổng cục trưởng Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho hay, đơn vị dự kiến tăng số lượng nhân sự thực hiện việc thu hồi. Đây là vụ án quy mô lớn nhất từ trước đến nay với số lượng tài sản lớn.
Theo quyết định từ bản án sơ thẩm, Công ty Quốc Cường Gia Lai cùng nhiều doanh nghiệp phải trả lại cho bà Lan gần 10,000 tỷ đồng, hơn 1,000 lượng vàng và nhận lại các dự án đã giao dịch trước đó.
Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng với người phạm tội nghiêm trọng liên quan đến các tội: xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng con người, liên quan đến ma túy, tham nhũng và một số tội nghiêm trọng khác. Hiện, có 18 tội phạm áp dụng hình phạt tử hình. Trong đó, liên quan tới tham nhũng có tội Nhận hối lộ và Tham ô tài sản có khung hình phạt cao nhất là tử hình. |
Băng Băng tổng hợp