Vụ thâu tóm Twitter và cái giá của tự do ngôn luận
Ông Elon Musk, một người tự xưng là “người ủng hộ quyền tự do ngôn luận tuyệt đối” (free-speech absolutist), đã ký một thỏa thuận vào tuần trước để mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD. Thỏa thuận vốn sẽ trở thành một trong những thương vụ mua lại lớn nhất trong những năm gần đây đã truyền cảm hứng cho một số người nói dí dỏm rằng người đàn ông giàu nhất thế giới đang chi hàng tỷ Mỹ kim để mua quyền tự do ngôn luận.
Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX đã nhiều lần chỉ trích trang mạng xã hội này vì hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Theo ông Musk, tự do ngôn luận là “nền tảng của một nền dân chủ đang vận hành” và Twitter đóng vai trò như “quảng trường kỹ thuật số,” nơi các vấn đề quan trọng được thảo luận.
Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông đã xác định được khoảng 3,600 trường hợp kiểm duyệt trên các nền tảng của big tech (những công ty đại chúng lớn nhất của Hoa Kỳ), trong đó nội dung bảo tồn truyền thống là mục tiêu hàng đầu. Tổ chức giám sát truyền thông thiên hữu này phát hiện ra rằng, Twitter đã tham gia vào hơn một nửa số vụ kiểm duyệt nói trên. Danh sách này liệt kê việc đình chỉ các tài khoản của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hồi tháng 01/2021 và việc kiểm duyệt các câu chuyện về ông Hunter Biden của tờ New York Post.
The Babylon Bee, một trang web tin tức trào phúng theo phái bảo tồn truyền thống, đã nhại lại lời chào mua Twitter của ông Musk trong một câu chuyện có nhan đề “Vì lạm phát, nên giá của tự do ngôn luận đã tăng vọt lên 43 tỷ USD”. Trang web này đã bị đình chỉ khỏi Twitter sau khi gọi một quan chức Tòa Bạch Ốc chuyển giới là “Người Đàn Ông Của Năm” trong một bài đăng hồi tháng Ba.
Tờ Washington Times đưa tin rằng ông Musk đã liên lạc với ông Seth Dillon, Giám đốc điều hành của Babylon Bee, để xác nhận việc đình chỉ này. Và chính trong cuộc trò chuyện của mình, ông Musk đã trầm ngâm suy tưởng rằng ông ấy có lẽ cần phải mua Twitter.
Hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2021), người đàn ông giàu nhất thế giới này đã tham dự một buổi phỏng vấn dài lê thê của trang tin tức trào phúng nói trên.
Ông Dillon nói với The Washington Times, “Tôi sẽ không gợi ý rằng The Babylon Bee là lý do duy nhất để ông Musk quyết định hành động,” tuy nhiên, nói thêm rằng việc Twitter đình chỉ trang web này có thể đã ảnh hưởng đến quyết định của ông ấy.
“Có lẽ đó là giọt nước làm tràn ly.”
Hôm 25/04, Twitter đã chấp nhận lời đề nghị 54.20 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt của vị tỷ phú này, vốn đặt giá trị của công ty vào khoảng 44 tỷ USD.
Ông Musk đã huy động được các khoản vay trị giá 25.5 tỷ USD, theo thông báo, trong đó một phần được hỗ trợ bởi một phần cổ phần của mình tại Tesla Inc.
Theo PitchBook, nếu thỏa thuận này được hoàn tất, đây sẽ là thương vụ tư hữu hóa lớn nhất kể từ khi Dell mua lại đại công ty lưu trữ dữ liệu EMC với giá 67 tỷ USD hồi năm 2016.
Các giao dịch tiếp quản tư nhân lớn nhất trong những thập niên gần đây (Đơn vị: Tỷ USD)
Mức giá mà ông Musk đưa ra thể hiện mức cao hơn 38% so với giá cổ phiếu đóng cửa của Twitter hôm 01/04, đó là ngày giao dịch cuối cùng trước khi ông Musk tiết lộ gần 9% cổ phần của mình trong Twitter.
Do mức giá này quá cao, một số người đã đặt câu hỏi liệu ông Musk có thể xoay chuyển công ty và tạo ra giá trị từ thương vụ lớn này hay không.
“Tôi không quan tâm đến kinh tế học chút nào,” vị tỷ phú này nói tại một hội nghị TED ở Vancouver một ngày sau khi ông đề nghị mua lại 100% cổ phần của công ty.
Việc chuyển sang sở hữu tư nhân hầu hết được các nhà đầu tư cổ phần tư nhân thúc đẩy như một cách để các doanh nghiệp thực hiện một bước chuyển mình khỏi ánh mắt của công chúng. Chiến lược này có thể tạo cơ hội cho các công ty đại chúng đang gặp khó khăn trong việc tái cấu trúc và thực hiện các điều chỉnh hoạt động với triển vọng sẽ niêm yết trở lại trong tương lai sau khi các vấn đề được giải quyết.
Hoạt động chuyển sở hữu tư nhân đạt đỉnh điểm vào năm 2007 và đã không thể phục hồi về mức trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông Musk đã cân nhắc việc đưa Tesla thành sở hữu tư nhân với giá 420 USD một cổ phiếu vào năm 2018, định giá nó là 72 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Musk sau đó đã bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch cáo buộc lừa dối các nhà đầu tư bằng cách tuyên bố gian dối trong một tweet rằng ông đã có đủ nguồn vốn để tư hữu hóa công ty này.
Kết quả là, ông Musk đã trả cho cơ quan quản lý 20 triệu USD và từ chức khỏi hội đồng quản trị của Tesla. Theo Pitchbook, với giá trị thị trường của nhà sản xuất xe hơi hiện đang dao động gần 1 ngàn tỷ USD này, thì việc tư hữu hóa công ty đúng ra sẽ là một nước đi có lợi cho ông Musk.
Thỏa thuận với Twitter dự kiến sẽ được hoàn tất trước ngày 24/10, theo thỏa thuận sáp nhập giữa ông Musk và công ty này.
Một số cổ đông đang kêu gọi ông Musk chấp nhận họ làm nhà đầu tư vào tập đoàn tư nhân này.
Ông Musk tuyên bố trong hội nghị Ted rằng ông dự định giữ càng nhiều cổ đông càng tốt như luật pháp cho phép trong công ty tư nhân.
“Chúng tôi sẽ cố gắng thu hút càng nhiều cổ đông càng tốt.”
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: