Vụ rò rỉ SCOTUS: 63 nhân viên bị tình nghi, yêu cầu tìm ra người chịu trách nhiệm ngày càng tăng
Ông Von Spakovsky cho biết ông tin rằng vụ rò rỉ bắt nguồn từ “một lục sự là nhà hoạt động cực đoan muốn kích động sự cuồng loạn của cánh tả nhằm uy hiếp và gây áp lực để các thẩm phán giữ nguyên phán quyết án lệ Roe kiện Wade và hỗ trợ cho phe cấp tiến trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây.”
Theo một nhân vật chủ chốt trong các cuộc tranh tụng tư pháp lớn mới đây của Quốc hội, các thẩm phán của Tối cao Pháp viện nên lập tức đưa ra quan điểm chính thức của họ trong vụ Dobbs kiện Jackson sau vụ rò rỉ một bản ý kiến dự thảo gây chấn động trong vụ án này, điều sẽ có thể lật ngược phán quyết án lệ Roe kiện Wade.
Theo bản dự thảo bị rò rỉ, năm thẩm phán đã đồng thuận lật ngược phán quyết của án lệ Roe kiện Wade năm 1973 trong vụ Dobbs kiện Jackson, ít nhất là tính đến ngày đề trên bản dự thảo này trong tháng Hai. Việc lật ngược án lệ sẽ trả lại quyền quyết định chính sách về phá thai cho các chính phủ tiểu bang. Theo đó, phá thai sẽ trở nên phổ biến rộng rãi ở một số tiểu bang trong khi trở nên ít phổ biến hơn, hoặc thậm chí là không khả dụng ở những tiểu bang khác.
“Trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến phe cực tả ngày càng trở nên trơ trẽn trong nỗ lực làm giảm uy tín và uy hiếp tòa án cao nhất của quốc gia chúng ta,” ông Mike Davis, chủ tịch và là nhà sáng lập Article III Project (A3P) cho biết. “Vụ rò rỉ chưa từng có này là một nỗ lực đáng kinh ngạc, đáng xấu hổ, và có khả năng là bất hợp pháp nhằm cản trở sự cân nhắc của Tối cao Pháp viện về một vụ án đang chờ giải quyết, đồng thời khiến tính mạng của các Thẩm phán gặp nguy hiểm.”
Ông cho biết trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Politico công bố bản ý kiến dự thảo rằng “để ngăn chặn bất kỳ tổn hại nào thêm nữa, Tối cao Pháp viện phải ra phán quyết ngay lập tức, và một cuộc điều tra phải được tiến hành để xác định ai là người chịu trách nhiệm.”
Ông Davis là cố vấn chính về đề cử cho Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện đương thời Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa) và dẫn đầu các thành viên Đảng Cộng Hòa trong các trận chiến xác nhận của Thượng viện cho Thẩm phán Brett Kavanaugh và cho một lượng kỷ lục thẩm phán tòa án khu vực do cựu Tổng thống Donald Trump đề cử.
Ông Davis thành lập A3P với tư cách là một tổ chức bất vụ lợi ủng hộ “các thẩm phán theo chủ nghĩa hợp hiến và pháp quyền.”
Ông Hans von Spakovsky, Chuyên viên Pháp lý cao cấp của Quỹ Di Sản (Heritage Foundation) nói với The Epoch Times rằng Chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts không nên chần chừ yêu cầu FBI điều tra vụ rò rỉ này và giúp đánh giá tổng thể về khả năng quản lý an ninh nội bộ của cơ quan thuộc nhánh quyền lực thứ ba của chính phủ này.
Ông Von Spakovsky nói, “Ngài chánh án nên ngay lập tức yêu cầu FBI điều tra việc vi phạm tệ hại này đối với tính bảo mật trong công việc của Pháp viện. Cơ quan này không thể hoạt động nếu không có sự bảo mật đó, giống như một công ty luật không thể hoạt động nếu có các lục sự làm rò rỉ thông tin liên lạc nội bộ, sản phẩm công việc, và các tài liệu đặc quyền của công ty.”
Khi được hỏi liệu tòa án cao cấp này có nên thành lập một Cơ sở Phân loại Thông tin Nhạy cảm (SCIF) — một “phòng an toàn” với quyền truy cập hạn chế và được giám sát cho các lục sự, những người thực hiện nhiều nghiên cứu và soạn thảo ý kiến cho chín vị thẩm phán — hay không, chuyên gia luật Hiến Pháp của Quỹ Di Sản cho biết rằng: “Như một phần của cuộc điều tra để tìm ra ai đã làm điều này, ông Roberts cần nhận được khuyến nghị từ Cảnh sát trưởng Tối cao Pháp viện và FBI về bất kỳ điều gì có thể làm để tăng cường các giao thức bảo mật của pháp viện. Tôi không biết liệu họ có cần đến một phòng an toàn giống SCIF hay không, nhưng rõ ràng họ cần những khuyến nghị từ nhân viên an ninh của họ về những gì có thể làm để ngăn chặn điều này.”
Ông Von Spakovsky cho biết ông tin rằng vụ rò rỉ bắt nguồn từ “một lục sự là nhà hoạt động cực đoan muốn kích động sự cuồng loạn của cánh tả nhằm uy hiếp và gây áp lực để các thẩm phán giữ nguyên phán quyết án lệ Roe kiện Wade và hỗ trợ cho phe cấp tiến trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây.”
Khi được hỏi liệu ông có cho rằng sẽ có các vụ bạo loạn hay các hình thức bạo lực khác hay không, ông Von Spakovsky cho biết ông hy vọng là không có, nhưng “khi nói đến bất ổn dân sự và bạo lực, lịch sử của chúng ta cho thấy rằng hầu như luôn xuất phát từ cánh tả cực đoan.”
Chánh án Roberts cho biết trong một tuyên bố hôm 03/05 rằng ông đang chỉ thị Cảnh sát trưởng Tối cao Pháp viện điều tra vụ rò rỉ này nhưng không cung cấp chi tiết về phạm vi của nỗ lực này, các nguồn lực sẽ có sẵn cho cuộc điều tra, hoặc là liệu FBI hoặc các cơ quan chấp pháp khác thuộc nhánh hành pháp có tham gia hay không. Cảnh sát trưởng Tối cao Pháp viện độc lập với Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ và giám sát 200 sĩ quan an ninh của Tối cao Pháp viện.
Mỗi người trong số chín vị thẩm phán của Tối cao Pháp viện có bốn lục sự và ba phụ tá hành chính, tất cả đều có một số quyền truy cập vào các bản ý kiến dự thảo và các tài liệu nội bộ khác liên quan đến các phán quyết, với tổng cộng 63 người thuộc diện tình nghi — cũng như một lượng nhân viên công nghệ thông tin chưa xác định có thể có quyền truy cập.
Vụ rò rỉ đặt ra một thách thức cốt lõi là cuộc điều tra đòi hỏi tập trung vào nội bộ, trong khi đó nhân viên an ninh của Pháp viện lại chủ yếu lo ngại về các mối đe dọa từ bên ngoài. Và sự phân chia quyền lực giữa ba nhánh chính phủ (nguyên tắc tam quyền phân lập) cũng phải được tôn trọng.
Ông Davis cho biết ông “tin tưởng tuyệt đối rằng Chánh án Roberts sẽ bảo vệ tính liêm chính của cơ quan này,” nhưng để được như thế, thì Quốc hội và các cơ quan hành pháp không được tham gia vào hoạt động điều tra, trừ khi được yêu cầu.
Ông nói: “Không, quý vị không muốn họ chúi mũi vào chuyện này,” bất kể đảng phái nào kiểm soát Quốc hội hay nhánh hành pháp. “Chúng ta có đa số thẩm phán theo chủ nghĩa hợp hiến đầu tiên trong Tối cao Pháp viện trong 90 năm. Chúng ta phải bảo vệ điều đó; chúng ta không muốn một trong hai nhánh chính trị kia (nhánh hành pháp và nhánh lập pháp) can thiệp vào các thủ tục nội bộ của Tối cao Pháp viện.”
Ông Davis cũng nghi ngờ về tính thực tiễn của một SCIF cho pháp viện.
“Cơ sở này là không thực tế, quý vị cần phải xem xét lại những phán quyết này hàng ngày,” ông nói. “Đây là bản ý kiến bị rò rỉ đầu tiên trong lịch sử của Tối cao Pháp viện; đây không phải là quy phạm.”
Ngược lại, Chủ tịch Tom Fitton của nhóm giám sát chính phủ Judicial Watch nói với The Epoch Times rằng “quý vị nên tuỳ ý tận dụng mọi công cụ để tìm ra ai chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ. Tương tự, Quốc hội cũng vậy, bởi vì tất cả các nhánh của chính phủ đều có lợi ích và nghĩa vụ bảo vệ cấu trúc hiến định của thể chế chúng ta, vì cuộc tấn công nhắm vào Tối cao Pháp viện này là một cuộc tấn công vào nhà nước pháp quyền.”
Ông Fitton cho biết, tùy thuộc vào các tình huống cụ thể khi đã xác định được người làm rò rỉ, một số luật lệ có thể đã bị phá vỡ.
“Đó rõ ràng là một sự cản trở công lý,” ông nói. “Hãy nghĩ đến các luật đang được theo đuổi chống lại những người nổi loạn hôm 06/01 vì cố gắng cản trở một thủ tục của Quốc hội.”
Ông Fitton cũng gợi ý rằng Tối cao Pháp viện có thể “bảo vệ cho quyền hạn của họ bằng cách theo đuổi các thủ tục tố tụng hình sự chống lại bất kỳ ai đã làm điều này.”
Tuy nhiên, việc xác định cụ thể tội danh mà người làm rò rỉ có thể bị buộc tội là vô cùng phức tạp, theo chuyên viên pháp lý cao cấp Sarah Parshall Perry, một chuyên gia pháp lý khác của Quỹ Di Sản.
Bà nói với The Epoch Times: “Chúng tôi đang nghiên cứu xem liệu có hay không các hình phạt hình sự có thể được gán cho hành vi này, nhưng, trong số những thứ khác, có thể là một lời buộc tội về hành vi trộm cắp tài sản của chính phủ.”
“Đặc biệt không có quy trình điều tra nào trong Tối cao Pháp viện vì đây là một tình huống chưa từng có. Trước đây, chúng ta đã từng thấy một số bài xã luận hoặc một số thông tin nhất định cho thấy ai đó đã có thông tin trực tiếp từ trước, nhưng trước đây chưa bao giờ có một bản ý kiến dự thảo của Tối cao Pháp viện được công bố đầy đủ.”
Bà Perry cho biết những lo ngại về sự phân chia quyền lực luôn là chính đáng, nhưng bà lưu ý rằng “đã có những lời kêu gọi trong Quốc hội yêu cầu pháp viện chịu trách nhiệm cho các quy tắc đạo đức của riêng họ và đưa ra các dự luật như ‘Đạo luật Trách nhiệm Tư pháp’ (Judiciary Accountability Act) để quản lý các quy định về việc làm trong cơ quan tư pháp liên bang.”
Theo Chủ tịch Viện First Liberty, bà Kelly Shackelford, vấn đề lớn nhất mà Tối cao Pháp viện hiện đang phải đối mặt là liệu rằng niềm tin và sự tin tưởng trong nội bộ cần có để có thể có các cuộc tranh luận pháp lý trung thực và cởi mở trong việc đưa ra một phán quyết — có bị mất đi hay không sau khi vụ rò rỉ xảy ra.
“Tôi chỉ không chắc liệu Pháp viện còn có thể khôi phục hay không. Ý tôi là, quý vị có cuộc thảo luận bí mật này bên trong nội bộ, [và cuộc thảo luận đó bị lộ ra],” bà Shackelford nói. “Đây là sự phản bội lớn nhất đối với Tối cao Pháp viện, và tôi không chắc có bao giờ tòa án này trở lại được như xưa.”
Ông Richard Manning, chủ tịch của Người Mỹ vì Chính phủ Nhỏ (Americans for Limited Government, ALG), nói với The Epoch Times rằng “việc làm rò rỉ bản ý kiến dự thảo đầu tiên cho các hãng thông tấn sẽ gây bất ổn cho Tối cao Pháp viện nhằm mục đích hủy bỏ tính hợp pháp của phán quyết đó. Chánh án Roberts phải loại bỏ tận gốc thủ phạm và sa thải người đó ngay lập tức. Pháp viện hoạt động trên cơ sở duy nhất là sự tin tưởng lẫn nhau. Một khi niềm tin này bị phá vỡ thì hầu như không thể tạo lại được. Và nếu không có niềm tin, pháp viện có nguy cơ rơi vào cùng một cái bẫy của sự thù nghịch chính trị đang bủa vây phần còn lại của Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.”
Ông Seton Motley, người đứng đầu trang LessGovernment.org, nói với The Epoch Times rằng ông tin là “việc điều tra vụ rò rỉ này nằm trong thẩm quyền giám sát của Quốc hội. Vụ việc này là về cách thức hoạt động của pháp viện, chứ không phải là về các phán quyết mà cơ quan này đưa ra. Và Đảng Cộng Hòa nên cam kết sẽ làm như vậy nếu giành được đa số.”
Quý vị có thể liên lạc với Thông tín viên Quốc hội Mark Tapscott tại [email protected].
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: