Vụ kiện: Các hãng truyền thông thiên tả thông đồng trái phép với Big Tech để kiểm duyệt các nhà xuất bản tin tức
Theo một vụ kiện mới, một số tổ chức truyền thông lâu đời nhất trên thế giới đã thông đồng một cách bất hợp pháp với các đại Công ty Công nghệ (Big Tech) nhằm kiểm duyệt các nhà xuất bản tin tức.
Đơn kiện dài 108 trang này cáo buộc rằng Reuters, Associated Press, BBC, và các tổ chức khác đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ vì có sự thông đồng vốn đã được tiến hành sau khi thành lập một liên minh mới có tên là Sáng kiến Tin tức Đáng tin cậy (Trusted News Initiative, TNI).
Theo BBC, liên minh này được thành lập hồi năm 2020 nhằm cố gắng ngăn chặn “những thông tin sai lệch và hoang đường gây hại” và “tin giả.” Bà Jessica Cecil của BBC, cựu giám đốc TNI, đã mô tả liên minh này là “sự hợp tác giữa công nghệ và truyền thông”, với nhiệm vụ như nghiên cứu “các cách thiết thực để ngăn chặn” thông tin sai lệch được cho là từ các nguồn tin không thuộc nhóm này.
Điều đó dẫn đến việc Big Tech kiểm duyệt các đối thủ cạnh tranh của các tổ chức truyền thông này, chẳng hạn như Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em, một tổ chức bất vụ lợi tìm cách nâng cao nhận thức về các mối lo ngại an toàn vaccine, tổ chức bất vụ lợi này cho biết trong đơn kiện mới.
Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em cho biết, tuy nhiên, TNI đã thực sự xem các thông tin chính xác hoặc có thể đúng như là [thông tin] sai lệch, bao gồm cả khả năng COVID-19 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
“Mặc dù ‘Sáng kiến Tin tức Đáng tin cậy’ tự cho mình là ‘cảnh sát sự thật’ tự bổ nhiệm đang loại bỏ ‘thông tin sai lệch’ trên mạng, nhưng trên thực tế, tổ chức này đã ngăn chặn các báo cáo hoàn toàn chính xác và hợp pháp nhằm đẩy mạnh lợi ích kinh tế của các thành viên trong nhóm,” đơn kiện cho biết. “TNI không chỉ ngăn chặn người dùng Internet đưa ra những tuyên bố này; mà liên minh này còn dừng hoạt động của các nhà xuất bản tin tức trực tuyến vốn chỉ báo cáo rằng những tuyên bố như vậy được các nguồn có thể đáng tin cậy đưa ra, chẳng hạn như các nhà khoa học và bác sĩ.”
Đơn kiện này cho biết việc đàn áp các đối thủ cạnh tranh nói trên đã được thực hiện vì lợi ích kinh tế và đã vi phạm một luật của Hoa Kỳ có tên là Đạo luật Sherman vốn cấm “các hành động tẩy chay theo nhóm.”
Các phán quyết trước đây của tòa đã định nghĩa một vụ tẩy chay theo nhóm là “một nỗ lực có phối hợp của một nhóm đối thủ cạnh tranh” nhằm “gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh bằng cách trực tiếp từ chối hoặc thuyết phục hoặc ép buộc các nhà cung cấp hoặc khách hàng từ chối các mối quan hệ mà những đối thủ cạnh tranh này cần trong cuộc tranh đấu cạnh tranh” và là “việc ngăn chặn khả năng tiếp cận nguồn cung cấp, cơ sở, hoặc thị trường cần thiết để cho phép công ty bị tẩy chay này cạnh tranh.”
Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em và những nguyên đơn còn lại, như ông Jim Hoft, nhà sáng lập trang web Gateway Pundit, nói rằng họ đã thiệt hại hàng triệu dollar do sự kiểm duyệt mà họ đã phải chịu đựng.
Họ đang yêu cầu một tòa án liên bang ở Louisiana ban hành một lệnh tuyên bố hành vi của những tổ chức truyền thông này là phạm pháp. Họ cũng muốn có một lệnh cấm các bị cáo tham gia vào TNI cũng như cùng nhau tẩy chay và kiểm duyệt các nhà xuất bản khác, đồng thời họ yêu cầu các khoản bồi thường thiệt hại.
Một phát ngôn viên của Washington Post đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng tờ báo này sẽ không bình luận về vụ kiện tụng đang chờ giải quyết này.
Các phát ngôn viên của các bị cáo còn lại — Reuters, Associated Press, và BBC — đã không phúc đáp các đề nghị bình luận. Không có Đại công ty Công nghệ nào được đề cập là các bị đơn.
Ông Robert F. Kennedy Jr., người đang tranh cử tổng thống với tư cách là thành viên Đảng Dân Chủ, là chủ tịch của Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em, nhưng đã nghỉ phép kể từ khi ông tuyên bố tranh cử.
Vụ án này được giao cho thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Terry Doughty, một người được ông Trump bổ nhiệm. Ông Doughty đã đưa ra phán quyết có lợi cho những nguyên đơn này, bao gồm cả ông Hoft, trong một vụ khác kiện các quan chức chính phủ Hoa Kỳ vì đã thông đồng với các công ty như Twitter để kiểm duyệt người dùng.
Sự bùng nổ các vụ kiện
Vụ kiện đó, Missouri kiện ông Biden, đã tiết lộ bằng chứng thông qua việc khám phá và những lần cung cấp bằng chứng rằng chính phủ liên bang dưới thời các tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã gây áp lực thành công lên các Đại công ty Công nghệ để đàn áp người dùng, ngay cả khi thông tin mà người dùng chia sẻ là đúng sự thật.
Trong những tháng gần đây, một loạt các vụ kiện đã được đệ trình một phần dựa trên bằng chứng nói trên.
Hồi tháng Năm, một nhóm người chịu những tổn thương bị nghi ngờ hoặc được xác nhận là do vaccine COVID-19 đã kiện ông Biden và các quan chức hàng đầu Hoa Kỳ. Họ cáo buộc các quan chức này đã vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa. Đầu tháng đó, ông Hoft và các luật sư của mình cho biết trong một vụ kiện rằng cái gọi là các nhà nghiên cứu thông tin sai lệch như ông Alex Stamos của Đại học Stanford đã gây áp lực bất hợp pháp lên các nền tảng mạng xã hội nhằm kiểm duyệt người dùng.
Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em đã đứng sau một vụ kiện khác được đệ đơn hồi tháng Ba để kiện ông Biden, Tổng Y sĩ Vivek Murthy, và các quan chức khác, lập luận rằng chiến dịch gây áp lực của những quan chức này đã vi phạm các quyền hiến định.
Các quan chức chính phủ đã lập luận rằng những vụ kiện nói trên là thiếu căn cứ.
Trong vụ Missouri kiện ông Biden, các luật sư của chính phủ nói rằng những tuyên bố công khai và riêng tư của các quan chức không đạt đến mức độ ép buộc, một tiêu chuẩn được thiết lập trong các phán quyết trước đó.
“Ngay cả khi một số bị cáo nhất định ‘đã yêu cầu’, hoặc thúc giục các công ty truyền thông xã hội hành động nhiều hơn để ngăn chặn thông tin sai lệch, thì mọi quyết định kiểm duyệt nội dung mà các công ty truyền thông xã hội đưa ra rốt cuộc đều ‘đã thuộc về’ các công ty đó,” họ nói. “Ngay cả những yêu cầu rõ ràng hoặc lời thúc giục mạnh mẽ — Tổng thống Biden nói rằng việc không hành động chống lại thông tin sai lệch sẽ dẫn đến ‘thiệt hại về nhân mạng’ — không có nghĩa một cách hợp lý là ép buộc.”
Thẩm phán Doughty hầu như đã bác bỏ những lập luận nói trên khi ông không chấp thuận đề nghị bác bỏ đơn kiện này của chính phủ . Ông đã dẫn chứng về những lời đe dọa mà các quan chức đưa ra “nhằm nỗ lực thực hiện chương trình kiểm duyệt của mình.”
Ví dụ, thẩm phán này cho biết ông Murthy đã gửi một yêu cầu cung cấp thông tin chính thức tới những công ty đó “như một mối đe dọa được ám chỉ về các quy định trong tương lai nhằm gây áp lực buộc họ phải gia tăng kiểm duyệt.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times