Vũ khí tiền tệ của Trung Quốc mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ
Nếu Trung Quốc “bán phá giá” toàn bộ nợ Hoa Kỳ và Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ chỉ trong một ngày, nước này sẽ mất rất nhiều tiền, giảm khả năng mua nguyên liệu thô, và có lợi cho Fed của Hoa Kỳ khi họ có thể mua được Trái phiếu Kho bạc với giá chiết khấu.
Có năm loại tiền tệ quốc tế mà các ngân hàng trung ương trên thế giới thường nắm giữ trong dự trữ: USD, euro, nhân dân tệ của Trung Quốc, yên Nhật, và bảng Anh. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, lớn nhất thế giới, hiện ở mức 3.218 ngàn tỷ USD. Con số này được chia cho các loại tiền tệ quốc tế, với đồng USD là tỷ lệ phần trăm lớn nhất.
Tổng số nợ của Hoa Kỳ mà Trung Quốc nắm giữ là 1.095 ngàn tỷ USD, chiếm khoảng 4% trong tổng số 28 ngàn tỷ USD nợ quốc gia của Hoa Kỳ. Trong vòng 20 năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc đều là những quốc gia có nhiều nợ Hoa Kỳ nhất. Hiện tại, Nhật Bản nắm giữ nhiều hơn một chút so với Trung Quốc.
Theo Fed và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, 7.03 ngàn tỷ USD được giữ trong kho dự trữ của ngoại quốc. Đồng USD chiếm 59.2% dự trữ ngoại tệ toàn cầu, trong khi đồng nhân dân tệ chỉ là 2.5%. Các quốc gia nắm giữ các khoản nợ của Hoa Kỳ và USD, như một sự cất giữ của cải, để hỗ trợ tiền tệ của chính các quốc gia này, và để sử dụng cho việc mua hàng nhập cảng và nguyên liệu thô.
Các mặt hàng toàn cầu – chẳng hạn như thép, coban, magiê, và thậm chí cả xăng — được định giá bằng USD. Các giao dịch mua nguyên liệu thô này và các giao dịch toàn cầu khác phần lớn được thanh toán bằng tiền tệ mạnh, thường có nghĩa là USD. Dự trữ tiền tệ lớn thứ hai là đồng euro. Nhưng USD hữu ích hơn nhiều. Chúng được coi là an toàn và ổn định, và được chấp nhận ở mọi nơi. Đồng euro có xu hướng được sử dụng chủ yếu để đầu tư vào Liên minh Âu Châu, nhưng không được sử dụng ở Bắc hoặc Nam Mỹ, hoặc hầu hết Á Châu, và chỉ ở một số khu vực của Phi Châu.
Tính hữu dụng của USD khiến nó trở thành loại tiền tệ đối tác phổ biến nhất, có nghĩa là hầu hết các loại tiền tệ khác được giao dịch đổi ra và từ USD. Đồng USD chiếm khoảng 88% của tất cả các giao dịch ngoại hối. Khoảng 5 ngàn tỷ USD tiền tệ được giao dịch mỗi ngày, trên các sàn giao dịch ngoại tệ.
Các quốc gia đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của họ theo số lượng từng loại tiền tệ mà họ sẽ cần để thanh toán thương mại. Do đó, các ngân hàng trung ương nắm giữ một lượng nhỏ nhân dân tệ. Hầu hết giao dịch toàn cầu được thanh toán bằng USD, trong khi chỉ khoảng 1.7% được thanh toán bằng nhân dân tệ.
Ông Hu Xijin, tổng biên tập của hãng thông tấn nhà nước Global Times , nói rằng các chuyên gia ở Trung Quốc đã thảo luận về việc xử lý tất cả lượng USD nắm giữ của nước này ngay lập tức. Một số phương tiện truyền thông đã gọi động thái này là “lựa chọn tiền tệ hạt nhân của Trung Quốc” – ngụ ý rằng Trung Quốc có thể thanh lý các tài sản Hoa Kỳ mà họ nắm giữ trong một ngày, làm sụp đổ đồng USD, và gây tổn hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lựa chọn này thực sự không phải là một lựa chọn, vì nó sẽ không hiệu quả. Ngoài ra, việc đó sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc và có lợi cho Hoa Kỳ.
Trung Quốc cần giữ một lượng lớn USD để trả các khoản nợ của chính mình, được tính bằng USD. Một lượng lớn USD dự trữ cũng là một phòng ngự chống lại sự gián đoạn tài chính trong tương lai, chẳng hạn như một vụ vỡ nợ tiềm tàng của nhà phát triển địa ốc Evergrande, công ty có khoản nợ bằng 2% GDP của đất nước. Một lý do khác khiến Trung Quốc cần nắm giữ USD và dự trữ ngoại tệ mạnh là để hỗ trợ đồng nhân dân tệ.
Trong thế kỷ 19, các nước bảo đảm đồng tiền của họ với vàng. Sau Thế chiến thứ hai, chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ vàng để hỗ trợ tiền tệ của mình. Vì vậy, hệ thống Bretton Woods được thành lập, theo đó các quốc gia khác hỗ trợ tiền tệ của họ bằng USD. Hệ thống này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, ngay cả khi đồng USD không được hỗ trợ bởi vàng, kể từ năm 1971.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), sử dụng USD để mua nhân dân tệ, khi giá nhân dân tệ giảm xuống quá một mức nhất định. Nếu PBOC thanh lý lượng USD nắm giữ của mình, họ sẽ không có cách nào để bảo vệ đồng nhân dân tệ.
Khi Trung Quốc mua nợ của Hoa Kỳ, họ sẽ làm tăng lượng đồng nhân dân tệ lưu thông, điều này làm giảm giá đồng nhân dân tệ, khiến hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc trở nên rẻ hơn. Bằng cách bán khoản nợ bằng USD của mình, Trung Quốc sẽ giảm lượng nhân dân tệ lưu thông – điều này sẽ đẩy giá đồng nhân dân tệ lên, khiến hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.
Cựu Tổng thống Donald Trump gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Điều này có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc ( ĐCSTQ ) đã kiểm soát giá đồng nhân dân tệ một cách giả tạo, nhằm tăng xuất cảng của Trung Quốc. Bán tháo USD của Trung Quốc sẽ có tác dụng ngược lại.
Nói tóm lại, không có mối đe dọa nào rằng ĐCSTQ có thể làm sụp đổ đồng USD bằng cách “phá giá” khoản nợ chính phủ Hoa Kỳ trị giá 1 ngàn tỷ USD mà Trung Quốc đang nắm giữ. Năm 2014, Trung Quốc đã bán bớt khoảng 1 ngàn tỷ USD nợ của Hoa Kỳ, nhưng nó không có tác động đáng kể đến nền kinh tế Hoa Kỳ.
Nếu Bắc Kinh thanh lý tất cả các khoản nợ của Hoa Kỳ cùng một lúc, giá bán Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ của Trung Quốc sẽ [tự] rớt xuống. Trung Quốc sẽ mất tiền. Và Fed sẽ mua lại khoản nợ của chính mình với giá chiết khấu. Đây chính xác là những gì Hoa Kỳ đã làm để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi các quốc gia khác thanh lý chứng khoán nợ của Hoa Kỳ để tài trợ cho các gói kích thích của họ, Fed đã lên thị trường mở và mua chúng với giá chiết khấu. Kể từ tháng 06/2020, Fed đã mua 80 tỷ USD chứng khoán kho bạc mỗi tháng. Fed sẽ rất hạnh phúc khi mua những thứ này với giá 80 hoặc 90 xu trên 1 USD, nếu Trung Quốc bất ngờ làm tràn ngập thị trường, khiến giá giảm.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: