Vũ khí nào của Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phải dè chừng (Phần 6)
Hiện tại, rõ ràng đang có một cuộc chạy đua sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc đang ráo riết phát triển hỏa tiễn DF (Dongfeng) để đối phó với quân đội Hoa Kỳ, nhằm cố gắng ngăn chặn Hoa Kỳ can thiệp vào các cuộc xung đột ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngoài hỏa tiễn DF, Trung Quốc có tương đối ít những vũ khí thường quy có lực uy hiếp thực sự. Ngược lại, Hoa Kỳ lại trang bị rất nhiều vũ khí tối tân khiến Trung Quốc không khỏi kiêng dè.
Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5.
Tàu khu trục Aegis
Hạm đội Hàng không mẫu hạm và tàu tấn công đổ bộ của Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phải kiêng dè. Trung Quốc đã phát triển các hỏa tiễn tầm trung như DF-21, DF-26 và DF-17, nhằm ngăn cản hạm đội của Hoa Kỳ can thiệp vào chiến sự ở biển Đài Loan. Tuy nhiên, liệu chúng có thể phá vỡ hệ thống phòng thủ của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ hay không thì vẫn còn là một ẩn số.
Đội tàu hộ tống Hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ gồm có tuần dương hạm lớp Ticonderoga (Ticonderoga-class cruiser) và tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Chúng được gọi chung là tàu khu trục Aegis vì chúng đều được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis. Hệ thống tác chiến Aegis có thể tích hợp toàn bộ các hệ thống vũ khí chống ngầm, chống hạm, phòng không và vũ khí chống hỏa tiễn để chỉ huy toàn bộ hạm đội tùy theo tình hình chiến sự.
Hiện vẫn còn 22 tuần dương hạm lớp Ticonderoga phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Kể từ năm 2022, các tàu tuần dương đã dần được sắp xếp giải ngũ và có thể sẽ biến mất trong một vài năm tới. Các tàu khu trục cỡ lớn của các quốc gia về cơ bản là học theo thiết kế của tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Tàu khu trục đa chức năng thay thế cho tàu tuần dương đã trở thành một xu thế mới. Chẳng bao lâu nữa, đội tàu hộ tống Hàng không mẫu hạm cho đội quân Hoa Kỳ sẽ chỉ còn duy nhất tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Vào ngày 8/12/2021, tàu khu trục lớp Arleigh Burke tối tân DDG-118 đã được đưa vào hoạt động tại Hawaii. Hiện trong quân đội Hoa Kỳ đã có đến 69 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, 7 tàu đang lắp ráp, 13 tàu dự tính đóng thêm.
Trung Quốc cũng bắt chước tàu khu trục của quân đội Hoa Kỳ. Tàu khu trục Type 055 mới nhất của Trung Quốc nặng đến hơn 10,000 tấn, hiện có 3 tàu đã đưa vào hoạt động, biên chế lắp ráp tổng cộng 8 tàu. Còn tàu khu trục Type 052D của Trung Quốc có tải trọng là 7,500 tấn. Do những khả năng như chống hạm, phòng không, chống hỏa tiễn và chống tàu ngầm đều tương đối yếu, nên nó khó có thể được coi là một tàu chiến đa chức năng. Hiện có 18 tàu đang hoạt động, tổng biên chế lắp ráp là 25 tàu.
Tàu khu trục DDG thường đơn độc thực hiện các nhiệm vụ như tuần dương trên eo biển Đài Loan, rạn san hô gần khu vực tự do hàng hải ở Biển Đông, biển Hoa Đông và biển Philippine. Hoạt động nổi bật nhất của nó trong năm 2021 là đã theo dõi và xen vào giữa đội hộ tống hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc .
Khả năng thực hiện đa nhiệm vụ
Nói về tàu khu trục DDG, thiết kế ban đầu có của nó có tải trọng đạt 8,315 tấn (tàu Flight I). Sau đó tải trọng này ngày càng tăng lên, thiết kế mới nhất đạt 9,800 tấn (Flight III), tốc độ tối đa hơn 30 hải lý/h (56km/h), di chuyển được 4,400 dặm khi đi với tốc độ 20 hải lý/h (8,100 km với vận tốc 37km/h), có thể mang theo 23 sĩ quan quân đội và 300 binh sĩ.
Tàu khu trục DDG có khả năng chống hỏa tiễn, chống tàu ngầm và chống hạm. Tất cả các tàu DDG đều được liên tục nâng cấp hệ thống tác chiến Aegis để hợp sức chiến đấu. Ngoài ra, hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) tối tân của chúng đã giúp khả năng trinh sát và kiểm soát hỏa lực tăng lên hàng trăm km.
Tàu khu trục DDG thế hệ sau còn được trang bị hệ thống 96 ống phóng hỏa tiễn thẳng đứng. Loại hệ thống này hiện đã trở thành cảm hứng cho các quốc gia khác học hỏi theo. Những hỏa tiễn mà tàu khu trục này có thể mang theo bao gồm hỏa tiễn tiêu chuẩn, hỏa tiễn chim sẻ biển, hỏa tiễn chống tàu ngầm và hỏa tiễn đạn đạo đối đất. Ngoài ra, chiếc tàu này còn trang bị hỏa tiễn diệt hạm, pháo cận chiến của hải quân, pháo cận chiến tầm gần Phalanx, ngư lôi, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống phóng mồi nhử và hai trực thăng chống ngầm.
Quân đội Hoa Kỳ có kinh nghiệm phong phú nhất trong lĩnh vực chống tàu ngầm. Tàu khu trục Aegis có thể kịp thời phát hiện và đối phó với tàu ngầm của Trung Quốc. Điều mà Trung Quốc kiêng dè nhất có thể là hỏa tiễn hành trình Tomahawk được trang bị trên các tàu Aegis, vì nó có thể tấn công các căn cứ ven biển của Trung Quốc bất cứ lúc nào.
Hỏa tiễn phòng thủ và đánh chặn
Hỏa tiễn SM-2 có tầm bắn từ 74 đến 167 km, tốc độ bay tới 3.5 Mach, độ cao cao nhất là 24,000 mét. Chúng chủ yếu được dùng để tấn công các chiến đấu cơ của kẻ địch, đánh chặn hỏa tiễn hành trình chống hạm, v.v. SM-2 đã thực hiện hơn 2,700 lần bắn đạn thật thành công.
Hỏa tiễn SM-3 chuyên dùng để đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo tầm trung và tầm ngắn. SM-3 có tầm bắn từ 900 đến 2,500 km, tốc độ bay từ 16 đến 18 Mach. Trong những năm gần đây, các tàu khu trục của Hoa Kỳ đã phóng thử ít nhất 1 đến 2 hỏa tiễn SM-3 hàng năm.
SM-6 là hỏa tiễn đa năng kiểu mới của Hoa Kỳ. Nó vừa có thể phòng không, vừa có thể đánh chặn hỏa tiễn hành trình chống hạm, cũng như hỏa tiễn đạn đạo ở kỳ cuối của đường bay. SM-6 có tầm bắn cơ bản 240 km, tốc độ bay tối đa 3.5 Mach, độ cao tối đa 34,000 mét. Nó còn được sử dụng như một hỏa tiễn chống hạm tốc độ cao để tấn công chiến hạm trên biển và các mục tiêu trên đất liền của kẻ địch.
Hỏa tiễn chim sẻ biển (ESSM) được dùng để đánh chặn phi cơ và hỏa tiễn tầm ngắn. ESSM có tầm bắn hơn 50 km, tốc độ tối đa lên đến 4 Mach.
Bốn hỏa tiễn này được trang bị trên các tàu khu trục Aegis để đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau dưới sự chỉ huy của hệ thống tác chiến Aegis. Một hạm đội hàng không mẫu hạm thường có 3 đến 4 tàu khu trục Aegis bảo vệ với tổng số hàng trăm hỏa tiễn phòng không, dù Trung Quốc có dùng tên lửa tầm trung DF để phát động tấn công như vũ bão thì cũng chưa chắc đã phá vỡ được hàng phòng thủ của các tàu khu trục Aegis.
Tàu khu trục Aegis còn có thể thực thi các nhiệm vụ độc lập như di chuyển đến eo biển Đài Loan để giúp tấn công và đánh chặn các hỏa tiễn, phi cơ, thậm chí là cả hạm đội của Trung Quốc.
Trên tàu khu trục Aegis, Hoa Kỳ còn đang thử nghiệm hệ thống vũ khí laser vốn đã thí nghiệm thành công trên các phi cơ không người lái, biến nó trở thành một hệ thống chống hỏa tiễn mới của quân đội Hoa Kỳ.
Tàu chiến ven biển
Quân đội Hoa Kỳ có một lực lượng đông đảo các tàu chiến cỡ lớn, và còn liên tục nghiên cứu thêm các mô hình chiến đấu riêng rẽ của tàu chiến cỡ nhỏ. Từ đó, Hoa Kỳ đã phát triển hai loại tàu chiến ven biển LCS (Littoral combat ships) vừa và nhỏ là USS Independence và USS Freedom.
USS Independence có tải trọng 3,104 tấn, có thiết kế thuyền 3 thân ổn định và có thể di chuyển với tốc độ 50 hải lý/h (93 km/h), thực hiện hành trình 10,000 hải lý (19,000 km), cho nên được liệt vào danh sách tàu chiến cao tốc. Con tàu này sử dụng thiết kế cấu trúc “tàng hình” độc đáo giúp giảm thiểu việc bị phát hiện bởi radar.
Con tàu này kích thước tuy nhỏ, nhưng lại có thể trang bị bất kỳ thiết bị nào để dùng cho các nhiệm vụ khác nhau, bao gồm nhiệm vụ chống tàu ngầm, chống radar, tác chiến trên mặt nước và tác chiến đặc biệt. Nó còn có thể nhanh chóng chuyển đổi, là một mẫu tàu chiến đã tối đa hóa chức năng. USS Independence được trang bị hệ thống quản lý chiến đấu toàn diện, hệ thống tự động hoá cao do 40 nhân viên nòng cốt vận hành, cùng với nhiều nhất 35 nhân viên làm nhiệm vụ đặc biệt và hàng không.
USS Freedom có tải trọng 3,500 tấn, tốc độ tối đa 47 hải lý/giờ (87 km/h), có thể di chuyển 3,500 Hải lý (6,500 km) khi di chuyển với tốc độ 18 hải lý/giờ và đi liên tục trong 21 ngày. Chiếc tàu này có thiết kế “tàng hình” với cấu trúc thượng tầng sử dụng nhôm, còn thân chính làm bằng thép, bên ngoài được sơn lớp sơn “tàng hình”. Nó cũng có thể chuyển đổi modun để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Trên tàu có 40 nhân viên nòng cốt, cộng với các nhân viên thực hiện nhiệm vụ đặc biệt và hàng không, tổng cộng là 75 người.
Hai hệ thống vũ khí trang bị trên tàu USS Freedom bao gồm: Một hoả pháo MK 110 57mm, hai khẩu pháo tự động Mk44 Bushmaster II, 1 bệ phóng hỏa tiễn đạn đạo phòng không RIM-116, 8 hỏa tiễn chống hạm RGM-184A, 24 hỏa tiễn AGM-114 Hellfire (Lửa Địa Ngục), 1 vũ khí laser công suất 150 kW. Chiếc tàu này còn được trang bị trực thăng chống ngầm và trực thăng trinh sát không người lái MQ-8.
Ban đầu, Hoa Kỳ chỉ đưa 4 tàu chiến ven biển vào hoạt động quân sự, đồng thời tiến hành nhiều loại thử nghiệm đa dạng để liên tục cải thiện sản xuất. Đến nay trong quân đội Hoa Kỳ, tàu chiến USS Freedom đã có 13 chiếc đang hoạt động, 6 chiếc đang lắp ráp; USS Independence có 10 chiếc đang hoạt động, 6 chiếc đang lắp ráp.
Hiện tại, USS Freedom đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên trên Tây Thái Bình Dương, những ưu điểm như tốc độ cao, hành trình di chuyển xa, và tính năng tàng hình đã giúp nó thành công ngăn cản Trung Quốc tiếp cận biên giới biển. So sánh với tàu hộ vệ Type 054A sản xuất hàng loạt ở Trung Quốc với tải trọng 4,053 tấn thì quả là một trời một vực.
Dù là tàu chiến cỡ lớn hay nhỏ, Hoa Kỳ vẫn luôn vượt xa Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực tàu ngầm.
Tàu ngầm tấn công
Sau Chiến tranh Lạnh, vì tàu ngầm tấn công lớp Sói biển (SSN Seawolf Class) có chi phí quá đắt đỏ nên Hoa Kỳ chỉ chỉ lắp ráp 3 tàu. Sau này, Hoa Kỳ đã cho ra đời tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia với chi phí thấp hơn. Chiếc tàu này có tải trọng đạt 7,900 ~ 10,200 tấn, mẫu mới nhất có thể mang theo 65 hỏa tiễn chống ngư lôi và chống hạm, 28 hỏa tiễn tấn công mặt đất Tomahawk. Hiện trong quân đội Hoa Kỳ có 19 tàu đang hoạt động, 9 tàu đang lắp ráp và 10 tàu đã được đặt.
Tàu ngầm Virginia đang dần thay thế tàu ngầm Los Angeles. Tàu ngầm Los Angeles có tải trọng đạt 6,927 tấn, hiện đang có 31 chiếc đang hoạt động, có thể mang theo tổng cộng 37 hỏa tiễn bao gồm ngư lôi, hỏa tiễn chống hạm Harpoon, và hỏa tiễn tấn công mặt đất Tomahawk.
Các Tàu ngầm của Hoa Kỳ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân nên có thể vận hành được trong thời gian dài, hành trình được xa. Trong khi năng lực chống ngầm của Trung Quốc hiện tại còn hữu hạn, nên rất khó phát hiện tàu ngầm của Hoa Kỳ. Ngược lại, các động thái của hạm đội Trung Quốc lại có thể rất nhanh bị tàu ngầm của Hoa Kỳ theo dõi. Hễ chiến tranh nổ ra, dù Hoa Kỳ phóng hỏa tiễn chống hạm hay ngư lôi thì Trung Quốc cũng đều khó bề phòng thủ.
Tàu ngầm Hoa Kỳ có thể mang hỏa tiễn hành trình Tomahawk, có thể tấn công căn cứ quân sự của Trung Quốc từ cự ly xa. Sau Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã giảm số lượng tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo lớp Ohio từ 18 xuống 14 tàu. Bốn tàu còn lại được sửa đổi thành tàu ngầm tấn công thông thường, có tải trọng 18,750 tấn, mỗi tàu có thể mang 154 hỏa tiễn tấn công mặt đất Tomahawk, có thể phát động một cuộc tấn công hỏa tiễn trên quy mô lớn.
Tàu ngầm dùng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình cải tiến. Tàu ngầm Type 093 đã được đưa vào hoạt động từ năm 2006, hiện có 9 tàu, nhưng công nghệ giảm tiếng ồn vẫn thua xa Hoa Kỳ. Vì vậy nó không ít lần bị hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh Quốc phát hiện dấu vết. Còn những tàu ngầm chạy bằng diesel thông thường của Trung Quốc thì càng ồn hơn, nên càng dễ bị phát hiện.
Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào phát triển hải quân. Nhưng hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn có khoảng cách rõ rệt. Hàng không mẫu hạm của Trung Quốc vẫn chưa thực sự có lực chiến đấu, tàu chiến đa chức năng cỡ lớn còn đang trong nghiên cứu, chưa được trang bị khả năng tác chiến xa bờ. Do đó, hải quân Trung Quốc vẫn khó mà đối phó nổi với bất kỳ chiến hạm nào của Hoa Kỳ.
Xem tiếp Phần 7.
Chau Điền, Cao Nghĩa thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: