Vũ khí nào của Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phải dè chừng (Phần 5)
Hiện tại, rõ ràng đang có một cuộc chạy đua sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc đang ráo riết phát triển hỏa tiễn DF (Dongfeng) để đối phó với quân đội Hoa Kỳ, nhằm cố gắng ngăn chặn Hoa Kỳ can thiệp vào các cuộc xung đột ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngoài hỏa tiễn DF, Trung Quốc có tương đối ít những vũ khí thường quy có lực uy hiếp thực sự. Ngược lại, Hoa Kỳ lại trang bị rất nhiều vũ khí tối tân khiến Trung Quốc không khỏi kiêng dè.
Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4.
Tàu tấn công đổ bộ
Tàu tấn công đổ bộ và tàu đổ bộ là những phương tiện hàng hải chủ chốt cỡ lớn trong cuộc phản công của Hoa Kỳ. Chúng được dùng để vận chuyển một lượng lớn lính thủy đánh bộ và trang thiết bị đổ bộ phản công. Vì tàu tấn công đổ bộ có boong dài, có thể dùng để nhiều trực thăng đồng thời cất và hạ cánh, kịp thời đưa quân tiếp viện và tiến hành các cuộc tấn công nhanh cùng lúc với các cuộc đổ bộ truyền thống.
Boong dài của tàu tấn công đổ bộ cũng có thể được sử dụng cho các chiến đấu cơ cất / hạ cánh thẳng đứng. Ngoài ra, tàu tấn công đổ bộ có thể “biến hình” thành hàng không mẫu hạm và chở tới 20 tiêm kích tàng hình F-35B. Do đó, dù là phương thức tấn công đổ bộ hay tác chiến hàng không mẫu hạm hạng nhẹ, những tàu đổ bộ của Hoa Kỳ đều khiến Trung Cộng phải “đau đầu” nghĩ cách chống trả.
Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của quân đội Hoa Kỳ (Wasp-class amphibious assault ship) với trọng lượng rẽ nước là 41,150 tấn, có thể vận chuyển 1,894 lính thủy đánh bộ, cùng nhiều tàu đổ bộ đệm khí, tàu đổ bộ cơ giới, xe tấn công đổ bộ, xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo và các loại khác phương tiện hỗ trợ khác. Tàu có tổng cộng có 9 vị trí đáp trực thăng trên boong, tạo nhiều khoảng trống giúp các phi cơ cất và hạ cánh. Hiện Hoa Kỳ có tổng cộng 8 tàu tấn công đổ bộ lớp Waspp, ngoài 1 chiếc đã ngừng hoạt động vào năm 2021, thì 7 chiếc còn lại đang phục vụ trong quân đội.
Mẫu America class là tàu tấn công đổ bộ mới nhất của Hoa Kỳ, với trọng lượng rẽ nước là 45,693 tấn, có thể chở 1,687 lính thủy đánh bộ và nhiều trang thiết bị khác. Hiện Hoa Kỳ có 2 tàu America class đang hoạt động, 1 tàu đang lắp ráp và 8 tàu đang được lên kế hoạch.
America class là tàu tấn công đổ bộ được Hoa Kỳ triển khai ở tiền tuyến. Bệnh viện trên tàu có số lượng giường bệnh và phòng phẫu thuật lớn, có thể cơ động điều trị, chăm sóc chăm sóc những binh lính bị thương.
Khi tàu đổ bộ kết hợp tác chiến với trực thăng
So với tàu đổ bộ, tàu tấn công đổ bộ có trọng tải lớn hơn và khả năng chuyên chở nhiều hơn. Trong cuộc phản công, tàu tấn công đổ bộ phát huy được ưu điểm lớn nhất của mình là có boong dài, đáp ứng yêu cầu cất và hạ cánh của lượng lớn các trực thăng. Nhờ đó, lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ có thể nhanh chóng điều quân đến khu vực bị đối phương chiếm đóng, và có thể Thực hiện yểm trợ hỏa lực trên không.
USS America còn là tàu tấn công đổ bộ hàng đầu trong kho vũ khí tấn công của Lực lượng viễn chinh số 3 của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, và hiện đang được triển khai ở Tây Thái Bình Dương. Thông thường, trên mỗi USS America sẽ có một tổ hợp tiêu chuẩn các phi cơ gồm là: 6 chiến đấu cơ F-35B, 12 trực thăng MV-22B Osprey, 1 trực thăng hạng nặng Sea Stallion, 7 trực thăng AH-1Z Viper hoặc UH-1Y Venom, 2 trực thăng chống tàu ngầm và cứu hộ MH-60S.
Nếu đóng vai trò trong hoạt động đổ bộ, tàu có thể chở khoảng 22 trực thăng MV-22B nhằm triển khai lực lượng lớn nhất một cách nhanh chóng. Về lý thuyết, nó có thể chuyên chở hơn 600 người cùng một lúc.
Trực thăng MV-22B (Osprey) có thể cất và hạ cánh thẳng, bay vòng trên bầu trời như các trực thăng truyền thống. Khi bay trên không, cánh quạt nghiêng về phía trước, tương tự như máy bay cánh quạt cố định. Nó có tốc độ bay tối đa là 509 km/h và tầm bay tối đa là 1,628 km, phạm vi chiến đấu 720 km, trần bay 7,600 mét. Ngoài phi công chính phụ, một đến hai cơ trưởng hoặc pháo thủ ra, MV-22B còn chở thêm được tối đa 32 người hoặc 20,000 pound (9,070 kg) hàng hóa bên trong, hoặc 15,000 pound (6,800 kg) hàng hóa ngoài thân máy. Thậm chí, nó còn có thể vận tải được một xe tăng hạng nhẹ Growler.
Trực thăng tấn công AH-1Z Viper được sử dụng trong các cuộc tấn công mặt đất. Nó được trang bị các vũ khí như: pháo xoay ba nòng 20mm; 6 giá treo bên ngoài có thể mang hoả tiễn 70mm, nhiều nhất 76 hoả tiễn không điều khiển hoặc 28 hoả tiễn dẫn đường; 2 hoả tiễn không đối đất AIM-9 Sidewinder; tối đa 16 hoả tiễn không đối đất AGM-114 Hellfire. Nó cũng có thể trang bị hoả tiễn chống tăng.
Trực thăng UH-1Y Venom (còn được gọi là Super Huey), có 2 giá đỡ bên thân, có thể lắp hoả tiễn 70mm và 2 súng máy 7.62mm. Nó chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ chiến trường, giao hàng, tìm kiếm cứu nạn và các chức năng đa dụng khác.
Trực thăng vận tải hạng nặng Sea Stallion có thể cẩu trực tiếp và vận chuyển các thiết bị hạng nặng như xe bọc thép bánh lốp và pháo binh.
Mô hình “biến hoá” của tàu tấn công đổ bộ
Nếu tất cả các tàu tấn công đổ bộ của Hoa Kỳ được trang bị chiến đấu cơ F-35B, chúng sẽ trở thành hàng không mẫu hạm hạng nhẹ, khiến số lượng hàng không mẫu hạm tăng lên, giúp Hải quân Hoa Kỳ đạt hiệu quả cao khi triển khai phân tán.
Hoả tiễn DF của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi đứng trước rất nhiều lựa chọn và không biết nên tấn công mục tiêu nào trước. Nó sẽ không đủ năng lực đe doạ đến hệ thống tàu chiến cỡ lớn của quân đội Hoa Kỳ.
Trong quá trình triển khai ở Tây Thái Bình Dương, tàu sân bay USS Elizabeth của Anh đã phối hợp với tàu tấn công đổ bộ của Hoa Kỳ vận huyển chiến đấu cơ F-35B. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã triển khai các chiến đấu cơ F-35B ở Nhật Bản, chúng sẵn sàng lên tàu với số lượng lớn bất cứ lúc nào hoặc để bổ sung cho những tổn thất có thể xảy ra trong trận chiến. Dù tiêu chuẩn của mỗi tàu tấn công đổ bộ là 6 chiến đấu cơ F-35B, nhưng chúng vẫn chiếm ưu thế nhất định trên không và hoàn toàn có thể chiến đấu chống lại hàng không mẫu hạm Liêu Ninh hoặc Sơn Đông của Trung Quốc.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã lên kế hoạch mua tổng cộng 353 chiếc F-35B và 67 chiếc F-35C, hiện đã nhận ít nhất 57 chiếc F-35B và 12 chiếc F-35C. Một số tàu tấn công đổ bộ của Hoa kỳ có thể biến thành hàng không mẫu hạm, khi đó Hoa Kỳ sẽ tận dụng sức mạnh vượt trội trên biển và không quân để đánh bại hải quân và không quân Trung Quốc trước, sau đó các tàu lại quay về với vai trò là tấn công đổ bộ.
Mô hình biến hoá trên biển của tàu tấn công đổ bộ Hoa Kỳ cũng đã được nhiều quốc gia học tập. Các hàng không mẫu hạm của Anh và Ý đã tiếp nhận F-35B và tiến hành hợp tác liên quân. Tàu khu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm cất và hạ cánh F-35B. Tàu tấn công đổ bộ của Hàn Quốc cũng có kế hoạch tương tự.
Tàu đổ bộ
Các tàu đổ bộ cỡ lớn của Hoa Kỳ được trang bị tàu đệm khí và phương tiện đổ bộ đặc biệt. Những trang bị này sẽ phối hợp với các tàu đổ bộ để tiến hành các hoạt động đổ bộ.Thông thường, một hạm đội đổ bộ được trang bị ít nhất 2 tàu đổ bộ.
Tàu đổ bộ lớp San Antonio mới nhất của Hoa Kỳ (San Antonio-class amphibious transport dock) với trọng lượng rẽ nước là 25,300 tấn, có thể chở 699 lính thủy đánh bộ. Hiện có 11 tàu đang hoạt động và 2 tàu đang được đóng. Mẫu tàu này được thiết kế để giảm thiểu tiết diện radar nhằm che mắt kẻ địch, và tăng cường khả năng chống va đập, chống nổ, kể cả các vụ nổ hạt nhân. Tàu được trang bị hệ thống đa dụng với nhiều phòng phẫu thuật và giường bệnh.
Quân đội Hoa Kỳ cũng có thêm nhiều tàu khác như: 4 tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry (Harpers Ferry-class dock landing ships), 7 tàu đổ bộ lớp Whidbey Island (Whidbey Island-class), với trọng lượng rẽ nước lần lượt là 15,939 tấn và 16,100 tấn.
Tàu đệm khí, xe đổ bộ và tàu đổ bộ có thể được dẫn từ tàu tấn công đổ bộ hoặc tàu đổ bộ ở một khoảng cách nhất định từ đầu bờ biển để tấn công kẻ địch.
Tàu đổ bộ cũng có thể phối hợp với các tàu khác hoặc thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập. Các tàu đổ bộ của quân đội Hoa Kỳ đã diễn tập đánh chặn và tìm kiếm tàu bất hợp pháp ở Biển Đông và nhiều nơi khác. Khi mô phỏng trường hợp kháng cự vũ trang, quân lính sẽ nhảy dù từ trực thăng và đáp xuống các tàu buôn trái phép, tước đoạt vũ khí và giải trừ các nguy cơ xung động vũ trang.
Một phương án quan trọng trong cuộc phản công của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc là chặn các tàu buôn của Trung Quốc ở Biển Đông, cắt đứt các đường vận chuyển của Trung Quốc. Những đối tượng Hoa Kỳ nhắm đến có thể là các tàu chở dầu lớn và tàu chở hàng, khiến Trung Quốc không nhận được tiếp tế nhiên liệu và mất khả năng chiến đấu trong thời gian dài. Để thực hiện nhiệm vụ này, các tàu đổ bộ sẽ chở lính thuỷ đánh bộ đến Biển Đông, thậm chí là ngay trên biển Ấn Độ Dương.
Hai vũ khí tấn công tầm xa quan trọng
Tàu chiến đổ bộ của Hoa Kỳ ngoài việc chở nhiều chiến đấu cơ và trang thiết bị tác chiến trên bộ ra, còn có thể mang theo hai loại vũ khí triển khai di động, đây cũng là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch phân tán lực lượng của quân đội Hoa Kỳ.
Trong buổi diễn tập bắn đạn thật trên tàu tại Cuộc tập trận Quy mô lớn 2021 (Large Scale Exercise 2021), Thủy quân lục chiến đã sử dụng một máy phóng hoả tiễn chống hạm trên bờ không người lái. Máy phóng hoả tiễn không người lái và các thiết bị tương ứng đã được vận chuyển bằng tàu đệm khí và trực thăng trên tàu đổ bộ USS San Diego. Sau khi được vận chuyển đến gần đảo, nhân viên kĩ thuật đã dùng thiết bị liên lạc vệ tinh không dây để điều khiển từ xa. Khi hệ thống phát hiện và xác định được mục tiêu, sẽ truyền dữ liệu về máy phóng hoả tiễn. Cuối cùng, hai hoả tiễn tấn công của Hải quân (Naval Strike Missile) đã được phóng và đánh trúng tàu mục tiêu cách đó hơn 100 hải lý. Tiếp đó, máy phóng hoả tiễn không người lái lại được đưa lên tàu đệm khí và quay trở lại tàu đổ bộ. Ngoài ra, nếu muốn di chuyển nhanh đến sân bay gần đó, nó có thể được vận chuyển đi bằng phi cơ vận tải cỡ lớn.
Hệ thống hoả tiễn chống hạm không người lái có tính cơ động cao. Quân đội Hoa Kỳ có thể triển khai các tàu đổ bộ đến một số hòn đảo ở tây Thái Bình Dương bất kỳ lúc nào để phóng hoả tiễn tấn công và đánh chặn tàu Trung Quốc ở những khu vực quan trọng. Sau đó, hệ thống phóng hoả tiễn sẽ phân tán để tránh bị phản công, rồi tiếp tục tái tấn công. Điều này khiến hạm đội Trung Quốc không kịp chở tay.
Tàu đổ bộ của Hoa Kỳ cũng có thể được trang bị hệ thống hoả tiễn đa năng cơ động cao M142, thường được gọi là hoả tiễn M142 HIMARS. Hai hộp phóng có thể mang 12 hoả tiễn với tầm bắn 42 km, hoặc 2 đạn đạo chiến thuật MGM-140 với tầm bắn 300 km.
Vào tháng 10/2017, hệ thống hoả tiễn M142 của Hoa Kỳ đã lần đầu tiên phóng vào các mục tiêu trên biển từ boong tàu đổ bộ Anchorage. Nó đã chứng tỏ khả năng hoạt động trên tàu, tiêu diệt chính xác hệ thống phòng thủ bờ biển từ khoảng cách xa và tấn công các mục tiêu di động trên biển.
Khi Thủy quân lục chiến đổ bộ phản công, trước tiên họ sẽ đánh chiếm phi trường, thuận tiện cho vận tải cơ C-130 hạ cánh và nhanh chóng đưa hệ thống hoả tiễn đa năng cơ động cao M142 tham gia vào các cuộc tấn công mặt đất tầm xa.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ là lực lượng đổ bộ giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới và đã được trang bị đầy đủ các loại vũ khí. Với sự hợp tác của hải quân và không quân, lực lượng này hoàn toàn có khả năng phát động các chiến dịch phản công chống lại Trung Quốc.
Xem tiếp Phần 6.
Châu Điền, Cao Nghĩa thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: