Vũ khí nào của Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phải dè chừng (Phần 4)
Hiện tại, rõ ràng đang có một cuộc chạy đua sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc đang ráo riết phát triển hỏa tiễn DF (Dongfeng) để đối phó với quân đội Hoa Kỳ, nhằm cố gắng ngăn chặn Hoa Kỳ can thiệp vào các cuộc xung đột ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngoài hỏa tiễn DF, Trung Quốc có tương đối ít những vũ khí thường quy có lực uy hiếp thực sự. Ngược lại, Hoa Kỳ lại trang bị rất nhiều vũ khí tối tân khiến Trung Quốc không khỏi kiêng dè.
Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3.
Thuỷ lôi thông minh tấn công nhanh thả từ trên không
Thuỷ lôi là một trong những vũ khí truyền thống để phòng thủ bờ biển, nhưng cũng có lúc sẽ trở thành vũ khí tấn công. Thuỷ lôi có thể được thả từ tàu mặt nước, tàu ngầm và từ trên không. Với khả năng khai triển toàn cầu, quân đội Hoa Kỳ có thể nhanh chóng khai triển phi cơ thả thuỷ lôi xuống các vùng biển được chỉ định, hình thành khu vực thủy lôi đánh chặn.
Thuỷ lôi thông minh tấn công nhanh (Quickstrike) của Hoa Kỳ được trang bị bộ cánh dẫn hướng và có thể được thả trên không ở khoảng cách và độ cao lớn. Các thuỷ lôi được hệ thống GPS dẫn đường để tự tìm mục tiêu và định vị dưới nước. Thuỷ lôi sẽ kích nổ khi nó phát hiện ra dấu hiệu thay đổi của lực từ, độ rung và áp suất. Nó chủ yếu nhằm vào các tàu lớn và các mục tiêu có giá trị.
Thuỷ lôi thông minh tấn công nhanh mẫu Quickstrike-ER phù hợp với mọi chiến đấu cơ, có thể được phóng từ khoảng cách cao và an toàn mà vẫn đảm bảo độ chính xác. Khoảng cách bay của thuỷ lôi có thể vượt quá 70 km. Mẫu thuỷ lôi MK-62 nặng 500 pound, ngoài ra còn có MK-63, MK-64 có trọng lượng lớn dần, đến mẫu MK65 thì nặng 2,000 pound. Trọng lượng càng nặng, sức công phá càng lớn; trọng lượng càng nhẹ, quy mô khai triển nhanh sẽ càng rộng. Oanh tạc cơ B-1B của quân đội Hoa Kỳ có thể mang 84 quả thủy lôi MK-62, nó thực sự là một loại thuỷ lôi thông minh tấn công nhanh và hiệu quả.
Trong Chiến tranh Thái Bình Dương, oanh tạc cơ của Hoa Kỳ đã thả một số lượng lớn thuỷ lôi xuống vùng biển Nhật Bản. Đến nay, Hoa Kỳ lại có thêm loại thuỷ lôi tấn công nhanh thông minh có thể triển khai mau lẹ, Trung Cộng sẽ khó mà trở tay kịp.
Giá trị chiến lược của thuỷ lôi thả trên không
Nếu Trung Quốc chuẩn bị tấn công toàn diện Đài Loan, chắc chắc sẽ tập trung một lượng lớn tàu chiến và quân đổ bộ dọc theo bờ biển Phúc Kiến. Đây là điều không thể giấu giiếm được. Nếu quân đội Hoa Kỳ không có quyền ra đòn phủ đầu để kiềm chế Trung Quốc, thì cũng có thể nhanh chóng khai triển một lượng lớn thuỷ lôi đánh nhanh thông minh qua đường hàng không để phong toả các cảng quân sự trọng yếu của Trung Quốc, đặc biệt là đường thủy của các tàu đổ bộ tầm lớn và trung, khiến Trung Quốc buộc phải ngừng các hoạt động đổ bộ.
Nếu Trung Quốc không thể tiến hành tấn công đổ bộ theo kế hoạch, hàng trăm hoả tiễn có thể sẽ phải trì hoãn tấn công ngay cả khi chúng đã vào vị trí sẵn sàng. Điều này không chỉ giúp quân đội và người dân Đài Loan có thêm thời gian ẩn nấp, di chuyển, đề phòng mà còn khiến nhiều phương tiện phóng hoả tiễn của Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ bị quân đội Hoa Kỳ tấn công trên diện rộng. Ngoài ra, Trung Quốc còn mất nhiều thời gian để hoàn thành việc việc rà phá thủy lôi, thế nên vũ khí tấn công tầm xa của Trung Quốc có khả năng cần phải rút khỏi các vị trí đã định sẵn, toàn bộ kế hoạch tác chiến của Trung Quốc sẽ bị gián đoạn.
Thuỷ lôi kích cỡ không lớn nhưng lại có giá trị chiến lược quan trọng trong việc chống lại sự xâm nhập vũ trang của Trung Quốc vào Đài Loan. Quân đội Hoa Kỳ cũng có thể thả thuỷ lôi xuống các khu vực xuất phát của hạm đội Bắc Hải và Nam Hải của Trung Quốc, ngăn chặn hạm đội Trung Quốc hỗ trợ các hoạt động tấn công ở eo biển Đài Loan. Hạm đội Hoa Đông của Trung Quốc gần như khó có thể hoàn thành nhiệm vụ hộ tống các tàu đổ bộ, và các cuộc đổ bộ sẽ không thể hoàn thành một cách có hiệu quả. Nếu Trung Quốc từ bỏ các phương tiện thiết giáp, trực thăng, v.v. trên tàu đổ bộ cỡ lớn và tầm trung, dốc toàn lực dùng các thuyền nhỏ dẫn binh lên bờ, thì sẽ rất khó chống lại các vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, trực thăng, v.v của Đài Loan.
Hoa Kỳ còn có thể phóng thuỷ lôi từ các tàu ngầm gần các cảng hải quân của Trung Quốc. Nhưng nếu thuỷ lôi thả trên không sẽ có thể được khai triển trên quy mô lớn nhanh hơn với rủi ro ít hơn. Ngoài ra, so với hoả tiễn đắt đỏ, thuỷ lôi có giá rẻ hơn nhiều. Nếu quân đội Hoa Kỳ không thể tấn công phủ đầu, việc khai triển thuỷ lôi trên không có thể sẽ là một lựa chọn khác để ngăn chặn các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Thậm chí, quân đội Hoa Kỳ có thể công khai khu vực khai triển thuỷ lôi để nhắc nhở các tàu dân sự, tương đương với việc vạch ra một số vùng cấm tàu thuyền. Nó cũng là một trong những phương tiện để đe doạ và ngăn cản Trung Quốc phát động chiến tranh. Vào ngày 25/08/2021, quân đội Hoa Kỳ đã đặc biệt trưng bày mẫu thuỷ lôi thông minh MK-62 đặt bên cạnh oanh tạc cơ B-52 tại căn cứ Guam. Đây rõ ràng là một tín hiệu cảnh báo mà Hoa Kỳ muốn gửi đến Trung Quốc.
Vũ khí phòng thủ liên hợp AGM-154
Vũ khí phòng thủ liên hợp AGM-154 (Joint Standoff Weapon, JSOW) là loại bom lượn kết hợp hệ thống dẫn đường quán tính với hệ thống định vị vệ tinh GPS. Sau khi được phóng ra, nó có thể bay lượn trên không và tự động tìm mục tiêu, phạm vi phóng từ độ cao thấp là 28 km, phạm vi phóng từ độ cao cao có thể lên tới 110 km. Bom có thể được thả bên ngoài một khu vực phòng không nào đó, điều này giúp tăng độ an toàn cho phi cơ, quả bom có thể nhắm chính xác mục tiêu, giảm thiểu tổn thất ở mức lớn nhất.
Năm 1998, chiến đấu cơ F/A-18 của Hoa Kỳ đã lần đầu tiên thả bom lượn JSOW và đánh trúng mục tiêu ở ngoại ô phía nam Baghdad, Iraq. Sau đó, trong Chiến dịch Cáo Sa mạc, Chiến dịch Giám sát phía Nam, Chiến dịch Lực lượng Đồng minh NATO, Chiến dịch Tự do bền bỉ và Chiến dịch Tự do Iraq, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng bom lượn JSOW để thực hiện các cuộc không kích chính xác, hơn 400 quả bom đã được đưa vào tác chiến thực.
Có nhiều loại bom lượn JSOW, có loại chứa 145 bom con (gồm bom xuyên giáp và bom cháy), có loại tấn công các pháo đài kiên cố. Một khi quân đội Hoa Kỳ đã giành được ưu thế trên không và phá hủy radar phòng không then chốt của Trung Quốc, họ sẽ sử dụng một số lượng lớn bom lượn JSOW để tấn công các mục tiêu quân sự rộng lớn hơn.
Mẫu mới nhất của JSOW đã có tầm hoạt động lên tới 560 km. Một khi được khai triển, nó hoàn toàn có thể được phóng ngoài tầm bắn của hỏa tiễn phòng không, và Trung Quốc càng không có cách nào đối phó.
Bộ thiết bị tấn công trực diện phối hợp
Bộ thiết bị tấn công trực diện phối hợp (Joint Direct Attack Munition, JDAM) là một loại thiết bị dẫn đường cho bom, có thể được gắn vào nhiều loại bom thông dụng khác nhau để trở thành bom dẫn đường chính xác (bom JDAM). Bom JDAM được dẫn đường bằng hệ thống GPS, được điều khiển bởi hệ thống ở phần đuôi, phạm vi tấn công sau khi phóng lên tới 28 km.
Kể từ năm 1998 cho đến nay, hơn 400,000 bộ thiết bị JDAM đã được sản xuất tại Hoa Kỳ. Bộ JDAM cũng giúp điều khiển đạn đạo bay theo hướng chính xác với góc bay tối ưu để việc kích nổ đạt hiệu quả tối đa.
Trong Chiến tranh Kosovo năm 1999, oanh tạc cơ B-2 của Hoa Kỳ đã thả hơn 600 quả bom JDAM. Loại bom này còn được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và các chiến dịch chống ISIS sau này. Nhờ có bom JDAM với tính năng chính xác thay thế cho việc ném bom rải rác trước đây, nên thiệt hại đã giảm đi đáng kể.
Bom dẫn đường chính xác được trang bị bộ JDAM giúp giảm đáng kể chi phí của các cuộc tấn công và phù hợp cho các loại chiến đấu cơ. Độ chính xác trong thiết kế là 13 mét, còn khi thử nghiệm thực tế là khoảng 7 mét.
Oanh tạc cơ B-2 của Hoa Kỳ có thể mang 80 quả bom dẫn đường chính xác JDAM, có thể thực hiện các cuộc không kích trong lòng địch và hoàn toàn có khả năng tiêu diệt các căn cứ hỏa tiễn tầm trung DF-26 trên lục địa Trung Quốc.
Vào ngày 20/08/2021, trong cuộc tập trận tương tác với hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh ở Biển Philippines, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã cố ý công khai một quả bom dẫn đường chính xác JDAM trong khoang đạn của chiến đấu cơ F-35B.
Hoa Kỳ đã đưa một lượng lớn chiến đấu cơ F-35 vào hoạt động. Chúng có thể sử dụng khả năng tàng hình để xâm nhập vào hệ thống phòng không của Trung Quốc để tấn công các mục tiêu trong nội địa và các hạm đội trên biển. Trong thực chiến, tiêm kích F-35 đã nhiều lần chứng minh khả năng tàng hình của mình. Khi Israel đưa F-35 vào tham chiến, các radar do Nga và Trung Quốc cung cấp cho Syria đã không phát hiện được F-35 một cách hiệu quả.
Cho dù là bom lượn AGM-154 hay bom dẫn đường chính xác JDAM, chúng đều thích hợp để quân đội Hoa Kỳ tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn vào các mục tiêu cụ thể của Trung Quốc, khiến quân đội Trung Quốc không dám bứt dây động rừng, phát động chiến tranh.
Châu Điền thực hiện
Cao Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: