Vũ khí nào của Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phải dè chừng (Phần 2)
Hiện tại, rõ ràng đang có một cuộc chạy đua sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc đang ráo riết phát triển hỏa tiễn DF (Dongfeng) để đối phó với quân đội Hoa Kỳ, nhằm cố gắng ngăn chặn Hoa Kỳ can thiệp vào các cuộc xung đột ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngoài hỏa tiễn DF, Trung Quốc có tương đối ít những vũ khí thông thường có lực uy hiếp thực sự. Ngược lại, Hoa Kỳ lại trang bị rất nhiều vũ khí tối tân khiến Trung Quốc không khỏi kiêng dè.
Tiếp theo Phần 1.
Hoả tiễn liên hợp đất đối không AGM-158
Hoả tiễn liên hợp không đối đất AGM-158 (JASSM) là hoả tiễn hành trình tàng hình tầm xa cỡ lớn, có khả năng tấn công vùng đất bên ngoài khu vực phòng không. AGM-158 được đưa vào hoạt động từ năm 2009.
Hỏa tiễn AGM-158 có thể tương thích với nhiều loại phi cơ, bao gồm F-15E, F-16, F/A-18, F-35, B-1B, B-2, B-52, v.v. Phiên bản AGM-158 đầu tiên có tầm bắn 370 km. Phiên bản cải tiến sản xuất năm 2014 là AGM-158B (hay còn gọi JASSM-ER) có tầm bắn 925 km, thậm chí có thể được mở rộng lên hơn 1,000 km. Chúng tương thích với nhiều loại phi cơ: Các oanh tạc cơ như B-1B có thể mang 24 hoả tiễn, B-2 có thể mang 16 hoả tiễn, còn oanh tạc cơ B-52 có thể mang 20 hoả tiễn.
Hiện tại, tầm bắn xa nhất của hoả tiễn phòng không là khoảng 400 km, trong khi tầm bắn của hoả tiễn JASSM-ER là 925 km. Nó đủ đáp ứng yêu cầu vận chuyển không quân và hàng không mẫu hạm của hải quân Hoa Kỳ. Với tầm bắn này, JASSM-ER giúp chiến đấu cơ có thể thực hiện các cuộc tấn công ngoài tầm bắn của hoả tiễn phòng không của đối phương một cách an toàn.
Lựa chọn thích hợp nhất để đối phó với đợt phản công thứ hai của ĐCSTQ
Hoả tiễn JASSM-ER được sản suất để chuyên đối phó với Trung Quốc. Hoa Kỳ có thể sử dụng hoả tiễn hành trình Tomahawk để phát động làn sóng phản công đầu tiên nhằm vào các căn cứ ven biển của ĐCSTQ, nhưng không nhất định đủ để phá hủy tất cả các radar phòng không. Khi chiến đấu cơ của Hoa Kỳ phát động đợt phản công thứ hai, họ vẫn có thể phải đối mặt với mối đe dọa từ hoả tiễn phòng không của ĐCSTQ, khi đó hỏa tiễn AGM-158B sẽ giải quyết gọn gàng những vấn đề này.
Các oanh tạc cơ của Hoa Kỳ thậm chí không cần lo lắng về khả năng uy hiếp từ các chiến đấu cơ Trung Quốc, và hoàn toàn có thể trở về sau khi hoàn thành cuộc tấn công cách căn cứ quân sự ven biển Trung Quốc 500km. Bốn oanh tạc cơ B-52 mỗi đợt có thể phóng 80 hoả tiễn,oanh tạc cơ B-1B thậm chí có thể phóng ít nhất 96 hoả tiễn mỗi đợt. Hiện trong quân đội Hoa Kỳ, loại B-1B có 45 chiếc, B-52 có 74 chiếc, oanh tạc cơ tàng hình B-2 có 19 chiếc. Tuy nhiên B-2 có thể sẽ không tham gia vào cuộc tấn công lần này, mà tham gia các cuộc tấn công vào nội địa.
Ngoài các oanh tạc cơ thực hiện cuộc tấn công vào các mục tiêu như căn cứ hỏa tiễn, phi trường, bến cảng, điểm tập kết quân sự của Trung Quốc, quân đội Hoa Kỳ cũng có thể điều động các chiến đấu cơ khác như F-15, F-16 và F/A-18. Khi cần thiết, chúng cũng có thể được giao nhiệm vụ tấn công các mục tiêu lẻ tẻ cụ thể như trung tâm chỉ huy, trung tâm liên lạc, radar di động và xe phóng hoả tiễn, v.v. Chiến đấu cơ tàng hình F-35 thậm chí có thể thực hiện các cuộc tấn công sâu hơn.
Sau khi Hoa Kỳ triển khai đợt phản công đầu tiên bằng hoả tiễn hành trình Tomahawk phóng từ tàu ngầm, cần bổ sung đợt tấn công mới. Vài giờ sau, các chiến đấu cơ sẽ có mặt và thực hiện đợt tấn công thứ hai bằng hoả tiễn tầm xa AGM-158. Hai đợt tấn công có thể phóng tổng cộng trên 1,000 hỏa tiễn, ít nhất có thể làm tê liệt các căn cứ hoả tiễn tầm ngắn và tầm trung, cùng các cơ sở phòng không dọc bờ biển của Trung Quốc. Nó cũng có thể làm tê liệt các trung tâm chỉ huy và liên lạc quan trọng, cũng như phá huỷ các căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc.
ĐCSTQ sẽ không thể đối phó với hai đợt tấn công hỏa tiễn này, cũng như các cuộc tấn công hỏa tiễn liên tiếp từ chiến đấu cơ Hoa Kỳ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng rất nhanh sẽ mất khả năng tấn công hoả tiễn tầm ngắn và tầm trung ở dọc bờ biển. Như thế, các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Nhật Bản sẽ tránh được đáng kể các mối đe doạ từ Trung Quốc. Một lượng lớn chiến đấu cơ và tàu chiến có thể di chuyển thuận lợi hơn để dễ dàng thực hiện các cuộc không kích lớn, thậm chí là các cuộc không chiến và hải chiến tiếp theo.
Kinh nghiệm thực chiến
Nói về hoả tiễn AGM-158A trước khi phóng, cánh nâng sẽ được gấp gọn để giảm kích thước quả đạn. Sau khi phóng, các cánh sẽ được tự động mở ra. Nó có đuôi thẳng đứng, trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và định vị toàn cầu mới nhất, thiết bị tìm kiếm hồng ngoại giúp nó xác định mục tiêu và điểm đáp cuối cùng, đồng thời liên kết dữ liệu cho phép hoả tiễn truyền đi vị trí và tình trạng trong quá trình bay.
Vào ngày 14/4/2018, để trừng phạt Syria vì sử dụng vũ khí hoá học, hai oanh tạc cơ B-1B của Hoa Kỳ đã bắn tổng cộng 19 hoả tiễn AGM-158, phá huỷ trung tâm nghiên cứu vũ khí hoá học ở Syria.
Vào ngày 27/10/2019, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng hoả tiễn AGM-158B để tấn công chỗ ẩn náu của thủ lĩnh nhóm khủng bố Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi, san bằng hoàn toàn khu nhà này.
Hoả tiễn chống hạm AGM-158C
Năm 2018, trên cơ sở của AGM-158B, quân đội Hoa Kỳ đã phát triển và thử nghiệm hoả tiễn chống hạm tầm xa phóng từ trên không AGM-158C (Long Range Anti-Ship Missile, LRASM). Mẫu hoả tiễn này cũng có thể được phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng của tàu nổi. So với hoả tiễn chống hạm Harpoon bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1977, AGM-158C có khả năng chủ động nhắm mục tiêu tiên tiến hơn, dựa vào hệ thống nhắm mục tiêu trên không để nhận mục tiêu, và cũng có thể tránh được hệ thống phòng thủ chủ động của đối phương.
Sau khi phóng AGM-158C, đầu tiên nó bay đến mục tiêu ở độ cao trung bình, sau đó bay lướt trên biển ở tầm thấp để tránh hỏa tiễn đánh chặn. AGM-158C có tầm bắn tối đa 930 km và có thể được trang bị trên tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet, oanh tạc cơ B-1B, F-35 Lightning II, phi cơ tuần tra P-8, v.v.
Thế hệ tiếp theo AGM-158D hay còn gọi là JASSM-XR “Extreme Range”, có tầm bắn 1,900 km và nặng khoảng 5,000 lbs (~2,300 kg), bao gồm một bộ phận điều khiển hoả tiễn mới, thay đổi cánh nâng, sử dụng màu sơn, tủ an toàn điện tử và ngòi nổ khác.
Sự xuất hiện của mẫu hoả tiễn chống hạm AGM-158C khiến Trung Quốc gặp không ít trở ngại. Các tàu chiến của Trung Quốc thiếu khả năng phòng thủ hoả tiễn, năng lực phòng không cũng chỉ ở mức trung bình. Các hoả tiễn tầm xa của Hoa Kỳ khiến các tàu chiến của Trung Quốc khó có thể chống đỡ. Nếu chiến đấu cơ của Hoa Kỳ phóng hỏa tiễn ngoài tầm radar của chiến hạm Trung Quốc, thì Trung Quốc rất có thể không biết điều đó, thẳng cho đến khi bị bắn trúng cũng không có phản ứng gì. Thậm chí tàu khu trục, hàng không mẫu hạm cỡ lớn của Trung Quốc cũng lực bất tòng tâm.
Một khi khai chiến, các chiến hạm của Trung Quốc hễ rời cảng, chúng có thể bị hoả tiễn chống hạm tầm xa AGM-158 của quân đội Hoa Kỳ vây khốn, hạm đội ở biển Bắc Hải và Biển Đông nhiều khả năng sẽ không thể để di chuyển. Hoa Kỳ còn trang bị hoả tiễn chống hạm Harpoon, chúng có sức công phá khủng khiếp khiến Trung Quốc không cách nào ứng phó.
Xem thêm Phần 3.
Châu Điền thực hiện
Cao Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: