Với Trung Quốc, Bộ Tứ là nguy cơ lớn gấp đôi trong ngoại giao và quân sự
Cuộc họp của các ngoại trưởng trong Đối thoại An ninh Bốn bên diễn ra vào tuần 5-11/10/2020 đã đi đến một sự phối hợp ngoại giao toàn cầu. Bộ Tứ (Quad) đã là một lực lượng quân sự mạnh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đối với Bắc Kinh, sự hình thành và củng cố của Bộ Tứ là một cơn ác mộng – và Trung Quốc chỉ có thể trách chính mình.
Năm 2007, Bộ Tứ, theo đề nghị của Nhật Bản, đã tổ chức cuộc họp không chính thức đầu tiên. Trong cuộc họp, Nhật Bản cho rằng tất cả 4 nước đều coi Trung Quốc sẽ là một nhân tố gây rối trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Mối lo ngại chung này thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn để cùng đối mặt với việc này.
Vì nhiều lý do, Ấn Độ đã hạ thấp tầm quan trọng của cuộc họp đầu tiên. Nhiều người dân Ấn Độ coi trọng chính sách “không liên minh” trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh của mình. Việc hợp tác quân sự chặt chẽ với Hoa Kỳ sẽ phá vỡ truyền thống đó. Úc, Hoa Kỳ, và Nhật Bản đều đã có các hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực quân sự. Các trao đổi quân sự giữa Ấn Độ và Úc cũng gần gũi, nhưng Ấn Độ ưu tiên chính sách tự chủ và nghi ngờ về các cam kết phòng thủ chung.
Hơn nữa, vào năm 2007, Ấn Độ đã tránh được việc xảy ra một cuộc chiến tranh trực diện với Trung Quốc. Các thỏa thuận hợp tác kinh tế với Bắc Kinh có nhiều lợi ích tiềm năng. Thêm vào đó, New Delhi và Bắc Kinh khi đó cố gắng giải quyết các tranh chấp biên giới trên dãy Himalayas trong hòa bình.
13 năm đã mang lại nhiều thay đổi, đặc biệt là với các vết sẹo gây ra bởi chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc như việc bành trướng lãnh thổ, trộm cắp sở hữu trí tuệ, phát triển quân đội và các hành vi vô luật pháp. Các đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc được trang bị vũ khí và xâm phạm các vùng biển của Philippines và Việt Nam. Gần đây Trung Quốc đã công bố các tên lửa siêu thanh mới có khả năng san bằng Quần đảo Guam, một lãnh thổ của Hoa Kỳ. Các tổ chức nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các hành vi diệt chủng đối với những người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người dân tộc Tây Tạng.
Giải quyết vấn đề biên giới trên dãy Himalayas? Hiện nay, lực lượng quân đội Ấn Độ và Trung Quốc va chạm trên dãy núi khi Trung Quốc xây dựng mạng lưới giao thông cho phép hỗ trợ các xung đột bộ binh kéo dài xuống dưới phía nam của khu vực.
Trong vòng 13 năm qua, có vẻ như các nhà lãnh đạo của Ấn Độ đã hiểu ra rằng các lãnh đạo độc tài của Trung Quốc nhìn nhận việc né tránh xung đột là sự thừa nhận đối với quyền lực của họ và là một hình thức nhượng bộ.
Nhưng Hoa Kỳ đã có một quá trình tích lũy kinh nghiệm. Sự lạc quan của Hoa Kỳ về tương lai của Trung Quốc đã bị đẩy lùi về trạng thái bi quan. Việc quân sự hóa Biển Đông và thái độ thù địch Hoa Kỳ của giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã làm xấu đi mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc. Và giọt nước tràn ly chính là sự che đậy của Bắc Kinh đã cho phép virus Vũ Hán (COVID-19) trở thành đại dịch toàn cầu.
Việc này đưa chúng ta trở lại hội nghị hồi đầu tháng 10 tại Tokyo, với Ngoại trưởng Mike Pompeo, đại diện cho Hoa Kỳ.
Trong nhận xét ban đầu của mình, ông Pompeo cho biết các nền dân chủ của Bộ Tứ đã quyết định hợp tác với nhau. Sau đó, ông thẳng thừng lên án Trung Quốc về việc che đậy sự bùng phát dịch bệnh.
“Bản chất độc tài của Trung Quốc đã khiến các lãnh đạo của nó bắt và bịt miệng những người dân Trung Quốc dũng cảm gióng lên hồi chuông cảnh báo.… Là những đồng minh trong Bộ Tứ, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta cùng phối hợp để bảo vệ người dân và các đồng minh khỏi sự bóc lột, tham nhũng và ép buộc của Trung Quốc. Chúng ta đã chứng kiến những gì xảy ra tại phía nam, tại khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, khu vực sông Mekong, dãy Himalayas, và Eo biển Đài Loan.”
Ngày nay, lực lượng quân đội Ấn Độ thường xuyên tham dự các hoạt động diễn tập quân sự của Bộ Tứ tại khu vực Ấn Độ Đương và Thái Bình Dương. Lực lượng hải quân Ấn Độ đã tiến đến Biển Đông. Các chiến hạm của Ấn Độ cũng tham gia tập trận với lực lượng không quân và hải quân Nhật Bản tại Biển Hoa Đông, trong khu vực giữa các đảo chính của Nhật Bản và Okinawa. Trước sự bất lực của các đô đốc Trung Quốc, lực lượng Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc đã diễn tập hiệp đồng tác chiến tại Ấn Độ Dương.
Vào tháng 12/2018, ông Jim Mattis, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, đã trao đổi với truyền thông Ấn Độ rằng Hoa Kỳ và Ấn Độ đã “vượt qua những trở ngại của lịch sử” và làm được việc “không có bất kỳ mâu thuẫn nào trong chiến lược tự chủ và quan hệ đối tác chiến lược.”
Ấn Độ biết là họ phải đối mặt với một Trung Quốc có sức mạnh lớn và hung hăng, đang tìm kiếm sự áp đặt. Một đối một, Ấn Độ ở vị trí bất lợi. Nhưng là một tập thể, Bộ Tứ có thể trừng phạt kinh tế Trung Quốc và các hành vi phạm tội, và chặn đứng các tham vọng quân sự của Trung Quốc.
Ông Austin Bay là một đại tá (đã về hưu) của Lực lượng Dự bị Quân đội Hoa Kỳ, là tác giả, nhà báo chuyên mục tổng hợp, và giáo viên về chiến thuật và lý thuyết chiến thuật tại Đại học Texas-Austin. Cuốn sách mới nhất của ông là “Sự pha trộn từ Địa ngục: Năm cuộc chiến tranh sẽ định hình thế kỷ 21.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.