Với hàng triệu người dân Trung Quốc, cuộc bức hại phủ bóng đen lên lễ đón năm mới
Vào thời điểm này hàng năm, điều mà cô Cao Hồng Mai (Gao Hongmei) mong chờ nhất là một cuộc điện thoại. Trong cuộc trò chuyện đôi khi kéo dài hàng giờ, cô cùng mẹ mình ở Trung Quốc-mà cô gặp mặt lần cuối cách đây 12 năm trước khi rời quê hương-sẽ trao nhau những lời chúc Tết Nguyên Đán và cùng trò chuyện về những điều ngẫu hứng khác trong cuộc sống.
Nhưng năm nay, khoảng cách địa lý không phải là điều duy nhất khiến họ xa nhau.
Cô Cao, đến từ tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc, cùng mẹ cô là bà Hồ Ngọc Lan (Hu Yulan) cùng tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chế độ Trung Cộng đàn áp tàn bạo. Hồi tháng 5 năm ngoái (2020), bà Hồ đã bị bắt vì phân phát tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công cho hàng xóm. Tháng 07/2020, các nhà chức trách chính thức buộc tội bà Hồ và sau đó kết tội bà với mức án 05 năm tù giam. Khi đó, bà đã bị tuyên phạt ba năm tù treo vì một “tội” tương tự vào năm 2018.
Viện cớ đại dịch đang diễn ra, lính canh trại giam đã cấm gia đình đến thăm và từ chối nhận quần áo mùa đông mà họ đã gửi để bảo đảm giữ ấm cho bà Hồ.
“Họ chỉ đòi tiền,” cô Cao nói trong một cuộc phỏng vấn từ New York, nơi cô hiện đang cư trú. “Ai cũng biết rằng trong tù mọi thứ đều đắt đỏ, quý vị biết đấy.”
Pháp Luân Công đặc trưng bởi ba nguyên lý cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn, cùng năm bài tập chuyển động chậm rãi. Sau khi môn tu luyện này được truyền rộng rãi vào năm 1992, số người theo học ở Trung Quốc đã tăng từ 70 lên đến 100 triệu người vào năm 1999, khi chế độ Trung Cộng coi sự phổ biến của môn tu luyện này là một mối đe dọa và đã phát động một chiến dịch toàn quốc để xóa sổ nó.
Những câu chuyện mà cô Cao phản ánh đang diễn ra trên khắp Trung Quốc. Đại dịch đã không làm trì hoãn việc đàn áp đức tin của chế độ cộng sản vô thần. Năm 2020 đã chứng kiến hơn 15,000 học viên Pháp Luân Công bị bắt bớ hoặc bị cảnh sát quấy rối, với 622 người bị kết án vì đức tin của họ, theo Minghui.org–một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi lại thông tin về cuộc bức hại. Trong số những người bị bức hại, có gần 1,200 là người già trên 65 tuổi, và 17 người trong đó là từ 90 tuổi trở lên.
Họ ‘không làm gì sai’
Vào lúc các cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới bước sang năm Tân Sửu, vô số những người sống sót đã trốn ra nước ngoài như cô Cao lại đang lo lắng hướng về quê nhà, tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy các gia đình của họ vẫn an toàn.
“Tết Nguyên Đán là thời khắc sum họp gia đình. Nhưng ở Trung Quốc đại lục, có bao nhiêu gia đình đã bị chia cắt?” cô Vương Tinh (Wang Jing), một học viên Pháp Luân Công đã trốn thoát sang Hoa Kỳ từ thành phố Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, giáp với Cát Lâm, nói.
Hồi tháng 6 năm ngoái (2020), cảnh sát đã ập vào nhà của gia đình họ Vương ở Đại Liên mà không có lệnh khám xét, và đã bắt giữ anh Nhậm Hải Phi (Ren Haifei), chồng cô Vương, cũng là một học viên. Trong số những tài sản có giá trị bị tước đoạt có 550,000NDT (85,164USD) tiền mặt và nhiều thẻ nhớ và USB trị giá 200,000NDT (30,969USD). Anh Nhậm đã bị cảnh sát đánh đập dã man khiến anh bị suy thận và tim, phải vào bệnh viện để cấp cứu. Anh đã phải nằm viện 19 ngày, trước khi bị đưa đến trại tạm giam.
Mãi đến tháng 09/2020, người đàn ông 45 tuổi này mới có thể tiết lộ sự việc trong một cuộc điện thoại với luật sư của anh, cuộc gọi đầu tiên trong số hai cuộc gọi mà lính canh trại giam đã cho phép cho đến nay.
Việc anh Nhậm bị bắt là một đòn giáng nặng nề đối với gia đình anh. Mẹ chồng của cô Vương, đã ngoài 70 tuổi và sống ở một tỉnh khác, đã bị đột quỵ khi nghe tin và hiện bị liệt nửa người.
Anh Nhậm trước đó đã phải ngồi tù bảy năm rưỡi. Trong suốt quãng thời gian đó, các lính canh đã bức thực anh thông qua một cái ống để hành hạ anh. Theo cô Vương, dù hiện đang bị giam lỏng, nhưng anh Nhậm đã biểu hiện ra những triệu chứng của bệnh tiểu đường.
“Chồng tôi chỉ đơn thuần là đang cố gắng gìn giữ đức tin của mình, và trở thành một người tốt hơn,” cô Vương nói. “Tôi thực sự suy sụp khi nghĩ tới việc đảng cộng sản đang bức hại các học viên Pháp Luân Công mà không bị trừng phạt chỉ vì họ muốn làm người tốt.”
Giống như cô Cao, gia đình của anh Nhậm ở Trung Quốc không thể gặp anh hoặc gửi quần áo. Khi cô Vương gọi về từ New York để hỏi về anh Nhậm, trung tâm giam giữ đã từ chối tiết lộ bất cứ thông tin gì, nói rằng họ không thể xác minh danh tính của cô.
Họ đã sử dụng dịch virus “như một cái cớ để chặn mọi liên lạc với bên ngoài… để trì hoãn chúng vô thời hạn,” cô nói.
Mẹ của cô Cao đã trải qua sinh nhật lần thứ 75 của bà hôm 24/01 tại Trung tâm Giam giữ Cát Lâm. Cô Cao đã gọi tới tất cả các số của nhà tù mà cô có thể tìm được để liên lạc với bà và gửi cho bà một bức thư viết tay để ghi dấu dịp này; cô và những người bạn của cô cũng gửi hàng loạt thiệp chúc mừng năm mới, mà không biết liệu có tấm thiệp nào trong đó đã đến được với bà Hồ hay không, hay liệu chúng có bao giờ tới.
Cô Cao mất cha hồi tháng 11/2020. Trong cuộc điện thoại cuối cùng của họ hồi tháng 4 năm đó, cha cô đã nói với cô nhiều lần, “cha nhớ con”—một khoảnh khắc tình cảm hiếm hoi từ người cha đôi khi hay cáu gắt của cô. Cô Cao về sau biết được rằng sau khi buông điện thoại xuống, ông đã ngã gục và khóc vì buồn thương đến nỗi người bạn tù ở tầng liền kề đã phải đến coi sóc ông. Cô cho biết nỗi đau không thể gặp mặt cha lần cuối và dự đám tang tiễn đưa ông đã ám ảnh cô mãi cho đến tận bây giờ.
Một năm mới khó khăn
Cô Trần Pháp Duyên (Chen Fayuan), 16 tuổi, hiện đang học tại New York, cảm thấy có gì đó không ổn sau ba ngày trôi qua mà không có một cuộc điện thoại nào từ cha mẹ. Khi kiểm tra trang web Minh Huệ, cô đã bị sốc khi thấy tên cha mẹ mình được nhắc đến trong một cuộc đột kích vào nhà riêng của họ ở quê nhà Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc. Cặp vợ chồng này nằm trong số hơn một chục người đang theo đọc các bài giảng Pháp Luân Công vào thời điểm đó.
“Tôi gần như muốn khóc,” cô đã nói với The Epoch Times. Cô Trần không có gia đình ở đây, và phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của giáo viên và bạn bè. Cô chưa liên lạc được với các thành viên khác trong gia đình và không biết ông bà của cô đang phải đối diện với tình cảnh này như thế nào, cô cho biết.
“Năm mới này thật khó vượt qua,” cô Trần nói.
Cô Trần, người có thể chơi đàn nhị là nhạc cụ hai dây truyền thống của Trung Quốc, giải thích rằng tên của cô có ý nghĩa là cô có duyên với “Pháp” hay luật của vũ trụ, được nhắc đến trong các bài giảng của Pháp Luân Công.
Nhưng cho đến khi đến Hoa Kỳ hai năm trước, cô Trần vẫn sợ hãi việc nói với mọi người họ tên đầy đủ của cô vì áp lực quá lớn. Trường tiểu học của cô đã từng trưng bày những biển pano bôi nhọ đức tin của cô, và hiệu trưởng trường trung học cơ sở của cô đã lặp lại tuyên truyền tương tự của Trung Cộng trong một bài diễn thuyết trước toàn trường, cô nói.
Cô kêu gọi mọi người trên khắp thế giới không làm ngơ trước cuộc bức hại đã chà đạp lên các giá trị cơ bản của con người.
Dù chuyện gì đi nữa, cô gái này vẫn quyết tâm nuôi hy vọng. “Sau cơn mưa trời lại sáng,” cô nói.
Cô Vương cũng có cùng niềm tin như vậy. Nếu được phép nói chuyện với chồng một lần nữa, cô dự định sẽ nói với anh rằng, “Nếu hy vọng không tắt đi, bình minh sẽ không còn xa nữa.”
Do Samuel Allegri và Eva Fu thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: