Vợ sĩ quan bị kỷ luật vì từ chối chích ngừa: ‘Họ đang cố ép anh ấy vi phạm đức tin tôn giáo của mình’
Một thiếu tá Thủy quân lục chiến được chọn để thăng cấp trung tá gần đây đã trải qua quy trình của Hội đồng Điều tra và bị kết tội “hành xử không phù hợp với một sĩ quan” vì duy trì niềm tin tôn giáo của mình và từ chối chích vaccine COVID-19.
The Epoch Times đã nói chuyện với cô Meghan Harwood, vợ của sĩ quan được đề cập, Thiếu tá Nick Harwood. Cô Harwood nói, mặc dù chồng cô sẽ sớm bị trục xuất khỏi Thủy quân lục chiến sau 15 năm phục vụ danh dự, nhưng trường hợp của anh là một “ví dụ tuyệt vời về trò hề của hệ thống pháp lý quân sự.”
Cô cho biết niềm tin tôn giáo và các quyền hiến định của anh đã bị chà đạp, giải thích rằng “anh không được đáp ứng các quyền của mọi người Mỹ khác trên đất nước này.” Yêu cầu được sắp xếp cho phù hợp với niềm tin tôn giáo của anh (yêu cầu miễn chích ngừa) đã bị khước từ, cũng như kháng cáo sau đó của anh.
Thiếu tá Harwood đã có 48 giờ để thực hiện việc chích ngừa sau khi nhận được lời từ chối kháng cáo của anh hồi tháng 12/2021. Theo vợ anh, “Họ đang cố ép anh ấy vi phạm đức tin tôn giáo của mình,” nhưng “anh ấy vẫn giữ vững cam kết với đức tin tôn giáo của mình.”
Và kết quả là anh đã bị cách chức và được thuyên chuyển đi làm việc ở nơi khác.
Hơn sáu tháng sau khi bị khước từ sắp xếp phù hợp vì lý do niềm tin tôn giáo, anh đã gặp Hội đồng Điều tra của mình hôm 18/07. Cô Harwood đã mô tả đây là “một tòa án hành chính,” một tòa án thiếu vắng các thủ tục pháp lý nghiêm ngặt của một tòa án tiêu chuẩn.
“Không hề có thẩm phán nào,” cô nói. “Thay vào đó, có ba sĩ quan cao cấp bỏ phiếu xem có nên giữ anh ấy lại hay là trục xuất anh ấy ra [khỏi Thủy quân lục chiến].”
Cô nói, một trong những luận điểm mà công tố viên chính phủ lập luận là khi một người nhập ngũ, họ cũng đã bị hạn chế quyền của mình. Sau đó, công tố viên này gắn luận điểm này với việc hạn chế tự do ngôn luận, đưa ra ví dụ rằng “quý vị không thể đi làm và trút giận lên sĩ quan chỉ huy của mình.” Ông ấy cũng đã gắn việc này với Tu chính án thứ Hai, lưu ý rằng “quý vị không thể cứ thế mang một khẩu súng vào một số nơi làm việc.”
Theo cô Harwood, cả hai điểm trên đều là những ví dụ “vô cùng ngớ ngẩn” về việc hạn chế quyền của một người nào đó.
Lời khai bị hạn chế
Mặc dù vợ Thiếu tá Harwood đã được làm chứng tại Hội đồng Điều tra của anh, nhưng lời khai của cô đã bị hạn chế.
“Mặc dù công tố viên phản đối việc tôi ra làm chứng cho chồng mình, nhưng tôi được thông báo rằng tôi có thể làm chứng miễn là tôi không nói về niềm tin tôn giáo của chúng tôi,” cô giải thích.
Cuối cùng, Thiếu tá Harwood đã bị buộc tội “hành xử không phù hợp với một sĩ quan,” cũng như nhiều tội danh bất tuân mệnh lệnh hoặc quy định, theo Điều 92 của Bộ luật Thống nhất về Tư pháp Quân sự (UCMJ).
Vợ anh coi mỗi cáo buộc trên là một sự tấn công vào các quyền hiến định của anh, như cô giải thích, “Điều 90 quy định cụ thể rằng bất kỳ lệnh nào đi ngược lại các quyền hiến định hoặc luật định đều bị coi là trái pháp luật, họ đã bỏ qua một quyền quan trọng trong Tu chính án thứ Nhất của Hiến Pháp ngay trong vấn đề này — tự do tôn giáo.”
Cô Harwood nói thêm rằng họ đang vi phạm luật pháp theo Đạo luật Tự do Tôn giáo năm 1993.
Cô nói: “Sách hướng dẫn cho quân nhân của tòa án quân sự nói rằng tính hợp pháp của một mệnh lệnh là một vấn đề luật luôn do một thẩm phán quân sự quyết định, nhưng với Hội đồng Điều tra đó, không có ai được đứng trước một thẩm phán quân sự nào cả.”
‘Phân biệt đối xử’
“Trong vụ án của chồng tôi,” cô Harwood nói, “hai trong số các thành viên hội đồng này là chỉ huy, họ thực sự là một số Thủy quân lục chiến được giao nhiệm vụ ra lệnh cho mọi người chích ngừa.” Cô đã đặt câu hỏi làm thế nào mà chồng cô lại nhận được một phiên tòa công bằng từ các Thủy quân lục chiến đã chích ngừa, mà trong đó hai trong số ba người này là những người đang ra lệnh chích ngừa.
Họ cũng là những người đảm nhận việc khước từ các đơn yêu cầu sắp xếp phù hợp với niềm tin tôn giáo, cô cho biết thêm.
“Nếu anh ấy [Thiếu tá Harwood] thực sự có thể tham dự một phiên tòa xét xử quân sự trước một thẩm phán quân sự,” cô nói, “thì anh ấy sẽ có nhiều cơ hội công bằng hơn.” Và theo cô Harwood, “họ biết họ sẽ thua trước một tòa án thực sự.”
Hai tòa án đã ban hành lệnh sơ bộ cấm Hải quân và Không quân trừng phạt những quân nhân nào đã tìm cách yêu cầu miễn trừ tôn giáo đối với lệnh bắt buộc chích ngừa.
Thiếu tá Harwood cũng đã nộp đơn yêu cầu về hưu sớm. Vợ anh nói rằng thủ tục giấy tờ của anh “không bao giờ được chuyển tiếp” lên chuỗi mệnh lệnh này.
“Chúng tôi được thông báo rằng họ sẽ giữ lá đơn đó cho hội đồng của anh ấy, để nếu họ trục xuất anh ấy ra, thì họ có thể đề nghị anh ấy về hưu sớm,” cô nói, và cho biết thêm rằng “họ chưa bao giờ làm việc đó.”
7 trường hợp miễn trừ vì lý do tôn giáo
Tính đến hôm 06/07, Lực lượng Thủy quân lục chiến đã chấp thuận bảy trường hợp miễn trừ vì lý do tôn giáo, 602 trường hợp miễn trừ vì lý do hành chính hoặc y tế, và đã trục xuất 3,069 người.
“Tại sao một số người được cấp quyền hiến định [tự do tôn giáo] trong khi chồng tôi và hàng ngàn người khác thì không?” cô Harwood đặt câu hỏi. “Đó là sự phân biệt đối xử và đó không phải là cơ hội bình đẳng.”
Những người khác đã được miễn trừ vì lý do hành chính hoặc y tế “theo cách vô tình được bỏ qua” với danh nghĩa đáp ứng các yêu cầu sẵn sàng của quân đội, cô nói, và cho biết thêm rằng chồng cô đã “không bỏ lỡ ngày nào” để xét nghiệm tầm soát COVID dương tính. “Trong khi đó,” cô nói, “những người khác đã chủng ngừa đều đã vắng mặt nhiều ngày.”
‘Làm suy yếu quân đội’
“Đây không phải là về sức khỏe của một đơn vị hay sự đáp ứng các yêu cầu sẵn sàng của quân đội,” cô Harwood tiếp tục. “Đây là về sự phân biệt đối xử, [và] những người theo đạo Cơ Đốc đang bị gán cho tội hành xử không phù hợp với một sĩ quan.”
Theo cô Harwood, “quân đội của chúng ta đang bị hủy hoại bởi chính các nhà lãnh đạo đã tuyên thệ ủng hộ và bảo vệ Hiến Pháp chống lại kẻ thù, cả trong và ngoài nước.”
Thay vì ủng hộ và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, cô nói, “các nhà lãnh đạo cao cấp đang chọn không chấp thuận các đơn yêu cầu sắp xếp phù hợp với niềm tin tôn giáo.”
Cô nói rằng các quyết định của họ đang “làm suy yếu quân đội.”
Cô cầu nguyện rằng “các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ có can đảm để chấm dứt lệnh bắt buộc [chích ngừa] này trước khi thiệt hại đối với quân đội của chúng ta không còn có thể vãn hồi.”
Cô thừa nhận rằng gia đình cô đã “hy sinh rất nhiều” vì sự phụng sự của chồng cô. “Đó không chỉ là một công việc; mà đó là một lối sống,” cô giải thích. “Chúng tôi hiểu công việc của anh Nick, vì vậy chúng tôi hy sinh những điều đó.”
Hôm nay, cô cảm thấy buồn rằng “quân đội thậm chí không sẵn sàng đi đến một điểm chung.”
Nhưng sau tất cả những gì đã nói và làm, cô cho biết, gia đình cô sẽ tiếp tục “tin tưởng vào Chúa, biết rằng anh ấy [Thiếu tá Harwood] có thể được [Chúa] kêu gọi để làm điều gì đó bên ngoài quân đội.”
Cô Harwood đã trích dẫn một câu nói ưa thích của cựu Tổng thống Ronald Reagan cho người dân Mỹ:
“Tự do là một thứ mong manh và nó chưa bao giờ cách xa sự diệt vong hơn một thế hệ. Nó không phải là tài sản thừa kế của chúng ta, nó phải được đấu tranh và bảo vệ liên tục bởi mỗi thế hệ, vì nó chỉ đến một lần với một dân tộc. Trong lịch sử thế giới, những người đã biết đến tự do và sau đó đánh mất nó thì không bao giờ biết đến nó nữa.”
The Epoch Times đã liên lạc với Thủy quân lục chiến để yêu cầu bình luận.
Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc.