Vợ luật sư nhân quyền Trung Quốc Cao Trí Thịnh kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ
Bà Cảnh Hòa chia sẻ: “Hãy để những người chia sẻ giá trị chung cùng nhau thay đổi Trung Quốc. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ quan tâm tới số phận của anh ấy.”
‘Hãy cùng nhau thay đổi Trung Quốc’
Ông Cao Trí Thịnh, luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc bị mất tích từ năm 2017. Bà Cảnh Hòa, vợ ông cùng con trai và con gái nhỏ tị nạn sang Hoa Kỳ cách đây 11 năm. Từ đó họ không được gặp ông và 3 năm qua không có tin tức gì về ông.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn The Epoch Times gần đây, bà chia sẻ: “Gần 3 năm từ ngày 13/08, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, ngày nào tôi cũng mong nhận được điện thoại của anh ấy, nói về nỗi vất vả khi một mình nuôi dạy con cái… Cao Trí Thịnh đang ở đâu? Khi nào tôi mới nhận được cuộc gọi của anh ấy?”
Bà Cảnh chia sẻ, bà không biết nơi ở và cuộc sống của chồng hiện ra sao. Bà hy vọng các nhà lãnh đạo Châu Âu và các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế quan tâm tới trường hợp của chồng mình.
Sau đợt bùng phát virus Trung Cộng năm nay, bà ngày càng lo lắng cho ông Cao hơn.
“Tôi lo lắng trong đại dịch, họ (nhà cầm quyền) sẽ tiêm virus gây bệnh cho ông ấy, và sẽ dùng cách này làm ông ấy biến mất. Ngày nào tôi cũng thấy lo lắng, mỗi khi không làm việc tôi lại nghĩ về chồng mình. Nó xuất hiện trong tâm trí và tôi gọi cho anh trai chồng, nhưng cũng không có tin tức gì.”
Theo bà, bản thân Trung Cộng chính là một loại virus lây lan toàn thế giới. Thông qua đại dịch này, thế giới sẽ nhìn rõ bản chất của chính quyền Trung Quốc.
Bà cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà lãnh đạo Châu Âu vì đã quan tâm đến cảnh ngộ của ông Cao.
Bà nói: “Hãy để những người chia sẻ giá trị chung cùng nhau thay đổi Trung Quốc. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ quan tâm tới số phận của anh ấy”.
Bà nhận định: “Tôi nghĩ Châu Âu thông qua đại dịch này sẽ hiểu rõ hơn bản chất của Trung Cộng, hy vọng họ biết việc bức hại những người dân như chồng tôi, người đã cố gắng thay đổi và vì lợi ích của người dân Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn”.
Gần đây, Liên minh Châu Âu đã chỉ trích Trung Cộng trong việc phát tán thông tin sai lệch về đại dịch dẫn đến tình trạng sức khỏe của công chúng trở nên ngày càng tồi tệ.
Cao Trí Thịnh – Luật sư can đảm nhất Trung Quốc
Được coi là “lương tâm Trung Hoa”, ông Cao tự học hỏi để trở thành luật sư nhân quyền, ông đại diện cho người dân Trung Quốc bị đàn áp, bao gồm các học viên Pháp Luân Công. Từ cuối năm 2004, ông liên tục gửi thư thỉnh nguyện lên các quan chức cấp cao của Trung Cộng, yêu cầu phải có chuyển biến đối với việc đàn áp Pháp Luân Công và các nhóm người bị đàn áp khác.
Từ năm 2006, ông Cao liên tục bị cảnh sát bắt cóc, tra tấn dã man và bị bỏ tù. Vợ và các con ông cũng bị chính quyền đe dọa. Năm 2009, nhờ một cuộc chạy trốn gan dạ, bà Cảnh Hòa cùng các con trốn khỏi đất nước và hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Sau khi bà Cảnh bỏ trốn, ông Cao liền bị cảnh sát bắt đi khỏi nhà ở tỉnh Thiểm Tây, suốt hai năm nay không ai biết ông ở đâu. Năm 2011, ông xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn ngắn ngủi tại Bắc Kinh của hãng tin AP và mô tả về sự tra tấn dã man ông phải chịu đựng khi bị giam giữ.
Tháng 12/2011, nhà chức trách Trung Quốc đưa ra một thông báo bằng tiếng Anh, nói rằng ông Cao đã bị đưa trở lại nhà tù để thụ án thêm 3 năm và ông đã mất tích thêm 22 tháng nữa. Ông được ra tù năm 2014 và trực tiếp bị quản thúc tại gia.
Ông Cao lại bị mất tích một lần nữa vào tháng 8 năm 2017. Từ đó, bà Cảnh đã gọi cho anh trai của ông nhiều lần để biết về thông tin của chồng, nhưng theo người anh trai, chính quyền tỏ ra né tránh trả lời về việc này.
Bà Cảnh chia sẻ: “Anh trai của ông ấy thường đến trụ sở công an tại thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Thiểm Tây để hỏi tin tức em trai. Có lúc họ nói ông Cao Trí Thịnh đang ở Bắc Kinh và cần xin chỉ thị từ cấp trên. Lần sau lại bảo ông ấy ở Ngọc Lâm, và họ cũng không biết cụ thể ở đâu.”
Sau lần mất tích cuối cùng của ông Cao, các luật sư Trương Lỗi (Zhang Lei) và Yên Tân (Yan Xin) đã đến cục quản lý nhà tù Bắc Kinh và các bộ phận khác để tìm hiểu xem ông Cao bị giam ở nhà tù nào, nhưng họ bị từ chối với lý do không cung cấp thư thông báo đã được gửi (lá thư chính quyền đã gửi đến gia đình ông Cao). Tuy nhiên, theo bà Cảnh, gia đình họ không hề nhận được bất kỳ văn bản nào về việc ông Cao bị giam giữ. Các luật sư cũng đã đến thăm sở cảnh sát của thành phố Ngọc Lâm và huyện Gia, và cũng không nhận được câu trả lời.
Theo Bà Cảnh, gia đình chồng bà và gia đình mẹ đẻ của bà tại Trung Quốc cũng bị chính quyền địa phương sách nhiễu.
Bà Cảnh chia sẻ: “Trong 10 năm qua gia đình bà không ngừng bị quấy rối, đe dọa, đàn áp. Thẻ căn cước của các thành viên trong gia đình bà cũng bị chính quyền tịch thu để ngăn họ rời khỏi địa phương và thay ông Cao thực hiện các cuộc vận động. Anh rể bà bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, trước khi qua đời vào năm 2015 thường xuyên phải sử dụng thuốc giảm đau. Mỗi lần cần mua thuốc, ông phải đến mượn thẻ căn cước từ cảnh sát địa phương và phải đem trả lại họ sau đó.”
Bà cho biết: “Chính quyền cũng lừa mẹ bà để lấy chìa khóa nhà của bà và ông Cao ở Bắc Kinh. Các viên chức bảo với mẹ bà, họ cần chìa khóa để sửa đường ống nước của căn nhà và họ đã không trả lại chìa khóa kể từ khi lấy chúng khoảng tám năm trước.”
Tác giả: Hồng Ninh