‘Virus 16 nghìn tỷ USD’: Các kinh tế gia ước tính tổn hại tài chính của COVID-19 ở Mỹ
Cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Lawrence Summers và kinh tế gia của Đại học Harvard, ông David Cutler, đã tính toán trong một bài nghiên cứu ngày 12/10 rằng đại dịch sẽ gây tổng thiệt hại cho Hoa Kỳ là 16 nghìn tỷ USD, gấp khoảng 4 lần con số mà cuộc Đại suy thoái 2007-2009 gây ra.
“Khoảng một nửa số tiền này là thu nhập bị mất do suy thoái do COVID-19 gây ra; phần còn lại là những tác động kinh tế do tuổi thọ suy giảm và cuộc sống kém lành mạnh hơn,” hai kinh tế gia viết trong một bài báo đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, trong đó họ gọi sự bùng phát của virus Vũ Hán là “mối đe dọa lớn nhất tới sự thịnh vượng và hạnh phúc mà Hoa Kỳ đã gặp phải kể từ cuộc Đại suy thoái”.
Các ước tính của ông Summers và ông Cutler về thiệt hại kinh tế trực tiếp phù hợp với những dự báo trước đó của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ, cơ quan dự báo đại dịch sẽ khiến Hoa Kỳ thiệt hại mất gần 7.6 nghìn tỷ USD trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Khi ước tính phần tác động còn lại của 16 nghìn tỷ USD do virus gây ra cho Hoa Kỳ, hai kinh tế gia đã tìm cách đánh giá tổn thất của các ca tử vong sớm liên quan đến COVID-19, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài và sự gia tăng các trường hợp sức khỏe tâm thần. Để đo lường tổn thất của các ca tử vong sớm, họ cho biết đã dựa vào kỹ thuật gán giá trị cho “các tuổi thọ thống kê”, đây là một thước đo gần đúng mà các kinh tế gia sử dụng dựa trên trị giá mà mọi người bỏ ra để giảm thiểu rủi ro tử vong hoặc bệnh tật.
“Mặc dù không có con số [ước tính] riêng lẻ nào được chấp nhận rộng rãi, nhưng một khoảng [ước tính] thường được sử dụng. Ví dụ, trong chính sách môi trường và sức khỏe, một tuổi thọ thống kê được giả định là trị giá 10 triệu USD. Với giá trị thận trọng hơn là 7 triệu USD cho mỗi nhân mạng, chi phí kinh tế cho những ca tử vong sớm dự kiến trong năm tới ước tính khoảng 4,4 nghìn tỷ USD,” các kinh tế gia viết.
Trong số những người nhiễm virus CCP và sống sót, một số có khả năng bị các biến chứng đáng kể mang tính dài hạn về sức khỏe. Hai kinh tế gia giả định rằng số người sống sót sau khi nhiễm bệnh COVID-19 nghiêm trọng cao gấp 7 lần số người tử vong, và khoảng 1/3 số người sống sót sẽ bị các biến chứng lâu dài. Theo đó, họ ước tính chi phí do việc suy giảm sức khỏe lâu dài là 2,6 nghìn tỷ USD.
Họ cũng giả định rằng 29 điểm phần trăm trong các trường hợp lo âu và trầm cảm được báo cáo bổ sung kể từ tháng 4 so với cùng thời kỳ năm 2019 có thể là do tác động của việc phong tỏa do dịch COVID-19.
“Những dữ liệu này ước tính có thêm khoảng 80 triệu người mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan đến COVID-19. Nếu, và phù hợp với các ước tính phổ biến, chi phí của những trường hợp này được ước tính khoảng 20,000 USD mỗi người mỗi năm và các triệu chứng sức khỏe tâm thần chỉ kéo dài trong 1 năm, thì thiệt hại của những tổn thất này có thể lên tới khoảng 1,6 nghìn tỷ USD,” họ viết.
Tổng con số ước tính này lên tới 16,1 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 90% GDP hàng năm ở Hoa Kỳ.
“Tổn thất sản lượng ở mức độ này là rất lớn. Tổn thất kinh tế lớn hơn gấp đôi tổng số tiền chi trả cho tất cả các cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã tham gia kể từ ngày 11/9/2001, bao gồm cả những cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và Syria,” họ viết.
Hai kinh tế gia lập luận rằng các khuyến nghị về chính sách dựa trên những kết luận của nghiên cứu này, bao gồm việc xét nghiệm dân số trên diện rộng và truy tìm dấu vết liên hệ.
“Tối thiểu 5% [chi phí] của bất kỳ phương án can thiệp cứu trợ kinh tế do COVID-19 [gây ra] nào đều nên được dành cho các biện pháp y tế như vậy,” họ viết.
“Việc tăng cường đầu tư vào xét nghiệm và truy tìm dấu vết liên hệ có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn ít nhất 30 lần so với chi phí ước tính của việc đầu tư vào các phương pháp đó.”